Tư liệu hóa hiện vật bảo tàng nghiên cứu từ bộ sưu tập của họa sĩ Lê Thị Lựu ở Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

Trong suốt chặng đường hoạt động, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã tiếp nhận nhiều hiện vật, bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Để nâng cao chất lượng và giá trị của các hiện vật, không thể không kể đến vai trò và tầm quan trọng của các hồ sơ, tài liệu kèm theo mỗi hiện vật, bộ sưu tập của Bảo tàng. Bài viết giới thiệu các vấn đề liên quan đến hoạt động này, trên cơ sở phân tích bộ sưu tập tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu - được ông Ngô Thế Tân và ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM năm 2018.

Tác phẩm: Mẹ và con của họa sĩ Lê Thị Lựu, sáng tác khoảng năm 1970-1975 - Nguồn: Tác giả cung cấp

1. Mở đầu

Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ: “Các bảo tàng có nhiệm vụ sưu tầm, bảo tồn và quảng bá các bộ sưu tập của mình như một hình thức đóng góp vào việc bảo vệ di sản tự nhiên, văn hóa và khoa học”… (1), không thể không đề cập đến vai trò của công tác tư liệu hóa. Tư liệu hóa là sự liên kết, là cầu nối, nguồn tài liệu hỗ trợ các khâu hoạt động nghiệp vụ của bảo tàng, từ nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giáo dục đến truyền thông marketing… và góp phần minh chứng cho các giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế… của hiện vật và các bộ sưu tập bảo tàng. Nói cách khác, “bộ sưu tập vừa là kết quả, vừa là cơ sở của một chương trình khoa học, với mục đích sưu tầm và nghiên cứu những tư liệu vật thể và phi vật thể” (2).

Vậy, công tác tư liệu hóa hiện vật bảo tàng là gì? Quy trình tư liệu hóa các hiện vật/ bộ sưu tập ở bảo tàng như thế nào? Đặc thù của công tác tư liệu hóa các tác phẩm nghệ thuật trong các bảo tàng mỹ thuật? Đây là những vấn đề mà tác giả mong muốn được đề cập trong phạm vi nghiên cứu.

2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp

Cơ sở lý thuyết

Để có thể phân tích các vấn đề xoay quanh công tác tư liệu hóa hiện vật/ bộ sưu tập bảo tàng, cần tiếp cận các thuật ngữ và định nghĩa các thuật ngữ liên quan.

Các khái niệm, thuật ngữ liên quan đến hiện vật bảo tàng:

Hiện vật bảo tàng (museum object): Sản phẩm vật chất do con người hoặc tự nhiên tạo ra trong quá trình lịch sử, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, được bảo tàng sưu tầm, bảo quản và đã trải qua quá trình xử lý khoa học và pháp lý, nhằm phục vụ cho các hoạt động của bảo tàng (3).

Sưu tập hiện vật bảo tàng (museum collections): Tập hợp hiện vật trong bảo tàng được thu thập, gìn giữ, sắp xếp có hệ thống theo những dấu hiệu chung về hình thức, nội dung và chất liệu (4).

Công tác tư liệu hóa hiện vật bảo tàng: Theo Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam (TCVN) - Di sản văn hóa và các vấn đề liên quan - Thuật ngữ và Định nghĩa chung, tư liệu hóa di sản văn hóa (Documentation of cultural heritage) là “Quá trình nghiên cứu, sử dụng các loại phương tiện, thiết bị, vật liệu để thu thập, phân loại và lưu giữ thông tin về di sản văn hóa theo một hệ thống nhất định, bằng nhiều hình thức khác nhau” (5).

