“Thực trạng tiếp cận các xuất bản phẩm của người khuyết tật chữ in tại Việt Nam”

Ngày 11-10-2023, tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả - Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo nghiên cứu “Thực trạng tiếp cận các xuất bản phẩm của người khuyết tật chữ in tại Việt Nam”. Chủ trì Hội thảo có: bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả; bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học đến từ một số Bộ, ngành liên quan; các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; Liên hiệp Hội, Hội, tổ chức xã hội dành cho người khuyết tật; một số nhà xuất bản, thư viện phục vụ người khuyết tật; các trường, cơ sở đào tạo người khuyết tật và các cơ quan thông tấn báo chí tham dự đưa tin.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Chung tay tay xây dựng tương lai hòa nhập: Thực hiện Công ước quốc tế về Quyền của người khuyết tật thông qua hợp tác hiệu quả” do Cục Bản quyền tác giả phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) thực hiện.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả chia sẻ, ngay sau khi Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật năm 2007, Chính phủ đã ban hành, triển khai rất nhiều các chủ trương, chính sách, cũng như chỉ đạo các cơ quan tham mưu, phối hợp với các cơ quan tổ chức có liên quan triển khai các hoạt động nhằm trợ giúp những người khuyết tật (NKT), tạo điều kiện cho cơ hội bình đẳng, đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng, hợp pháp, động viên để NKT phát huy năng lực vươn lên hòa nhập, đóng góp cho xã hội.

Hiện nay, công tác chăm lo cho NKT đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng đời sống của một bộ phận không nhỏ những NKT còn gặp nhiều khó khăn, vẫn còn những NKT chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách trợ giúp của nhà nước về y tế, văn hóa, giáo dục, dạy nghề, việc làm… Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện nhiều nhiệm vụ cụ thể thiết thực để giảm thiểu tối đa những thiệt thòi và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NKT. Trong đó, Bộ VHTTDL được giao nhiệm vụ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và đề xuất gia nhập Hiệp ước để tạo điều kiện thuận lợi cho NKT nhìn, NKT không có khả năng đọc chữ in và NKT khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc chữ in theo cách thông thường của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới mà chúng ta thường gọi tắt là Hiệp ước Marrakesh.

Bà Phạm Thị Kim Oanh cũng cho biết, Bộ VHTTDL đã tham mưu, đề xuất, sửa đổi bổ sung điều 25a về ngoại lệ quyền tác giả dành cho NKT mà trong đó là NKT chữ in để bổ sung vào Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Luật này đã được Quốc hội thông qua ngày 16-6-2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023. Hồ sơ đề nghị gia nhập Hiệp ước Marrakesh cũng đã được Chính phủ chấp thuận trình Chủ tịch nước xem xét phê duyệt. Việt Nam đã chính thức đệ trình hồ sơ tới tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và Hiệp ước đã chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 6-3-2023. Bộ VHTTDL đã phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Ngày 26-4-2022, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới cũng đã được Chính phủ thông qua, ban hành Nghị định số 17 năm 2023, trong đó có điều 30 quy định về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho NKT.

Bà Phạm Thị Kim Oanh nhấn mạnh, với những hành lang pháp lý đó, đã có sự thay đổi đáng kể để tạo điều kiện cho những NKT, trong đó những NKT chữ in có thể tiếp cận được các tác phẩm với những ngoại lệ mà pháp luật đã dành cho họ. Đồng thời, hiện nay, Bộ VHTTDL cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định xửa phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Theo số liệu điều tra quốc gia tại Việt Nam về NKT năm 2019 cho thấy trong khoảng 6,2 triệu NKT thì có tới 1.030.000 người khiếm thị, chưa tính đến các dạng khuyết tật chữ in khác. Những rào cản tiếp cận thông tin thông qua xuất bản phẩm (XBP) đã góp phần dẫn đến hạn chế, những cơ hội học tập, có việc làm và hòa nhập xã hội của rất nhiều NKT chữ in.

Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo các báo cáo viên sẽ giới thiệu dự thảo báo cáo nghiên cứu về “Thực trạng tiếp cận các xuất bản phẩm của người khuyết tật chữ in tại Việt Nam”, do Hội Người mù Việt Nam phối hợp với UNDP (Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc) thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với sự tham gia của trên 1200 NKT chữ in. Đồng thời, giới thiệu nội dung Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan, trong đó có Điều 37.3 quy định xử phạt liên quan đến các ngoại lệ bản quyền dành cho người khuyết tật. Mục đích chính của báo cáo là khảo sát nhu cầu, đánh giá thực trạng, rào cản tiếp cận các sản phẩm của NKT chữ in, đánh giá ảnh hưởng của những hạn chế tiếp cận các XBP đến cơ hội giáo dục, việc làm và hòa nhập xã hội của NKT chữ in cũng như phân tích một số bài học kinh nghiệm quốc tế để đảm bảo quyền tiếp cận XBP cho NKT chữ in có thể áp dụng tại Việt Nam và đồng thời đề xuất giải pháp nâng cao cơ hội tiếp cận các XBP cho NKT chữ in.

Với mục tiêu dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho NKT, Phó Cục trưởng Phạm Thị Kim Oanh mong muốn các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, đề xuất những giải pháp cụ thể để hoàn thiện dự thảo Báo cáo “Thực trạng tiếp cận các xuất bản phẩm của người khuyết tật chữ in tại Việt Nam” và Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan; tạo điều kiện cho việc tiếp cận thông tin, tri thức của NKT, đồng thời trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chung tay xây dựng tương lai hòa nhập, thực hiện có hiệu quả Công ước quốc tế về quyền của NKT, Hiệp ước Marrakesh và Luật Sở hữu trí tuệ và cùng các quy định pháp luật có liên quan.

Bà Đỗ Thu Ngọc đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, bà Đỗ Thu Ngọc, đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết, việc tiếp cận tri thức thông qua XBP coi là một quyền cơ bản của con người, nó mở ra rất nhiều cơ hội học tập, việc làm, chăm sóc sức khỏe hay tham gia các hoạt động chính trị xã hội. Tuy nhiên việc thiếu những ấn phẩm ở định dạng dễ tiếp cận đã hạn chế, thậm chí tước đi rất nhiều những quyền tiếp cận tri thức của một bộ phận NKT chữ in. Theo ước tính trên thế giới có khoảng 300 triệu người khiếm thị, chưa tính các dạng khuyết tật hành vi khác như khuyết tật vận động, nhận thức hoặc giác quan cũng làm hạn chế khả năng đọc sách của họ. Tại các nước đang phát triển thực ra chỉ có 1% ấn phẩm được chuyển sang các định dạng dễ tiếp cận như chữ nổi, chữ phóng to hay là audio. Do đó tình trạng khan hiếm sách đã gần như đi ngược lại tinh thần và nghĩa vụ trong Công ước quốc tế về quyền của NKT.

Theo bà Đỗ Thu Ngọc, Hiệp ước Marrakesh đã gỡ bỏ rất nhiều rào cản pháp lý, giúp cho hàng triệu NKT chữ in trên thế giới tiếp cận được tri thức mới và thuận lợi hơn. Việt Nam tham gia Hiệp ước Marrakesh vào tháng 12-2022, và chính thức có hiệu lực vào ngày 6-3-2023, cũng có một dấu hiệu rất là thiết thực cho những NKT chữ in ở nước ta. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về NKT chữ in và đối tượng hưởng lợi của Hiệp ước rất quan trọng, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, dữ liệu về nhóm khuyết tật này còn rất là khan hiếm, gây khó khăn cho việc đảm bảo quyền lợi chính sách và cũng như việc đưa ra các chính sách đích đáng trong việc tiếp cận thông tin. Bà Đỗ Lê Thu Ngọc cũng mong muốn thông qua buổi Hội thảo tham vấn này, sẽ nhận được nhiều đóng góp cho những phát hiện chính và các khuyến nghị báo cáo, để cho nghiên cứu có giá trị hữu ích hơn trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, đảm bảo quyền tiếp cận XBP cho NKT chữ in.

Báo cáo nghiên cứu “Thực trạng tiếp cận các xuất bản phẩm của người khuyết tật chữ in tại Việt Nam” do nhóm nghiên cứu gồm: TS Nguyễn Trung Hải, Trường Đại học Lao động - Xã hội; Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam; Đào Thu Hương, UNDP tại Việt Nam và các cộng sự nghiên cứu thực hiện.

