Trong mười hai con giáp, voi không được chọn là linh vật hay được chọn làm biểu tượng quốc gia như ở Thái Lan, gắn với tên nước như ở Lào (Vạn Tượng/Triệu Voi). Voi cũng không gắn bó với con người từ buổi đầu lịch sử như trâu, chó, gà, lợn… song suốt mấy nghìn năm nay, voi đã đi vào đời sống người Việt như một hình ảnh quen thuộc. Thậm chí, nhiều hoạt động, sự kiện liên quan đến voi đã trở thành di sản văn hóa.
Voi tham gia vào những sự kiện lịch sử
Thật vậy, mấy ai trong chúng ta thuở nhỏ không từng nghe những truyện kể của bà, lời ru của mẹ về Hai Bà Trưng cưỡi voi xông ra trận giết giặc: Bà Trưng quê ở Châu Phong/ Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên/ Chị em nặng một lời nguyền/ Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân… Sau Hai Bà Trưng hơn hai trăm năm, chúng ta lại có hình ảnh Bà Triệu lẫm liệt, oai hùng đi vào những câu ca bất hủ: Ru con con ngủ cho lành/ Để mẹ gánh nước rửa bành con voi/ Muốn coi lên núi mà coi/ Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng.
Thời Trần, chúng ta cũng có câu chuyện về con voi hiếu nghĩa của Trần Quốc Tuấn. Thời Lê, sử sách còn ghi lại sự kiện liên quan đến dũng tướng Lê Lai diễn ra năm 1418: “Khi ấy quân ta chỉ mới được nhỏ mà thế giặc đương mạnh, nhà vua bèn vời các tướng mà bảo rằng: “Ai có thể thay mặc áo vàng của trẫm, lĩnh năm trăm quân, hai thớt voi, đánh vào thành Tây Đô. Thấy giặc ra đối địch thì tự xưng tên: “Ta là chúa Lam Sơn đây!” để cho giặc bắt, cho ta được náu mình, nghỉ binh, thu họp cả quân sĩ, mưu tính việc về sau?”
Các tướng chưa ai dám nhận trách nhiệm hy sinh lớn lao này. Chỉ có Lê Lai thưa rằng: “Tôi bằng lòng xin thay mặc áo Nhà vua. Ngày sau bệ hạ gây nên đế nghiệp, có được thiên hạ, thương đến công tôi, cho con cháu muôn đời được chịu ơn nước. Đó là điều tôi mong mỏi!”. Hình ảnh Lê Lai lĩnh 2 thớt voi “liều mình cứu chúa” mãi mãi là hình ảnh đẹp trong lịch sử dân tộc.
Thời Tây Sơn, những chú voi dũng mãnh lại theo chân đoàn quân thần tốc của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh, còn để lại dấu ấn ở đồn Ngọc Hồi mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789)…
Và không chỉ chuyện “xửa xưa”, ngày hôm nay, giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, hình ảnh những chú voi to lớn, hiền lành đã trở thành một phần không thể tách rời của cảnh quan và đời sống văn hóa Đắk Lắk. Từ loài động vật hoang dã, voi rừng được thuần hóa thành voi nhà - người bạn đồng hành, biểu tượng cho sức mạnh, trí tuệ và mang đậm dấu ấn tâm linh trong đời sống của cộng đồng các dân tộc nơi đây.
Voi trong muôn mặt cuộc sống đời thường
Với người dân Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, voi có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống kinh tế và sinh hoạt cộng đồng. Với sức mạnh vượt trội, voi là lực lượng lao động chính trong việc khai thác gỗ, vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là ở những nơi có những địa hình hiểm trở, phương tiện cơ giới khó tiếp cận. Hình ảnh những đoàn voi cần mẫn kéo gỗ, vượt suối băng rừng đã trở thành một nét đặc trưng của vùng đất Trời Tây Nguyên xanh, hồ trong nước xanh, Trường Sơn xa xanh, ngút ngàn cây xanh...
