Cuốn sách quý về Quân đội Nhân dân Việt Nam những ngày đầu thành lập

Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024), Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Cao Bằng vừa ra mắt tập sách ảnh Sáng mãi ngọn lửa rừng Trần Hưng Đạo (NXB Hội nhà văn ấn hành) do nhà văn Hoàng Quảng Uyên tổ chức bản thảo và biên soạn.

Bìa tập sách ảnh Sáng mãi ngọn lửa rừng Trần Hưng Đạo

Rừng Trần Hưng Ðạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), nơi thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam - vào chiều ngày 22/12/1944 là một địa danh thiêng trong lịch sử cách mạng “Buổi đất nước Hùng Vương có Ðảng”. Nhiều sách vở, tư liệu của chúng ta từng đề cập đến rừng Trần Hưng Ðạo và sự kiện thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân nhưng do tính chất, đặc thù của mỗi loại tư liệu được biên soạn mà sự kiện này thường được trình bày vắn tắt. Ngay cả một cuốn sử thông dụng trong các trường phổ thông, Cao đẳng, Ðại học ở ta là Ðại cương lịch sử Việt Nam toàn tập (GS Trương Hữu Quýnh, GS Ðinh Xuân Lâm, PGS Lê Mậu Hãn chủ biên; Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002) cũng chỉ đề cập trong ít dòng chữ: “Ngày 22/12/1944, Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân do Võ Nguyên Giáp tổ chức và lãnh đạo đã được thành lập trong khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ðội gồm 34 chiến sĩ. Chỉ hai ngày sau khi ra đời, Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã diệt gọn hai đồn Phay Khắt và Nà Ngần. Một tuần sau, Ðội đã phát triển thành 1 đại đội gồm 3 trung đội” (trang 820).

Có lẽ xuất phát từ thực tế này cùng sự đau đáu về lời phát biểu của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 16/12/1994 rằng “Ðáng lẽ bây giờ đã có những quyển sách ghi lại tên tuổi các cán bộ, chiến sĩ đội Du kích Pác Bó, Các đơn vị Cứu quốc quân I, II, III là những ai, Trung đội vũ trang tuyên truyền là những ai, Ðại đội đầu tiên với ba, rồi bốn trung đội phát triển sau một tuần là những ai? Bây giờ làm là chậm nhưng vẫn còn kịp và vẫn phải làm”… mà nhà văn Hoàng Quảng Uyên đã tự lãnh trách nhiệm biên soạn tập sách ảnh này. Ông bỏ ra nhiều thời gian, công sức, tâm huyết với ý thức “đi tìm thời gian đã mất”, “viết cho ra viết” cùng tâm niệm “đi tìm cái mới không phải là tìm miền đất mới mà là nhìn bằng con mắt mới” (Marcel Proust).

Không biết bao nhiêu ngày đêm, Hoàng Quảng Uyên “chạy đua cùng mặt trời”: đi điền dã, ngấu nghiến đọc những bài viết về Hồ Chí Minh và của Hồ Chí Minh giai đoạn 1941-1945, từ việc lập ra đội Du kích Pác Bó; củng cố, xây dựng đội Du kích Bắc Sơn đến những ngày Người lên Lũng Dẻ làm thơ, nhìn về dãy Khau Giáng trên con đường Nam tiến rồi thời gian người từ Trung Quốc trở về cuối năm 1944, ra chỉ thị thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại Phai Khắt rừng Trần Hưng Đạo sau 45 năm (1989)

Nhờ những công phu, tâm huyết ấy, tập sách ảnh Sáng mãi ngọn lửa rừng Trần Hưng Ðạo chỉ dày 136 trang nhưng không hề nhẹ, xốp nếu không muốn nói nhiều sức nặng. Tác giả tỏ ra hợp lý khi chia cuốn sách thành các phần: Từ cội nguồn Pác Bó; Lực lượng vũ trang đầu tiên; Con đường Nam tiến; Ngọn lửa sáng rừng Trần Hưng Ðạo; Việt Nam Giải phóng quân; Rừng thiêng ngày trở lại. Bởi Pác Bó là cội nguồn của cách mạng Việt Nam, nơi tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5/1941) với phương pháp cách mạng “chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ðảng, toàn dân ta trong giai đoạn hiện nay” và từ những lực lượng vũ trang đầu tiên như đội Du kích Bắc Sơn (thành lập ngày 14/2/1941), đội Du kích Pác Bó (thành lập tháng 11/1941), chúng ta mới có Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Trong 34 chiến sĩ buổi đầu thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, có nhiều người từng là đội viên đội Du kích Bắc Sơn, đội viên đội Du kích Pác Bó. Không ít người từng lãnh đạo đội Du kích Bắc Sơn, Du kích Pác Bó sau này đã trở thành lãnh đạo cao cấp của Ðảng, Nhà nước và quân đội ta: Thượng tướng Chu Văn Tấn, Thiếu tướng Lê Quảng Ba, Thiếu tướng Lê Thiết Hùng…