Theo Quy tắc Đạo đức Bảo tàng ICOM, bảo tàng duy trì và sở hữu các bộ sưu tập vì mục đích phục vụ xã hội và sự phát triển xã hội: “Các sưu tập bảo tàng nên được tư liệu hóa để phù hợp với các tiêu chuẩn nghề nghiệp đã được chấp thuận. Việc tư liệu hóa bao gồm việc nhận dạng đầy đủ và mô tả từng hiện vật, các yếu tố liên quan, nguồn gốc, điều kiện và cách xử lý và vị trí hiện tại. Các thông số này phải được lưu giữ trong môi trường an toàn và các hệ thống thông tin được xây dựng nhằm hỗ trợ và cho phép những cán bộ bảo tàng và các người sử dụng hợp pháp khác tiếp cận các thông tin” (6).

Tầm quan trọng của những thông tin liên quan đến các bộ sưu tập đòi hỏi phải được ghi chép đầy đủ tư liệu theo những chuẩn mực/ tiêu chuẩn chuyên môn đã được chấp nhận. Hồ sơ mỗi hiện vật và các bộ sưu tập có một sự nhận dạng đầy đủ và mô tả của mỗi hiện vật, các mối liên hệ, nguồn gốc, điều kiện, cách xử lý và vị trí hiện tại của hiện vật.

Theo quan điểm của các tác giả trong ấn phẩm Cẩm nang Quản lý bảo tàng, tư liệu hóa các bộ sưu tập của bảo tàng “là một phần tối quan trọng của việc quản lý các bộ sưu tập” (7).

Như vậy, ở một góc độ khác, khi được sưu tầm về bảo tàng, hiện vật sẽ có một cuộc sống mới và tham gia vào các hoạt động khác biệt so với trước đây. Vì vậy, khả năng tiếp cận hiện vật của bảo tàng và xác định các giá trị của hiện vật phụ thuộc phần lớn vào các tài liệu liên quan đến chúng. Và tài liệu hóa có thể được định nghĩa là tổ chức thông tin về hiện vật bảo tàng. Tài liệu hóa về cơ bản giúp bảo tàng quản lý bộ sưu tập một cách thích hợp.

Sử dụng phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện nghiên cứu, tác giả đã thu thập các tài liệu thứ phát liên quan đến hiện vật, công tác tư liệu hóa hiện vật bảo tàng và các vấn đề xoay quanh việc xây dựng và quản lý các bộ sưu tập, cũng như các tài liệu liên quan đến họa sĩ Lê Thị Lựu và các tác phẩm của họa sĩ. Ngoài ra, phải kể đến các văn bản pháp lý, bài viết, bài phỏng vấn trên các hệ thống truyền thông (tạp chí chuyên ngành, báo chí, mạng xã hội…). Bên cạnh đó, đóng vai trò quan trọng là việc khảo sát thực tế trong quá trình sưu tầm, tiếp nhận tranh và các hiện vật liên quan đến họa sĩ Lê Thị Lựu do ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Từ các cơ sở này, tác giả phân tích vai trò của công tác tư liệu hóa hiện vật và các bộ sưu tập ở các bảo tàng được nhìn nhận từ quy trình công tác tư liệu hóa hiện vật ở bảo tàng nói chung, bảo tàng mỹ thuật nói riêng.

3. Kết quả nghiên cứu

Khái quát về bộ sưu tập tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Họa sĩ Lê Thị Lựu (1911-1988) được xem là nữ họa sĩ đầu tiên của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Bà tốt nghiệp thủ khoa khóa 3 của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1932). Thập niên 30 - TK XX, các báo trong nước đều nhắc tới người nữ họa sĩ đầu tiên của Việt Nam (8). Đặc biệt trong bài viết Ấn tượng hoàng hôn tuần báo Phong Hóa (1932) - Mỹ thuật Đông Dương có nhận định: “Ông Lê Phổ, cô Lê Thị Lựu, ông Mai Trung Thứ cùng nhiều họa sĩ khác đều là người có tài, mỗi người một vẻ riêng... Có một điều đáng ghi là cô Lê Thị Lựu không ngần ngại là quần vận, yếm mang, chen chân thích cánh với bọn họa sĩ đàn ông, mà cái hay cái khéo của cô lại hơn người, thật là vẻ vang cho phụ nữ nước nhà” (9). Năm 1940, bà theo chồng từ Việt Nam sang Pháp.

