Bồi dưỡng phong cách ứng xử Hồ Chí Minh cho cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

1. Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh

Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là sự hòa quyện giữa tinh hoa văn hóa ứng xử của nhân loại với nhân tố chủ quan Hồ Chí Minh. Các yếu tố khách quan chính là giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; những giá trị tốt đẹp của văn hóa ứng xử của nhân loại và cơ sở thế giới quan và phương pháp luận khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Các nhân tố chủ quan là tư chất thông minh, tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo; ý chí nghị lực phi thường; lòng yêu nước nồng nàn; tình yêu thương bao la đối với con người của Hồ Chí Minh. Đúng như Nhà nghiên cứu Hêlen Tuốc mê rơ đã nói: “Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của một chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên”.

Nội dung của phong cách ứng xử Hồ Chí Minh có phạm vi bao quát rộng lớn, hình thức phong phú, đa dạng, luôn gắn chặt với cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng cách mạng của Người. Có thể khái quát nội dung trên ba khía cạnh lớn: phong cách ứng xử khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp; thái độ ứng xử chân tình, nồng hậu, tự nhiên (sự ân cần, niềm nở, vừa thân ái, chân tình, nồng hậu đối với cán bộ và quần chúng nhân dân; cách phê bình cán bộ rất chân tình, nhẹ nhàng, tinh tế; luôn cảm thông và đau cùng nỗi đau của người khác; ứng xử linh hoạt, chủ động và biến hóa các tình huống chính trị, quân sự, văn hóa...).

Việc rèn luyện phong cách ứng xử ứng xử Hồ Chí Minh cho mỗi con người dân Việt Nam có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Điều này xuất phát từ các cơ sở sau: vai trò của văn hóa giao tiếp ứng xử của cá nhân đối với sự tồn tại xã hội; sự đòi hỏi ngày càng cao về phẩm chất, năng lực của mỗi con người Việt Nam trong tình hình hiện nay; thực trạng ứng xử của xã hội nói chung, của mỗi con người trong thời gian qua.

Việc bồi dưỡng phong cách ứng xử Hồ Chí Minh cho mọi người dân Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Thứ nhất, phải được xem như đánh răng, rửa mặt hàng ngày. Thứ hai, phải nắm bắt được cái cốt lõi giá trị ứng xử của Người đối với việc, đối với người và đối với bản thân mình. Thứ ba, phải gắn việc rèn luyện phong cách ứng xử của Người với xây dựng nếp sống đẹp, môi trường văn hóa trong cơ quan, đơn vị, địa phương, gia đình. Thứ tư, phải góp phần lành mạnh hóa các mối quan hệ.

2. Bồi dưỡng phong cách ứng xử Hồ Chí Minh cho cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Đối với bản thân mình

Người dạy: “Với mình thì phải nghiêm”. Vì vậy. đối với mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên trường phải luôn thấm thía điều này. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh phải không ngừng rèn luyện, hoàn thiện bản thân mình, mà đầu tiên là phải rèn luyện, từng bước hoàn thiện phong cách ứng xử của bản thân. Đây là cái khó nhất, bởi vì trong mỗi con người đều mang một cái tôi rất lớn, rất thích khen về bản thân, thích được suy tôn, tâng bốc nhưng khi phê bình hoặc bị phê bình lại cảm thấy rất khó chịu, không muốn nghe; thích dễ dàng, thuận lợi, ngại khó khăn, gian khổ; ít khi tự ngẫm, tự soi, tự mình thấy cái dở, cái xấu của mình. Do vậy, đối với mình, phải khiêm tốn trong giao tiếp ứng xử, phải lắng nghe về những cái hay, cái dở, ưu điểm, khuyết điểm của bản thân với thái độ cầu thị, chân thành; tự sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, xây dựng cho mình một chuẩn mực để thực hiện theo phong cách ứng xử của Người; thực hiện nghiêm các điều kỷ luật khi tiếp xúc các mối quan hệ với nhân dân và những điều đảng viên không được làm. Tránh các biểu hiện: lười học tập, lười suy nghĩ, thiếu trách nhiệm, thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức, văn hóa, sống ích kỷ…

Đối với mọi người

Mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên của trường phải luôn nêu cao tình cảm cách mạng cao cả khi ứng xử trong các mối quan hệ. Học tập phong cách ứng xử của Người về ứng xử đối với mọi người phải thể hiện được sự khiêm tốn, giản dị; học hỏi phải vừa chân tình, thân thiện, gần gũi, chan hòa phải vừa chủ động, linh hoạt trong ứng xử, giao tiếp; phải có lý có tình. Cụ thể:

Có thái độ tôn trọng, kính trọng, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của cấp trên; nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh của cấp trên; cần có thái độ ứng xử lễ phép, trung thực, thẳng thắn, không a dua, nịnh hót, luồn cúi.

