Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (HĐTNST) là các hoạt động giáo dục thực tiễn được tiến hành song song với hoạt động dạy học trong nhà trường phổ thông, có mối quan hệ bổ sung, hỗ trợ cho hoạt động dạy học. Quán triệt tinh thần, mục tiêu của Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, việc dạy học ngữ văn cho học sinh lớp 10 cần tăng cường thêm các HĐTNST nhằm phát triển, nâng cao các tố chất, tiềm năng của học sinh, nuôi dưỡng ý thức sống tự lập, sự quan tâm, chia sẻ tới những người xung quanh. Ở đây, chúng tôi trình bày về một số hình thức tổ chức HĐTNST cho học sinh lớp 10 thông qua chủ đề Văn học dân gian - Tìm về cội nguồn.
Theo Từ điển tiếng Việt, trải nghiệm được hiểu là trải qua, kinh qua. Để học hỏi, con người cần đến sự trải nghiệm, khám phá. Khám phá giúp con người nhận ra được cái đúng, cái sai trong cuộc sống, từ đó rút ra những bài học quý giá để hoàn thiện bản thân.
Trong dạy học ở phổ thông hiện nay, cụm từ HĐTNST được nhắc đến khá nhiều. Đây là các hoạt động giáo dục thực tiễn được tiến hành song song với hoạt động dạy học trong nhà trường phổ thông. Hoạt động này là một bộ phận của quá trình giáo dục, được tổ chức ngoài giờ học các môn văn hóa trên lớp và có mối quan hệ bổ sung, hỗ trợ cho các hoạt động dạy học khác. Thông qua việc tham gia vào các HĐTNST, học sinh được trải (kinh qua, tham gia), từ đó nghiệm (nhận thấy, rút ra) điều đúng, sai. Qua đó, hình thành, phát triển cho các em các giá trị sống, cũng như những năng lực cần thiết. HĐTNST về cơ bản mang tính chất của hoạt động tập thể trên tinh thần tự chủ, với sự nỗ lực giáo dục nhằm phát triển khả năng sáng tạo, cá tính riêng của mỗi cá nhân trong tập thể.
Với cách hiểu về HĐTNST như trên, có thể thấy bất kỳ môn học, lĩnh vực nào cũng có thể xây dựng nội dung trải nghiệm. Nội dung trải nghiệm sáng tạo rất đa dạng, mang tính tích hợp, tổng hợp kiến thức, kỹ năng của nhiều môn học, nhiều lĩnh vực học tập, giáo dục như: đạo đức, trí tuệ, kỹ năng sống, giá trị sống, nghệ thuật, thẩm mỹ, thể chất, an toàn giao thông, môi trường... Giáo viên có thể lựa chọn những vấn đề thiết thực, gần gũi với cuộc sống thực tế, đáp ứng được nhu cầu hoạt động của học sinh, giúp các em vận dụng hiểu biết vào thực tiễn cuộc sống một cách dễ dàng, thuận lợi.
HĐTNST là hoạt động giáo dục có ưu thế về quy mô tổ chức. Có nhiều cách tổ chức như: theo nhóm, lớp, khối lớp, trường hoặc liên trường. HĐTNST có khả năng thu hút sự tham gia, phối hợp, liên kết nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường như: giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cán bộ Đoàn, tổng phụ trách Đội, ban giám hiệu nhà trường, hội phụ huynh, chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở địa phương, các nhà hoạt động xã hội, những nghệ nhân, người lao động tiêu biểu ở địa phương…
Trong các môn học, ngữ văn là môn học giữ vị trí quan trọng trong chương trình đào tạo bậc trung học phổ thông. Đặc biệt, một bộ phận văn học rất quan trọng được đưa vào đầu chương trình lớp 10, đó chính là văn học dân gian. Văn học dân gian được ví như bầu sữa tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn người học. Học sinh tìm hiểu văn học dân gian không chỉ khám phá được cái hay, cái đẹp của sáng tác nghệ thuật ngôn từ, mà còn mở rộng vốn hiểu biết về văn hóa xã hội, phong tục tập quán, nếp sinh hoạt dân gian của dân tộc. Tuy nhiên, với đặc thù riêng của bộ phận văn học dân gian, những sáng tác có khoảng cách xa so với thực tại, chứa đựng những tư duy, những quan niệm thẩm mỹ của người xưa là những khó khăn lớn đối với người học hiện nay. HĐTNST chính là một trong những chìa khóa giúp giáo viên đưa học sinh trở về cội nguồn, hòa mình vào không gian văn hóa của những ngày đầu dựng nước, những năm tháng giữ nước và nhiều miền quê trên mọi miền tổ quốc. HĐTNST giúp học sinh chinh phục kho tàng tri thức một cách hiệu quả, nắm bắt được những giá trị tinh thần quý giá nhất trong đời sống tinh thần của con người bằng chính những hoạt động của các em. Từ đó, hình thành, phát triển cho người học những giá trị sống, cũng như năng lực cần thiết.
