Công tác quản lý nhà nước đối với dân quân tự vệ Hải Phòng trong giai đoạn mới

     Lực lượng dân quân tự vệ là một bộ phận trong lực lượng vũ trang của Đảng, lực lượng chiến lược của chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc ở địa phương. Vì vậy, tăng cường công tác quản lý nhà nước là yếu tố quyết định đến hiệu quả công tác xây dựng lực lượng dân quân vững mạnh, rộng khắp, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong tình hình mới.

     Đánh giá vai trò của dân quân tự vệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Dân quân, tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó thì địch nào cũng phải tan rã” (1). Quán triệt và thực hiện quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh rộng khắp”, cùng với việc nhận thức vị trí, vai trò và tầm quan trọng của dân quân tự vệ đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, công tác quản lý nhà nước của thành phố Hải Phòng đối với dân quân tự vệ trong những năm qua đã có những bước đổi mới, ngày càng có hiệu quả, vững chắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố, đặc biệt là nhiệm vụ quân sự quốc phòng, an ninh. Từ thực tiễn công tác quản lý nhà nước đối với dân quân tự vệ trong thời gian qua, nổi lên mấy vấn đề cơ bản sau:

     Thứ nhất, kịp thời ban hành các nghị quyết và văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ. Sau khi Luật Dân quân tự vệ năm 2009 ra đời, HĐND, UBND thành phố đã kịp thời chỉ đạo ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện, trong đó tiêu biểu như: Đề án 7495/ĐA-UBND, ngày 30-11-2011 của UBND về “Tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ thành phố Hải Phòng”; Nghị quyết 22/NQ-HĐND ngày 09-12-2011 của HĐND về “Tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020”; Nghị quyết 146/NQ-HĐND ngày 13-12-2016 của HĐND về “Kế hoạch tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ thành phố Hải Phòng giai đoạn 2017-2020”; Kế hoạch 3500/KH-UBND ngày 28-12-2016 của UBND về “Tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2017-2020”... Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành trong toàn thành phố tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ theo đúng quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời cũng phù hợp với thực tiễn của thành phố trong điều kiện mới.

     Thứ hai, cơ quan quân sự các cấp từ Bộ Chỉ huy quân sự thành phố đến các ban chỉ huy quân sự ở cấp quận, huyện, cấp xã và ở các cơ quan, đơn vị đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch về tổ chức, biên chế và huấn luyện chuyên môn. Hằng năm, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố chỉ đạo các Ban Chỉ huy quân sự cấp xã thực hiện công tác đăng ký, tuyển chọn qua ba bước: Bước 1 là tổ chức xây dựng kế hoạch, quán triệt sâu rộng trong hệ thống chính trị ở cơ sở và tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân; Bước 2 là tổ chức đăng ký, trong bước này cơ quan quân sự cấp xã thực hiện phân loại theo độ tuổi; Bước 3 là tổng hợp, phân tích các yếu tố trong sổ đăng ký, phối hợp với công an tiến hành xác minh, lựa chọn những công dân đủ điều kiện theo số lượng quy định, tổ chức kết nạp vào lực lượng dân quân tự vệ và báo cáo lên cơ quan quân sự cấp quận, huyện theo quy định. Kết quả từ công tác quản lý đó, hiện nay lực lượng dân quân tự vệ của thành phố Hải Phòng có khoảng 31.800 người (tăng hơn 500 người so với cuối năm 2011), được tổ chức ở 223/223 xã, phường, thị trấn. Lực lượng tự vệ được tổ chức ở 322 (tăng 14 đầu mối so với cuối năm 2011) các cơ quan, tổ chức, trường học và doanh nghiệp, được biên chế thành những đơn vị từ cấp tiểu đội đến cấp trung đoàn, lữ đoàn. Đội ngũ cán bộ dân quân tự vệ được biên chế đủ ở cấp xã gồm 3 đồng chí. Tỷ lệ dân quân tự vệ đạt trên 1,56% so với số dân của toàn thành phố.

