Ký ức Hà Nội qua tranh khắc gỗ của Phạm Thị Nguyệt Nga

Tháng 10 trời thu Hà Nội nắng vàng trong xanh khiến lòng người xao xuyến mà bâng khuâng khó tả, có lẽ bởi không gian mùa thu ấy là  “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”. Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô 10/10/1954 - 10/10/2024, tôi tìm đến họa sĩ Phạm Thị Nguyệt Nga để nghe bà chia sẻ ký ức về Hà Nội “một thời đạn bom, một thời hoà bình”.

Phạm Thị Nguyệt Nga, Em bé uống nước, khắc gỗ, 1968

Họa sĩ Phạm Thị Nguyệt Nga (trong giới mỹ thuật thường gọi trìu mến  họa sĩ Nguyệt Nga), bà sống giản dị trong ngôi nhà cổ nép mình khuất sau con ngõ nhỏ trên phố Đinh Liệt. Có lẽ bà là họa sĩ Hà Nội duy nhất sống trong ngôi nhà gần 100 tuổi cùng với đại gia đình mình. Cuộc đời của nữ nghệ sĩ Hà thành này khiến tôi liên tưởng đến tựa đề của bộ phim Tất cả các dòng sông đều chảy của điện ảnh Autralia, thật tình cờ bộ phim đó nói về một nữ họa sĩ. Dòng chảy cuộc đời của nữ họa sĩ gắn bó với những biến đổi đời sống xã hội Thủ đô. Yêu thương, vị tha nhưng cũng đầy bình thản, vững vàng vượt qua mọi biến cố bởi bà thấu hiểu lẽ vô thường của cuộc sống. Họa sĩ Nguyệt Nga có hàng ngàn tác phẩm, bà cho tôi xem những thùng tôn đựng bảo quản  tranh giấy, vẽ bằng nhiều chất liệu bột mầu, mầu nước, khắc gỗ và kho lưu cất tranh lụa, sơn dầu, sơn mài miêu tả về Hồ Gươm, về phố cổ và những gì rất bình dị trong cuộc sống hằng ngày… Ta có thể tìm thấy lịch sử của Thủ đô Hà Nội qua tài liệu, sử sách, nhưng hãy “dạo qua” lịch sử đời sống xã hội Thủ đô từ góc nhìn mỹ thuật của nữ họa sĩ Nguyệt Nga, được phản ánh đặc sắc bởi những tác phẩm khắc gỗ của bà. 

Họa sĩ  Phạm Thị Nguyệt Nga

 Những bức vẽ từ năm 1968 được lưu giữ cẩn thận. Bà cho biết, mình yêu thích vẽ từ khi còn rất nhỏ tuổi. Trên con phố nhỏ Đinh Liệt những năm 1953 ngày ấy có một cô bé chỉ lớp một, lớp hai say sưa dùng phấn viết bảng, vẽ đầy lên vỉa hè trước cửa nhà. Thấy con gái vẽ say sưa và xin đi học vẽ, mẹ đã dắt bà đến trường Trí Tri (nay là Trường Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố) trên phố Hàng Quạt. Khi đó, họa sĩ Lương Xuân Nhị là thày dạy bà. Lớp học vào mỗi buổi trưa từ 12h đến 14h hằng ngày, quãng  thời gian học không được dài, nhưng bà được học đầy đủ cả hình họa, bố cục, vẽ mầu, học các thể loại tranh sáng tác. Trong lý lịch lưu tại Hội Mỹ thuật Việt Nam, bà ghi mình “tự học mỹ thuật” bởi bản thân không tốt nghiệp Đại học chuyên ngành mỹ thuật nào. Tuy nhiên, dường như với cô bé Nguyệt Nga ngày ấy, quãng thời gian học mỹ thuật ít ỏi đó lại dễ thấm, đủ để thấu cho mình cách thể hiện hình họa trong các tác phẩm rất vững vàng, thật đáng ngạc nhiên với một người “tự học mỹ thuật”. Họa sĩ Nguyệt Nga có lối vẽ “tối giản” có lẽ bởi “sự nghiệp sáng tác” của bà được bắt đầu bằng việc khắc vẽ trên tấm gỗ khổ nhỏ, buộc phải tiết giảm mọi chi tiết để giành sự khúc triết nhất.

Trong căn phòng nhỏ của họa sĩ Nguyệt Nga vẫn treo bức khắc gỗ đầu tiên Em bé uống nước, sáng tác năm 1968, một năm đánh dấu nhiều sự kiện trong sự nghiệp sáng tác nghệ thuật tạo hình của bà. Tác phẩm Tổ thêu cờ, khắc gỗ được Giải A của Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô và được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua lưu sưu tập của Bảo tàng. Cùng năm 1968,  tác phẩm Đường đến trường, khắc gỗ màu được Giải A, Triển lãm Nữ tác giả, đồng thời bà đã trở thành Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội trong năm này.

