Báo chí truyền thông chính sách bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể Hà Nội

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể của Hà Nội là cách để gìn giữ một Thủ đô Hà Nội với đầy đủ những nét đẹp từ truyền thống tới hiện đại, từ lịch sử đến hiện tại và tương tai. Báo chí với vai trò là công cụ truyền thông hiệu quả, góp phần tích cực vào quá trình tuyên truyền các chính sách bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể của Hà Nội, đồng thời quảng bá văn hóa vật thể của Hà Nội đến với công chúng trong nước và thế giới. Đặc biệt là Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua có nhiều điểm mới trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể của Hà Nội.

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Ảnh: Minh Anh

Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, một trung tâm giao lưu quốc tế, trong đó, trung tâm văn hóa là nét đặc trưng và tiêu biểu. Thăng Long - Hà Nội là điểm hội tụ văn hóa của đất nước. Hiện Hà Nội có gần 5.850 di tích; 11 di tích quốc gia đặc biệt; 1.167 di tích quốc gia; 1.179 di tích cấp thành phố. Có thể nói, mật độ di tích của Hà Nội thuộc loại cao nhất nước, trong đó, nhiều di tích nổi tiếng có niên đại từ trước thời Lý đến thời Nguyễn. Chính những di sản mang giá trị lịch sử, nhân văn này đã tạo nên sức sống, nét đặc trưng rất riêng của Hà Nội và thực sự trở thành nội lực quan trọng cho công cuộc bảo vệ, xây dựng, phát triển của Hà Nội và cả nước.

Cùng với sự phát triển, trong những năm qua, Hà Nội đã tập trung xây dựng hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật trong việc phát triển văn hóa xứng tầm với vị trí trung tâm văn hóa của đất nước, trong đó có chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể. Luật Thủ đô 2024, đã quy định tại điều 21, khoản 1, “Việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”. Trong đó, tại khoản 2, đã quy định rõ “Hội đồng nhân dân Thành phố quy định các biện pháp ưu tiên nguồn lực cho bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô; việc đầu tư các nguồn lực nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển văn hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế; đầu tư nguồn lực phát triển thể thao thành tích cao, xây dựng công trình thể thao hiện đại đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới; đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên đạt trình độ quốc gia, quốc tế; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp”. Các khu vực, di tích, di sản, công trình sau đây được tập trung nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa: “Khu vực Ba Đình; Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh; Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các di sản văn hóa khác được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới; Khu di tích Cổ Loa và các di tích quốc gia đặc biệt khác, các di tích quốc gia, bảo vật quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể thuộc danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn Thành phố; di tích cấp Thành phố; di sản văn hóa trong danh mục được kiểm kê; Khu vực hồ Hoàn Kiếm, khu vực Hồ Tây; Phố cổ, làng cổ, làng nghề, làng có nghề truyền thống tiêu biểu; Công trình kiến trúc có giá trị”.

Thành phố Hà Nội đã ban hành các nghị quyết, chương trình về phát triển văn hóa như: Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các nghị quyết, chương trình đã nhấn mạnh quan điểm phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa vật thể truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến; bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo”, quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới. Các nghị quyết, chương trình cũng đánh giá và làm rõ thực trạng phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp văn hóa, phát huy các giá trị văn hóa vật thể của Hà Nội; từ đó, nhận diện đầy đủ tiềm năng, thế mạnh, những hạn chế, khó khăn, thách thức phải đối mặt trong quá trình phát triển bền vững.

Vai trò của báo chí, truyền thông

Với truyền thống hàng ngàn năm xây dựng và trưởng thành, Hà Nội mang trong mình những giá trị tiêu biểu có tính lịch sử và thời đại, trong đó, không thể không kể đến những biểu tượng văn hóa đã đi vào trái tim của bao thế hệ. Những di tích lịch sử văn hóa của Hà Nội đã trở thành điểm đến yêu thích của không chỉ của những người dân Thủ đô, mà còn là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Những di tích lịch sử này không chỉ có ý nghĩa trong việc cho chúng ta biết về quá khứ hào hùng của dân tộc, về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, đời sống tinh thần của người xưa mà còn là kho tri thức văn hóa vô giá để giáo dục truyền thống cho lớp lớp thế hệ về sau.

