Định Hóa (Thái Nguyên) bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể

Huyện Định Hóa (Thái Nguyên) là nơi có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Trải qua lịch sử đấu tranh lâu dài, cùng với những biến đổi về kinh tế, xã hội, đặc biệt dưới tác động của xu thế toàn cầu hóa, một số giá trị văn hóa vật thể như kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực cũng như những ngành nghề truyền thống đã bị phai nhạt, biến đổi, có những bản sắc văn hóa đứng trước nguy cơ biến mất… Trước tình hình đó, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đã có những Chỉ thị, Nghị quyết, đề án nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tinh hoa văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện đã và đang được phát huy mạnh mẽ, nhân dân ra sức xây dựng cuộc sống mới, bước đầu đạt được những kết quả nhất định.

Những chủ trương đúng đắn

Tại huyện Định Hóa, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt các giá trị văn hóa vật thể được thực hiện từ những năm 60 của TK trước. Ban đầu chỉ là những hoạt động nhỏ lẻ, sau đó Nhà nước ban hành nhiều chính sách ưu tiên bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Bước vào thời kỳ đổi mới, nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Định Hóa đã xây dựng các chương trình hành động nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa vật thể nói riêng. Điều này được thể hiện ở sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; sự tích cực chủ động phối hợp, kết hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chính trị, xã hội; sự đồng thuận của đông đảo quần chúng nhân dân.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống khởi sắc vào những năm 2000 khi địa phương xây dựng đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa”. Qua đề án, nhiều giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống được khôi phục, bảo tồn và phát huy. Ngày 15-10-2006, Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp và ra Nghị quyết số 18-NQ/HU về việc thông qua đề án “Tiếp tục khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa (giai đoạn 2006-2010)” với mục tiêu: Khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc để đưa trở lại những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc với cuộc sống của nhân dân. Tạo ra nhận thức mới, hoạt động mới trong việc kết hợp các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc với những giá trị tinh hoa văn hóa tiên tiến của thời đại gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người dân, góp phần vào việc xây dựng con người mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (1).

Ngày18-8-2016, HĐND huyện Định Hóa đã ra Nghị quyết số 22/NQ-HĐND để thực hiện đề án “Tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020”. Hằng năm, Huyện ủy chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin đánh giá kết quả đạt được và những hạn chế cần khắc phục, từ đó đưa ra những giải pháp thực hiện các nội dung đề án trong giai đoạn tiếp theo, đồng thời đưa ra những bài học kinh nghiệm trong công tác bảo tồn di sản văn hóa, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn huyện.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đồng thời đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên phạm vi toàn huyện Định Hóa, số gia đình, làng bản, cơ quan văn hóa tăng dần qua các năm. Tỷ lệ gia đình văn hóa năm 2019 đạt 89,6%, tăng 3,87% so với năm 2018; Danh hiệu làng Văn hóa, phố văn hóa đạt 83%, tăng 4,38 % so với năm 2018; Cơ quan đạt danh hiệu cơ quan đạt chuẩn văn hóa là 94,38% (2).

Các cấp ủy Đảng quan tâm lãnh đạo việc xây dựng các thiết chế văn hóa từ huyện đến xã, xóm, bản như nhà văn hóa, sân thể thao, khu vui chơi, thư viện, xúc tiến xây dựng sân vận động trung tâm huyện và sân lễ hội trung tâm ATK. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục bảo vệ các di tích lịch sử trên địa bàn. Đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể, phát triển một số môn thể thao có thế mạnh, đặc thù của địa phương (3).

Đề án “Tiếp tục khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc của huyện Định Hóa” cùng với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” làm tăng thêm sức mạnh đoàn kết các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Định Hóa. Mục tiêu của đề án là tập trung khảo sát sưu tầm một số giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu trên địa bàn; khôi phục, lưu giữ những tinh hoa từ các giá trị truyền thống tốt đẹp; chủ động phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc (tổ chức tốt các lễ hội truyền thống; các hoạt động thi văn hóa ẩm thực để phục vụ công tác du lịch; xây dựng phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa trên địa bàn huyện với du khách gần xa); tổ chức tốt công tác quản lý, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa và di tích danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện nhằm giáo dục truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ và phục vụ tốt cho hoạt động du lịch; xây dựng nền văn hóa huyện Định Hóa phát triển, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân các dân tộc trong huyện.