“Theo ông Ngô Thế Tân, người bạn đời đã gắn bó với họa sĩ hơn nửa thế kỷ: Từ khi vào trường đến năm 1940, Lê Thị Lựu thường chỉ áp dụng sơn dầu trong mọi sáng tác. Họa hoằn mới vẽ trên nền lụa. Màu phấn chỉ dùng trong mấy bức chân dung. Trong sơn dầu, bút pháp của Lê Thị Lựu đã được ông Tardieu khen là giống Cézanne, tuy trong thực tế, lúc đó Lê Thị Lựu chưa được coi tranh Cézanne bao giờ”; “Nét bút rất bạo, già, màu sắc linh động, hoà hài, bố cục vững vàng, cân đối. Mỗi cảnh một bầu không khí riêng biệt. Khi trở lại với hội họa sau nhiều năm đứt đoạn, Lê Thị Lựu hầu như chuyên về tranh lụa…”; “Toàn thể tranh Lựu dành vẽ các phần tử trong gia đình. Có lẽ vì gia đình là một đơn vị tối trọng của xã hội cần phải đề cao” (10).

Bộ sưu tập tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu do ông Ngô Thế Tân và ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê (Pháp) trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM năm 2018, bao gồm 29 tác phẩm nghệ thuật, trong đó có 26 bức tranh gốc của họa sĩ Lê Thị Lựu, 2 phiên bản và một bức tranh của ông Ngô Thế Tân vẽ chân dung bà Thụy Khuê. Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng tiếp nhận nhiều kỷ vật, bài báo, bút tích thơ… của họa sĩ Lê Thị Lựu.

Công tác tư liệu hóa trong quá trình tiếp nhận hiện vật

Công tác tư liệu hóa được Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM thực hiện ngay từ giai đoạn chuẩn bị hồ sơ tiếp nhận hiện vật. Bảo tàng đã kết nối với ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê để lập danh sách tranh với các thông tin cơ bản về tên gọi, năm sáng tác, chất liệu, kích thước. Bảo tàng liên hệ với các nhà nghiên cứu mỹ thuật, thu thập các bài viết trên báo chí về họa sĩ và tổ chức các cuộc họp đánh giá về bộ sưu tập. Việc tư liệu hóa đã hỗ trợ cho cán bộ phòng Nghiên cứu sưu tầm của Bảo tàng trong việc xây dựng thông tin phục vụ cho các cuộc họp của Hội đồng khoa học cũng như viết lý lịch hiện vật.

Bên cạnh các đặc trưng của hiện vật bảo tàng, bộ sưu tập tranh Lê Thị Lựu còn mang các đặc thù của các tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm Nghệ thuật (Artwork) là sản phẩm sáng tạo do người nghệ sĩ thực hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục (11). “Một tác phẩm nghệ thuật là một vật thể vật lý có thể có giá trị thẩm mỹ và/ hoặc khái niệm. Đây có thể là một bức tranh, một tác phẩm điêu khắc, một bức ảnh, một tác phẩm sắp đặt, một bức vẽ, một bức tranh ghép… Một số tác phẩm nằm ngoài phạm vi của nghệ thuật truyền thống: tác phẩm được tạo ra trực tiếp trên cảnh quan; nghệ thuật trình diễn liên quan đến hành động của nghệ sĩ trước khán giả trực tiếp; hoặc readymades, trong đó nghệ sĩ biến những vật thể thông thường thành tác phẩm nghệ thuật (12). Trong một thời gian dài, một tác phẩm nghệ thuật được cho là một vật thể có tính chất lâu dài. Ngày nay, điều này không còn đúng nữa. Đặc biệt, với sự phát triển của nghệ thuật trình diễn như một hình thức nghệ thuật thị giác thì số lượng tác phẩm nghệ thuật và tác phẩm sắp đặt ngày càng tăng.

