Dòng gốm men ngọc ở Việt Nam xuất hiện từ thế kỷ XI, phát triển rực rỡ vào thế kỷ XIII-XIV và kéo dài sang thế kỷ XV- XVI. Loại hình tập trung nhất là các loại đồ gia dụng như ấm, âu, bát, đĩa, chén tước, hũ, bình, lư... Các loại ấm thời Trần dáng quả dưa, thân khắc chìm dây lá hay bổ ô dọc thân, chia thành nhiều múi. Đa số vòi các ấm này tạo hình chân thú. Men phủ màu ngọc xanh xám hay vàng ngà. Các dáng âu men ngọc hình trụ, thành ngoài in nổi băng cánh cúc, cánh sen, có miệng cúp, thành cong hay thành vát. Bát, đĩa men ngọc thời Lý, trong lòng in nổi hoa sen, hoa cúc có phần gần gũi loại bát, đĩa thời Tống. Bát, đĩa men ngọc thời Trần thường thấy in nổi trong lòng hoa lá cúc, mây sòi, hoa sen chia thành băng dải mà rất hiếm gặp hình tượng rồng -Phượng.
[1]
Các cuộc khai quật khảo cổ học những di tích lịch sử- văn hóa trên nhiều tỉnh thành, đặc biệt là khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long, đã mang lại rất nhiều hiện vật cung cấp cho các bảo tàng và nguồn tài liệu khoa học góp phần nâng cao tri thức và hiểu biết mới. Đó là cả một kho tàng vô giá được xác định niên đại có căn cứ nguồn gốc phát hiện với địa tầng cụ thể. Đây cũng là những dấu mốc niên đại rất đáng chú ý. Tuy nhiên, các hiện vật qua khai quật khảo cổ này, phần nhiều là mảnh vỡ, rất hiếm hiện vật nguyên lành (1). Hơn nữa, những hiện vật nguyên lành, trang trí độc đáo lại thường nằm trong các sưu tập tư nhân hay Bảo tàng nước ngoài. Một dấu mốc khác cũng đặc biệt là dựa vào những hiện vật có minh văn cho biêt khá chính xác về niên đại tạo tác. Trên dữ liệu đó cho phép so sánh các mẫu hoa văn, kiểu dáng, mầu men với những đồ gốm cùng thời khác. Nhưng những đồ gốm men ngọc thời Trần hiện biết có rất ít minh văn. Trong khi đó các mẫu hoa văn có tính chỉ định niên đại của hiện vật là hình tượng rồng - phượng, một tiêu chí quan trọng có thể hỗ trợ khả quan. Bởi vì qua các thời đại lịch sử trước đây, mỗi thời đại hình tượng rồng- phượng có những đặc trưng riêng biệt khá rõ. Hơn nữa, dù xuất hiện trên loại hình nào hay chất liệu tạo tác khác nhau, hình tượng rồng - phượng vẫn có sự tương đồng nhất định. Chính vì vậy, thông qua tập hợp tài liệu đã công bố thuộc sưu tập của tư nhân ở trong và ngoài nước, bài viết này sẽ giới thiệu về loại bát men ngọc thời Trần in nổi rồng mây, nhằm góp thêm vào việc nghiên cứu dòng gốm men ngọc thời Trần.
1. Bát gốm men ngọc trong sưu tập của Đặng Đình Thuật (Ninh Bình)
Năm 2023 chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với sưu tập gốm cổ của ông Đặng Đình Thuật ở thành phố Ninh Bình. Thừa hưởng những đồ gốm cổ của cha ông sưu tầm để lại, cho đến nay, sưu tập gốm cổ của ông tập trung vào dòng gốm sứ cổ Việt Nam và Trung Hoa. Số lượng cổ vật trong sưu tập có tới gần 200 món. Chủ đề tập trung sưu tầm của ông vào mảng đồ gốm sứ thời Trần, đặc biệt là gốm men ngọc và gốm men lục.