Nhận thức sâu sắc rằng, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển xã hội, nên báo chí luôn tích cực tuyên truyền, giải thích các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể. Báo chí cũng góp phần tuyên truyền các chính sách sâu rộng tới cộng đồng xã hội, để người dân biết, thực hiện. Trong lĩnh vực văn hóa, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” rất cần thiết và báo chí chính là kênh thông tin phản ánh nhanh nhạy, kịp thời và đa chiều về các sự kiện, các hoạt động liên quan đến di tích văn hóa vật thể để từ đó giúp cho những người làm công tác quản lý về văn hóa có thêm kênh thông tin hữu ích. Mặt khác, báo chí còn chủ động góp phần vào việc xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách cũng như luật pháp liên quan đến văn hóa.

Báo chí vừa tuyên truyền, giải thích, vừa góp phần hướng dẫn, tổ chức việc thực hiện các phong trào văn hóa liên quan đến di tích văn hóa vật thể như việc tổ chức lễ hội, hạn chế việc đốt tiền, vàng mã tại các di tích... Đây là vấn đề lớn không chỉ đối với các di tích văn hóa vật thể của Hà Nội mà còn là của chung cả nước. Về việc này, báo chí đã có nhiều sự phản ánh, tuyên truyền để mỗi người dân hiểu được và tham gia tích cực trong việc cùng tổ chức lễ hội văn minh, trang trọng, tiết kiệm, bài trừ các tệ nạn xã hội như cờ bạc trong các lễ hội, tránh các hiện tượng mê tín dị đoan, hạn chế tiến tới không đốt vàng mã để tránh lãng phí…

Với chức năng của mình, báo chí là một trong những đội quân tiên phong trong việc cung cấp tới người đọc thông tin về chính sách văn hóa vật thể của Hà Nội tới người dân trong nước và du khách quốc tế. Ở chiều ngược lại, báo chí cũng thông tin người dân Hà Nội biết được những cái hay, cái đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người dân trên khắp mọi miền đất nước. Báo chí cũng tập trung nêu lên những tấm gương điển hình trong các hoạt động văn hóa tâm linh của người dân Thủ đô. Những mô hình, những cách thức tổ chức hoạt động văn hóa tín ngưỡng sáng tạo, đổi mới, nhưng vẫn duy trì được nét truyền thống thường xuyên được biểu dương, từ đó, tạo thành động lực, nhân điển hình để các cơ sở học tập, noi theo. Báo chí cũng đang góp phần vào việc khai thác di tích văn hóa vật thể phục vụ cho phát triển du lịch của Hà Nội với mục tiêu là giáo dục truyền thống lịch sử Thủ đô Hà Nội và lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước, giới thiệu cho khách du lịch trong nước và quốc tế về lịch sử, văn hóa, nét đẹp thiên nhiên của Hà Nội, tăng thêm lợi ích kinh tế cho xã hội, cho Thủ đô Hà Nội, cho người dân. Hạn chế thấp nhất những tác động xấu từ hoạt động du lịch đối với di sản văn hóa vật thể của Hà Nội.

Với nhiệm vụ định hướng dư luận, báo chí đã truyền tải thông điệp của chính sách về khai thác các tài nguyên văn hóa phục vụ du lịch phải gắn liền với công tác bảo tồn tính đa dạng, gìn giữ các giá trị di tích lịch sử văn hóa; phát triển du lịch phải vì mục tiêu văn hóa. Đồng thời, việc bảo tồn di tích phải thu hút ngày càng nhiều khách tham quan, hướng tới phục vụ ngày càng tốt hơn các đối tượng đến tham quan nghiên cứu, du lịch và cộng đồng tham gia bảo tồn. Điển hình, Thành phố Hà Nội đã phục hồi và tổ chức nhiều lễ hội văn hóa dân gian mà mục đích là để bảo tồn và phát triển các giá trị di sản văn hóa vật thể của Thủ đô, qua đó thúc đẩy du lịch phát triển. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch còn phải chú trọng đến bảo vệ cảnh quan môi trường. Đây là những giá trị đặc trưng, đặc thù của Hà Nội, là lợi thế so sánh với các địa phương khác trong cả nước.

