Công tác công an góp phần thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước

Thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS); đồng thời củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Nhận thức được vấn đề trên, lực lượng công an đã triển khai đồng bộ các biện pháp, công tác nghiệp vụ tham gia thực hiện đường lối, chính sách dân tộc. Trên cơ sở các mặt công tác đã triển khai, những kết quả và hạn chế, bài viết đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác công an, góp phần thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước trong tình hình hiện nay.

Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, Đảng đều đề ra đường lối, chủ trương, chính sách dân tộc đúng đắn và thực hiện nhất quán, không ngừng củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, đảm bảo đoàn kết, bình đẳng dân tộc, không để nảy sinh mâu thuẫn, xung đột dân tộc, không để địch, phần tử xấu lợi dụng.

Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng công an luôn gắn bó với phong trào cách mạng của Đảng, gắn bó máu thịt với nhân dân, với đồng bào các dân tộc. Công tác công an ở vùng DTTS là một bộ phận quan trọng trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Việc nắm vững, quán triệt quan điểm, chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện môi trường về an ninh để chính sách dân tộc được thực hiện có hiệu quả. Cụ thể như sau:

Tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch gắn phát triển kinh tế, xã hội với đảm bảo an ninh, quốc phòng ở các địa bàn chiến lược, các vùng DTTS

Đối với các địa bàn chiến lược, vùng DTTS trọng điểm, lực lượng công an đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành: Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010; Nghị quyết số 10 - NQ/TW ngày 18-1-2002 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 - 2010; Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 20-1-2003 về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 - 2010; Chỉ thị số 14/2003/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 5-6-2003 về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long, thời kỳ 2001 - 2010; Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg ngày 18-2-2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh - trật tự đối với đồng bào dân tộc Chăm trong tình hình mới…

Trên cơ sở đó, lực lượng công an đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp và góp phần xây dựng, cụ thể hóa chủ trương, chính sách phù hợp với điều kiện từng vùng dân tộc; gắn chặt nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội gắn với củng cố an ninh - quốc phòng, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Qua đó, từng bước ổn định, nâng cao đời sống kinh tế của đồng bào DTTS và giải quyết tốt các vấn đề xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, từng bước củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ cốt cán ở cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh, làm nền tảng cho công tác đấu tranh với hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch xâm phạm an ninh quốc gia, đảm bảo an ninh ở các vùng DTTS.

Phát hiện, góp phần khắc phục những sơ hở thiếu sót trong việc thực thi các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước

Chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, khắc phục khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, quá trình hoạch định, triển khai vẫn còn xuất hiện những sơ hở, thiếu sót; điển hình như các vấn đề đất đai, tín ngưỡng, tôn giáo… Thông qua đó nắm tình hình, lực lượng công an kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót của các cấp, các ngành trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước để tham mưu, đề xuất khắc phục; góp phần phát hiện và loại trừ những nhân tố, điều kiện mà kẻ địch có thể lợi dụng tập hợp lực lượng, kích động chống phá cách mạng. Ngoài ra, lực lượng công an rất chú trọng phát hiện, tham mưu cho Đảng, Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành nhanh chóng giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh trong vùng DTTS, đặc biệt những va chạm, hiềm khích mâu thuẫn dân tộc, không để chúng phát triển theo chiều hướng xấu và phức tạp, không để các thế lực thù địch lợi dụng quốc tế hóa, can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.

Tổ chức các mặt công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc xâm phạm an ninh quốc gia của các thế lực thù địch

Trên cơ sở các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lực lượng công an xây dựng, củng cố vững chắc thế trận “an ninh nhân dân”, xây dựng và thực hiện các đề án, phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh; tiến hành các công tác, biện pháp nghiệp vụ, sử dụng các phương tiện, lực lượng nhằm phát hiện và đấu tranh ngăn chặn, đập tan mọi âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia của các thế lực thù địch, bọn phản động trong nước và ngoài nước. Tập trung lực lượng để nắm chắc tình hình, chủ động xử lý có hiệu quả các phong trào, không để các tổ chức chính trị phản động mang chiêu bài “dân tộc”, ly khai, tự trị, có cơ hội tập hợp quần chúng, kích động gây mâu thuẫn, xung đột dân tộc, tiến tới hoạt động ly khai, tự trị dân tộc.