     Thứ ba, tăng cường phối hợp hoạt động giữa dân quân tự vệ với các lực lượng có liên quan trên địa bàn toàn thành phố, đồng thời thực hiện tốt công tác bảo đảm chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ. Dưới sự điều phối của chính quyền địa phương, lực lượng dân quân tự vệ đã tích cực, chủ động phối hợp với công an xã, phường, thị trấn trong tuần tra, canh gác, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội. Đến nay 100% cơ sở dân quân tự vệ có kế hoạch chiến đấu trị an. Lực lượng dân quân tự vệ đã phối hợp với bộ đội địa phương, các ban, ngành, đoàn thể của địa phương tổ chức tham gia luyện tập, diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập trị an, diễn tập phòng chống cháy nổ. Công tác bảo đảm chế độ chính sách luôn được quan tâm thực hiện đúng theo quy định tại Luật Dân quân tự vệ 2009 và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ và của Bộ Quốc phòng.

     Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, công tác quản lý nhà nước đối với dân quân tự vệ trên địa bàn thành phố cũng đang gặp những khó khăn và có những hạn chế nhất định. Thứ nhất, đối với công tác xây dựng, quản lý và duy trì hoạt động của lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay có khoảng hơn 12.000 doanh nghiệp ngoài Nhà nước với lượng công nhân trên 210.000 lao động đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay chưa có các chế tài đủ mạnh để gắn trách nhiệm pháp lý của các doanh nghiệp này trong việc tổ chức, duy trì hoạt động cũng như thực hiện trách nhiệm trong việc tham gia đóng quỹ quốc phòng an ninh, hoặc tạo điều kiện cho dân quân tự vệ tham gia hoạt động tại địa phương. Việc chi trả ngày công thực hiện nhiệm vụ theo Thông tư 102/2010/TTLT-BQP-BLĐTB&XH-BNV-BTC hiện nay so với thực tế một ngày công lao động phổ thông là tương đối thấp (mức tối thiểu 1 ngày công hiện nay là 1.300.000 x 0,08 104.000 đồng). Phần lớn những người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ và một bộ phận dân quân tự vệ hiện đang là những lao động chính trong gia đình, một bộ phận còn tham gia lao động, sản xuất ở các địa phương khác điều này dẫn đến việc không bảo đảm 100% quân số trong huấn luyện, duy trì sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống. Thứ hai, nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền và ban chỉ huy quân sự, nhất là ở một số cơ quan, đơn vị về vai trò của lực lượng dân quân tự vệ đối với nhiệm vụ quân sự quốc phòng địa phương chưa thật sâu sắc, chưa đề cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, dẫn đến có nơi việc duy trì hoạt động của dân quân tự vệ chỉ mang tính hình thức; công tác tham mưu, năng lực chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác dân quân tự vệ của một số cơ quan quân sự địa phương còn có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ... Để công tác quản lý nhà nước đối với dân quân tự vệ trên địa bàn thành phố Hải Phòng đạt hiệu quả, góp phần xây dựng lực lượng dân quân tự vệ thực sự “vững mạnh, rộng khắp”, trong thời gian tới đề xuất một số vấn đề:

     Một là, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, ban ngành, của các tập thể và cá nhân đối với công tác dân quân tự vệ. Phát huy hơn nữa vai trò của UBND, cơ quan quân sự từ thành phố đến các quận, huyện, xã phường, thị trấn, cơ quan quân sự của các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 7495/ĐA-UBND. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và ban hành các văn bản cụ thể hóa vào điều kiện thực tế của thành phố. Trong đó tập trung nghiên cứu, đề xuất và ban hành các quy định, chế tài, gắn trách nhiệm của tập thể và cá nhân đối với công tác dân quân tự vệ. Đối với tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp cần bám sát quy định tại Điều 13, Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 1-6-2010 và hướng dẫn chi tiết tại Điều 9, Thông tư 85/2010/TT-BQP ngày 1-7-2010. Đồng thời nghiên cứu, ban hành các quy định cụ thể không trái với Luật và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương trong các quyết định thành lập các doanh nghiệp và có các chế tài đủ mạnh xử lý đối với các doanh nghiệp không thực hiện theo Điều 14 của Nghị định 58, qua đó gắn trách nhiệm pháp lý của các doanh nghiệp trong việc tổ chức lực lượng tự vệ, hoặc có trách nhiệm tham gia đóng góp quỹ quốc phòng, an ninh. Thông qua tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để họ thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế, gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh; từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ.