TS Nguyễn Trung Hải, Trường Đại học Lao động - Xã hội đại diện cho nhóm nghiên cứu trình bày Báo cáo

Tại Hội thảo, TS Nguyễn Trung Hải, Trường Đại học Lao động - Xã hội, đại diện cho nhóm nghiên cứu trình bày Báo cáo nghiên cứu “Thực trạng tiếp cận các xuất bản phẩm của người khuyết tật chữ in tại Việt Nam”. Theo đó, việc tiếp cận tri thức thông qua XBP là quyền cơ bản của con người. Đó là điều kiện tiên quyết của sự phát triển hòa nhập và phát huy tiềm năng cá nhân, vì nó mở ra cho mọi người các cơ hội học tập, việc làm, chăm sóc sức khỏe, hay tham gia các hoạt động chính trị, xã hội. Tuy nhiên, việc thiếu những ấn phẩm ở định dạng dễ tiếp cận đã hạn chế, thậm chí tước đi quyền tiếp cận tri thức của một bộ phận người khuyết tật chữ in.

Theo ước tính, trên thế giới có hơn 300 triệu NKT chữ in, trong đó, hơn 90% sống tại các nước đang phát triển, nơi chỉ có dưới 1% số ấn phẩm được chuyển sang các định dạng dễ tiếp cận, như chữ nổi, chữ to, hoặc audio. Tình trạng "đói sách" đó đã đi ngược lại tinh thần và nghĩa vụ quy định trong Công ước Quốc tế về Quyền của người khuyết tật (CRPD). Để xóa "nạn đói sách" và thúc đẩy thực thi CRPD, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới đã thông qua Hiệp ước Marrakesh vào ngày 27-6-2013 tại Marrakesh, Morocco. Hiệp ước này hướng tới tạo điều kiện cho NKT chữ in (người mù, người khiếm thị, và các dạng khuyết tật chữ in khác) tiếp cận các XBP. Nhờ vậy, Hiệp ước này được coi như công ước quốc tế thứ hai về bảo vệ quyền của NKT.

Tại Việt Nam, số liệu Điều tra quốc gia về NKT năm 2016 cho thấy có hơn 1 triệu người mù và nhìn kém, chưa tính đến các dạng khuyết tật chữ in khác. Nhóm dân số này dự kiến tăng lên trong những thập kỷ tới do xu hướng già hóa dân số và gia tăng các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, dẫn đến suy giảm thị lực.

Việt Nam đã phê chuẩn CRPD vào năm 2015 và gia nhập Hiệp ước Marrakesh vào năm 2022. Do vậy, việc cải thiện khả năng tiếp cận XBP ở những định dạng phù hợp với NKT chữ in ngày càng trở thành một vấn đề quan trọng, giúp họ hiện thực hóa những quyền cơ bản nêu trong CRPD, hỗ trợ họ hòa nhập xã hội, và góp phần thực thi các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Trong khi Việt Nam đang tích cực nội luật hóa và thực thi Hiệp ước Marrakesh thì dữ liệu về NKT chữ in vẫn còn thiếu nghiêm trọng. Trong khi đó, đây là nhóm xã hội cần nói lên những rào cản thông tin mà họ đang gặp phải, từ đó đề xuất giải pháp cho những thách thức đó.

Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế trong cơ hội tiếp cận XBP của NKT chữ in như: nguồn tài liệu dành cho NKT chữ in không thực sự phong phú; hầu hết các tác giả và nhà xuất bản (Nxb) chưa sẵn sàng cung cấp XBP ở định dạng dễ tiếp cận, bởi họ coi thị trường dành cho NKT chữ in không mang lại hiệu quả kinh tế; Chỉ có khoảng 7% XBP đã công bố được chuyển đổi sang những định dạng dễ tiếp cận với NKT chữ in.

Mặc dù đã có những quy định chính sách trong hỗ trợ tiếp cận XBP, các điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý này đã phần nào giúp NKT chữ in dễ tiếp cận hơn với các XBP. Nhưng vẫn còn đó những khoảng trống chính sách, cũng như cần có nhiều chính sách khuyến khích các tổ chức xã hội tham gia vào chuỗi cung ứng XBP ở định dạng dễ tiếp cận cho NKT chữ in: chưa có chính sách khuyến khích áp dụng phương pháp xuất bản bao trùm, chính sách liên kết các nguồn cung XBP ở định dạng dễ tiếp cận, chính sách tạo ra chuỗi liên kết liên thư viện nhằm giảm lãng phí nguồn lực chuyển đổi, phân phối và trợ giúp NKT chữ in tiếp cận dễ hơn với các nguồn XBP ở định dạng phù hợp; chưa có điều khoản cụ thể nào đề cập đến việc hỗ trợ tài chính cho các Nxb để tạo ra các bản sao XBP ở định dạng dễ tiếp cận với NKT chữ in; chưa có quy định pháp lý mang tính ràng buộc các Nxb có trách nhiệm dành ra một tỷ lệ nhất định các XBP ở định dạng dễ tiếp cận cho NKT chữ in...