Không chỉ vậy, voi còn là phương tiện di chuyển quan trọng, giúp người dân đi lại giữa các buôn làng, vượt qua những con sông, con suối một cách dễ dàng. Trong các lễ hội truyền thống, voi trở thành “diễn viên” không thể thiếu, mang đến không khí sôi động và náo nhiệt. Những cuộc đua voi, diễu hành voi thể hiện sức mạnh, sự khéo léo và tinh thần thượng võ của con người và loài vật.
Vượt lên trên ý nghĩa của một loài vật hữu ích, voi còn có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của nhiều dân tộc ở Đắk Lắk - tiêu biểu như người M’nông, Êđê, Gia rai... Với những cư dân “chính hiệu” Tây Nguyên này, voi là biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng và có một sức mạnh phi thường.
Trong các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, voi thường được nhân cách hóa, trở thành những người bạn trung thành, thông minh và dũng cảm, giúp đỡ con người vượt qua khó khăn. Hình ảnh voi còn xuất hiện trong các nghi lễ cúng thần, cầu mùa, thể hiện sự tôn kính và biết ơn đối với tự nhiên.
Không có gì ngạc nhiên khi việc săn bắt và thuần dưỡng voi rừng từng trở thành nghề được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là công việc, là niềm vui thể hiện sự mạnh mẽ, khéo léo, khát vọng chinh phục và làm chủ tự nhiên. Các “nài voi” huyền thoại như Y Thu Knul (Khunjunob), Ama Kông... không tự nhiên mà có. Họ tiếp nối truyền thống ông cha và gửi lại cho hậu thế vô vàn câu chuyện đầy sức cuốn hút, mê hoặc. Như Ama Kông từng săn tới 298 con voi. Một chuyến đi săn thường kéo dài 2 tuần nhưng cũng có lúc lên đến 30 ngày. Bao đồ nghề, hiện vật liên quan đến những lần săn voi của ông vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày hôm nay ở Buôn Đôn. Quá trình săn bắt voi đòi hỏi sự dũng cảm, mưu trí và tinh thần đoàn kết cao của cả cộng đồng. Việc thuần dưỡng voi hoang dã thành voi nhà phục vụ đời sống cũng là một nghệ thuật, một tri thức dân gian quý báu được truyền từ đời này sang đời khác.
Hội Voi Buôn Đôn năm 2025
Ðể voi còn mãi với di sản văn hóa Ðắk Lắk và Tây Nguyên
Thật khó hình dung không gian văn hóa Tây Nguyên sẽ ra sao nếu thiếu vắng bóng dáng voi! Ấy thế nhưng, có một sự thật là rừng Tây Nguyên ngày càng thu hẹp, không gian cho các loài động vật trong rừng ngày càng lùi xa. Luật pháp đã cấm săn bắt (bắn) voi và các động vật rừng. Cùng với sự phát triển của xã hội, số lượng voi ở Đắk Lắk đang ngày càng suy giảm đến mức báo động. Nạn phá rừng, xung đột không gian sinh tồn giữa voi và người, tình trạng săn bắt trái phép để lấy ngà, lông đuôi... đã đẩy loài voi đến bờ vực nguy hiểm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chỉ còn 35 cá thể voi, trong đó huyện Buôn Đôn có số lượng nhiều nhất là 22 cá thể, huyện Lắk có 12 cá thể và huyện Krông Ana có 1 cá thể.
Trước thực trạng trên, các cấp chính quyền, các tổ chức bảo tồn và cộng đồng tại Đắk Lắk đã và đang triển khai nhiều biện pháp cấp bách nhằm bảo vệ loài voi quý hiếm này. Có thể kể đến việc đầu tiên là triển khai mô hình hoạt động du lịch thân thiện với voi, chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi, nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi và duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà trên địa bàn tỉnh. Cuối năm 2021, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Tổ chức Động vật châu Á về chuyển đổi xây dựng mô hình du lịch thân thiện với voi. Cụ thể hóa bản ghi nhớ này, Dự án hỗ trợ kỹ thuật thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi được thực hiện. Dự án do Tổ chức Động vật châu Á tài trợ, với tổng số tiền hơn 55,4 tỷ đồng, thực hiện trong 4 năm (2022 - 2026).
