Áp lực đối với người viết trẻ

Độc giả trên phố sách Hà Nội

Con đường của một nhà văn là con đường dài với nhiều gian khó. Và thời trẻ chính là sự khởi đầu, quyết định đến những chặng đường sáng tác sau này. Ðó cũng là giai đoạn khó khăn nhất, áp lực nhất với người viết trẻ. Ðối mặt với những áp lực, người viết hoặc lùi bước, hoặc thay đổi, hoặc vượt lên khẳng định bản lĩnh, cá tính sáng tạo của mình, tạo nên những ngã rẽ trên con đường sáng tạo và số phận của nhà văn. Ðối với mỗi cá nhân đã vậy, đối với lịch sử văn chương của dân tộc, những cuộc đổi thay lớn, những bước ngoặt lớn trên con đường cải cách, sáng tạo thiên chức đều đặt lên vai những người tuổi trẻ. Vì thế chúng ta cần phải quan tâm, giải quyết vấn đề này một cách thấu đáo, nếu muốn nền văn học của chúng ta sẽ gặt hái được những thành tựu trong tương lai. 

Ở mỗi giai đoạn lịch sử, người viết trẻ gặp những áp lực khác nhau do bối cảnh lịch sử và văn hóa quy định. Quá trình sáng tạo của họ ngày nay gắn liền với quá trình đấu tranh cho sự thắng thế của cái mới, vượt qua những giáo điều, những lối mòn cũ kỹ và cả sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong bối cảnh giao lưu đa văn hóa, cùng với đó là sự suy giảm của văn hóa đọc ngày càng trầm trọng.

 

1. Áp lực đối với người viết trẻ trước hết thể hiện ở chỗ chậm được thế hệ trước thấu hiểu, đánh giá và khẳng định giá trị sáng tạo của họ. 

V. Hugo từng nói: “Cái bình thường là cái chết của nghệ thuật.” Nếu làm nghệ thuật mà không nói lên được một cái gì mới mẻ, khác thường, nếu chỉ bằng lòng với những khuôn thức cũ, những giới hạn an toàn đã được vạch ra bởi lớp người đi trước hoặc các những quy ước đạo đức cũ thì người viết sẽ không có đóng góp gì cho nền văn học và người đọc cũng sẽ không để ý đến sự xuất hiện của anh ta. Bản chất của sáng tạo đòi hỏi nhà văn phải trở thành một nhà tiên phong, phải có tinh thần dấn thân để vượt lên phía trước. Trong trường hợp đó, nhà văn sẽ rất cô đơn và đòi hỏi được thấu hiểu, được sẻ chia, được đánh giá, được khẳng định... 

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI tổ chức tại Văn Miếu (Hà Nội)

Nhiều nhà văn, nhà thơ tiêu biểu, tác phẩm của họ đã không được đánh giá đúng mức lúc đương thời. Thậm chí tác phẩm gặp khó khăn rất lớn trong việc cấp phép xuất bản, đánh giá, khẳng định giá trị từ phía các cơ quan chức năng. 

Nguyên nhân của hiện trạng những tác phẩm có giá trị, những nhà văn xuất sắc chậm được khẳng định, đánh giá cũng không hoàn toàn ở phía những cơ quan chức năng, mà một phần quan trọng do các nhà phê bình, các tổ chức chuyên môn đã không có sự thẩm định kịp thời, khách quan, khoa học. Hiện nay sách in ra ngày một nhiều, các bài truyền thông trên báo, trên mạng xã hội nhiều khi được viết một cách cảm tính, do quen biết, do nể nhau mà thiếu đi tính khách quan khoa học. Tên tuổi, vị thế xã hội quyết định nhiều đến những lời khen chê đối với tác phẩm. Và do đó, người viết trẻ dù có viết hay chưa chắc đã được các nhà phê bình để mắt đến. Công tác hướng dẫn, định hướng dư luận của các nhà phê bình hiện nay không thật tốt, dẫn đến hiện tượng vàng thau lẫn lộn. Thậm chí, việc dịch thuật tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài đôi khi cũng chỉ dựa vào sự quen biết cá nhân. Những người có quan hệ, có điều kiện quảng bá tác phẩm của mình không hẳn là những người có tác phẩm xuất sắc, việc phổ biến tác phẩm dở ra nước ngoài làm ảnh hưởng đến hình ảnh của văn học Việt Nam trước thế giới. Ðiều đó cũng ảnh hưởng đáng kể đến sáng tác của giới trẻ với tư cách như một thành tố đáng lưu tâm của văn học nước nhà trong tiến trình hội nhập. 

