Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc hiện nay

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng Tây Bắc hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi thông qua đó không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa đã được đồng bào sáng tạo, chắt lọc từ bao đời nay trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, cũng như qua lao động sản xuất, chiến đấu mà còn góp phần quảng bá, giới thiệu những kinh nghiệm, biện pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đến các vùng lân cận và cả nước. Từ đó, đánh thức, khơi dậy các nguồn lực tự nhiên, xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dân tộc miền núi nói chung và đồng bào DTTS nói riêng.

Đồng bào DTTS ở vùng Tây Bắc (gồm các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái) có di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, phong phú, tiêu biểu như: lễ hội hoa ban, lễ hội cầu mưa của đồng bào Thái, lễ hội gầu tào của người Mông; nhiều di tích, danh lam thắng cảnh đẹp như: bãi đá cổ ở Sa Pa, ruộng bậc thang Mù Cang Chải… Đây là những di sản văn hóa độc đáo của đồng bào DTTS ở vùng Tây Bắc, phản ánh đời sống vật chất, tinh thần phong phú, đa dạng của con người, xã hội nơi đây, góp phần quan trọng vào việc tạo dựng bức tranh văn hóa đa màu sắc nhưng thống nhất ở tính tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS ở vùng Tây Bắc nhằm giữ gìn và phát triển có hiệu quả bản sắc văn hóa các dân tộc, từ đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các chủ thể trong việc tuyên truyền giáo dục, nâng cao niềm tự hào dân tộc, thúc đẩy hoạt động kinh tế du lịch phát triển. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS ở vùng Tây Bắc là trách nhiệm của toàn xã hội, cả hệ thống chính trị, xã hội, trong đó, đồng bào DTTS ở vùng Tây Bắc là lực lượng chính, là người sáng tạo, là chủ nhân của những giá trị văn hóa. Do đó, họ được thưởng thức, hưởng thụ giá trị văn hóa do chính mình làm ra và phải có nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đó.

Nội dung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào DTTS ở vùng Tây Bắc hiện nay cần tập trung vào giữ gìn, phát huy những phong tục, lễ hội, truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS đã có từ lâu đời. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng riêng, không pha trộn với bất kỳ dân tộc nào như người Thái nổi tiếng với múa xòe, nên cần giữ gìn những trang phục, động tác, cách thức tổ chức, không được lai căng, không làm mất đi tính bản địa, để hấp dẫn du khách đến nghiên cứu, tìm hiểu và thưởng thức. Đồng thời, cần giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống chân thật, hiếu khách của con người Tây Bắc nói chung và đồng bào DTTS nói riêng. Đây là nội dung rất quan trọng, bởi hiện nay, nhiều du khách đến thăm quan lễ hội, phong tục, truyền thống ở một số nơi thường bị “chặt chém”, chèo kéo, thái độ thiếu tôn trọng, thân thiện, gần gũi với du khách. Do vậy, đồng bào DTTS phải giữ bản chất vốn có của con người Tây Bắc, niềm nở, vui tươi, hiếu khách, có như vậy, mới góp phần lan tỏa, quảng bá sâu rộng hình ảnh, con người đồng bào DTTS đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Trong thời gian vừa qua, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS ở vùng Tây Bắc đã được hệ thống chính trị, xã hội cấp cơ sở, đồng bào DTTS nhận thức sâu sắc, có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát hợp với từng địa phương; đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chuyên trách về văn hóa, đã tích cực, chủ động  nghiên cứu, tìm tòi để có những đổi mới về nội dung, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn đồng bào bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, loại bỏ những văn hóa lai căng, hủ tục rườm rà, lạc hậu, tốn kém, mất nhiều thời gian, tập trung vào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Lai Châu có trên 1.000 đội văn nghệ, trong đó có 665 đội hoạt động thường xuyên và hiệu quả. Hầu hết các địa phương duy trì tốt việc tổ chức ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc trong các dịp lễ, Tết và ngày Quốc khánh 2-9. Ở Điện Biên, các sắc màu văn hóa tộc người cũng được chú trọng khai thác và phát triển trong nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng và đỉnh cao là lễ hội hoa ban, bắt đầu tổ chức thường niên từ tháng 3-2016 tại thành phố Điện Biên Phủ (1)… Trong giai đoạn 2016-2020, huyện Tuần Giáo, Điện Biên đã kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của 5 dân tộc thiểu số: Thái, Mông, Kháng, Khơ Mú và Phù Lá. Công tác kiểm kê tập trung vào tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian (2)… Tính đến tháng 12-2020, toàn tỉnh Ðiện Biên có 77/115 xã có nhà văn hóa; 11/14 phường, thị trấn có nhà văn hóa và 635/1.441 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa được làm mới hoặc sửa chữa, nâng cấp. Ðây là điều kiện quan trọng để cộng đồng DTTS các địa phương có điểm sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức truyền dạy văn hóa riêng của từng dân tộc (3).

