Huyện Châu Thành (An Giang) hôm nay khoác lên mình một diện mạo mới, đầy sức sống. Đi tới nơi đâu trong huyện cũng thấy cơ sở hạ tầng đường sá, lộ giao thông thoáng, sạch, xanh, đời sống người dân ngày càng khấm khá, thể hiện “ý Đảng, lòng dân” rõ nét.
Huyện Châu Thành và xã Vĩnh Nhuận tặng Giấy khen các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp xây dựng xã Vĩnh Nhuận đạt chuẩn xã Nông thôn mới nâng cao
Chúng ta đến xã Cần Đăng - mảnh đất anh hùng sản sinh những người con kiên cường bám đất, bám làng, chống lại sự càn quét của địch trong kháng chiến. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã phát huy truyền thống cách mạng, ra sức thi đua xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Cần Đăng ngày nay có nhiều đổi thay. Kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang. Dọc theo 2 bên đường, người dân trồng hoa, làm hàng rào, lắp đặt đèn đường chiếu sáng. Hệ thống giao thông từng bước được xây dựng hoàn chỉnh: cầu, đường nông thôn kiên cố, giúp bà con thuận tiện đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa. Công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, đời sống người dân được quan tâm, ngày càng phát huy hiệu quả.
“Bây giờ, diện mạo nông thôn thay đổi hơn trước nhiều lắm. Điện, đường, trường, trạm được Nhà nước đầu tư. Người dân tích cực trồng hoa, làm hàng rào, phát quang, vệ sinh môi trường, đóng góp kinh phí lắp đèn đường. Ngoài ra, chúng tôi còn tham gia hoạt động an sinh xã hội, chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển” - ông Nguyễn Văn Hải (ngụ ấp Cần Thạnh) vui mừng chia sẻ.
Những năm qua, xã Cần Đăng tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, phối hợp ngành chức năng hỗ trợ chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất - kinh doanh.
Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả kinh tế được duy trì, nhân rộng, như: nuôi ba ba thương phẩm trong bể xi-măng, nuôi cá hô trong ao đất, sử dụng hệ thống tưới tự động cho vườn cây ăn trái, hệ thống phun ẩm trồng nấm bào ngư; nuôi cấy và cung cấp phôi nấm đông trùng hạ thảo…
Đi tiếp vào xã Vĩnh Nhuận, chúng tôi hiểu rõ hơn về quá trình thực hiện hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao.
Để đạt được hiệu quả cao, huyện Châu Thành và xã Vĩnh Nhuận đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chủ động, tích cực tham gia xây dựng Nông thôn mới, gắn với cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Trong đó, tập trung củng cố và nâng chất các tiêu chí dễ biến động và thiếu bền vững, như: Tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, môi trường, an ninh trật tự xã hội, cải cách hành chính…
Bên cạnh đó, tiếp tục lồng ghép các nguồn lực vào xây dựng Nông thôn mới; hỗ trợ, đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp; phát triển du lịch nông thôn gắn với phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người dân. Đồng thời, phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, phấn đấu đưa xã đạt chuẩn “Xã Nông thôn mới kiểu mẫu” trong thời gian tới.
Làm nên sức sống mới hôm nay, bên cạnh sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương còn phải kể đến lực lượng thanh niên trẻ trung năng động. Những năm qua, phong trào thanh niên huyện Châu Thành không ngừng được củng cố, phát triển và đạt thành tích phấn khởi. Qua đó, phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, khát vọng cống hiến, xung kích của tuổi trẻ, chung tay xây dựng quê hương Châu Thành ngày càng phát triển.
Với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, Hội Liên hiệp Thanh niên các cấp trên địa bàn huyện Châu Thành luôn xung kích, tình nguyện thực hiện 846 công trình, phần việc thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh và các hoạt động an sinh xã hội, vì cuộc sống cộng đồng.
Đó là xây dựng tuyến đường thanh niên tự quản “Sáng - xanh - sạch - đẹp” tại 13/13 xã, thị trấn; cất mới 56 căn nhà Tình bạn, tổng trị giá hơn 2,8 tỷ đồng; sửa chữa 64km, làm mới 40km đường giao thông nông thôn; tham gia 1.360 ngày công lao động cất mới 6 cầu nông thôn; thu gom 12,7 tấn rác thải, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật; trồng mới 39.517 cây xanh, 8.170 hoa sinh thái; lắp đặt 720 pa-nô tuyên truyền; lắp đặt, sửa chữa hệ thống điện, nước an toàn cho 517 hộ dân; tặng 1.718 ảnh Bác Hồ; phát trên 20.270 tờ rơi tuyên truyền.
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ tu sửa, chỉnh trang, sơn vẽ mới ngôi sao trên mộ liệt sĩ, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp tại nhà bia tưởng niệm, bia chiến thắng, thăm hỏi và tặng 4.380 phần quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, Gia đình chính sách, Người có công số tiền hơn 900 triệu đồng.
Sự đổi mới sáng tạo của huyện ngày nay đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện triển khai mạnh mẽ giải pháp cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nguồn lao động tay nghề, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh.
Với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, huyện từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phù hợp với điều kiện địa phương. Tập trung rà soát, cơ cấu lại sản xuất, tích cực vận động nông dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, vườn tạp sang trồng cây ăn trái và các loại rau màu an toàn, chất lượng, cạnh tranh cao. Diện tích chuyển đổi từ lúa sang rau màu và cây ăn trái vụ Đông Xuân năm 2023 - 2024 trên 303ha, trong đó, trên 288ha rau màu; hơn 15ha cây ăn trái.
Ngành nông nghiệp đã tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản xuất gắn với đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Chú trọng phát triển sản phẩm dựa trên đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương. Đến nay, huyện Châu Thành có 3 sản phẩm được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đạt chuẩn 3 sao, gồm: Nước mắm chay Cô Nành của Hộ kinh doanh Yến Phương (ấp Trung Thành, xã Vĩnh Thành), nấm đông trùng hạ thảo của Hộ kinh doanh Hoàng Huy (ấp Cần Thới, xã Cần Đăng) và sầu riêng Vĩnh Hòa của Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Nhuận).
Xác định xây dựng Nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa quan trọng, trong thời gian tới huyện Châu Thành sẽ tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền và tổ chức đoàn thể, hỗ trợ các xã đạt chuẩn xã Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao theo lộ trình đề ra. Đến nay, toàn huyện có 9/11 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới; 4/11 xã đạt được công nhận đạt chuẩn xã Nông thôn mới nâng cao. Thực hiện tiêu chí huyện Nông thôn mới, huyện tự đánh giá đạt 5/9 tiêu chí, 29/36 chỉ tiêu.
Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Lê Kỳ Quang nhấn mạnh: “Để trở thành huyện Nông thôn mới vào năm 2025, Châu Thành tiếp tục nâng cao vai trò của hệ thống chính trị trong xây dựng NTM, quyết tâm giữ vững và nâng chất chỉ tiêu, tiêu chí đã đạt. Đối với các xã đạt chuẩn Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao, chúng tôi yêu cầu không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được, phấn đấu lên xã Nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu trong tương lai…”.
TRẦN TRỌNG AN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 591, tháng 12-2024