 

Lực lượng công an đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, phòng chống ma túy

trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh: baodantoc.vn

 

Đồng thời, lực lượng công an tổ chức có hiệu quả công tác vận động quần chúng tại địa bàn các vùng DTTS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Qua đó, lực lượng công an đã chủ động làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các địa phương củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tổ chức chính trị, xã hội ở các vùng DTTS; phát hiện giúp các địa phương bồi dưỡng, kết nạp nhiều đảng viên mới, góp phần cùng cấp ủy địa phương xóa tình trạng thôn, bản, buôn “trắng” đảng viên, tổ chức đảng. Lực lượng công an cũng thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho số cán bộ cơ sở là người DTTS, già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu trong các dân tộc. Với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, cán bộ, chiến sĩ Công an không quản ngại gian khổ, khó khăn, ngày đêm bám địa bàn, tuyên truyền, vận động đồng bào tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nhận rõ âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch, từ đó tích cực lao động sản xuất, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Đào tạo cán bộ chiến sĩ công an người DTTS, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở vùng DTTS

Nhận thức rõ việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng để có đội ngũ cán bộ an ninh người DTTS, vừa là vấn đề lâu dài, vừa mang tính cấp thiết. Lực lượng công an đã có hệ thống các trường cử tuyển với hàng nghìn lượt con em đồng bào DTTS đang học tập tại các Học viện, trường Công an nhân dân, đảm bảo về số lượng; nắm chắc các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực tiến hành các công tác, biện pháp nghiệp vụ ở địa bàn vùng DTTS; được quan tâm trang bị phương tiện, điều kiện công tác và thực hiện chế độ chính sách hợp lý. Trong quá trình quản lý, giáo dục, đào tạo, lực lượng công an đã thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng đối với cán bộ, chiến sĩ là người DTTS, thực hiện sự bình đẳng dân tộc giữa các cán bộ, chiến sĩ; giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài lực lượng chuyên trách, lực lượng công an còn chú trọng tuyển chọn, bồi dưỡng, huấn luyện và trang bị cho các đơn vị công an cơ sở, nhất là công an xã là người DTTS. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công an là người DTTS đã góp phần quan trọng trong việc củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Đây là lực lượng thường xuyên và trực tiếp gần dân, giải quyết các vụ việc về an ninh trật tự ở các vùng DTTS, góp phần vào công tác bảo vệ chính trị nội bộ, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, công tác công an góp phần thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước vẫn còn một số những tồn tại, hạn chế: Công tác nắm tình hình, tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định, ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội còn chưa thường xuyên, kịp thời, thiếu chiều sâu, cụ thể. Việc thực hiện chính sách dân tộc ở một số địa phương, tại một số thời điểm còn chồng chéo, chưa gắn với các hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào. Công tác vận động quần chúng nhiều khi còn cứng nhắc, đôi lúc chưa phù hợp với đặc điểm, tình hình địa bàn, với trình độ, khả năng nhận thức, điều kiện sinh hoạt, sản xuất, phong tục, tập quán của đồng bào. Mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng công an với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan trong thực thi chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước còn bộc lộ những hạn chế nhất định, thiếu tính đồng bộ, kịp thời, chưa phát huy hết vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín ở trong các vùng DTTS trong thực hiện chính sách dân tộc…

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác công an góp phần thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, thời gian tới, lực lượng công an cần tập trung làm tốt một số nội dung:

Một là, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ công an về chính sách dân tộc và vai trò của chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với an ninh quốc gia

Để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia nói chung, giữ gìn an ninh, trật tự ở các vùng DTTS nói riêng, lực lượng công an cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò của chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với an ninh quốc gia. Cần xác định vùng DTTS là địa bàn chiến lược, trọng yếu về an ninh, quốc phòng; từ đó, lực lượng công an mới xác định đúng đối tượng, mục tiêu và biện pháp, công tác đấu tranh, xây dựng kế hoạch trong từng thời gian, ở từng khu vực, từng vùng dân tộc cụ thể… góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Qua đó, phát huy trách nhiệm, tinh thần sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới của cán bộ, chiến sĩ; khắc phục nhận thức, hành động không đúng trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và trong quan hệ với đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Hai là, lực lượng công an cần bảo vệ việc thực hiện nghiêm chỉnh, đúng đắn chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh với hoạt động xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước

Việc thực hiện nghiêm chỉnh, đúng đắn chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước là yêu cầu cao nhất của hoạt động bảo vệ an ninh trật tự, nhất là khu vực các DTTS miền núi, chỉ khi nào chính sách dân tộc được thực hiện đúng mới có thể tạo “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển” giữa các dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo điều kiện thực hiện những nhu cầu về vật chất và tinh thần, văn hóa, xã hội của quần chúng được đảm bảo, loại bỏ những yếu tố, điều kiện mà kẻ địch có thể khai thác, lợi dụng để hoạt động chống phá ta.