Phạm Thị Nguyệt Nga, Đường tới truờng, khắc gỗ, 1968

Tác phẩm của bà nhắc người xem nhớ đến thời kỳ 1966- 1968, Hà Nội là hậu phương lớn chi viện cho miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước, khi đó Hà Nội, miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, có những hợp tác xã, những tổ thêu cờ như vậy để gửi cờ vào chiến trường. Hay hình ảnh những chiếc mũ rơm, áo dài của thiếu nữ trong tranh khắc gỗ Đường đến trường, nét ghi nhận tinh tế về Hà Nội lúc bấy giờ, người ta sống, chiến đấu và học tập cùng đạn bom, mang vẻ yêu kiều mà hết sức kiên cường!  

Từ sau năm 1968, họa sĩ Nguyệt Nga năm nào cũng tham gia Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô. Năm 1969, bức khắc gỗ màu Xưởng làm gạch được Giải B. Bà kể, năm đó Hội Mỹ thuật Hà Nội phát động chủ đề sáng tác cho Triển lãm Mỹ thật Thủ đô, bà đã theo lời mời giống như một sự gợi ý tưởng sáng tác “- đến xem làm gạch đi” của người em làm công nhân ở Nhà máy gạch Vĩnh Tuy để ký họa. Thời đó, văn nghệ sĩ đến các nhà máy, xí nghiệp luôn được đón tiếp trọng thị, và đến bây giờ, bà vẫn còn nhớ hương vị  món tép rang trong bữa cơm tập thể của công nhân nhà máy ngày ấy… “bạn đèo cô đến nhà máy bằng xe đạp,  cô ngồi vẽ suốt buổi sáng…”  Thành tựu Giải B rất xứng đáng với tâm tình của bà dành cho công nhân Nhà máy gạch Vĩnh Tuy. Trong hòa sắc xanh công nhân chủ đạo, bức khắc gỗ của bà đưa tôi đến sự ngạc nhiên khác bởi cách xử lý bố cục đông người, và được giải quyết thông minh xếp chung trong tổng thể đơn sắc “xanh công nhân”. Sự đơn giản của hình và sắc được tiết giảm đưa vào bố cục chặt chẽ. Thật sự, không phải riêng tôi, bà Nguyệt Nga cho biết, Hội đồng nghệ thuật ngày đó cũng đặt câu hỏi “phải chăng có ai đó vẽ hộ?”. Nhưng nghệ thuật tạo hình trong khắc gỗ của họa sĩ Nguyệt Nga liên tiếp được khẳng định trong những kỳ Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô… Năm 1971, tác phẩm khắc gỗ mầu Đan túi được trao Giải B. Tác phẩm nhắc nhớ mô hình sản xuất tiểu thủ công ở các tổ chức hợp tác xã một thời ở Hà Nội. Bức tranh có hòa sắc tươi vui đa sắc, thể hiện các cô thiếu nữ trẻ trung, chăm chỉ đan túi lưới. Hình ảnh chiếc túi lưới mắt quả trám được đan bằng len, bằng cước là sản phẩm được sử dụng đại trà lúc bây giờ. 

Phạm Thị Nguyệt Nga, Xưởng làm gạch, khắc gỗ, 1969

Họa sĩ Nguyệt Nga cho biết, bà luôn sáng tác từ những gì quan sát thấy, ghi chép thực tế. Tự nhận xét, mình là người có mắt quan sát tinh tế, chỉ “liếc qua” đã ghi nhận được mọi chi tiết bằng hình ảnh. Đó có lẽ là một trong những “kỹ năng” của người có năng khiếu mỹ thuật. Vậy nên, bà đã ghi nhớ được những ký ức của ngày rất nhỏ tuổi... Vào năm 1945, cô bé Nguyệt Nga được cùng các anh chị đi đón Hồ Chủ tịch ở Nhà Khai Trí Tiến Đức. Bà còn nhớ, ngày ấy được khu phố trang cấp một bộ áo trắng, quần xanh và một chiếc mũ ca lô xanh. Tuy 5 tuổi, nhưng bé Nguyệt Nga chỉ như trẻ ba, bốn tuổi, chính vì quá nhỏ mà bà đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đón bế trên tay. Sau này, tuy đã ở tuổi 90 nhưng anh Tổng phụ trách Đội Thiếu nhi năm ấy vẫn còn nhớ và xác nhận kỷ niệm đẹp đó của bà. 

