Thông điệp ý nghĩa về hành trình trưởng thành

Tác phẩm Ngày xưa có một chuyện tình của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vừa khai thác tinh tế những rung động của tuổi cập kê, vừa truyền thông điệp về sự lựa chọn và hành trình trưởng thành trong tình yêu một cách sâu sắc. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cũng đang nhận được nhiều kỳ vọng sẽ chuyển thể thành công tinh thần của tác phẩm này.

Bối cảnh cũng góp một phần trong việc diễn đạt cảm xúc tâm lý của mỗi nhân vật

Trịnh Đình Lê Minh là đạo diễn của hàng loạt phim tài liệu và phim ngắn trước khi làm phim điện ảnh Thưa mẹ con đi (2019) và Bằng chứng vô hình (2020). Anh để lại dấu ấn trên màn ảnh rộng với cách kể chuyện riêng biệt, khéo léo lồng ghép tính nghệ thuật, cài cắm dụng ý trong những điều gần gũi nhất. Khi nhận trọng trách biến những trang sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thành dòng chảy cảm xúc trên màn ảnh rộng, Trịnh Đình Lê Minh cho rằng, sự trung thành với tinh thần của tác phẩm gốc và chân thành khi kể câu chuyện là điều quan trọng nhất với anh. 

Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ, để dưa một tác phẩm văn học mang đậm dấu ấn riêng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lên phim, anh đọc rất kỹ tác phẩm của ông và nhận thấy, bên cạnh việc khai thác tinh tế những rung động của tuổi cập kê, cuốn sách còn khai thác những lựa chọn và trưởng thành trong tình yêu một cách sâu sắc. Đây là câu chuyện rất đỗi dịu dàng những cũng thật dữ dội và có lẽ là tác phẩm đầu tiên mà nhà văn miêu tả nhân vật trong khoảnh khắc gần gũi một cách gợi cảm đến vậy. 

Nét “quyến rũ ngầm” mà chính Phúc cũng không hay biết ở bản thân mình vô tình trở thành điểm thu hút Miền

Anh dành nhiều thời gian để chuẩn bị cho dự án, từ khâu tuyển chọn đến việc tập luyện diễn xuất với diễn viên. Điểm mạnh trong diễn xuất và ngoại hình của ba diễn viên được anh khai thác hiệu quả, phục vụ cho mục đích kể câu chuyện từ ba góc nhìn khác nhau. Anh cho biết: “Từ ba góc nhìn của ba nhân vật, chúng ta có cơ hội được nhìn thấy và đồng cảm trước những cảm xúc vụn vỡ, những góc khuất, cảm giác chuộc lỗi của tâm hồn mà nhân vật đang gánh chịu. Với bộ phim này, tôi vẫn trân trọng và thương yêu những người phụ nữ, muốn họ được kể câu chuyện của mình, muốn họ thật sự sống những cảm xúc riêng tư, những nỗi bận lòng, cả những toan tính và sự hy sinh”. 

 Đồng hành cùng đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, nhà sản xuất - đạo diễn hình ảnh Trinh Hoan đã khai thác vẻ đẹp thiên nhiên của vùng đất Phú Yên để góp phần kể câu chuyện thật sinh động. Theo đạo diễn hình ảnh Trinh Hoan, bên cạnh những cảnh quay góc rộng, sử dụng flycam để thấy khung cảnh tráng lệ từ trên cao thì những góc máy cận cũng được đầu tư không kém về mặt thiết bị, ánh sáng, kỹ thuật bởi tầm qaun trọng trong việc khắc họa tâm lý nhân vật. Đặc tả những rung động cảm xúc của nhân vật thành hình ảnh, không cần quá nhiều lời thoại, chuyển động mà tập trung vào từng chi tiết nhỏ, từ đó góp phần làm nên “ngôn ngữ điện ảnh” cho bộ phim. Không chỉ có bối cảnh, Trinh Hoan còn khéo léo sử dụng các hình thái thời tiết nhằm đánh dấu các cột mốc trưởng thành của Vinh, Miền, Phúc.

Ngày xưa có một chuyện tình còn là câu chuyện về gia đình

Nhà sản xuất Nhi Bùi thì cho rằng làm kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng luôn là một thách thức đối với biên kịch. Khi đọc sách, độc giả đã nắm được câu chuyện thì yếu tố bất ngờ không còn được ưu tiên hàng đầu. Thay vào đó, việc triển khai những tình huống, lời thoại từ câu văn thành hình ảnh sao cho gần gũi tự nhiên nhất mới là điều quan trọng. Hai biên kịch Nhi Bùi và Đồ Hoa Trà triển khai kịch bản với mong muốn giữ gìn và phát triển thông điệp quan trọng nhất trong truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trên phim. Đó chính là thông điệp về sự trưởng thành, cùng với việc lớn lên và học được nhiều điều hơn thì luôn có cả sự mất mát trong đó. 