Hiện nay, các thế lực thù địch đang triệt để khai thác những sơ hở, thiếu sót trong việc hoạch định, thực thi chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước để tuyên truyền, kích động, chia rẽ dân tộc. Vì vậy, công tác công an phải có biện pháp nắm vững tình hình, kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh vạch trần những kẻ lợi dụng chính sách dân tộc, vu cáo, xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt hiện nay, với chủ trương, âm mưu “tôn giáo hóa” vùng DTTS, chúng ta cần nhìn nhận đây không phải là vấn đề bình thường, mà là hoạt động nằm trong âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Do đó, công tác công an phải chủ động ngăn chặn không để chúng tiếp tục phát triển và từng bước thu hẹp tiến tới vô hiệu hóa âm mưu của địch, nhằm đảm bảo chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta được thực hiện nghiêm chỉnh, đúng đắn.

Ba là, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong việc thực thi chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước

Thực tiễn đã chứng minh, không ít các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước không đi vào cuộc sống bởi chính bản thân chính sách đó không phù hợp với thực tiễn, hoặc nóng vội trong quá trình triển khai dẫn tới duy ý chí. Do đó, trong thực hiện chính sách nói chung, chính sách dân tộc nói riêng, với chức năng tham mưu của mình lực lượng công an phải kịp thời phát hiện những sai lệch đó và có trách nhiệm đề xuất với Đảng và Nhà nước chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp. Mặt khác, việc chính sách không được hiện thực hóa có thể do việc tổ chức thực hiện thiếu kiến thức về dân tộc, không am hiểu địa bàn, quần chúng cũng như trình độ nhận thức lý luận kém hoặc thiếu nhãn quan chính trị gây nên... Do vậy, đòi hỏi lực lượng công an phải sớm phát hiện để phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành có liên quan chủ động có biện pháp khắc phục, kịp thời ngăn chặn những hậu quả do việc thực hiện sai lệch có thể đem lại.

Bốn là, nâng cao hiệu quả các mặt công tác công an trong đấu tranh với hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch xâm phạm an ninh quốc gia

Xuất phát từ mối quan hệ giữa việc tạo ra môi trường an ninh ổn định để thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, đòi hỏi phải xây dựng một chiến lược an ninh đối với vấn đề dân tộc của nước ta. Phải nắm chắc những diễn biến của tình hình, những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, những nguy cơ đe dọa an ninh trên lĩnh vực dân tộc, dự báo đúng từ đó dự kiến phương án đối phó với những tình huống cụ thể... Có như vậy mới chủ động chuẩn bị những điều kiện, khả năng tiến hành phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tình huống xấu nhất có thể xảy ra, đảm bảo việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước được thực hiện thắng lợi.

Lực lượng công an cần xây dựng, củng cố vững chắc thế trận “an ninh nhân dân”, xây dựng và triển khai có hiệu quả các đề án, phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh ở địa bàn vùng dân tộc, miền núi; tiến hành các công tác, biện pháp nghiệp vụ, sử dụng các phương tiện, lực lượng nhằm phát hiện và đấu tranh ngăn chặn, đập tan mọi âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia của các thế lực thù địch, bọn phản động trong và ngoài nước; nắm chắc tình hình, xử lý có hiệu quả các manh nha phong trào, tổ chức chính trị phản động mang chiêu bài “dân tộc”, ly khai, tự trị, không để chúng có cơ hội tập hợp quần chúng, kích động gây mâu thuẫn, xung đột dân tộc và đẩy tới ly khai, tự trị dân tộc.

Bên cạnh đó, lực lượng công an cần tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; chú trọng phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào DTTS; triển khai đồng bộ, từng bước nâng cao hiệu quả các công tác nghiệp vụ cơ bản; tổ chức tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng chính trị trên địa bàn. Trong hoạt động nghiệp vụ, lực lượng công an cần đảm bảo các yêu cầu chính trị ở từng địa phương trong từng giai đoạn cụ thể.

Tác giả: Phạm Anh Dũng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 437, tháng 9-2020

;