Tôn trọng đồng chí, đồng nghiệp. Tập thể cán bộ, đảng viên, giảng viên trong trường là một tập thể có quan hệ đặc biệt, các thành viên luôn có trách nhiệm với nhau, liên kết chặt chẽ với nhau về mọi mặt trên tình thương yêu đồng chí, đồng nghiệp. Mọi hành vi ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên và mối quan hệ qua lại giữa các cán bộ, đảng viên, giảng viên với nhau đều có ảnh hưởng đến bầu không khí tâm lý trong tập thể, sức mạnh chiến đấu và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của trường. Tập thể cán bộ, đảng viên, giảng viên cũng chính là môi trường ảnh hưởng trực tiếp nhất đến sự hình thành văn hóa ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên. Những cán bộ, đảng viên, giảng viên ứng xử với nhau theo phẩm chất văn hóa người cán bộ (sẵn sàng nhận khó khăn, gian khổ, hy sinh về mình, nhường cơm, sẻ áo cho nhau, chăm sóc đồng nghiệp…) chính là ứng xử chân thành, chia sẻ trên cơ sở tình cảm yêu thương đồng chí, đồng nghiệp là nền tảng cho mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên có thể vượt qua được mọi khó khăn, trở ngại, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên cán bộ, đảng viên, giảng viên của trường ngoài các mối quan hệ hẹp trong trường, phần lớn là giao tiếp, tiếp xúc với nhân dân. Do đó, trong giao tiếp, ứng xử phải khiêm tốn, lịch thiệp, chân thành, gần gũi, thực hiện nêu gương trong lời nói, việc làm; nói ít làm nhiều; nói và làm theo hiến pháp và pháp luật.

Người căn dặn: “Quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Văn hóa ứng xử trong gia đình đã được ông cha ta đặc biệt coi trọng. Gia đình phải có lễ giáo, gia phong để mỗi người trong gia đình phải tuân thủ hết sức nghiêm ngặt. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên cán bộ, đảng viên, giảng viên của trường rèn luyện phong cách ứng xử với gia đình phải trên nền tảng của sự hòa thuận, lòng yêu thương, hy sinh, tôn trọng và hiếu lễ với cha mẹ, chung thủy, tình nghĩa với anh em, vợ chồng.

Đối với kẻ thù, thế lực phản động, phải kiên quyết, cảnh giác với mọi tình huống, bình tĩnh xử lý các tình huống; cảm hóa những thành phần lầm đường lạc lối, tuyên truyền thuyết phục để họ hiểu đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước; để họ “bỏ chỗ tối đến với chỗ sáng”. Nhận thức rõ đâu là đối tác, đâu là đối tượng của cách mạng và sự chuyển hóa giữa đối tượng, đối tác.

Khi có điều kiện tiếp xúc với bạn bè quốc tế, cán bộ, đảng viên, giảng viên của trường cần thể hiện sự chân tình, đoàn kết thể hiện sự hiểu biết và giới thiệu văn hóa của người Việt Nam; suy tính kỹ càng trước những vấn đề có tính quan trọng, những vấn đề liên quan đến uy tín, danh dự quốc gia; thể hiện cho thế giới biết được chúng ta là một dân tộc văn minh như Người đã từng dạy; ngăn chặn những tư tưởng, việc làm sai trái gây tổn hại đến quan hệ giữa nước ta với các nước khác.

Đối với công việc

Có thể nói ứng xử với việc của mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên của trường được hiểu trên hai khía cạnh cơ bản. Ở tầm vĩ mô là sự ứng xử hết mực trung thành, một lòng tận trung với nước, tận hiếu với nhân dân. Ở tầm vi mô là ứng xử, nhận thức sâu sắc chức trách, nhiệm vụ, công việc được giao. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh luôn nỗ lực hết mình, tận tâm, tận lực, tích cực, chủ động, sáng tạo để hoàn thành mọi nhiệm vụ như chính Người đã dạy chúng ta: “Đối với việc làm phải xem xét hoàn cảnh kỹ càng, quyết đoán, dũng cảm…”. Chấp hành đúng thời gian làm việc, thực hiện đúng những quy định làm việc của trường; xây dựng tinh thần xử trí mọi việc kịp thời và linh hoạt đối với mọi người và đối với với mình phù hợp với điều kiện cụ thể. Chống các biểu hiện dễ làm khó bỏ, đùn đẩy công việc, “công tôi, tội tập thể”.

3. Trách nhiệm học tập và làm theo phong cách ứng xử Hồ Chí Minh

Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh chính là kết tinh văn hóa ứng xử của nhân loại, rất thời đại, rất dân tộc nhưng cũng đặc biệt Hồ Chí Minh. Trên cơ sở nhận thức vị trí vai trò và ý nghĩa của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách nói chung, phong cách ứng xử nói riêng của Hồ Chí Minh; nhận rõ trách nhiệm, cán bộ, đảng viên, giảng viên của trường cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung biện pháp:

Đảng ủy, Ban Giám hiệu thường xuyên phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo việc giáo dục, rèn luyện nâng cao phong cách ứng xử của cán bộ, đảng viên, giảng viên của trường theo phong cách ứng xử Hồ Chí Minh.

