Đạo diễn, NSƯT Trần Quốc Trọng - Người nghệ sĩ nhiều đam mê

Được biết đến trong vai trò đạo diễn các bộ phim chính luận nổi tiếng như: Mùa lá rụng (1999), Đường đời (2004), Hương đất (2005), Gió mùa thổi mãi (2007), Ngõ lỗ thủng (2008), Bí thư Tỉnh ủy (2009)… và những bộ phim cho giới trẻ như Một lần đi bụi, Con thuyền số phận, đạo diễn, NSƯT Trần Quốc Trọng còn là một diễn viên. Ông từng để lại dấu ấn với vai Xuân tóc đỏ trong phim Số đỏ, Triều trong Lời nguyền của dòng sông, người lính trẻ trong phim Thị xã trong tầm tay, Lê Văn Bờ phim Tội và tình… Gần đây, ông vào vai Phan Sơn trong phim truyền hình Người phán xử, ông Lân trong phim Cây táo nở hoa.

Vừa là đạo diễn vừa có năng lực diễn xuất, có khi nào anh mong muốn có một vai diễn đột phá sau vai Xuân tóc đỏ trong những bộ phim mà mình đạo diễn không?

Đã làm nghề thì thực sự ai cũng hy vọng mình sẽ có một vai nào đó để thay đổi, làm khác mình đi, dù là ngắn nó cũng vẫn có thích thú đó, nó như một “căn bệnh nghề nghiệp” vậy. Còn thực sự khi làm đạo diễn sẽ rất ngại đóng phim, vì công việc đạo diễn quá vất vả, phức tạp, phải dồn toàn tâm toàn ý cho công việc nên cũng không tham được. Có khi anh làm anh sẽ phải phân thân với nó, sẽ phải có đầu tư, mình thì rất tự tin với việc diễn nhưng cũng lo sợ có lúc mệt mỏi, căng sức ra, cũng không nên. Hơn nữa khi chọn người khác, biết đâu mình khai thác được một khía cạnh nào mới mẻ trong một diễn viên thì nó sẽ tốt hơn.

Anh là người rất quan tâm tới văn học, không chỉ quảng giao trong giới văn chương mà còn đọc nhiều, thường hay xuất hiện ở những buổi ra mắt sách mới thậm chí trong cả vai trò MC. Theo anh văn học có bổ trợ cho nghề đạo diễn không?

Thực sự tôi không nghĩ làm nghề như mình mà lại lười đọc bởi vì việc đọc không chỉ giúp nghệ sĩ làm nghề mà giúp mở mang rất nhiều. Trong hành trình của sách, chính việc đọc sách, văn hóa đọc sẽ là một cái phao cứu trợ cho con người để người ta giữ được lòng nhân, tính nhân ái, giúp con người tự tin rất nhiều trong cuộc sống. Đó là ở góc độ đọc nói chung, còn ở góc độ người làm nghề mà anh không đọc thì khó hình dung, đọc sẽ thêm được nhiều vốn khác vì văn học là mái nhà chung. Anh sẽ không thể làm mới mình, làm tốt cho mình nếu thiếu văn hóa đọc.

Nghệ sỹ Quốc Trọng (phải) trong vai Xuân tóc đỏ

Tôi có nhiều anh em bạn bè bên giới văn chương và quan hệ với nhiều nhà sách nên bạn bè thường hay nhờ làm MC, tuy nhiên đó cũng không phải là cái thích thú của mình, nói thực là tôi cũng ngại “chường” mặt mình trước khán giả lắm. Nhưng nó cũng là cái thú vị của mình nên cứ làm thôi. Những buổi ra mắt sách thì hầu như là đam mê, thích thú tìm tòi các tác phẩm mới của tôi. Cuốn nào đã đọc trước rồi thì mình có những trao đổi nhận xét, còn cái nào chưa đọc thì đến dự cho vui. Còn làm chương trình bán đấu giá sách thì đấy là hoạt động thường xuyên của Trung tâm văn hóa Đông Tây. Ngày xưa, anh Đoàn Tử Huyến khi còn sinh thời nhờ thì tôi làm, nhưng càng làm càng vui. 

Vậy còn sự đọc của riêng anh?

Tôi hơi bị “ngộ” đọc vì đọc rất nhiều, tuy nhiên chủ yếu là văn học, thơ ca, các tác phẩm nghiên cứu lý luận, đọc cả những cái bổ trợ cho nghề mình như sách thuốc, sách về văn hóa tâm linh phương Đông. Ham đọc nên cứ đọc đã, có thể có cuốn chưa hiểu nhưng vài năm sau có khi lại thấy thú vị có lẽ cũng là do rèn được thói quen hay đọc.

Ngoài đam mê sách và phim ảnh ra anh còn đam mê gì nữa?

