• Nghệ thuật > Văn học

Thế giới loài vật trong sáng tác dành cho thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng

Văn học thiếu nhi có ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống văn hóa tinh thần của trẻ thơ. Tuy nhiên, có một nghịch lý là dường như xã hội càng hiện đại, giới sáng tác càng ít mặn mà với mảng văn học dành cho thiếu nhi. Đây vẫn là một mảnh đất hoang đầy tiềm năng cần khai phá. Tác giả Vũ Hùng với những tác phẩm văn học thiếu nhi nổi danh từ những năm 60 của TK XX đã, đang hấp dẫn được thế hệ trẻ thơ bằng những hình ảnh về thế giới thiên nhiên vừa kỳ ảo, vừa chân thực, một khoảng trời lung linh, rực rỡ sắc màu với cuộc sống sôi động, náo nhiệt của thiên nhiên, muôn thú. Trong bối cảnh văn học hiện nay, những trang văn của tác giả Vũ Hùng dành cho thiếu nhi thật đáng trân trọng. Nó được coi như những món quà diệu kỳ của cuộc sống.

TIỂU NỮ THẦN HAY NHÂN VẬT NỮ NỔI LOẠN TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA IVAN BUNIN

Trong số các cây bút Nga TK XX, có lẽ Bunin và Nabokov là hai nhà văn để lại ấn tượng sâu sắc đối với bạn đọc bởi chính khí chất con người và văn chương của họ: Bunin hiền mà tinh tế nhạy cảm, Nabokov quái nhưng không kém phần sắc sảo, sâu xa. Những nhân vật để lại nhiều ấn tượng nhất với bạn đọc trong các sáng tác của Bunin và Nabokov chính là những nhân vật nữ. Bài viết đi vào tìm hiểu nhân vật tiểu nữ thần trong các sáng tác của Bunin trong sự so sánh với các tác phẩm của Nabokov.

Chủ đề tình yêu trong văn xuôi Ngọc Giao

Trước những biến động xã hội, đầu những năm 30 của TK XX đã bắt đầu xuất hiện, bừng tỉnh ý thức cá nhân. Từ đó, ý thức về sự hiện hữu, bản thể, sinh tồn cũng như sứ mạng, bổn phận làm người đã khẳng định vị thế mới của cái tôi cá nhân. Cùng với thơ mới, văn xuôi Tự lực văn đoàn, trong đó có Ngọc Giao, đều ít nhiều nói về vấn đề cốt lõi là con người cá nhân. Sự khẳng định ý thức cá nhân trong mối quan hệ với các xung đột, phong tục tập quán, đạo đức, sự lên tiếng đòi quyền sống, quyền hạnh phúc, tiếng nói của tình yêu, hạnh phúc lứa đôi là những nội dung được chú ý.

Mỹ cảm aware và một số quan niệm thẩm mỹ đương đại Nhật Bản

Từ xưa đến nay, người Nhật luôn lấy mỹ học làm kim chỉ nam và hướng đến cái đẹp là mục tiêu cao nhất của tác phẩm nghệ thuật. Việc định hướng thẩm mỹ trở thành nguyên tắc sáng tạo nhằm tạo nên phong cách nghệ thuật của nghệ sĩ. Cũng vì thế, mỹ cảm phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng lớn đối với văn học như aware, wabisabi và yugen. Trong đó, aware là mỹ cảm hình thành từ rất sớm và có sự ảnh hưởng sâu rộng nhất.

BIỂU TƯỢNG KHÔNG GIAN MANG MÀU SẮC TÔN GIÁO TRONG THƠ R.TAGORE

R.Tagore (1861-1941) là nhà thơ vĩ đại của tâm hồn Ấn Độ. Ánh sáng huyền bí của tôn giáo, những suy tư triết học về con người nảy nở trên quê hương là dòng mạch chính chung đúc nên tư tưởng của R.Tagore. Bước vào thế giới nghệ thuật thơ R.Tagore, ta như được dẫn bước vào vườn ý niệm trong tâm người mà niềm yêu kính, ngưỡng vọng thiêng liêng hướng đến chúa, đồng nhất trong tình yêu vô lượng với con người và cuộc đời. Màu sắc tôn giáo ấy không chỉ được kiến tạo bằng những hình ảnh, giọng điệu sùng kính, cốt truyện đẫm màu tôn giáo mà gây ám ảnh bởi những dấu hiệu không gian gắn với những nghi thức hành lễ đặc biệt.

VẺ ĐẸP CỦA LỤC BÁT TÌNH ĐƯƠNG ĐẠI

Lục bát là thể thơ có nguồn gốc từ ca dao, một thể loại của văn học dân gian. Thể thơ được bác học hóa từ TK XVI với thể nghiệm đầu tiên trong bài Nghĩ hộ tám giáp giải thưởng hát ả đào của Lê Đức Mao, hoàn thiện ở đỉnh cao với Truyện Kiều, của Nguyễn Du vào đầu TK XIX. Sau Nguyễn Du là những đóng góp của Tản Đà, Nguyễn Bính, Huy Cận, Tố Hữu, Bùi Giáng, Nguyễn Duy... Cuộc chạy tiếp sức dài hơi của bao thế hệ đã giúp lục bát có được một vẻ đẹp lấp lánh, đầy biến hóa. Tồn tại qua bấy nhiêu thời gian cùng những tác giả tiêu biểu, thể thơ này cũng đã chứng minh được khả năng thích ứng. Từ lục bát ca dao đến lục bác bác học, có thể nói lục bát là một cõi thơ, một thế giới thơ độc đáo. Ở đó, lục bát tình có thể được xem là phần tinh hoa, tinh túy, huyền diệu nhất.

