Bảo tàng Gốm thời dựng nước tọa lạc tại phường An Phú (TP.HCM), trưng bày hơn 400 cổ vật bằng gốm, do nam diễn viên Phạm Gia Chi Bảo sáng lập vừa chính thức ra mắt. Đây là Bảo tàng tư nhân chuyên về gốm cổ lớn nhất Việt Nam.
Giám đốc Chi Bảo giới thiệu các cổ vật trong Bảo tàng - Ảnh: Hà Văn
Bảo tàng Gốm thời dựng nước là một thiết chế văn hóa độc đáo, hướng đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản gốm cổ Việt Nam. Giám đốc Chi Bảo cho biết, các hiện vật gốm cổ tại Bảo tàng đều đã được các chuyên gia khảo cổ, các nhà sử học thẩm định và đánh giá chi tiết từng hiện vật.
Bảo tàng trưng bày thường xuyên và chuyên đề hơn 400 hiện vật bao gồm một Bảo vật quốc gia cùng các bộ sưu tập độc bản. Trong đó, chõ gốm văn hóa Đông Sơn đã được công nhận là Bảo vật quốc gia (đợt 13) theo Quyết định số 1712/QĐ-TTg ngày 31-12-2024 của Thủ tướng Chính phủ. Chõ gốm này là hiện vật gốc, độc bản có giá trị đặc biệt; là báu vật của người Việt cổ thời các Vua Hùng dựng nước, được khảo cổ học phát hiện, nghiên cứu và đánh giá rất cao trong thứ bậc của đồ gốm văn hóa Đông Sơn.
Chõ gốm văn hóa Đông Sơn được làm bằng đất nung, sét mịn pha cát, bã thực vật, sạn nhỏ, pha bột thổ hoàng, xương gốm màu xám đỏ tương đối cứng và chắc, áo gốm màu đỏ. Quan sát kỹ áo, xương gốm và chụp Micropicture - vi ảnh cho thấy gốm được nung ở nhiệt độ cao, khoảng 800-900°C.
Bảo vật quốc gia Chõ gốm văn hóa Đông Sơn - Ảnh: Bảo tàng Gốm thời dựng nước
Các bộ sưu tầm độc bản hiện vật gốm cổ trong Bảo tàng thuộc các nền văn hóa tiền Đông Sơn như văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun…; các văn hóa đồng đại như văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa sơ sử lưu vực sông Đồng Nai, cũng như các sưu tập hiện vật thuộc một số thời kỳ độc lập tự chủ trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Đặc biệt yêu thích đồ gốm của văn hóa Phùng Nguyên vì tính thẩm mỹ và sự độc đáo, nên Giám đốc Bảo tàng đã dành riêng một căn phòng để trưng bày. Chi Bảo cho biết, anh cũng đã tham khảo mô hình nhiều bảo tàng lớn để thiết kế trưng bày bảo tàng này, nhưng chỉ mô phỏng được một phần. Bởi nhiều nơi riêng chiếc tủ chứa hiện vật đã có giá hàng trăm ngàn USD với cơ chế tự động hóa. Sau này anh sẽ tính toán thêm phương án để cải thiện. Hiện hội đồng thẩm định cổ vật tại Bảo tàng gồm có 5 chuyên gia trong ngành khảo cổ. Ngoài chõ gốm văn hóa Đông Sơn, Bảo tàng còn một đến hai hiện vật có đủ điều kiện trở thành bảo vật quốc gia và đang trong quá trình làm thủ tục để được công nhận.
Một số cổ vật gốm văn hóa Phùng Nguyên trong Bảo tàng- Ảnh: Hà Văn
Được biết, diễn viên Chi Bảo đã dành 10 năm để tìm hiểu sâu về gốm, thành lập bảo tàng vì tình yêu với gốm Việt và mong muốn quảng bá văn hóa Việt. Bảo tàng Gốm thời dựng nước cung cấp tư liệu sống động phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, khảo cổ, đồng thời giáo dục cộng đồng về giá trị di sản dân tộc. Đồng thời, kết nối cộng đồng, tạo không gian trải nghiệm đa dạng, khơi dậy niềm tự hào văn hóa Việt Nam trong công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Trong thời gian tới, Bảo tàng sẽ tổ chức các chương trình trải nghiệm cho học sinh, sinh viên; hợp tác với các trường đại học, bảo tàng trong và ngoài nước để phát triển tài liệu nghiên cứu. Giám đốc Chi Bảo chia sẻ: “Bảo tàng Gốm thời dựng nước mong muốn trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, khơi dậy niềm tự hào về nền văn hóa cổ đại Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng nơi đây sẽ trở thành một điểm đến văn hóa - lịch sử hàng đầu, nơi mỗi hiện vật kể câu chuyện về cội nguồn dân tộc”.
XUÂN HƯỚNG