[2]
Các loại hình đồ gốm men ngọc của sưu tập này, đáng chú ý là loại bát gốm men ngọc in nổi hình rồng, phượng, hoa sen và băng hồi văn chữ S đầu vuông. Trong đó nổi bật nhất là chiếc bát gốm men ngọc ngả vàng, hiện trạng nguyên lành, thời Trần, thế kỷ XIII- XIV. Bát có chiều cao 9,5cm, đường kính miệng 22,5cm, miệng loe, thành cong, chân đế thấp, đáy lõm, không men. Đặc biệt, giữa lòng in nổi bông hoa sen nhiều cánh và dấu bàn kê 5 mấu, thành trong bát in nổi 2 hình rồng kiểu “yên ngựa” và mây, tư thế đuổi nhau theo chiều ngược kim đồng hồ. Đầu rồng ngẩng cao, miệng há rộng, răng sắc nhỏ, mào dáng ngọn lửa, má tròn, thân rắn thon dài, uốn khúc, không có vẩy, vây lưng tỉa riêng hình tia lửa nhỏ, dày và đều, bờm dài hất ra phía sau, bốn chân ngắn, mỗi chân ba ngón, móng nhọn giống chim ưng. Hình rồng này hoàn toàn khác so với hình rồng thời Tống, riêng phần đầu có nét ảnh hưởng con Makara trong nghệ thuật Champa. Bao quanh 2 hình rồng có băng hồi văn chữ S đầu vuông nổi nhưng do lớp men dầy chỉ còn rõ một vài đoạn (ảnh 1) (2).
2. Bát gốm men ngọc trong sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Birmingham (Vương quốc Anh)
Trong cuốn sách Dragon and lotus blossoms Vietnamese Ceramics from the Birmingham Muséum of Art (Rồng và hoa sen nở bừng trên đồ gốm Việt Nam từ Bảo tàng Nghệ thuật Birmingham) do 2 đồng tác giả John A. Stevenson and Donald A Wood xuất bản năm 2011 có giới thiệu hình ảnh của chiếc bát gốm men ngọc ngả vàng, thời Trần, thế kỷ XIII- XIV (3). Chiếc bát này thuộc sở hữu của Bảo tàng Nghệ thuật Birmingham (Vương quốc Anh). Chiếc bát vốn là di chúc của William M. Spencer III AF 174.2010. Bát có chiều cao 3 ¾ inches = 9,5 cm; đường kính miệng 9 3/8 inches = 23,8 cm, miệng loe, thành cong, chân đế thấp, đáy lõm, không men.Trong lòng bát cũng có cấu trúc tương tự chiếc bát trên. Giữa lòng bát là bông hoa sen, dấu bàn kê 5 mấu. Thành trong in nổi 2 hình rồng kiểu “yên ngựa” và mây, tư thế đuổi nhau theo chiều ngược kim đồng hồ. Đây là hình rồng 3 móng giống với hình rồng trong chiếc bát trên của Đặng Đình Thuật. Dù lớp men phủ khá dày nhưng vẫn nhận ra băng hồi văn chữ S đầu vuông nổi bao quanh 2 hình rồng, (ảnh 2). So sánh kiểu dáng, men và hoa văn cùng kích thước gần nhau giữa 2 chiếc bát, chúng tôi có cảm giác như cùng được sản xuất trong một lò gốm thời Trần ?
[3]
3. Bát gốm men ngọc trong sưu tập cổ vật An Biên (Hải Phòng)
Bát có chiều cao 7,5cm; đường kính miệng 17,5cm, miệng loe, thành cong, chân thấp, giữa lòng in nổi 4 dải mây hình khánh, đuôi dải mây chụm vào chính giữa, dấu bàn kê 4 mấu. Thành trong bát in nổi 2 hình rồng, chân 3 móng, lưng rồng uốn kiểu “yên ngựa”và mây, tư thế đuổi nhau theo chiều thuận kim đồng hồ. Bao quanh 2 hình rồng là băng dây lá hình sin. Men ngọc ngả vàng, rạn nhỏ trong men. Thành ngoài chấm men nâu kiểu “da báo”. Đây là chiếc bát gốm men ngọc thời Trần, thế kỷ XII- XIV (ảnh 3). Chiếc bát này đã được giới thiệu trong sách Cổ vật Hải Phòng (4) và trong tập san Art of Asia Autumm 2023 (5).