 Bộ ba diễn viên chính chia sẻ, hành trình trưởng thành của nhân vật cũng chính là hành trình đầy cảm xúc. Với Avin Lu là cảm giác xúc động nghẹn ngào trước tấm chân tình vượt thời gian mà Vinh dành cho Miền và thắp lên hy vọng về một tình yêu trong sáng, đẹp đẽ vô điều kiện vẫn còn tồn tại dẫu cuộc đời bao sóng gió. Còn với Miền, hành trình trưởng thành đánh dấu bằng những sự lựa chọn khó khăn. Càng lớn, Miền càng phải đưa ra nhiều lựa chọn, không đơn thuần là chọn tình yêu của Vinh hay Phúc, mà là lựa chọn giữa tình yêu và tình bạn, giữa bản thân và gia đình, giữa hạnh phúc của mình hay hạnh phúc cho người khác. Mỗi quyết định của Miền khiến khán giả vừa giận vừa thương bởi nó từng bước thay đổi cuộc đời cô theo hướng không ngờ tới. Biến cô từ một người con gái trong trẻo trở thành một phụ nữ tảo tần, với những tổn thương chất chồng.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã dành lời ngợi khen cho diễn xuất của Đỗ Nhật Hoàng trong vai Phúc bởi đã khắc họa hành trình trưởng thành của Phúc tự nhiên như đời sống: một cậu trai đôi mươi bối rối với tình yêu đầu đời, một người đàn ông chất chứa dằn vặt để rồi bùng nổ cảm xúc về cuối phim. Trái ngược với cậu bạn thân, Phúc bản lĩnh rắn rỏi nhưng cũng bộc lộ cả phần bồng bột khi lao vào những trận đánh nhau trước công trường để bảo vệ Vinh “còm”. Mâu thuẫn của một cậu trai xốc nổi còn biểu hiện ở việc luôn thúc giục bạn tỏ tình và còn nhiệt tình trở thành người kết nối giúp Vinh được gần Miền hơn, nhưng cũng giấu trong tim những tình cảm chớm nở dành cho Miền. Tính cách sôi nổi, nhiệt tình của Phúc chính là “mảnh ghép” còn thiếu trong bộ ba. Sự tự tin, dí dỏm nhưng rất bản lĩnh của Phúc bên cạnh sự điềm tĩnh, chậm rãi, nhút nhát của Vinh tạo nên không ít tình huống hài hước và xúc động trong phim. Đồng thời, nét “quyến rũ ngầm” mà chính Phúc cũng không hay biết ở bản thân mình vô tình trở thành điểm thu hút Miền, khiến cô đem lòng yêu người bạn thân nhất của Vinh, từ đó tạo ra một “tam giác tình yêu” mang lại nhiều day dứt cho người xem.

Một trong những bối cảnh quan trọng trong phim là con suối tại xã Hoà Xuân Nam, huyện Đông Hoà

Song song với tuyến nhân vật ở tuổi 17, các diễn viên nhí Thanh Tú, Mona Bảo Tiên và Hạo Khang trong vai bộ ba thời thơ ấu cũng là những mảnh ghép quan trọng của câu chuyện. Không chỉ có mối liên kết chặt chẽ với giai đoạn trưởng thành mà những câu chuyện của thời thơ ấu cũng lý giải cho dòng cảm xúc mãnh liệt trong tình yêu, tình bạn giữa Vinh, Miền, Phúc.

Ngày xưa có một chuyện tình không chỉ là một bộ phim về tình bạn và tình yêu mà còn là những câu chuyện gia đình. Gia đình là nơi đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tính cách, quan niệm về tình yêu và cuộc sống sau này của mỗi đứa trẻ. Vinh, Miền và Phúc lớn lên trong những hoàn cảnh khác nhau, bởi vậy ba nhân vật có những góc nhìn riêng về tình yêu và cách thể hiện tình yêu. Khi trưởng thành, họ tự đưa ra lựa chọn nhưng những quyết định này thực chất cũng chịu ảnh hưởng khá nhiều từ những ký ức hay thói quen mà gia đình để lại. Cha mẹ mất sớm, Vinh lớn lên cùng bà Vọng và cậu Huân. Nếu bà Vọng luôn dịu dàng, hết lòng chăm sóc để bù đắp tình yêu thương cho Vinh thì cậu Huân lại là người có ảnh hưởng khá lớn đến quan niệm về tình yêu của Vinh. Những câu triết lý có phần mùi mẫn của cậu Huân gieo vào lòng Vinh một hạt giống tình yêu trong sáng, chân thành và nó nảy nở vững chãi cho đến khi Vinh trưởng thành.