Bộ sưu tập tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu cũng cần được tư liệu hóa trên cơ sở những đặc tính của tác phẩm nghệ thuật. Như vậy, việc tư liệu hóa bộ sưu tập tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu, không chỉ đơn thuần về các tác phẩm, mà còn cần thu thập và ghi chép về cuộc đời họa sĩ, ngữ cảnh hóa quá trình và bối cảnh sáng tác…

Chủ trương của Bảo tàng cũng như ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê, Bảo tàng có khả năng mang đến cho xã hội những trải nghiệm giá trị hôm nay và mai sau hay không phụ thuộc vào sự quan tâm của bảo tàng đến các bộ sưu tập và thông tin về chúng. Với chủ trương này, quá trình tiếp nhận tranh tại gia đình ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê, nhóm sưu tầm của Bảo tàng đã ghi hình toàn bộ quá trình bàn giao từng tác phẩm cũng như việc phân tích về bối cảnh sáng tác, các yếu tố nghệ thuật, chất liệu sáng tác và tình trạng hiện vật; thu thập thêm nhiều hình ảnh, tư liệu, bút tích và hiện vật liên quan đến họa sĩ Lê Thị Lựu. Đoàn công tác tìm hiểu về cuộc đời của họa sĩ Lê Thị Lựu cũng như đến các địa điểm (41 rue Blomet, quận 15, Paris; biệt thự An Trang, thị xã Spéracèdes, vùng Địa Trung Hải) - nơi họa sĩ sinh sống và sáng tác để ghi hình, lưu hồ sơ cùng bộ sưu tập.

Quá trình tư liệu hóa, ghi chép nghiên cứu, thu thập thực địa trong suốt quá trình tiếp nhận hiện vật đã xây dựng nhiều hệ thống tài liệu, thông tin; góp phần gia tăng giá trị, xác định nguồn gốc, tính hợp pháp và quyền sở hữu của bộ sưu tập. Ngoài ra, song song với quá trình tiếp nhận bộ sưu tập, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã xuất bản cuốn sách Ấn tượng hoàng hôn của bà Thụy Khuê và thực hiện bộ phim Thông điệp từ những bức tranh. Bộ phim mô phỏng lại hành trình của các bức tranh qua 2 đợt sưu tầm của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Đây cũng là hành trình của những tâm huyết cho việc bảo tồn các di sản văn hóa Việt Nam. Bộ phim diễn tả các mối quan hệ xoay quanh những bức tranh: họa sĩ - ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM; giới thiệu kỹ thuật và những đặc thù trong tác phẩm Những dấu ấn của trường phái Ấn tượng trong giai đoạn cuối của họa sĩ Lê Thị Lựu.