TS Nguyễn Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia phát biểu thảo luận

Phát biểu thảo luận TS Nguyễn Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia đã đánh giá cao Báo cáo nghiên cứu “Thực trạng tiếp cận các xuất bản phẩm của người khuyết tật chữ in tại Việt Nam”. Trên cơ sở đó có thể đề xuất ra các biện pháp hiệu quả nhằm xóa bỏ rào cản, tăng cơ hội tiếp cận XBP của NKT chữ in của Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Kim Hoa cũng đưa ra một số góp ý: về diễn giải khái niệm; mục đích còn dàn trải, cần ngắn gọn súc tích; làm rõ hơn về cơ sở đưa ra các lựa chọn số liệu thống kê; làm rõ hơn cách tiến hành các phương pháp nghiên cứu trong việc sử dụng bảng hỏi; về các căn cứ pháp lý cần được hệ thống hóa hơn để người đọc có cái nhìn tổng quan…

Trao đổi tại Hội thảo, ông Đoàn Hồng Sơn, Giám đốc, Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH IP MAX cũng đánh giá cao nội dung của Báo cáo. Báo cáo thực hiện mẫu khảo sát rất lớn, trên phạm vi toàn quốc, phương pháp thực hiện chuyên nghiệp, đánh giá nhận định đều được chứng minh, số liệu thống kê phân tích rõ ràng, thuyết phục. Báo cáo đã nêu ra được những khuyến nghị chính xác, quan trọng với từng chủ thể khác nhau như Chính phủ, tổ chức của NKT, NKT chữ in và các nhà cung cấp sản phẩm. Ông Đoàn Hồng Sơn cũng kiến nghị nên thêm đối tượng khảo sát từ phía cơ quan nhà nước, tổ chức của NKT và các chủ thể liên quan khác như nhà xuất bản để có đánh giá toàn diện hơn, nhiều góc độ hơn; về khoảng trống chính sách hỗ trợ XBP; việc tạo ra bản sao định dạng dễ tiếp cận từ tác phẩm được quyền tiếp cận; khoảng trống của pháp luật liên quan đến các Nxb, nhà cung cấp XBP như khó khăn về tài chính, sử dụng các tác phẩm để làm bản sao định dạng dễ tiếp cận; pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc chia sẻ bản sao tác phẩm ở định dạng dễ tiếp cận giữa các đối tượng thụ hưởng…

Ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam đánh giá cao Báo cáo nghiên cứu. Ông Hùng cũng chia sẻ thêm về việc người cao tuổi Việt Nam hiện đang già hóa, lão hóa và hầu hết sẽ trở thành NKT chữ in, dẫn đến nhu cầu tiếp cận chữ in rất lớn của người cao tuổi.

Phó Giám đốc Thư viện quốc gia Việt Nam Nguyễn Ngọc Anh cũng đánh giá cao báo cáo, tâm đắc với những khuyến nghị sâu sắc mà nhóm nghiên cứu đã dày công đưa ra liên quan đến lĩnh vực thư viện, các chính sách liên kết với những nguồn XBP, XBP định dạng dễ tiếp cận, đặc biệt là chính sách liên kết các chuỗi thư viện nhằm giảm lãng phí nguồn lực, chuyển đổi, phân phối và trợ giúp NKT chữ in tiếp cận dễ hơn nguồn XBP.

Bà Vương Thị Lý Phó Giám đốc Thư viện Hà Nội chia sẻ, Thư viện là cầu nối giữa tài liệu, nguồn lực thông tin của thư viện với bạn đọc. Thư viện Hà Nội có một phòng đọc riêng dành cho người khiếm thị, qua thực tế hoạt động, để thích nghi phù hợp với đối tượng này, thư viện đã đưa các tài liệu phục vụ xuống các chi hội của người khiếm thị. Thành phần tài liệu đặc biệt chú trọng vào nhóm tài liệu mang tính chất chữa lành cho những người yếu thế, tập trung vào các tài liệu như lịch sử, văn hóa, tâm lý, văn học. Phó Giám đốc Thư viện Hà Nội cũng mong rằng thông qua Báo cáo này sẽ thu hút các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đặc biệt là các tập đoàn lớn vào cuộc để những điều mong muốn của chúng ta tại Hội thảo này sẽ thành hiện thực.