Bên cạnh đó, là nhiều hoạt động có ý nghĩa như hội thảo “Câu chuyện của voi” do Simexco Daklak tổ chức; tọa đàm “Văn hóa voi trong đời sống cộng đồng buôn làng tại huyện Lắk”, triển lãm mỹ thuật “Voi - niềm tự hào của Buôn Đôn, Đắk Lắk” do Hội VHNT Đắk Lắk tổ chức… Khu bảo tồn thiên nhiên Vườn quốc gia Yok Đôn cũng được tăng cường quản lý và bảo vệ. Các hoạt động tuần tra, giám sát để ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, được lên kế hoạch tương đối chi tiết, toàn diện. Các chương trình giáo dục cộng đồng như “Tôi không cưỡi voi, tôi cười cùng voi”; phát triển mô hình “Du lịch thân thiện với voi”… nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn voi được triển khai rộng rãi.
Từ năm 2022 đến nay, mô hình du lịch thân thiện với voi được thực hiện trên địa bàn huyện Buôn Đôn và huyện Lắk. Các nài voi, trung tâm du lịch đều được hỗ trợ để chuyển đổi sang mô hình này. Ông Thái Anh Tuấn - Tổng giám đốc Simexco Daklak cho biết: “Việc ngừng cưỡi voi trong du lịch có thể không mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp ngay lập tức cho ngành Du lịch nhưng lại mang lại những lợi ích dài hạn và bền vững, không chỉ cho động vật mà còn cho ngành Du lịch và cộng đồng địa phương”.
Theo ông Ryan Hockley, cố vấn kỹ thuật Tổ chức Động vật châu Á, với mô hình “Du lịch thân thiện với voi”, voi được sống gần với bản năng tự nhiên hơn, ăn uống theo sở thích, sức khỏe tốt và tuổi thọ được kéo dài hơn. Giải pháp để phát triển mô hình này là cần nắm bắt nhu cầu du khách và cải thiện chất lượng tour, nắm bắt nhóm khách tiềm năng, quảng bá trên đa nền tảng. Mặt khác, các nhân sự liên quan cũng phải học cách tiếp cận mới khi thay đổi mô hình.
Voi không chỉ là một loài động vật, mà còn là một phần linh hồn, một biểu tượng văn hóa sâu sắc của Đắk Lắk và Tây Nguyên. Bảo tồn voi vì thế không đơn thuần là gìn giữ một loài quý hiếm, mà còn là gìn giữ một di sản sống động, gắn với lịch sử, tín ngưỡng và bản sắc của cả vùng đất “nóc nhà Đông Dương”. Những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc bảo tồn loài voi chính là cách để gìn giữ hơi thở của đại ngàn, để hình ảnh những chú voi hiền hòa tiếp tục hiện diện trong đời sống tinh thần và không gian văn hóa của cộng đồng.
Ở thời điểm hiện tại, việc bảo tồn voi Đắk Lắk càng trở nên cấp thiết. Đây không chỉ là hành động bảo vệ sinh học mà còn là trách nhiệm gìn giữ một biểu tượng tinh thần độc đáo của Tây Nguyên. Hy vọng rằng, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, hình bóng những chú voi sẽ mãi hiện diện giữa đại ngàn Đắk Lắk và hình ảnh những chú voi trong muôn mặt cuộc sống đời thường mãi là niềm tự hào của người dân nơi đây!
THANH HÀ - THÚY AN - Ảnh: TUẤN MINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 610, tháng 6-2025