HĐTNST thông qua chủ đề Văn học dân gian - Tìm về cội nguồn nhằm nâng cao hiểu biết về văn học dân gian, hình thành kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tham gia và tổ chức hoạt động tập thể cho học sinh. Đồng thời, bồi dưỡng năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề, khả năng sáng tạo, năng lực thẩm mỹ, giao tiếp, hợp tác cho học sinh. Học sinh được bồi dưỡng thái độ tôn trọng các giá trị văn hóa của dân tộc, biết yêu thương con người, có sự rung cảm trước tác phẩm văn học dân gian.
Chủ đề được biên soạn dựa trên nội dung các bài học cụ thể trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 bao gồm các bài học văn học dân gian như: Chiến thắng Mtao Mxay (trích sử thi Đăm Săn); Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy; Tấm Cám; Nhưng nó phải bằng hai mày; Tam đại con gà; Ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa; Ca dao hài hước; Lời tiễn dặn (trích truyện thơ Tiễn dặn người yêu)... Các bài học tiếng Việt, làm văn trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 được tích hợp theo các chủ đề như: hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ; khái quát lịch sử tiếng Việt; đặc điểm ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết; chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu trong bài văn tự sự; lập dàn ý bài văn tự sự; miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự...
Nội dung và hình thức là một cặp phạm trù trong phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin. Nội dung là phạm trù chỉ tổng hợp tất cả những yếu tố, quá trình tạo nên sự vật. Còn hình thức là phạm trù chỉ phương thức tồn tại, phát triển của sự vật, là hệ thống các mối liên hệ tương đối bền vững giữa các yếu tố của sự vật đó. Nội dung của chủ đề Văn học dân gian - Tìm về cội nguồn được thể hiện thông qua một số hình thức cụ thể sau:
Diễn xướng dân gian
Diễn xướng dân gian là sinh hoạt văn nghệ của người dân sáng tạo ra trong quá trình lao động, tiếp xúc với thiên nhiên. Bằng lối: nói, ví, vè, hát, hò, trò, múa, ca, lễ, nhạc, họa..., họ thể hiện tất cả những tâm trạng lúc vui, lúc buồn của cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Diễn xướng dân gian đã thể hiện rất phong phú, đa dạng cuộc sống của người dân.
Với chủ đề Văn học dân gian - Tìm về cội nguồn, hình thức diễn xướng được triển khai theo hướng cuộc thi. Học sinh các lớp khối 10 tự tổ chức cuộc thi với quy mô nhỏ. Mỗi lớp sẽ có một tiết mục hát hoặc múa, hò, vè… để biểu diễn. Trong quá trình tham gia, học sinh sẽ hiểu được tâm tư, đời sống tình cảm của người xưa gửi gắm vào các tác phẩm.
Chuyển thể tác phẩm văn học dân gian thành kịch bản phim
Chuyển thể tác phẩm văn học dân gian thành kịch bản phim không phải là sáng tác toàn diện truyện phim, nhưng không phải vì thế mà không có tính sáng tạo. Trái lại, công việc trên đòi hỏi người viết phải đầu tư nhiều trí tuệ. Hình thức này được sử dụng để học sinh huy động trí tuệ của cả tập thể, cho ra lò một kịch bản phim. Có hiểu tác phẩm, đắm mình vào các câu truyện dân gian, học sinh mới đem được hơi thở của đời sống từ thuở hồng hoang vào kịch bản. Hình thức này cũng giúp cho học sinh phát huy được năng lực sáng tạo, năng lực sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật. Khi áp dụng hình thức chuyển thể tác phẩm văn học dân gian thành kịch bản phim, giáo viên có thể yêu cầu đại diện các lớp trình bày kết quả sáng tác của lớp mình (đã được giao nhiệm vụ và hoàn thành trước ngày tổ chức HĐTNST).
Diễn kịch
Không nên đồng nhất kịch và kịch bản văn học. Nói đến kịch là nói đến một loại hình của nghệ thuật sân khấu mang tính chất tổng hợp bao gồm nhiều hoạt động của diễn viên, đạo diễn, hóa trang, ánh sáng, âm thanh... Kịch bản văn học chỉ là một yếu tố, dù đó có thể là một trong những yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất của kịch.