Một số hạn chế

Không thể phủ nhận vai trò của báo chí trong việc truyền thông chính sách bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể của Hà Nội, đưa những giá trị của các di tích đến với công chúng, nâng cao trách nhiệm bảo tồn của mỗi người dân. Thế nhưng, việc tuyên truyền bảo tồn và phát huy các di tích văn hóa vật thể trên báo chí còn một số hạn chế.

Thứ nhất, ngoài những thông tin sự kiện, phần lớn thông tin trên báo chí phản ánh những tồn tại, tiêu cực tại các di sản văn hóa vật thể mà ít bài đi vào phân tích sâu, khách quan vẻ đẹp, giá trị của các di tích văn hóa vật thể. Điều này khiến cho bức tranh di tích văn hóa vật thể của Hà Nội trên báo chí tuy có tính sôi động, song lại mang màu sắc chưa tươi sáng.

Điều này ảnh hưởng đến 2 mặt: Làm cho người đọc nói chung có vẻ mất niềm tin vào bộ phận quản lý di tích văn hóa vật thể, khiến di tích mất tính thu hút du khách nói chung, đồng thời, làm hạn chế lan tỏa các giá trị văn hóa vật thể tới công chúng.

Thứ hai, để “câu view”, nhiều phóng viên thường đưa các thông tin linh thiêng hóa, thần thánh hóa xung quanh di tích đó. Việc này có lợi là tạo ra sức hút với du khách, song về lâu dài lại cổ xúy cho những hủ tục và mê tín dị đoan.

Có thể dẫn chứng về đền Sóc (Hà Nội) nổi tiếng với truyền thuyết liên quan đến Thánh Gióng - một trong những vị Tứ bất tử của đất nước, thể hiện tinh thần yêu nước của người dân thì vài năm gần đây, trên báo chí lại chủ yếu nói về lễ hội với tục cướp hoa tre. Thực ra, tục cướp hoa tre là một tục chỉ tồn tại trong một số làng. Trước đây, quy mô nhỏ, các cụ ước chừng được số người tham gia “cướp” giò hoa tre (một hình thức xin lộc). Bởi thế các cụ làm ra một lượng giò hoa tre để gần như... ai cũng cướp được. Nhưng sở dĩ nó biến đổi dẫn đến đánh nhau vỡ đầu để giành chiếc giò hoa tre là bởi bây giờ người ta đổ đến nhiều quá. Lễ hội đền Sóc có hàng trăm nghìn lượt người tham gia, hàng mấy nghìn người tranh cướp giò hoa, có phần do báo chí, truyền thông gián tiếp đã gây ra tình trạng ấy. Bởi lẽ, không hiểu cố tình hay vô ý, nhiều tờ báo thổi phồng chuyện linh thiêng quanh chiếc giò hoa tre. Nếu cứ có giò hoa tre mà nhiều lộc thì dân các làng tham gia lễ hội đã phát tài từ lâu lắm, vì trước đây gần như nhà nào trong các làng tham gia lễ hội cũng “cướp” được.

Các di sản, di tích văn hóa vật thể đều có những lớp lang, những mã văn hóa từ xa xưa để lại. Nếu không hiểu đúng, hiểu sâu thì rất dễ dẫn đến nguy cơ thông tin sai lạc. Bên cạnh đó, hầu như địa phương nào cũng muốn quảng bá các di tích, di sản văn hóa vật thể để thu hút khách du lịch. Người đưa tin nếu không có kiến thức, có bản lĩnh rất dễ trở thành người bị phụ thuộc thông tin do địa phương cung cấp. Nguy cơ “thần thánh hóa” các phong tục trong lễ hội rồi lan đến cả cộng đồng.

