70 năm thành lập Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam: Xứng đáng là cánh chim đầu đàn của nền nghệ thuật ca múa nhạc Việt Nam

Tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội), Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam vừa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập. Tham dự Lễ kỷ niệm có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, đại diện các đơn vị nghệ thuật, các cơ quan báo chí và các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát.

Tự hào, lắng đọng, hạnh phúc là cảm nhận chung của khách mời cũng như các thế hệ nghệ sĩ khi tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà hát. Những thành viên trong ngôi nhà chung Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam lại có dịp gặp gỡ, giao lưu, ôn lại chặng đường lịch sử đã qua, tự hào với truyền thống, đồng thời thấy rõ hơn những khó khăn thách thức mới đặt ra, thể hiện quyết tâm cho chặng đường tiếp theo.

Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật "Những cánh chim không mỏi"

Chương trình nghệ thuật Những cánh chim không mỏi (Đạo diễn: NSƯT Đỗ An) mở đầu Lễ kỷ niệm rất ấn tượng bởi có đầy đủ các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam cùng tham gia biểu diễn. Chương trình bao gồm các tiết mục ca, múa, nhạc đã đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đan xen với những thước phim tư liệu sống động đã khái quát lại quá trình thành lập và các thành tựu rực rỡ mà Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã đạt được trong 70 năm qua. Đó là: Hòa tấu dàn nhạc: Cánh chim và ánh sáng mặt trời, Chiến sĩ Sông Lô, Múa: Hương Xuân; Tốp ca nữ Thập lục: Quê hương tôi đổi mới, Bình Trị Thiên khói lửa, Người là niềm tin tất thắng; Múa: Hạt thóc vàng; Liên khúc: Những ngôi sao sáng; Hát múa chào kết: Rạng rỡ Việt Nam… với sự tham gia của các NSND: Trần Hiếu, Quang Thọ, Thu Hiền, Thái Bảo, Kim Chung, Ngọc Bích, Quang Huy, Trung Đức, Mạnh Hà, Thanh Vinh; các NSƯT: Xuân Bình, Đức Long, Ngọc Khang, Trường Giang, Tố Nga, Thanh Vinh, Thanh Huyền, Hồng Năm, Phương Thảo, Thành Sơn, Đỗ Tuấn, Tố Uyên, Vũ Dậu, Hồng Năm; các nghệ sĩ: Kim Quy, Thanh Thanh Hòa, Thu Thu Hiền, Trung Anh, Thanh Hằng, Kiều Minh, Tiến Hưng, Minh Đức, Vương Long, Minh Đức… cùng tập thể ca sĩ, diễn viên múa trẻ và dàn nhạc.

Chương trình nghệ thuật "Những cánh chim không mỏi"

Chương trình cũng là lời tri ân sâu sắc gửi tới các bậc tiền bối, các thế hệ cha anh của Nhà hát đã đặt viên gạch đầu tiên tạo dựng một nền móng vững chắc cho thế hệ kế cận. Những cánh chim không mỏi bay qua mọi bão tố phong ba, mọi đổi thay, thách thức của xã hội, tự tin khẳng định vai trò, vị trí “Cánh chim đầu đàn”, “Tên lửa tầm xa” của nền nghệ thuật dân tộc, cách mạng Việt Nam. Ý thức được giá trị, ý nghĩa thiêng liêng và trân quý đó, suốt 70 năm qua, mỗi thành viên Nhà hát đã không ngừng học hỏi, cống hiến, góp phần kế thừa, phát huy kho tàng, di sản quý báu, không ngừng trau dồi, học hỏi, đoàn kết dựng xây Nhà hát Ca Múa, Nhạc Việt Nam ngày càng phát triển.

