Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1230/ QĐ-TTg ngày 15/7/2021 phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu: bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, các công trình có giá trị tiêu biểu quốc gia, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử, truyền thống đặc sắc, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam vì sự phát triển bền vững đất nước.

Nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình gồm: Hoàn thành việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di sản đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh, các di tích quốc gia đặc biệt đã được xếp hạng; Tu bổ, tôn tạo tổng thể các di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, khảo cổ được UNESCO ghi danh, cấp quốc gia đặc biệt (theo các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) và các di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu; Thực hiện các dự án chỉnh trang nội dung trưng bày, nâng cấp trang thiết bị và hệ thống trưng bày bảo tàng; Xây dựng và triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ, kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu có giá trị tiêu biểu; Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong di sản văn hóa; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực di sản văn hóa; Tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa ở trong nước và nước ngoài.

Để thực hiện được những mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình, cần chú trọng các vấn đề sau: Phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật về di sản văn hóa; Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực thực hiện Chương trình; Cơ chế phân bổ nguồn lực; Cơ chế quản lý, giám sát sử dụng nguồn lực; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế: tăng cường trao đổi chuyên gia và giảng viên, học tập kinh nghiệm của các quốc gia có kinh nghiệm trong hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Tác giả: Ngô Huyền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021

;