Khác với sân khấu tương tác (một hình thức nghệ thuật tương tác dựa trên hoạt động diễn kịch, trong đó vở kịch chỉ có phần mở đầu đưa ra tình huống, phần còn lại được sáng tạo bởi những người tham gia), diễn kịch đòi hỏi các diễn viên phải thể hiện trọn vẹn vai diễn, qua đó toát lên nội dung tư tưởng của tác phẩm.
Đối với việc triển khai chủ đề Văn học dân gian - Tìm về cội nguồn, hoạt động trải nghiệm của học sinh là biểu diễn các tác phẩm văn học dân gian như: Tấm Cám; Truyện An Dương Vương và Mỵ Châu, Trọng Thủy; Chiến thắng Mtao Mxay... bằng cách sân khấu hóa. Học sinh sẽ thể hiện năng lực diễn xuất, khả năng nói trước đám đông và thể hiện sự ghi nhớ nội dung tác phẩm, làm sống lại tác phẩm văn học dân gian trong môi trường hiện đại. Thông qua các hình thức trình diễn bằng lời, học sinh sẽ làm sáng lên vẻ đẹp độc đáo của văn học dân gian, đồng thời có cơ hội hiểu sâu hơn về những giá trị văn hóa của quê hương, đất nước...
Sân khấu tương tác
Sân khấu tương tác (hay sân khấu diễn đàn) là một hình thức nghệ thuật tương tác dựa trên hoạt động diễn kịch, trong đó vở kịch chỉ có phần mở đầu đưa ra tình huống, phần còn lại được sáng tạo bởi những người tham gia. Phần trình diễn chính là một cuộc chia sẻ, thảo luận giữa những người thực hiện và khán giả, trong đó đề cao tính tương tác hay sự tham gia của khán giả. Mục đích của hoạt động này nhằm tăng cường nhận thức, thúc đẩy học sinh đưa ra quan điểm, suy nghĩ và cách xử lý tình huống thực tế gặp phải trong bất kỳ nội dung nào của cuộc sống. Thông qua sân khấu tương tác, sự tham gia của học sinh được tăng cường, tạo cơ hội rèn luyện nhiều kỹ năng như: phát hiện vấn đề, phân tích vấn đề, ra quyết định, giải quyết vấn đề, sáng tạo khi giải quyết tình huống, khả năng ứng phó với những thay đổi của cuộc sống…
Khi thực hiện chủ đề Văn học dân gian - Tìm về cội nguồn bằng hình thức sân khấu tương tác, cần chú ý: giáo viên giao nhiệm vụ cho mỗi lớp tự xây dựng một tình huống có liên quan đến văn học dân gian, đóng vai và trình diễn để các học sinh khác tham gia chia sẻ, thảo luận bày tỏ ý kiến của mình về tình huống đó.
Hoạt động nhân đạo
Hoạt động nhân đạo là hoạt động tác động đến trái tim, tình cảm, sự đồng cảm của học sinh trước những con người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thông qua hoạt động nhân đạo, học sinh biết cách chia sẻ, đồng cảm và giúp đỡ những người kém may mắn.
Văn học là nhân học. Những giá trị của văn học phải đi vào cuộc sống, biến thành hành động cụ thể. Lúc đó, văn học mới làm tròn sứ mệnh của mình. HĐTNST chính là một cầu nối để văn học luôn là cây đời mãi mãi xanh tươi. Triết lý dân gian trong các bài ca dao, tục ngữ như: “Bầu ơi thương lấy bí cùng” hay “Lá lành đùm lá rách” cần được phát huy giá trị thông qua các hoạt động nhân đạo như: quyên góp truyện, sách, đồ dùng học tập, ủng hộ quần áo cho học sinh vùng sâu, vùng xa.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng: chúng ta nhớ 20% những gì chúng ta đọc, 20% những gì chúng ta nghe, 30% những gì chúng ta nhìn, 90% những gì chúng ta làm. Đặc điểm nổi bật của HĐTNST là coi trọng các hoạt động thực tiễn mang tính tự chủ của học sinh. Vì vậy, khi thiết kế HĐTNST, giáo viên cần chú ý tạo điều kiện để học sinh phải là người được chủ động tham gia vào tất cả các khâu của quá trình hoạt động. Các hình thức tổ chức HĐTNST cần được nghiên cứu kỹ lưỡng sao cho phù hợp với nội dung chủ đề, vừa sức với học sinh. Trên đây là một số gợi ý về hình thức thực hiện HĐTNST cho một chủ đề học tập, giáo viên có thể sáng tạo thêm những hình thức phù hợp để tổ chức đạt hiệu quả cao nhất cho hoạt động giáo dục của mình, đáp ứng nhu cầu và mục tiêu giáo dục đặt ra.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016
Tác giả : DƯƠNG THỊ MỸ HẰNG