NGÔN NGỮ TRẦN THUẬT TRONG HỒI KÝ CÁT BỤI CHÂN AI VÀ CHIỀU CHIỀU CỦA TÔ HOÀI

Tô Hoài là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Một trong những thể loại ông sáng tác thành công hơn cả là thể loại hồi ký, tiêu biểu với hai tác phẩm: Cát bụi chân ai và Chiều chiều. Phong cách nghệ thuật Tô Hoài được thể hiện trên nhiều phương diện, tuy nhiên, nét đặc trưng góp phần làm nên phong cách của ông đó chính là ngôn ngữ trần thuật. Nghiên cứu khả năng sử dụng ngôn ngữ trong hai cuốn hồi ký Cát bụi chân ai và Chiều chiều, chúng tôi nhận thấy nhà văn đã vận dụng khéo léo lời ăn tiếng nói hàng ngày của quần chúng nhân dân lao động để đưa vào tác phẩm. Đó là thứ ngôn ngữ mang đậm màu sắc địa phương, tự nhiên, dung dị, đậm tính khẩu ngữ với những thành ngữ, quán ngữ gần gũi, quen thuộc của một vùng quê ngoại thành Hà Nội.

KHÔNG GIAN THÀNH THỊ TRONG VĂN XUÔI NGỌC GIAO

Thành thị trong văn xuôi Ngọc Giao chủ yếu là không gian xã hội của buổi đầu đô thị hóa, đầu TK XX ở thủ đô Hà Nội. Không gian ấy mang nét đặc trưng của Hà Nội đương thời, gắn liền với thế giới nhân vật, số phận, tính cách. Cạnh không gian Hà Nội, là một thoáng Sài Gòn với những vấn nạn mang tính thời sự. Những trang văn mở ra không gian nghệ thuật có bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa, thấm đượm tình yêu.

BIỂU TƯỢNG CỌP TRẮNG - HÀNH TRÌNH VƯỢT THOÁT CỦA NHỮNG KẺ CÙNG ĐINH

Đạt giải Man Booker ngay từ tiểu thuyết đầu tay Cọp trắng (The White Tiger) khi mới 34 tuổi, Aravind Adiga đã mở đầu ấn tượng cho một bộ phận văn học đương đại Ấn Độ. Qua biểu tượng cọp trắng, A.Adiga đã khắc họa một xã hội Ấn hậu thuộc địa đầu TK XXI với sự phân hóa giàu nghèo, nền giáo dục yếu kém, nạn thất học, cơ sở y tế tồi tàn, ô nhiễm môi trường, lối sống ảo tưởng, tham nhũng, phân biệt đẳng cấp, lãng phí nguồn nhân lực... Sẽ không còn thấy trong Cọp trắng những đền đài thiêng liêng, những khu rừng thần bí, các vũ điệu gợi tình của tiên nữ Apsara… mà là một thế giới của bóng tối, thế giới của tồi tàn và cùng khổ. Một Ấn Độ bất công và bất ổn.

LOẠI HÌNH TÁC GIẢ SONG NGỮ TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM

Văn học trung đại Việt Nam có lịch sử hình thành, phát triển từ TK X đến hết TK XIX, gồm hai bộ phận sáng tác là văn học viết bằng chữ Hán và bằng chữ Nôm. Tuy nhiên trong quá trình phát triển của văn học đã xuất hiện hiện tượng nhiều tác giả vừa có thể sáng tác bằng chữ ngôn ngữ vay mượn (chữ Hán) vừa bằng ngôn ngữ dân tộc (chữ Nôm) tạo thành một hiện tượng rất độc đáo trong văn học trung đại Việt Nam, hiện tượng song ngữ. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày khái quát đặc điểm, nghiên cứu một số tác giả tiêu biểu của loại hình này như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du; đề cập đến một số hiện tượng đặc thù chủ yếu sáng tác bằng chữ Hán như Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát, hoặc chữ Nôm như Nguyễn Đình Chiểu, Trần Tế Xương ở nửa cuối TK XIX.

MÙA XUÂN DƯỚI GÓC NHÌN THƠ THIỀN

Trong thiền học, phương thức soi chiếu quy luật của đạo bằng hình tượng thiên nhiên có nguồn gốc từ triết lý thiên nhân hợp nhất của Đạo giáo và vạn vật nhất thể của thiền. Con người luôn được đặt trong vị trí giao hòa với tự nhiên, trở thành một phần của tự nhiên, cần hành động theo quy luật của tạo hóa bởi đó là luật của vũ trụ, vô tư, vô ngã. Thiền vô ngôn mà biểu được đa ý sự vĩnh hằng, bất diệt của tự nhiên. Mỗi hình ảnh, âm thanh mùa xuân đều được thấu biết một cách tinh tế qua tâm thức của các thiền gia - thi sĩ.