4. Bát gốm men ngọc trong sưu tập Tangerang Selatan, Indonesia
Bát có chiều cao 7,5 cm; đường kính miệng 17,5 cm, miệng loe, thành cong, chân thấp, đáy tô son nâu. Theo tài liệu của nhà đấu giá Trocadero.com, bát trong tình trạng đã được tu sửa. Gờ miệng bát cắt khấc hình cánh hoa. Thành ngoài chia 17 ô cánh hoa hình thang tương ứng với gờ miệng. Giữa lòng bát in nổi 3 dải mây hình khánh trong ô tròn lõm và dấu bàn kê 5 mấu. Thành trong bát in nổi hình rồng và phượng đối xứng. Hình rồng kiểu “yên ngựa”, chân 3 móng. Hình phượng dang rộng 2 cánh, đuôi 3 dải uốn dài. Giữa hình rồng và phượng in nổi các dải mây hình khánh. Bao quanh hình rồng - phượng là đường viền uốn lượn có điểm thêm các dải lá uốn. Men ngọc phủ đều cả trong lòng và thành ngoài bát màu vàng ngà (ảnh 4).
[4]
Với 4 chiếc bát men ngọc trên đây, dù có hạn chế về nguồn gốc phát hiện, không có địa tầng khảo cổ nhưng có điểm chung là cùng thuộc loại bát gốm men ngọc thời Trần, thế kỷ XIII- XIV, sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên , so sánh về cấu trúc hoa văn, chúng tôi nhận thấy 2 chiếc bát trong sưu tập của Đặng Đình Thuật và Bảo tàng Nghệ thuật Birmingham khá tương đồng với bố cục của loại gạch lát nền thời Đinh (Hoa Lư). Giữa lòng là bông hoa sen, bao quanh là băng hồi văn chữ s gấp khúc. Do vậy phải chăng, 2 chiếc bát này được sản xuất vào cuối thời Lý hay đầu thời Trần, thế kỷ XIII?
Hình rồng in nổi trong lòng 4 chiếc bát đều có kiểu “yên ngựa”, chân 3 móng. Cấu trúc hình rồng này rất gần gũi với hình rồng chạm nổi trên bia đá ở chùa Sùng Khánh (Hà Giang), tạo khắc năm 1367 (ảnh 5). Cặp rồng đôi in nổi ở thành trong bát men ngọc thời Trần là cấu trúc mở đầu cho kiểu in nổi cặp rồng đuổi 5 móng in nổi hay vẽ lam cobalt trong lòng bát, đĩa ngự dụng thời Lê Sơ, thế kỷ XV, đã phát hiện trong khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long.
[5]
Bốn chiếc bát gốm men ngọc đều in nổi hình rồng 3 móng này phải chăng có thể liên quan đến loại hình bát đĩa gốm Ngự dụng dưới thời Trần. Bởi vì, dưới thời Trần chưa có sự phân biệt đẳng cấp giữa cung đình và bình dân, hay nói cách khác, nghệ thuật cung đình chưa tách rời với nghệ thuật dân gian.
__________________
Tài liệu tham khảo
1. Lê Thị Bính, Đặc trưng gốm men ngọc thời Trần trong Hoàng thành Thăng Long, Kinh thành cổ Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2023, tr 128-159.
2. Xem thêm Nguyễn Đình Chiến, Sưu tập gốm cổ của Đặng Đình Thuật (Ninh Bình), Nxb. Thanh Niên, Hà Nội 2023.
3. John A. Stevenson and Donald A Wood: Dragon and lotus blossoms Vietnamese Ceramics from the Birmingham Muséum of Art (Rồng và hoa sen nở bừng trên đồ gốm Việt Nam từ Bảo tàng Nghệ thuật Birmingham), Seattle and London, 2011, p 71.
4. Nguyễn Bá Thanh Long (Chủ biên), Cổ vật Hải Phòng, Hội cổ vật Hải Phòng - Bảo tàng Hải Phòng, 2009.
5. Kerry Nguyen Long and Nguyen Dinh Chien, Ly -Tran Ceramics from the An Bien Collection (Đồ gốm thời Lý Trần từ sưu tập An Biên). Art of Asia Autumm 2023, PP 136-143.
NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 586, tháng 10-2024