Đề xuất những giải pháp

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước theo phương châm phát triển đi đôi với quản lý tốt các hoạt động báo chí truyền thông. Các cấp lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí, xuất bản cần chú ý trong việc nắm bắt tình hình, kịp thời định hướng và chỉ đạo thông tin. Tổ chức nghiên cứu, quán triệt và phổ biến sâu rộng những định hướng, nội dung cơ bản về chính sách, pháp luật bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể ở Hà Nội của Đảng và Nhà nước tới lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan báo chí, để tạo bước chuyển mới trong nhận thức về truyền thông chính sách bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể ở Hà Nội. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách, pháp luật bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa vật thể ở Hà Nội nói riêng tới công chúng Thủ đô cũng như công chúng cả nước. Nâng cao vai trò của cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý nhà nước đối với cơ quan báo chí, trong việc truyền thông hiệu quả cơ chế chính sách và công tác giám sát kiểm tra.

Thứ hai, xác định rõ vai trò chủ lực của báo chí trong hoạt động truyền thông chính sách bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể Hà Nội, cơ quan quản lý, chỉ đạo báo chí cần kịp thời định hướng, chỉ đạo thông tin, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nội dung thông tin báo chí, tạo được sự chia sẻ, đồng thuận xã hội về chính sách bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể Hà Nội. Chỉ đạo, định hướng kịp thời, sâu sát công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về những vấn đề có tác động lớn đến việc thực hiện các chính sách bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể Hà Nội. Bên cạnh đó, kịp thời khen thưởng, động viên những cơ quan báo chí, nhà báo có thành tích trong truyền thông chính sách bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể Hà Nội, đồng thời cần có giải pháp mạnh, xử lý nghiêm sai phạm của báo chí về những điều không được thông tin tên báo chí có tác động xấu tới truyền thông chính sách bảo tồn và phát huy di sản văn hóa theo quy định của Luật Báo chí.

Thứ ba, các cơ quan báo chí cần đổi mới toàn diện các mặt hoạt động, từ lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư của cơ quan chủ quản; đổi mới, hoàn thiện về tổ chức bộ máy các phòng nghiệp vụ về văn hóa; tăng cường và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt, các phóng viên, biên tập viên chủ lực; đổi mới mạnh mẽ nội dung truyền thông chính sách các lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể Hà Nội; đổi mới hình thức thể hiện thông qua việc thiết lập lại hệ thống chuyên mục hợp lý hơn, tăng cường sử dụng các thể loại báo chí mũi nhọn; đổi mới cơ chế tài chính tăng cường tính tự chủ; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại. Quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống báo chí chuyên ngành về di sản văn hóa vật thể trong đó có di sản văn hóa vật thể Hà Nội để lực lượng này đủ sức, đủ tầm cung cấp thông tin chính thống, chủ động định hướng và làm chủ thông tin, tăng cường hiệu quả truyền thông; phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới; đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể Hà Nội; góp phần tôn vinh các giá trị di sản văn hóa vật thể Hà Nội. Để thực hiện được giải pháp này các cơ quan báo chí cần thực hiện những chương trình tập huấn ngắn hạn, dài hạn cho lãnh đạo và phóng viên của cơ quan mình, nhất là đội ngũ lãnh đạo, phóng viên chịu trách nhiệm ở mảng nội dung di sản văn hóa vật thể, trong đó có di sản văn hóa vật thể Hà Nội nắm chắc, hiểu sâu chính sách về di sản văn hóa vật thể Hà Nội, để sáng tạo tác phẩm, biên tập, đăng tải nội dung truyền thông về chính sách về di sản văn hóa vật thể Hà Nội tương xứng với tầm vóc, vị trí, vai trò của nó trong đời sống xã hội.

