Bánh Gio - quà quê dân dã mà hấp dẫn

 

Dù lớn lên bằng gánh hàng bánh bán rong của mẹ nhưng tôi vẫn cảm thấy “chết thèm” nếu lâu ngày không được cắn ngập miếng bánh Gio chấm mật mía nóng hôi hổi vừa mới luộc xong. Đợt này, dịch bệnh dù được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến khá phức tạp, đó là lý do khiến mẹ tôi phải nghỉ phiên chợ và tôi cũng lâu lắm mới được về quê thăm nhà. Dẫu không gói bánh để mang đi bán thì mẹ vẫn chiều con gái mà ngâm gạo, cọ lá, hì hục luộc cho tôi mẻ bánh Gio gắn liền với ký ức tuổi thơ.

Quê tôi là một ngôi làng nhỏ thuộc xã Đại Thành (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), Số hộ gia đình sinh sống trong làng không nhiều, song hầu như nhà nào cũng biết gói bánh Gio. Dù vậy, tôi vẫn luôn tự hào về món bánh Gio “gia truyền” của nhà mình. Tất nhiên là mẹ tôi có bí quyết. Chẳng thế mà khách gần xa vẫn hay nhớ đến bánh của mẹ mỗi dịp cần quà biếu hay gia đình có cỗ bàn.

Để làm ra những chiếc bánh Gio vàng óng, trong mịn và mềm dẻo “núng nính”, gạo nếp phải được ngâm qua đêm với một loại nước “cốt” đặc biệt. Đó hỗn hợp giữa nước vôi trong ngâm với tro đốt rồi ray mịn từ các loại vỏ cây, vỏ hoa quả như: vỏ cau, bưởi, cam, quýt, quả xoan… và cây dền gai. Đây được xem là “vũ khí bí mật” mà mẹ tôi bảo: “Có thêm dền gai thì bánh đậm vị và màu lên đẹp nhất, song cũng khó kiếm nhất, vì bây giờ dền gai người ta nhổ hết rồi, không có sẵn như ngày xưa nữa”. Những hạt gạo nếp tròn mây mẩy, trắng ngần như hạt ngọc được mẹ tôi lựa chọn kĩ càng, sau khi ngâm qua đêm thì chuyển sang một màu vàng nhạt, cắn thử thấy hạt gạo hơi mềm, vị the the là có thể mang gói được rồi.

Lá để gói bánh thường là lá dong tươi hoặc đã phơi khô. Để lúc gói bánh không bị vỡ dọc hay bục góc bánh và luộc xong, bánh lên màu đẹp mắt, bà còn hay đem phơi khô để lá mềm hơn và cũng dự trữ được lâu hơn. Ở quê tôi, bánh Gio được gói tựa như chiếc bánh tẻ, dài tầm gần một gang tay và to bằng 2 ngón tay. Sau khi gói, bánh được quấn dây dứa thật chặt, nhất là ở hai đầu bánh, để bánh mới không bị ngấm nước khi luộc - lúc bóc ra, bánh ráo mịn, vàng óng rất hấp dẫn. Nghe thì khá đơn giản nhưng với những gì được tận mắt chứng kiến và trực tiếp tham gia vào quá trình làm ra những chiếc bánh Gio, tôi mới thấy, người làm bánh không khác gì những “nghệ nhân”, bởi một chiếc bánh ngon rất cần đến sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và cả kho tàng kinh nghiệm rút ra sau bao năm làm nghề.

Miền Bắc bước vào thời tiết se lạnh, được thưởng thức những chiếc bánh Gio nóng hổi, ai cũng thấy thật dễ chịu, ấm lòng. Mà không chỉ thời tiết se lạnh, hằng năm, cứ đến Tết Đoan Ngọ, mẹ tôi vẫn hay gói bánh làm quà cho anh em họ hàng thắp hương, sau đó thụ lộc - thứ quà quê dân dã nhưng chứa đựng bao nhiêu tình cảm, tình nghĩa, dù có nhiều tiền cũng chưa chắc mua được. Nhớ hồi sinh viên, mỗi lần tôi về quê là những người bạn cùng phòng lại dặn đi dặn lại nhớ mang bánh Gio lên để tất cả cùng “giải nhiệt”. Món bánh Gio này, mùa đông ăn nóng thì ấm lòng, mùa hè ăn vào lại thấy mát ruột mát gan, tiêu hóa cũng tốt. Với riêng tôi, dẫu nhiều năm học tập và làm việc ở Thủ đô hiện đại, sầm uất, được nếm thử rất nhiều loại bánh trang trí cầu kỳ, nguyên liệu đắt tiền hay nhập khẩu thì tôi vẫn không thể ngừng nhớ về món bánh Gio mộc mạc của mẹ, nhớ bánh Gio là nhớ nhà.

Anh em tôi nay đều đã trưởng thành. Mẹ tôi hay nói đùa, các con bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm mẹ làm nghề gói bánh Gio. Gánh hàng đơn sơ nhưng là gia tài quý giá mà mẹ có để nuôi chúng tôi ăn học. Hiện tại, mẹ tôi không còn gánh rong đi bộ đến chợ như ngày xưa nhưng tôi vẫn không thể nào quên hình ảnh mẹ tần tảo, trên đôi vai gầy là chiếc quang gánh với đủ loại quà quê. Bóng dáng mẹ thấp thoáng trong màn trời còn tối và mờ hơi sương của những sáng mùa đông lạnh cắt da cắt thịt.

NGÔ HUYỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 486, tháng 1-2022

 

;