Như ở trên đã đề cập, ngoài tính chất của hiện vật bảo tàng, bộ sưu tập tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu còn là các tác phẩm nghệ thuật. Chính vì vậy, trong quá trình nghiên cứu, sưu tầm, hồ sơ hiện vật nên bổ sung các ý kiến nhận xét, đánh giá từ các chuyên gia “Đánh giá thẩm mỹ sẽ mang tính quyết định trong những bộ sưu tập về nghệ thuật, nhưng sự phân tích định tính sẽ xem xét đến phạm vi và chủng loại của bộ sưu tập, tầm quan trọng mang tính quốc tế, quốc gia hay trong phạm vi một vùng, là những tác phẩm tuyệt tác, mang tính đại diện hay bao hàm và tính độc nhất của nó” (13). Đánh giá về giá trị các tác phẩm của họa sĩ Lê Thị Lựu, họa sĩ Nguyễn Trung Tín, Chủ tịch Hội đồng Mỹ thuật Hội Mỹ thuật TP.HCM khẳng định, đây là bộ tranh nguyên gốc, có giá trị và rất quý hiếm, là bộ sưu tập trọn vẹn thời Đông Dương. Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM được lưu giữ bộ sưu tập này là một vinh dự. Trong bộ sưu tập này có một số tranh như: Chị dạy em viết chữ Nho, Chân dung thiếu nữ, Mẹ địu con… đã được in sách, báo, được khẳng định trên thị trường mỹ thuật trong nước và quốc tế. Theo họa sĩ Nguyễn Trung Tín, giai đoạn từ năm 1945-1960 là giai đoạn họa sĩ Lê Thị Lựu sáng tác rất ít. Trong bộ sưu tập này có nhiều tác phẩm cho thấy sự chuyển đổi phong cách sáng tác rất rõ ràng, chuyển từ việc ảnh hưởng phong cách các họa sĩ Lê Phổ, Vũ Cao Đàm sang ảnh hưởng phong cách của họa sĩ Modigliani. Họa sĩ Lê Thị Lựu đã khẳng định phong cách riêng của mình vào thập niên 60 của TK trước. Họa sĩ Quách Văn Phong, nguyên Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: nếu đánh giá ở góc độ kinh tế thì bộ sưu tập này rất có giá trị. Bộ sưu tập của họa sĩ Lê Thị Lựu cho thấy phong cách sáng tác có sự kết hợp giữa lịch sử mỹ thuật giữa châu Á và châu Âu. Họa sĩ Hứa Thanh Bình, nguyên Phó Giám đốc Nghiệp vụ Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM lại cho rằng, đây là bộ sưu tập vô cùng có giá trị không những về mặt mỹ thuật mà còn có giá trị về lịch sử, văn hóa. Bảo tàng nên tập hợp tất cả những dữ liệu, hình ảnh làm việc cũng như quá trình tiếp nhận tác phẩm tại Pháp để minh chứng cho công chúng yêu thích nghệ thuật đây là bộ sưu tập nguyên gốc và có giá trị rất lớn trên thị trường châu Âu hiện nay (14).

Như vậy, việc tư liệu hóa bộ sưu tập tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu đã được chú trọng ngay từ những bước đầu tiên của chặng đường tiếp nhận bộ sưu tập. Các sản phẩm của công tác tư liệu hóa đã hỗ trợ Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM trong việc hoàn thiện hồ sơ hiện vật, kiểm kê, thiết kế trưng bày, cung cấp dữ liệu cho trang web và các phương tiện truyền thông khác.

Hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM hiện đang lưu giữ và trưng bày hơn 20.000 hiện vật, là các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, hội họa, tạo hình đặc sắc của Việt Nam qua các giai đoạn, từ Mỹ thuật cổ đến mỹ thuật đương đại, với nhiều chất liệu, phong cách sáng tạo và đề tài sáng tác. Có thể nói, Bảo tàng mỹ thuật TP.HCM là điểm đến của nhiều bộ sưu tập mỹ thuật và năm 2018, bộ sưu tập tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu là những dấu ấn trong bước đường phát triển của Bảo tàng.

Hệ thống thông tin, tài liệu liên quan đến hiện vật là một phần quan trọng gắn với hiện vật; là cơ sở, điều kiện để bảo tàng hiểu rõ về nguồn gốc, lịch sử hiện vật, để từ đó, xây dựng chiến lược cho việc nghiên cứu, quản lý, bảo quản, trưng bày và các hoạt động giáo dục truyền thông cho bộ sưu tập.

Bộ sưu tập tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu có ưu thế về công tác tư liệu hóa, khi các tác phẩm nghệ thuật này được trao tặng bảo tàng từ chính gia đình (chồng và các cháu họ của họa sĩ); có nhiều hình ảnh, bút tích, tài liệu của họa sĩ và đặc biệt, có các bài phỏng vấn và bản thảo sách Ấn tượng hoàng hôn do chính bà Thụy Khuê gửi tặng Bảo tàng. Tuy nhiên, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cũng nên chú ý, sưu tập bổ sung các tài liệu liên quan đến họa sĩ Lê Thị Lựu và việc tiếp nhận tranh của Bảo tàng, như các bài viết trên báo chí, truyền hình, các trang mạng xã hội. Hơn nữa, là bản copy từ các Trung tâm Lưu trữ về các bài báo viết về họa sĩ Lê Thị Lựu từ những năm 30, 40 của TK XX (Phụ nữ Tân Văn, Phong Hóa, Ngày Nay, Đàn bà mới…) hay bài viết của nữ ký giả Yvonne Schultz trên báo L’Avenir du Tonkin, Une nouvelle école de peinture et de sculture: “L’École annamite” (Một trường phái hội họa và điêu khắc mới: Trường phái An Nam)…