Ông Nguyễn Thanh Tùng đại diện Cục Bản quyền tác giả trình bày Báo cáo nội dung dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan

Tại Hội thảo đại diện Cục Bản quyền tác giả ông Nguyễn Thanh Tùng đã trình bày nội dung dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan: Lấy ý kiến về nội dung Điều 37(3) quy định xử phạt liên quan đến ngoại lệ bản quyền cho người khuyết tật.

Theo Cục Bản quyền tác giả, Nghị định đã qua vòng lấy ý kiến giai đoạn 2 đăng trên Công thông tin điện tử Chính phủ, đang tổng hợp ý kiến để hoàn thiện, tiếp thu cũng như để trình lên Bộ Tư pháp thẩm định, tuy nhiên với mong muốn văn bản pháp lý phải đáp ứng thực thi có hiệu quả, Cục tiếp tục đón nhận các ý kiến đóng góp gửi về Cục Bản quyền tác giả - Bộ VHTTDL để tổng hợp, nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền xem xét.

Hội thảo còn được nghe ý kiến của đại diện Hội Bảo trợ người khuyết tật về trẻ mồ côi Việt Nam, Nxb Văn học, Hội Gia đình bại não Việt Nam, Trung tâm Sống độc lập của người khuyết tật Hà Nội.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh nhấn mạnh: “Hội thảo đã được nghe 2 bản trình bày liên quan đến Báo cáo nghiên cứu “Thực trạng tiếp cận các xuất bản phẩm của người khuyết tật chữ in tại Việt Nam” và dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan: Điều 37(3) quy định liên quan tới các ngoại lệ bản quyền cho người khuyết tật. Với các nghiên cứu đóng góp của báo cáo hiện nay, chúng tôi cũng như quý vị đánh giá là một nghiên cứu hết sức công phu và bài bản. Tuy nhiên cũng không thể tránh khỏi còn các nội dung cần phải bổ sung. Đề nghị đại diện nhóm nghiên cứu tiếp thu ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo, để khi báo cáo được thông qua, chúng tôi - những cơ quan thụ hưởng, cơ quan chính sách sẽ có được nhiều hơn nữa các hoạt động hỗ trợ cho NKT”.

Bà Phạm Thị Kim Oanh cũng khẳng định, bên cạnh những việc đã và đang làm hoàn thiện hành lang pháp lý, gia nhập điều ước quốc tế để có thể tiếp cận được không chỉ ở trong Việt Nam mà tới hơn 100 quốc gia trên thế giới. Với những nguồn sách vô cùng phong phú như vậy, với những nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước, không thể một mình chúng tôi có thể làm hết được. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng qua Hội thảo ngày hôm nay, với những ý kiến đóng góp rất hữu ích của các đại biểu, với những đề xuất trong các nhóm của báo cáo, chúng ta sẽ có nhiều hơn nữa các hoạt động tiếp theo sau này.

Bà Phạm Thị Kim Oanh cũng hy vọng, với sự chung tay hỗ trợ của các luật sư trong việc rà soát hành lang pháp lý, và việc tiếp cận giữa các bên đối tượng liên quan để có thể đi đến được với nhau. Các Nxb, các cơ quan, tổ chức cũng sẵn lòng có những hoạt động để hỗ trợ cho những NKT có thể tiếp cận được các sản phẩm, ấn phẩm một cách nhanh nhất, để họ có thể chuyển định dạng phục vụ đúng cho những NKT chữ in. Những tổ chức nhân đạo, những tổ chức quốc tế có nhiều hơn nữa các hoạt động hỗ trợ cho những NKT. Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cũng đề nghị UNDP có những hoạt động làm sao không chỉ hoàn thiện hành lang pháp lý, tiếp tục tuyên truyền mà còn kêu gọi những dự án có các máy móc, trang thiết bị làm sao để chuyển định dạng, để có nhiều hơn nữa những người khuyết tật có được cơ hội tiếp cận những tri thức, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện cho họ trong việc học tập, nghiên cứu cũng như là công ăn việc làm.

THANH DANH - Ảnh: TUẤN MINH

;