Hiện nay, ở Hội Nhà văn Việt Nam có Ban Nhà văn trẻ tập hợp các tác giả trẻ trong một đội ngũ; có giải thưởng dành cho tác giả trẻ; đó là những nỗ lực cần thiết và đáng quý. Tuy nhiên, dường như đội ngũ sáng tác trẻ còn mỏng, ít người được ghi nhận và chưa làm bật lên một xu hướng sáng tác trong thời đại mới. Dường như có một rào cản, sự thiếu thấu hiểu giữa những người sáng tác trẻ với những người đã thành danh của thế hệ trước. 

Việc thấu hiểu, sớm đánh giá, khẳng định tài năng của người viết trẻ sẽ có ý nghĩa lớn trong việc mở đường cho những quan niệm mới, những giá trị mới được đông đảo lớp trẻ chấp nhận. Và như thế, sẽ trẻ hóa nền văn học, làm cho nhiều người viết trẻ có địa vị trong nền văn học dân tộc và xây dựng một diện mạo mới của nền văn học Việt Nam trước thế giới. 

2Áp lực thứ hai của người viết trẻ là hiện tượng suy giảm độc giả đặt nền văn học vào chỗ mất dần địa vị trong đời sống tinh thần của người dân. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nghe nhìn, của mạng xã hội, của game online và các phương tiện giải trí khác cùng với nhịp sống gấp gáp trong thời hiện đại khiến cho thời gian dành để đọc sách của mỗi người bị co lại. Theo phản ánh của những người trong nghành, số lượng phát hành các tác phẩm văn học bị suy giảm liên tục trong nhiều năm làm cho các nhà xuất bản, các công ty sách rơi vào tình trạng khó khăn. Tình trạng này không phải là một dấu hiệu đột xuất và tạm thời mà kéo dài, càng ngày càng trở nên trầm trọng. Nếu như trước đây, một tác phẩm văn học có thể ấn bản hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn bản thì ngày nay, số lượng có thể chỉ là một ngàn, thậm chí dưới một ngàn bản. Nhiều tác giả không thể tìm được đầu ra cho các bản thảo của mình mà phải tự bỏ tiền ra in. 

Đường sách TP. HCM

Việc suy giảm độc giả khiến cho rất nhiều bạn trẻ không chọn lựa con đường trở thành người sáng tác hoặc phê bình văn học bởi đây là một nghề đòi hỏi chất xám, sự nỗ lực rất cao nhưng vô cùng khó khăn trong việc khẳng định tài năng cá nhân và chế độ nhuận bút hiện hành không thể duy trì được cuộc sống ở mức trung bình của xã hội. Ðây là lý do cơ bản dẫn đến việc các khoa văn học khó tuyển sinh, đội ngũ sáng tác ngày càng suy giảm.

Việc hình thành các diễn đàn, hỗ trợ các điều kiện xuất bản và truyền thông, các kênh phát hành và dịch thuật để mở rộng, quảng bá hình ảnh các tác giả trẻ và tác phẩm của họ nhằm chống lại sự suy thoái là một yêu cầu cấp bách. 

3Áp lực thứ ba là người viết trẻ hiện nay phải cạnh tranh với cả thế giới. Nếu nhìn vào lượng sách xuất bản hằng năm, chúng ta sẽ thấy các công ty sách của Việt Nam chủ yếu săn lùng các tác phẩm ăn khách trên thị trường sách thế giới. Không chỉ thế, họ còn dịch cả những bài truyền thông về các cuốn sách và phổ biến trên các kênh thông tin của mình và trên báo chí. Ðiều này dĩ nhiên có những điểm tốt dành cho độc giả, nhưng cũng đặt nền văn học trong nước vào tình trạng cạnh tranh gay gắt chưa từng có. 

Trong một thực tế mà, hầu như trong cạnh tranh văn hóa, các sản phẩm nội địa luôn rơi vào vị thế yếu, thì sách do các tác giả trong nước viết cũng không phải là một ngoại lệ. Ðối với các tác giả trẻ, so với những người đã thành danh, sự khó khăn còn nhân lên gấp bội. 

Phố sách Hà Nội

Sự đầu tư của nhà nước vào hệ thống xuất bản và tinh thần tôn trọng văn hóa, văn học dân tộc có ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Tại sao chúng ta chỉ đưa văn hóa bên ngoài, văn học từ bên ngoài vào trong nước mà không có sự đầu tư thích đáng để làm nổi rõ những vẻ đẹp, những sáng tạo, tìm tòi và tôn vinh kịp thời những giá trị trong nước? Tại sao không có một chiến lược gây ảnh hưởng ra nước ngoài và hạn chế việc nhập khẩu những tác phẩm chỉ mang tính thị trường và không có giá trị nghệ thuật gây ra hiện tượng thừa mứa những tác phẩm dở, lãng phí và sách ngoại chiếm lĩnh và thắng thế trên thị trường sách trong nước?