Ngược lại, Phúc lớn lên bên ông nội trong khi chú Chước ba Phúc làm lái xe đường dài nên vắng nhà quan năm. Tuy thương yêu con cháu nhưng cách biệt thế hệ và những định kiến trong lòng khiến ông giáo Dưỡng trở nên khó tính, thường quát mắng bố con Phúc. Khoảng thời gian ở bên ba luôn ít ỏi, lại thường sợ ông nội nên Phúc lớn lên với những khoảng trống về tình yêu, sự chia sẻ. Điều này lý giải cho những gì Phúc lựa chọn trong tình bạn và tình yêu.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh 

Tuy đầy đủ ba mẹ, anh chị em nhưng nhà Miền lại không hề êm ấm khi chú Sau Thôi ba cô nghiện rượu, ưa quát tháo vợ con còn cô Sáu thì âm thầm chịu đựng. Hoàn cảnh gia đình phức tạp đã khiến Miền tự ti và gây nên những vết thương lòng âm ỉ, khiến cô không ngừng trăn trở về hạnh phúc, hôn nhân và khát khao tự do lựa chọn tình yêu, theo đuổi ước mơ khi trưởng thành.

Không thể không nhắc đến một “nhân vật” đặc biệt trong phim, đó là những cảnh sắc lãng mạn đầy hoài niệm của Phú Yên, góp phần quan trọng vào việc khắc họa tính cách và kể chuyện. Đó là những cụm nhà đồng nhất về kiến trúc với mái ngói đỏ và tường vàng ở xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa nằm xen kẽ giữa các ruộng lúa xanh bát ngát tạo nên ngôi làng Phô Thị thanh bình - nơi các nhân vật sinh sống. Tại xã hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa, ê kíp đã tận dụng đường bờ ruộng ngập nước cho những cảnh quay trên cao bằng flycam để thấy được sự thay đổi của mùa màng - cũng chính là ẩn dụ về những cột mốc trong hành trình trưởng thành của các nhân vật: mùa gieo mạ - thời thơ ấu, lúa lên xanh - thời niên thiếu và mùa lúa chín - lúc trưởng thành. Một trong những bối cảnh quan trọng là con suối tại xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, nơi chứa đựng những kỷ niệm quý giá về tình bạn thân thiết giữa Vinh và Phúc cũng như tình yêu trong sáng giữa Phúc và Miền. Con suối có dòng nước chảy xiết, ẩn mình giữa rừng sâu hiện lên thơ mộng qua các cảnh quay bằng flycam. Cảnh quay quan trong trong rẫy bắp cũng tốn không ít công sức. Đó là cảnh nhân vật Vinh và Phúc đốt cháy rẫy bắp năm 12 tuổi và cảnh quay Phúc và Miền chia tay nhau trong đêm mưa bão. 

 Vinh, Miền và Phúc đã cùng nhau đi qua thời thơ ấu tươi đẹp, bỡ ngỡ trước rung động đầu đời và đối diện với từng bước ngoặt hành trình trưởng thành. Dù lấy bối cảnh những năm 1992-1997, nhưng những vấn đề mà phim đặt ra vẫn gần gũi với đời sống hiện đại. Đó là quan niệm khác biệt về tình yêu giữa ba nhân vật chính, sự chấp nhận quá khứ và trân trọng hiện tại, tin tưởng vào điều tốt đẹp ở tương lai. Bên cạnh đó còn là giá trị của tình bạn, tình yêu, tình thân trong cuộc đời mỗi người.

Từ ba góc nhìn của ba nhân vật, chúng ta có cơ hội được nhìn thấy và đồng cảm trước những cảm xúc vụn vỡ, những góc khuất, cảm giác chuộc lỗi của tâm hồn mà nhân vật đang gánh chịu

Với Miền, cô không chỉ chọn giữa người mình yêu - Phúc và người yêu mình - Vinh mà cô còn là người phụ nữ đang đứng trước những lựa chọn đòi hỏi lý trí, tỉnh táo và ảnh hưởng đến những người thân xung quanh. Vinh lớn lên với nỗi dằn vặt trong lựa chọn: tỏ tình với Miền hay âm thầm giấu đi tình cảm, cho đến khi anh quyết định cho mình một cơ hội để theo đuổi hạnh phúc. Còn Phúc bị giằng xé giữa tình bạn với Vinh và tình yêu với Miền, lựa chọn rời đi hay ở lại để rồi chấp nhận hiện thực để gìn giữ những điều tốt đẹp còn sót lại.

Điều thấm thía nhất phim gửi đến người xem chính là cơ hội nhìn lại hành trình trưởng thành và bài học từ những sự lựa chọn. Phải chăng trong cuộc sống, mỗi người đều phải lựa chọn bởi không thể có tất cả? Và rằng, những lựa chọn này, dẫu đau đớn, vẫn là cách để con người ta lớn lên là tìm ra con đường phù hợp nhất.

Ngày xưa có một chuyện tình là phim Việt Nam duy nhất tham dự Chương trình phim dài dự thi (gồm 11 phim) tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII).

PHƯƠNG MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 586, tháng 10-2024

;