     Hai là, tiếp tục phát huy vai trò của Bộ Chỉ huy quân sự trong việc xây dựng kế hoạch hoặc đề án tổ chức lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp trên cơ sở Thông tư 85/2010/TT-BQP ngày 1-7-2010, vai trò của Ban chỉ huy quân sự cấp huyện hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức lực lượng tự vệ theo kế hoạch, hoặc đề án mà Bộ Chỉ huy quân sự thành phố đã xây dựng. Đối với các doanh nghiệp đã có tổ chức dân quân tự vệ thì quản lý, theo dõi chặt chẽ hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, và các hoạt động chiến đấu trị an. Ban Chỉ huy quân sự cấp xã tăng cường công tác quản lý, nắm vững số lượng, chất lượng, nhất là đối với dân quân tự vệ đi lao động sản xuất trên các địa bàn khác. Đối với lực lượng dân quân tự vệ biển, tùy theo loại hình doanh nghiệp hoạt động trên biển để tổ chức từ tiểu đội đến hải đoàn, trong đó chủ các phương tiện phải đăng ký với cơ quan quân sự có thẩm quyền để quản lý hoạt động. Thực hiện gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong thực hiện công tác dân quân tự vệ.

     Ba là, tập trung thực hiện kiện toàn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân quân tự vệ của cơ quan quân sự các cấp, nhất là cán bộ chuyên trách của Ban Chỉ huy quân sự cấp xã. Tổ chức tuyển chọn, tạo nguồn, đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở. Trong đó, UBND thành phố chỉ đạo, Sở Nội vụ phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy quân sự thành phố thống nhất về biên chế cán bộ Ban Chỉ huy quân sự cấp xã và chế độ chính sách cho dân quân tự vệ ở cơ sở. Ban Chỉ huy quân sự các cấp tham mưu, đề xuất nhân sự chặt chẽ, theo đúng quy trình.

     Bốn là, thường xuyên quan tâm bảo đảm tốt chế độ chính sách cho dân quân tự vệ. Trên cơ sở quy định của Luật Dân quân tự vệ, Bộ Chỉ huy quân sự phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ tham mưu cho HĐND, UBND Thành phố ban hành nghị quyết, hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ, phù hợp với khả năng ngân sách của thành phố. Đồng thời, tích cực huy động các nguồn lực đầu tư mua sắm trang bị, công cụ hỗ trợ, xây dựng, củng cố thao trường, bãi tập… phục vụ huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ.

___________

Tài liệu tham khảo

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.158.

2. Luật Dân quân tự vệ, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2009.

3. HĐND thành phố Hải Phòng, Nghị quyết 22/NQ-HĐND ngày 09-12-2011 về “Tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020”.

4. HĐND thành phố Hải Phòng, Nghị quyết 146/NQ-HĐND ngày 13-12-2016 về “Tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ thành phố Hải Phòng giai đoạn 2017-2020”.

5. Thông tư liên tịch 102/2010/TTLT-BQP-BLĐTB&XH-BNV-BTC ngày 02-8-2010 về “Hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ”.

6. UBND thành phố Hải Phòng, Đề án 7495/ĐA-UBND ngày 30-11-2011, Đề án “Tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ thành phố Hải Phòng”.

Tác giả: Phạm Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 419, tháng 5-2019

;