Con đường Nam tiến là con đường cách mạng từ Cao Bằng “phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống dưới nữa” để “có thể tiếp xúc với toàn quốc”. “Có nối phong trào được với Thái Nguyên thì khi phát động đấu tranh vũ trang lúc thuận lợi có thể công, lúc khó khăn có thể thủ”. Qua các tài liệu của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, tác giả đã dựng lại con đường Nam tiến - con đường phát triển của cách mạng Việt Nam buổi ban đầu từ Cao Bằng về các tỉnh phía Nam: “Con đường được tạo nên bằng công tác tuyên truyền, vận động giác ngộ tổ chức từng người, từng gia đình một vào các hội Cứu quốc tiến tới toàn bản, toàn tổng rồi toàn châu. Con đường của niềm tin tuyệt đối, của tình thương yêu không hạn độ của đồng bào đối với cách mạng, đối với cán bộ của Ðảng. Và ngược lại, của Ðảng, của cán bộ đối với đồng bào. Con đường mà kẻ địch khủng bố, đàn áp đến tột cũng cũng không xóa bỏ nổi” (hồi ký Lê Thiết Hùng, trang 23). Ðương nhiên, Con đường Nam tiến này từng in dấu chân của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Nhà văn Hoàng Quảng Uyên

Với Ngọn lửa sáng rừng Trần Hưng Ðạo, tác giả giúp người đọc hiểu rõ hơn về bối cảnh lúc bấy giờ, cả không gian, thời gian và tình hình cách mạng dẫn đến sự ra đời của Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. 80 năm đã qua, rừng Trần Hưng Ðạo như vẫn còn vang vọng diễn từ của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp: “Ngày hôm nay, 22 tháng 12 năm 1944, theo mệnh lệnh của Ðoàn thể, chúng ta tập trung ở chốn rừng xanh núi đỏ này, giữa tổng Trần Hưng Ðạo và tổng Hoàng Hoa Thám trong Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng để khai hội thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.

Giải phóng quân là một đội quân rất trọng kỷ luật, tuyệt đối phục tùng thượng lệnh, là một đội quân giàu tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ. Kinh nghiệm của chúng ta còn non nhưng có làm mới có kinh nghiệm và làm tất nhiên sẽ có kinh nghiệm. Chúng ta tin ở thắng lợi.

Theo chỉ thị của đoàn thể, dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, tôi xin tuyên bố Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân thành lập và hạ lệnh cho các đồng chí tiến lên trên con đường vũ trang tranh đấu”.

Ngoài tái hiện buổi lễ, diễn biến hai trận đánh đồn Phai Khắt (có tài liệu ghi Phay Khắt) và Nà Ngần, Hoàng Quảng Uyên không quên đề cập đến vai trò của vị nhân tướng rừng Trần Hưng Ðạo - Võ Nguyên Giáp - cùng danh sách, quê quán 34 chiến sĩ đầu tiên của quân đội ta, trong đó cán bộ chỉ huy đầu tiên là Hoàng Sâm (về sau được phong Thiếu tướng), chính trị viên đầu tiên là Dương Mạc Thạch (Xích Thắng), cán bộ phụ trách tình báo và kế hoạch là Hoàng Văn Thái (về sau được phong Ðại tướng)… Khi Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân phát triển thành một Ðại đội gồm 4 Trung đội, Hoàng Quảng Uyên cũng cung cấp những tư liệu, hình ảnh cần thiết. Trung đội 1 có: Trung đội trưởng Nam Tuấn, chính trị viên Vũ Lập (về sau được phong Thượng tướng), Trung đội phó Bế Văn Sắt; Trung đội 2 có: Trung đội trưởng Ðàm Quốc Chủng, hai chính trị viên Nam Long (ban đầu) và Mai Trung Lâm (sau), Trung đội phó Bế Sơn Cương; Trung đội 3 có: Trung đội trưởng Ðàm Quang Trung (về sau được phong Thượng tướng), chính trị viên Hoàng Thịnh, hai Trung đội phó Mông Phúc Thơ (ban đầu) và Ðào Mạnh Vy (sau); Trung đội 4 có: Trung đội trưởng Lĩnh Thành, chính trị viên Nam Long (về sau được phong Trung tướng), Trung đội phó Nông Quốc Sùng. Chỉ huy đầu tiên Hoàng Sâm lúc bấy giờ đảm nhiệm chức vụ Ðại đội trường; Dương Mạc Thạch (Xích Thắng) là chính trị viên Ðại đội; Hoàng Văn Thái vẫn phụ trách tình báo và kế hoạch.

Đồn Phai Khắt - nơi ghi chiến công đầu của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân - Ảnh: Phạm Khoa

Các phần Việt Nam Giải phóng quânRừng thiêng ngày trở lại, theo tiến trình lịch sử, đề cập đến sự kiện Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ (tháng 4/1945) quyết định thống nhất Cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với các đội vũ trang của chiến khu Ðông Triều, chiến khu Hòa - Ninh - Thanh, các chiến khu ở Bắc Bộ… thành Việt Nam Giải phóng quân cùng hai lần trở lại rừng Trần Hưng Ðạo của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp (các năm 1989, 1994).

Nhìn chung, tập sách ảnh Sáng mãi ngọn lửa rừng Trần Hưng Ðạo mang cảm hứng “uống nước nhớ nguồn”; là cố gắng, sáng tạo rất đáng ghi nhận của Hoàng Quảng Uyên - một nhà văn nặng lòng với lịch sử, có thiên hướng khảo cứu lịch sử và khảo cứu những tác phẩm văn chương mang tầm vóc lịch sử. Chúng tôi đồng tình với nhận xét của Thượng tướng Bế Xuân Trường - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam - rằng, cuốn sách là tài liệu quý, có giá trị to lớn trong việc giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân.

PHẠM VÕ THANH HÀ 

Nguồn: Tạp chí VHNT số 589, tháng 11-2024

;