Nhiều mô hình du lịch gắn liền với hoạt động quảng bá, giới thiệu văn hóa con người Tây Bắc đã giúp giải quyết việc làm, nâng cao mức sống cho đồng bào. Ở Điện Biên, từ năm 2004 đến nay, tỉnh bắt đầu xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại 8 bản văn hóa thuộc huyện Ðiện Biên và thành phố Ðiện Biên Phủ theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó nổi bật là các bản Phiêng Lơi, Him Lam (thành phố Ðiện Biên Phủ) và bản Mển (huyện Ðiện Biên) (4). Ở Lào Cai, hiện đã xây dựng được 13 điểm du lịch cộng đồng, tập trung chủ yếu ở các huyện Sa Pa và Bắc Hà, tiêu biểu là: xã Tả Van, Tả Phìn, Nậm Sài (huyện Sa Pa); Bảo Nhai, Na Hối, Tà Chải (huyện Bắc Hà)… Mô hình du lịch cộng đồng Lào Cai dựa trên nét văn hóa truyền thống của người dân bản địa để xây dựng, khai thác một số sản phẩm du lịch đặc trưng như: sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa ruộng bậc thang Lào Cai trong chương trình “Hành trình khám phá cung đường di sản văn hóa ruộng bậc thang - Tây Bắc”, dựa trên di tích danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa và ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả (Bát Xát); sản phẩm “Chợ phiên vùng cao” dựa trên những phiên chợ truyền thống: Bắc Hà, Cán Cấu, Si Ma Cai, Mường Hum, Y Tý (5)… Với cách đi khác nhau, các giá trị văn hóa đồng bào DTTS ở vùng Tây Bắc không chỉ góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy mà còn đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch, xóa đói giảm nghèo, thu hút các chương trình, dự án, đầu tư ở các tỉnh lân cận, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến để hợp tác, ký kết, mở rộng, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với đồng bào DTTS ở vùng Tây Bắc nhiều hơn nữa.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS ở vùng Tây Bắc vẫn còn một số hạn chế nhất định như: nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ cấp cơ sở ở một số nơi chưa cao; việc đi sâu, đi sát để nghiên cứu, tìm hiểu những nét đặc trưng, bản chất văn hóa của từng dân tộc còn ít, chưa có nhiều chương trình, kế hoạch, dự án để phát triển văn hóa từng dân tộc, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho đồng bào DTTS. Một số nội dung cần bảo tồn gấp, như: ngôn ngữ, sáng tác văn học dân gian, tri thức bản địa của các dân tộc chưa được quan tâm toàn diện, dẫn đến hiệu quả bảo tồn còn thấp. Tại vùng người Lào, người Khơ Mú ở Pa Thơm, Mường Lói, Phu Luông (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), vùng người Mông (Phình Sáng, Tuần Giáo, Điện Biên); vùng người Thái ở Chiềng Mai (Mai Sơn, Sơn La) hay vùng người Giáy ở xã San Thàng (thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu), khi được hỏi về lịch sử tộc người, lịch sử địa bàn cư trú hay cách thực hành văn hóa tộc người, đều chưa đưa ra được những câu trả lời thỏa đáng (6)…, đây là điều đáng suy ngẫm.

Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS ở vùng Tây Bắc hiện nay, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mở cửa, hội nhập, thực hiện khát vọng dân tộc hùng cường, hạnh phúc trong thời gian tới, cần tập trung vào một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các chủ thể về tầm quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS ở vùng Tây Bắc

Muốn giữ gìn tốt, bản thân các chủ thể, bao gồm các cơ quan, ban ngành của địa phương, cán bộ cấp cơ sở và đồng bào DTTS phải có nhận thức, trách nhiệm tốt. Đây chính là cơ sở, tiền đề quan trọng để chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các hoạt động hướng dẫn, xây dựng kế hoạch, chương trình, biện pháp giữ gìn đúng đắn, phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, nhận được sự đoàn kết, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và đồng bào DTTS vùng Tây Bắc. Theo đó, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm trước hết ở việc tất cả cán bộ, đảng viên, đồng bào DTTS quán triệt sâu sắc nghị quyết của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, quy định, hướng dẫn của Bộ, ban, ngành từ Trung ương cho đến địa phương về giữ gìn bản sắc văn hóa của từng dân tộc; tổ chức những buổi quán triệt, thông qua các trò chơi, lễ hội, hội thi, hội thao, hội diễn để đồng bào DTTS biết được những quan điểm, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và đồng bào DTTS nói riêng.