Ngoài trí nhớ tuyệt vời, với một cuốn sổ tay nhỏ, họa sĩ Nguyệt Nga có thói quen luôn vẽ ký họa mọi lúc, mọi nơi... 

Năm 1974, tác phẩm Lớp mẫu giáo của họa sĩ Nguyệt Nga được Giải A, Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô. Thời kỳ này, các phong trào thi đua như “Ba đảm đang, Ba sẵn sàng”. Những cô giáo mầm non chăm sóc trẻ cho bố mẹ yên tâm lao động, chiến đấu. Hình ảnh các cô giáo đã đi vào thơ ca, nhạc họa lúc bấy giờ... Bức tranh có hòa sắc sinh động, tươi tắn đầy lạc quan, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng. Hơn lúc nào hết, văn hóa nghệ thuật phát huy vai trò là kênh tuyên truyền, động viên! Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô do Hội Mỹ thuật Hà Nội (khi đó là Chi hội Mỹ thuật Hà Nội được thành lập từ năm 1966) đã trở thành một hoạt động nghệ thuật thiết thực đóng góp cho đời sống văn hóa, xã hội và là nơi hội tụ của những văn nghệ sĩ Hà Nội ngày ấy. Chỉ cần có tác phẩm được trưng bày tại triển lãm đã là điều vô cùng vinh dự, hạnh phúc!, chưa nói đến được giải thưởng, bởi ngoài Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc diễn ra 5 năm một lần thì Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô là sự kiện được thành phố Hà Nội tổ chức định kỳ hằng năm.

Phạm Thị Nguyệt Nga, Đánh cờ, khắc gỗ, 1979

 Tên tuổi của họa sĩ Nguyệt Nga gắn liền với Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô, và nghệ thuật khắc gỗ của bà được khẳng định hơn qua các giải thưởng toàn quốc. Tác phẩm Đánh cờ, Giải B, Triển lãm Đồ họa Toàn quốc, năm 1985, được bà ghi lại hình ảnh quen thuộc dễ bắt gặp quanh Hồ Gươm. Cùng năm này, hai tác phẩm Dừa nước Bến Tre Những ngôi nhà mới được Giải B Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, năm 1985.

Không được đào tạo từ trường lớp chuyên ngành nhưng họa sĩ Nguyệt Nga đã tìm cho mình phương thức làm tranh đồ họa riêng, chẳng hạn tranh in của bà không được sử dụng ru lô hay dao khắc, bà chỉ sử dụng dao lòng máng hoặc chữ V để tạo sự mềm mại cho nét khắc của mình.

Họa sĩ Nguyệt Nga nay đã ở tuổi ngoài 80 nhưng vẫn khỏe mạnh, trẻ trung trong vóc dáng nhỏ nhắn, đôi mắt đen láy tinh anh… và vẫn sáng tác đều tùy theo tình trạng sức khỏe. Do tuổi cao nên bà không còn làm tranh khắc nữa, chuyển vẽ chủ yếu là acrylic, lụa, bột mầu... Khi cơn bão Yagi đi qua, bà đã có ngay một bức vẽ về sự cuồng nộ của nó. Bà vẫn có thói quen đi bộ quanh Hồ Gươm mỗi ngày, chú quan sát và ghi lại những khoảnh khắc đẹp, hóm hỉnh dòng người trên phố bằng điện thoại di động.

Phạm Thị Nguyệt Nga, Tổ thêu cờ, khắc gỗ, 1968

Họa sĩ Trần Đốc nhận xét rằng: “Họa sĩ Phạm Thị Nguyệt Nga vẽ tranh đã đẹp lại chớp ảnh cũng cừ. Không bắt chước các nhiếp ảnh gia nâng máy lên, hạ máy xuống chán chê mới bấm máy, họa sĩ Nguyệt Nga bất chợt, rất nhanh, “choạch” cái là có được ảnh bố cục đẹp, đậm nhạt ổn, hồn ảnh tự nhiên” - ông luôn đánh giá cao nữ đồng nghiệp, đồng thế hệ của mình.

Vậy là, ngoài vẽ ký họa, họa sĩ Nguyệt Nga còn ghi nhanh bằng máy ảnh để làm tư liệu vẽ tiếp về Hà Nội ngày nay... Chúc bà có thêm nhiều tác phẩm mới “kể chuyện” Hồ Gươm, Hà Nội ở những chặng đường phát triển tiếp theo của một thành phố vì hòa bình, nằm trong thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO!.

VŨ MAI THƠ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 586, tháng 10-2024

;