Cán bộ, đảng viên, giảng viên học tập và vận dụng phong cách ứng xử của Người một cách sáng tạo, phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ, không máy móc, không sao chép gượng ép; đòi hỏi phải sử dụng tổng hợp nhiều nội dung, biện pháp; trong đó, phải dùng phương pháp giáo dục, thuyết phục là chính; nêu cao tính tự giác rèn luyện, xuất phát từ nhu cầu tự thân của cán bộ, đảng viên, giảng viên là quyết định.

Phát huy tốt vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ các cấp trong việc học tập và rèn luyện phong cách ứng xử theo phong cách ứng xử Hồ Chí Minh. Như Người thường dạy chúng ta: “Cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc thành hay bại đều do cán bộ tốt hay xấu”. Người còn chỉ rõ: “Người Á Đông nói chung giàu tình cảm, một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Vì vậy, người lãnh đạo phải thực sự là tấm gương về đạo đức và lối sống, phong cách tác phong để cán bộ, đảng viên, giảng viên trong trường noi theo.

Rèn luyện phong cách ứng xử của cán bộ, đảng viên, giảng viên trong trường nhằm hướng tới yếu tố nhân hòa trong trường và trong mối quan hệ cán bộ, đảng viên, giảng viên với nhau. Trong công việc và cuộc sống, có những đồng chí năng lực chuyên môn tốt nhưng đôi khi bị mất nhân hòa vì lý do ứng xử. Cán bộ, đảng viên, giảng viên phải rèn luyện phong cách ứng xử chân tình, thân thiện, tôn trọng đồng chí đồng nghiệp, biết thương yêu và hướng tới việc thiện, giúp nhau cùng tiến bộ. Muốn thực hiện được như vậy, cần rèn luyện kỹ năng giao tiếp, tìm hiểu văn hóa ứng xử trên một nguyên tắc tôn trọng và trân trọng con người dù mỗi người ở bất kỳ vị trí nào trong trường hay ngoài xã hội.

Xây dựng phong cách ứng xử cho mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên phải gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII); Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thông qua việc học tập và làm theo phong cách ứng xử của Người, mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên của trường khắc phục những hạn chế yếu kém khi ứng xử trong công tác và cuộc sống đời thường, thực hiện có hiệu quả lời nói đi đôi với làm, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống giản dị trong sáng, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân... để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân, cơ quan giao phó.

Rèn luyện phong cách giao tiếp, ứng xử là cả một quá trình lâu dài, bền bỉ; xây phải đi đôi với chống, nhất là chống những biểu hiện làm xói mòn phẩm chất, đạo đức người cán bộ, đảng viên, giảng viên. Rèn luyện ứng xử từ những việc nhỏ nhất, hành vi nhỏ nhất, rèn luyện từng ngày, từng giờ; học đi đôi với làm, chú trọng việc làm theo bằng những hành động và việc làm cụ thể. Phải xem việc rèn luyện theo phong cách ứng xử Hồ Chí Minh trở thành một nhu cầu văn hóa bên trong mỗi con người, mỗi tổ chức. Cho nên, Đảng ta nói rằng: học Bác một cách tự giác, chủ động, sáng tạo và biến nó thành nhu cầu như lối sống hàng ngày vậy.

Phát huy vai trò của các tổ chức trong Trường nhằm xây dựng, rèn luyện phong cách ứng xử cho từng cán bộ, đảng viên, giảng viên theo phong cách ứng xử Hồ Chí Minh; thực sự tạo thành việc làm thường xuyên, phong trào rộng khắp trong trường.

Có thể nói, học tập và làm theo phong cách giao tiếp, ứng xử Hồ Chí Minh với mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên của trường là trách nhiệm, là nghĩa vụ và cũng là cơ hội để mỗi người hoàn thiện bản thân mình, bồi dưỡng nhân cách sống, phẩm chất chính trị, đạo đức, văn hóa ứng xử tốt đẹp của người cán bộ, đảng viên, viên chức. Bởi phong cách ứng xử của mỗi chúng ta sẽ là biểu tượng cho phong cách cán bộ, đảng viên, giảng viên trong thời kỳ mới, đồng thời, góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tỏa sáng trong thực tiễn và là phong cách của dân tộc Việt Nam cũng như của nhân loại.

_______________

1. Bộ Chính trị, Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh, ngày 15-5-2016.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.

3. Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - biên niên tiểu sử, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993.

Tác giả : Trịnh Thị Yến

Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8-2018

 

;