Ông Nguyễn Hải Linh - Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam báo cáo thành tích của Nhà hát

Cách đây 70 năm tại chiến khu cách mạng Việt Bắc, Đoàn Văn công nhân dân Trung ương - tiền thân của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam ra đời đã tạo nên một lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhiều thế hệ cán bộ, nghệ sĩ, công nhân viên của Nhà hát vừa là người nghệ sĩ vừa là những chiến sĩ không quản khó khăn, gian khổ, dưới mưa bom, lửa đạn sẵn sàng lấy “tiếng hát át tiếng bom”, lấy tiếng đàn, lời ca, điệu múa cùng chia lửa với bộ đội, nhân dân trên khắp chiến trường. Các nghệ sĩ của Nhà hát đã sáng tác và biểu diễn nhiều tác phẩm ca múa nhạc, kịp thời phản ánh, ca ngợi tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta trên khắp mặt trận.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ nghệ sĩ của nhà hát luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng hành cùng những bước thăng trầm của lịch sử đất nước. Song song với biểu diễn phục vụ quần chúng nhân dân, Nhà hát còn phục vụ các sự kiện chính trị của Đảng, Nhà nước, phục vụ các hoạt động đối ngoại và quảng bá giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Với những đóng góp to lớn đó, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật và nhiều phần thưởng khác.

Trong thời kỳ đổi mới, trước sức ép của cơ chế thị trường, với sự bùng nổ của công nghệ truyền thông đã làm thay đổi căn bản xu hướng tiếp cận các loại hình văn hóa nghệ thuật, nhiều loại hình giải trí mới ra đời, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường giải trí đã làm ảnh hưởng tới các hoạt động nghệ thuật của các Nhà hát. Khắc phục khó khăn, tập thể lãnh đạo và các nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã kiên trì định hướng nghệ thuật là bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật ca múa nhạc dân gian dân tộc. Thay đổi tư duy, quan điểm nghệ thuật biểu diễn, thích ứng với xu thế xã hội, xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng cao phục vụ nhu cầu nhân dân và phục vụ nhiệm vụ chính trị.

“Là thế hệ tiếp nối, chúng tôi luôn tự hào về truyền thống của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, tiếp tục vun đắp vào những điều tốt đẹp nhất của Nhà hát do các bậc tiền bối đã dựng xây. Thương hiệu đó thế hệ chúng tôi được kế thừa, đây là niềm vinh dự, tự hào, nhưng đó cũng là áp lực làm sao phải tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị và thành quả của các bậc tiền nhân, các thế hệ đi trước đã tin tưởng gửi gắm”, Giám đốc Nguyễn Hải Linh khẳng định.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, Thứ trưởng Tạ Quang Đông biểu dương những thành tích mà Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã đạt được trong 70 năm qua. Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã thực sự trở thành cái nôi nghệ thuật lớn, hội tụ tỏa sáng của nhiều nghệ sĩ tài năng, tâm huyết, tên tuổi gắn liền với chặng đường phát triển rực rỡ, vinh quang của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông và Giám đốc Nguyễn Hải Linh trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL và tặng hoa cho các cá nhân của Nhà hát đạt thành tích xuất sắc

Nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ ngày càng cao của khán giả trong và ngoài nước, đồng thời để Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam phát triển vững mạnh và ngày càng đạt nhiều thành tích cao hơn nữa, Thứ trưởng yêu cầu Lãnh đạo Nhà hát phải luôn quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra với tinh thần “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”; Tập thể lãnh đạo, nghệ sĩ, diễn viên, người lao động Nhà hát luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, xây dựng đơn vị vững mạnh về tổ chức, chú trọng đào tạo tài năng trẻ, nghệ sĩ có lòng yêu nước, đạo đức, nghề nghiệp, trình độ chuyên môn. Nhà hát cần không ngừng tìm tòi, đầu tư, xây dựng nhiều tác phẩm có chất lượng nhằm tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi hơn nữa với nhân dân trong cả nước, đặc biệt là khán giả trẻ và bạn bè thế giới, nêu cao hơn nữa trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống, xứng đáng là “Cánh chim đầu đàn” của nền nghệ thuật ca múa nhạc Việt Nam. Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam cần tập trung mọi nguồn lực, phát triển cơ sở vật chất, tăng cường hợp tác quốc tế… chủ động đối diện và vươn lên thách thức trong tình hình mới, vững bước đi lên trong cơ chế thị trường, không ngừng nâng cao đời sống của nghệ sĩ, diễn viên, người lao động.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông chụp ảnh cùng các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát

Nhân dịp này 30 cá nhân có thành tích xuất sắc của Nhà hát đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL.

Tin, ảnh: THANH TÂM 

 

;