Công tác tư liệu hóa vừa làm tăng giá trị, chất lượng bộ sưu tập đồng thời góp phần nâng cao kỹ năng về pháp lý và thực hành đối với các hiện vật của cán bộ bảo tàng.

Ngoài ra, Bảo tàng cũng chú ý đến việc ứng dụng công nghệ, số hóa thông tin trong công tác tư liệu hóa. “Sự tiếp cận của công chúng đối với tư liệu bảo tàng là ngành ứng dụng đang phát triển. Chỉ cần gõ bàn phím hoặc chạm nhẹ vào màn hình là khách tham quan có thể đọc và xem được thông tin về hiện vật. Ứng dụng đa truyền thông còn có thể làm sinh động những dữ liệu và cuốn hút khách tham quan ở mọi mức độ. Ứng dụng của băng video và CD-ROM khiến người sử dụng truy cập thông tin tại nhà và internet còn khiến cho việc truy nhập của công chúng dễ dàng hơn… Công nghệ giúp tiếp cận các hiện vật nhằm nâng cao kỹ năng học tập và giảng dạy bên ngoài bức tường của bảo tàng. Nó cũng tạo điều kiện để truyền tải các câu chuyện riêng lẻ lên bộ sưu tập bảo tàng và tương tác thông qua các công cụ truyền thông xã hội” (15).

4. Kết luận

Việc nghiên cứu tư liệu hóa bộ sưu tập tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu không chỉ là một công việc bảo tồn di sản mà còn là một quá trình khám phá và tôn vinh tài năng của một họa sĩ tài hoa. Qua đó, chúng ta còn hiểu rõ hơn về lịch sử mỹ thuật, văn hóa Việt Nam và có cơ hội tiếp cận với những giá trị thẩm mỹ cao quý của dân tộc qua sự phát triển các giá trị mỹ thuật Việt Nam.

____________________

1, 6. Hội đồng Quốc tế các bảo tàng - ICOM, Lịch sử và Quy tắc Đạo đức Bảo tàng, Bản dịch của Cục Di sản văn hóa, 2005, tr.88, 94-95.

2. André Desvallées, François Mairesse, Basic Concepts of Museology (Các khái niệm cơ bản của Bảo tàng học), ICOM, ISBN: 978-2-200-25398-1, 2010, Bản dịch của Cục Di sản văn hóa, 2021, tr.21.

3, 4, 5. TCVN, Di sản văn hóa và các vấn đề liên quan - Thuật ngữ và định nghĩa chung, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, số 10382, 2014, tr.6, 6, 10.

7, 13. Barry Lord, Gail Dexter Lord, The manual of Museum Management (Cẩm nang Quản lý bảo tàng), Bản dịch của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, Hỗ trợ và Phát triển văn hóa A&C, 2010, tr.339, 103.

8, 9, 10. Thụy Khuê, Ấn tượng hoàng hôn, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2018, tr.14, 5, 19.

11. TCVN, Mỹ thuật - Thuật ngữ và Định nghĩa, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, 13835:202, tr.11.

12, The Britannica Dictionary, britannica.com.

14. Thùy Trang, Sự hồi hương của bộ sưu tập tranh quý hiếm, baovanhoa.vn, 12-11-2018.

15. Documentation: Introduction (Tài liệu: Giới thiệu), obs-traffic.museum.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 21-12-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 3-1-2025; Ngày duyệt đăng: 7-1-2025.

TS PHẠM LAN HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 593, tháng 1-2025

;