Thứ tư, nâng cao chất lượng đội ngũ làm báo. Các nhà báo không ngừng nỗ lực, rèn luyện, học hỏi, bồi dưỡng về chuyên môn, không chỉ có chuyên môn về kỹ năng viết báo, làm báo, mà cả những chuyên môn thuộc lĩnh vực văn hóa vật thể được giao theo dõi, cụ thể ở đây là chuyên môn về văn hóa, trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa vật thể. Các cơ quan báo chí khi tuyển chọn và sử dụng, phân công nhiệm vụ phóng viên, phải tìm hiểu rõ ràng, cặn kẽ, đánh giá, kiểm tra sở trường của phóng viên đó là gì để phân công nhiệm vụ cho phù hợp. Các cơ quan báo chí cũng phải khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho phóng viên, biên tập viên đi học tập, bồi dưỡng thêm về chuyên môn của mảng mà họ theo dõi, phụ trách, ngược lại, những người có chuyên môn về lĩnh vực mà họ phụ trách rồi, mà chưa có bằng báo chí thì tạo điều kiện được bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí. Các cơ quan báo chí cũng cần đưa ra các chế tài phù hợp, để xử lý những sai phạm của nhà báo trong quá trình tác nghiệp, khen thưởng, động viên kịp thời các phóng viên có những bài tốt, có chế độ lương, thưởng, đãi ngộ rõ ràng.

Thứ năm, chú trọng nghiên cứu công chúng báo chí, truyền thông. Công chúng là đối tượng tiếp nhận và thụ hưởng các sản phẩm truyền thông trong xã hội. Trong công tác truyền thông chính sách bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa vật thể ở Hà Nội nói riêng, công chúng lại đóng vai trò là chủ thể. Họ chủ động tham gia vào việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa như bảo quản và lưu giữ di sản văn hóa, hỗ trợ các nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, tuyên truyền và vận động người dân cùng tham gia và nâng cao ý thức về việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể của Hà Nội… Nâng cao nhận thức và trách nhiệm, quyền lợi của công chúng về vấn đề bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa là trách nhiệm chung của xã hội và mỗi cá nhân trong cộng đồng. Nhà nước, địa phương cần có cơ chế, chính sách thích hợp khuyến khích, thu hút sự tham gia của người dân vào công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa. Đây chính là vấn đề then chốt, cốt lõi cho việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa một cách hiệu quả nhất.

Bên cạnh đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên cơ hữu, các cơ quan báo chí, xuất bản cần khai thác triệt để đội ngũ cộng tác viên tham gia vào công tác viết bài, xây dựng chương trình chuyên mục, tăng cường số lượng/ tần suất phát hành/ phát sóng để truyền thông các vấn đề về bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của Hà Nội đến đại đa số công chúng. Đa dạng các hình thức thể hiện nội dung liên quan đến vấn đề bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa để tạo ra sự lôi cuốn, hấp dẫn sự quan tâm công chúng, tạo hiệu quả của truyền thông.

Các cơ quan báo chí cần thu hút sự quan tâm của công chúng tham gia vào công tác cung cấp thông tin và phản biện các vấn đề chính sách liên quan đến bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của Hà Nội; có chính sách chế độ nhằm thu hút, động viên, khen thưởng kịp thời cộng tác viên tích cực. Ngoài ra, cần có sự phối hợp đồng bộ thông tin theo những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm tạo nên những chiến dịch thông tin lớn đáp ứng nhu cầu thông tin cho xã hội và mục tiêu truyền thông của của cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước. Coi trọng công tác truyền thông văn hóa. Công tác truyền thông hiệu quả các chính sách về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể của Hà Nội cần được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm then chốt của các cơ quan báo chí; chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông dài hạn và ngắn hạn; xác định mục tiêu và chiến lược truyền thông cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và mục tiêu của các cơ quan lãnh đạo, quản lý nhà nước.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội, Luật Thủ đô, chinhphu.vn, 28-6-2024.

2. Hải Minh, Phát huy giá trị các di sản văn hóa trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội, Tạp chí Cộng sản, Hà Nội, 2022.

3. Lưu Minh Trị, Tìm trong di sản văn hóa Việt Nam Thăng Long Hà Nội, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2002.

4. Hoàng Tùng, Lưu Minh Trị (chủ biên), Thăng Long - Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995.

5. UNESCO, Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Thông báo khoa học Viện Văn hóa - Thông tin, số 9, 6-2004.

6. Hoàng Vinh, Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng văn hóa ở nước ta, Viện Văn hóa và Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1999.

TS ĐÀO XUÂN HƯNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 590, tháng 12-2024

;