4Tôi muốn nhắc đến một áp lực nữa đối với người viết trẻ là sự thay đổi quá nhanh các xu hướng trên thị trường xuất bản khiến cho họ khó định hình một phong cách sáng tác ổn định và lựa chọn vấn đề để viết. Hiện nay sách ra nhiều. Thị hiếu thẩm mỹ liên tục thay đổi, các quan niệm văn chương không còn giống như trước. Người viết trẻ không khỏi đứng trước sự bối rối. Người đọc bị phân tán vào những xu hướng khác nhau. Các xu hướng hình thành nhanh, rồi lại suy tàn, biến mất. Có lẽ vậy chăng, một số người nổi lên trong một thời điểm nào đó rồi nhanh chóng bị lãng quên và không còn biết sẽ tiếp tục sáng tác ra sao. Ðời sống đòi hỏi người sáng tác nói chung, trong đó có người viết trẻ phải nhập cuộc nhanh, phải bắt được xu hướng nhưng đồng thời phải kiên trì theo  đuổi một phong cách riêng, hệ thống giá trị riêng. Ðó thực sự là một yêu cầu khó khăn với những người viết trẻ. Với tư cách một người sáng tác, tôi cũng từng phải băn khoăn rất nhiều khi phải quyết định tiếp tục hay từ bỏ một dự án sáng tác mà mình từng theo đuổi trong một thời gian dài. Bởi khi bắt đầu tư duy đến một đề tài và tìm hiểu tư liệu, xây dựng cốt truyện và nhân vật đến khi đặt bút viết là một hành trình đôi khi kéo dài cả chục năm trời, và khi bắt tay vào thực hiện thì xã hội, thị hiếu và các quan điểm đã thay đổi so với trước.

Tôi nhắc lại những áp lực đang đè nặng lên giới sáng tác nói chung, đặc biệt là với các nhà văn trẻ, không phải để chúng ta bi quan. Bài viết này nêu lên một yêu cầu khách quan cần phải hành động. 

Ðất nước ta đã bước sang một giai đoạn mới, hội nhập ngày càng sâu sắc vào nền văn hóa toàn cầu. Không có một thông tin quan trọng nào, không có một sự kiện, một xu hướng văn hóa nổi bật nào, không một tác phẩm nổi tiếng nào của thế giới không vang động đến tâm tư tình cảm của công chúng Việt Nam. Ðiều đó đòi hỏi một hệ thống các thiết chế văn hóa linh hoạt và năng động hơn. Nhà nước cần phải xây dựng một hệ thống hỗ trợ sáng tác và xuất bản, quảng bá văn học hiệu quả trong và ngoài nước. Chẳng hạn như hệ thống giải thưởng phải thực chất, khách quan và dựa trên các tiêu chí mở rộng, hiện đại hơn; hệ thống phê bình cần khách quan và trung thực hơn (giảm bớt sự giao đãi, khen chê dựa vào cảm tính hoặc các mối quan hệ, hoặc các quan niệm đã lỗi thời); cần các quỹ đầu tư xuất bản và dịch thuật, quảng bá tác phẩm khuyến khích các xu hướng mới vừa mang bản sắc dân tộc vừa hiện đại - có thể góp vào nền văn hóa khu vực và thế giới những dấu ấn riêng; cần có quan niệm rộng mở trong biên tập và xuất bản, khuyến khích những tìm tòi và tôn vinh các sáng tạo mới mẻ, hình thành một thị trường văn học đích thực để các nhà văn có tài có thể chuyên tâm sáng tác và sống được bằng nghề. 

Nền nghệ thuật của chúng ta, trong đó có văn học đang bị già hóa. Trong Hội Nhà văn Việt Nam phần lớn là những cây bút trên 60, 70 tuổi. Lớp người viết từ 50 tuổi trở xuống chiếm thiểu số, dưới 35 chỉ chiếm khoảng trên dưới 10%. Với một nền văn học như vậy, nếu không có những thay đổi mạnh mẽ thì sẽ là quá muộn. Vì chúng ta tin rằng, tương lai của nền văn hóa nói chung, văn học nói riếng thuộc về lớp trẻ, một lớp người sinh ra từ sau năm 2000, với quan niệm  và khả năng hành động khác với chúng ta. Nếu không hành động từ bây giờ, thì chỉ mười hoặc mười lăm năm nữa, mọi cơ hội cho sự vươn lên càng bị thu hẹp lại trong một thế giới cạnh tranh không ngừng và khốc liệt.

___________________

Tham luận tại Hội thảo "Tài năng trẻ - nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật" do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức ngày 12/11/2024

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 589, tháng 11-2024

;