Người nghệ sĩ thì thường nhiều đam mê. Hầu như cái gì tôi cũng tò mò tìm hiểu hoặc bị thu hút. Chẳng hạn nhìn thấy một ông đang ngồi bộc thuốc bắt mạch cũng muốn tò mò theo dõi dù mình biết sẽ chẳng bao giờ làm được như ông ấy. Nhưng sau đó chính tất cả những gì mình quan sát, theo dõi, tìm hiểu kỹ càng cuộc sống sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc của mình. Giúp cho mình tự tin hơn, ở nhiều góc độ nhìn khác nhau anh sẽ thấy mỗi công việc khác nhau, có những cái riêng cho nên trong một buổi giảng dạy tôi có hỏi các bạn trẻ: “Tại sao trên một dãy phố có tới 20 hàng bơm xe, tại sao người ta vẫn vui vẻ đứng chờ một ông già bơm bằng cái bơm tay cũ?”. Trả lời được câu hỏi đó là bạn đã ít nhiều có được góc nhìn của một nghệ sĩ.

Anh từng nhiều lần cùng làm phim với con trai - đạo diễn Trần Trọng Khôi. Anh đã truyền lại những bài học kinh nghiệm gì cho con mình?

 Bài học mà tôi thường nhắc nhở con trai mình là phải đối diện với tác phẩm của mình. Đó là bài học mà tôi rút ra được sau những ngày đi làm phim với các đạo diễn lớn như Trần Vũ, Bạch Diệp hay các anh Vũ Châu, Khải Hưng… Tất cả họ không bao giờ nói với tôi một câu nào là bài học cả, mà cứ giao việc, tự làm, tự rút ra bài học kinh nghiệm, tự mình phải tìm ra được hướng để giải quyết, xử lý… Những điều này tôi rất muốn truyện đạt cho không cứ là Khôi mà tất cả các bạn làm phim trẻ khác. Hãy lao vào việc đi, cứ “đập đầu vào tường đi”, tự khác sẽ biết đường nào đi được, đường nào không.

Đạo diễn Quốc Trọng và con trai Trọng Khôi

Thực ra mà nói, khi Khôi còn học trong trường, tôi không muốn Khôi đi làm phim với tôi mà thường khuyến khích đi cùng các đạo diễn khác. Mãi đến khi ra trường, phim đầu tiên mà tôi đồng ý cho Khôi đi làm cùng là Hương đất, sau đó là Bí thư tỉnh ủy, tuy là đồng đạo diễn nhưng tôi làm là chính, Khôi chỉ là trợ lý. Đến phim Hai phía chân trời, Khôi cũng đi làm cùng tôi và đạo diễn Vũ Trường Khoa với tư cách phó đạo diễn. Vì đi xa, xứ người cũng là một cách đề phòng cho những bất trắc có thể xảy ra. Có nhiều trường đoạn tôi cũng giao cho Khôi xử lý… Tất cả vừa mang tính chất chia sẻ công việc, vừa là một hình thức tập dượt vì trước đó Khôi đã làm phim nhưng chỉ là phim ngắn tập. Khôi cũng từng làm phó đạo diễn cho Ma làng, tất cả giúp cho cậu ấy có kinh nghiệm và tự tin, tự chủ hơn. Ở phim này, sau khi làm chắc kịch bản rồi, tôi hầu như giao mọi việc cho Khôi, chỉ giúp bằng cách góp ý kinh nghiệm bối cảnh này nên chọn ở đâu và cùng đi chọn cảnh, còn lại việc xử lý trên bối cảnh ấy như thế nào thì đạo diễn phải làm.

Thỉnh thoảng anh lại tự đóng một vai trong phim của mình đạo diễn, phải chăng vì anh nhớ nghề diễn?

Số lượng diễn viên của chúng ta đông nhưng diễn viên ở tuổi trung niên không nhiều. Cái khó nữa của phim truyền hình là kéo dài, khi chọn diễn viên vướng việc diễn ở nhà hát nhiều khi rất khó, nhỡ thì rất khó cho đoàn phim. Mình lại xuất thân nghề diễn nên làm cũng là để đỡ việc chính mình lại phải mất công đi chọn người khác. Đương nhiên khi đã làm phải làm hết mình, thích hay không thì cũng vô cùng vì nhân vật mình thích có thể đang ở tận đâu đó.

Vốn là người năng động, giờ đây đã nhiều năm không làm đạo diễn, cuộc sống của anh bây giờ ra sao?

 Tôi là người cực kỳ tếu táo, thích vui với bạn bè, sinh hoạt tùy hứng. Trước kia tôi suốt ngày tôi cắm đầu vào phim ảnh, ít nghỉ ngơi lắm. Giờ đến tuổi về hưu, tôi tranh thủ đọc sách, chơi với các cháu, chơi chim, cây cảnh, cả thú vui ngày xưa là câu cá. Theo tôi, quan trọng nhất là xác định cho mình tâm lý thoải mái, không phải lo nghĩ, bức xúc điều gì. Ở tuổi này, tôi chẳng còn ham hố gì cả, tôi cũng không bao giờ để mình thấy cô đơn và buồn chán. Đối với công việc đạo diễn, tôi vẫn luôn tìm hiểu, chuẩn bị kịch bản, nếu thích hợp và đủ điều kiện thì làm.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này! 

TỐ QUYÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 514, tháng 10-2022

;