Tổ chức những hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa đồng bào DTTS vùng Tây Bắc thiết thực, hiệu quả

Tổ chức những hoạt động giữ gìn để tôn vinh, ngợi ca lễ hội, phong tục, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Tây Bắc, thúc đẩy các hoạt động kinh tế, xã hội khác phát triển, tăng thêm tính đoàn kết, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, cấp ủy, chính quyền địa phương. Hằng năm, các hoạt động như ngày hội gặp gỡ đồng bào DTTS ở Làng văn hóa các dân tộc ở Hòa Bình; Tuần văn hóa du lịch; ngày hội múa xòe ở Lai Châu, Yên Bái; múa khèn của người Mông, phiên Chợ tình ở Sa Pa; lễ hội hoa ban, lễ hội cầu mưa, lễ hội Lồng Tồng, lễ hội ở đền Bắc Hà… chính là những sự kiện rất thiết thực, cụ thể, vừa phản ánh nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của đồng bào DTTS, vừa phản ánh những khát vọng, mong muốn cuộc sống sung túc, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người được bình yên để tiếp tục góp sức vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc mình; đồng thời, cũng góp phần thúc đẩy du lịch ở mỗi tỉnh phát triển.

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý

Thông qua công tác kiểm tra của các cơ quan, ban, ngành, sẽ hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực, những tệ nạn xã hội, văn hóa lai căng từ bên ngoài có nguy cơ xâm nhập vào văn hóa truyền thống, bản địa của đồng bào DTTS, ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, nhất là hoạt động chống phá của các thế lực phản động trong và ngoài nước. Công tác kiểm tra, giám sát cần thường xuyên liên tục, bám sát cơ sở, bảo đảm các hoạt động văn hóa đúng với quy định của địa phương, truyền thống văn hóa dân tộc, tránh tình trạng thụ động. Cán bộ cấp cơ sở cần tích cực, chủ động trong hoạt động công tác của mình, nắm chắc địa bàn hoạt động, phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh tại chỗ, đặc biệt là những già làng, trưởng bản, người có uy tín, để phát hiện, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật đối với những đối tượng lợi dụng lễ hội, sinh hoạt văn hóa để trục lợi cá nhân, gây rối, hành đạo trái với phong tục truyền thống địa phương...

Làm tốt việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS vùng Tây Bắc

Thông qua việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS vùng Tây Bắc để nhìn nhận, đánh giá những việc đã làm được, những việc chưa làm được, từ đó, thảo luận, góp ý, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho thời gian tới. Làm tốt việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS ở vùng Tây Bắc sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể; đồng thời, giúp cho đồng bào DTTS thấy được vị trí, vai trò của mình trong việc phối kết hợp với các bộ phận, lực lượng khác cùng tham gia vào hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS ở vùng Tây Bắc. Đặc biệt, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến với tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp vào hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa đồng bào DTTS vùng Tây Bắc; những mô hình du lịch gắn liền với hoạt động quảng bá, giới thiệu văn hóa con người Tây Bắc có tác dụng giải quyết việc làm, nâng cao mức sống cho đồng bào.

_________________

1. Trường Giang, Tiếp tục bảo tồn, khôi phục và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, laichau.dcs.vn, ngày 29-11-2019.

2, 3. Lê Lan, Giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, Báo Nhân Dân, ngày 16-12-2020.

4, 5. Phạm Phương, Du lịch cộng đồng - loại hình du lịch hấp dẫn tại vùng núi phía Bắc, vietnamtourism.gov.vn, ngày 11-8-2012.

6. Nguyễn Thị Thu Hoài, Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tộc người thiểu số vùng Tây Bắc hiện nay, Tạp chí Lý luận chính trị, tháng 4, 2020.

Tác giả: Nguyễn Tú Anh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 449, tháng 1-2021

;