Những nỗ lực của các cấp chính quyền trong quá trình tổ chức thực hiện đề án đã đem lại những kết quả tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vật thể.

Những kết quả đáng khích lệ

Nhà ở và kiến trúc

Nhà ở của các dân tộc hiện nay chủ yếu ảnh hưởng kiến trúc của dân tộc Kinh. Nhà sàn theo kiến trúc truyền thống ngày nay chỉ còn lại số ít, phần lớn được làm mới, ảnh hưởng từ văn hóa của dân tộc Kinh và kiến trúc phương Tây. Nhà sàn được xây dựng mới có sự thay đổi về chất liệu và kiến trúc nhưng cơ bản vẫn giữ được kiến trúc của nhà sàn.

Cột nhà được làm bằng xi măng cốt thép hoặc bán xi măng, cốt thép (nửa dưới xi măng cốt thép, nửa trên là gỗ). Cột nhà hình tròn hoặc hình vuông. Chân cột trước đây được chôn xuống đất, nay được kê trên tảng đá hoặc ụ cuông đổ bê tông để hạn chế ẩm mục và mối xông. Sàn nhà được đổ bê tông cốt thép, ván ép, làm bằng mai, vầu bổ ra hoặc ghép gỗ. Ngoài 4 trụ ngắn đặt trên xuyên dọc còn làm thêm 4 cột cái giúp ngôi nhà vững chãi và chắc chắn hơn. Tường nhà được xây gạch xi, ghép gỗ, trát vách như nhà tranh hoặc quây bằng tôn; mái nhà được lợp bằng tôn hoặc ngói, prô ximăng, rất ít nhà lợp mái bằng lá cọ; cầu thang làm bằng gỗ hoặc xi măng cốt thép. Không có sàn ngoài trước khi vào nhà, cầu thang thường được dẫn thẳng lên hiên vào nhà. Nhà không có phần trái để ở. Mặt bằng bên dưới sàn được tận dụng làm tầng sinh hoạt… Tính đến năm 2015, huyện Định Hóa có tổng số gần 1.100 ngôi nhà sàn trong đó còn giữ lại được nhiều nhà truyền thống có giá trị văn hóa, kiến trúc nghệ thuật (4).

Năm 2008, Bộ VHTTDL có phê duyệt đầu tư dự án xây dựng “Làng văn hóa dân tộc Bản Quyên” tại xã Điềm Mặc với mức đầu tư hơn 7,8 tỷ đồng. Khi đề án được phê duyệt, các ngôi nhà đã được đầu tư tu sửa như thay thế số cột kèo, mái lá đã bị mục, hỏng. Các hạng mục được gia cố thêm cho chắc chắn. Các hạng mục như chuồng lợn, chuồng gà… đã được di dời ra bên ngoài gầm nhà sàn để đảm bảo vệ sinh môi trường. Mỗi năm, UBND huyện đều trích ngân sách nhà nước đầu tư khoảng 200 triệu đồng/ năm để phát triển làng văn hóa dân tộc Bản Quyên. Trong giai đoạn 2016-2020, huyện đã tiến hành đầu tư, cải tạo 3 nhà sàn ở làng văn hóa Bản Quyên, cải tạo khuôn viên nhà văn hóa xóm Bản Quyên; phối hợp Ban quản lý khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa mở rộng đường vào Bản Quyên; xây dựng cổng làng văn hóa du lịch cộng đồng Bản Quyên, khôi phục các trò chơi dân gian trong không gian nhà sinh hoạt cộng đồng Bản Quyên tạo dấu ấn và giúp du khách thuận lợi trong việc tham quan, trải nghiệm tại Bản Quyên. Làng văn hóa, du lịch cộng đồng Bản Quyên cơ bản đáp ứng nhu cầu du lịch cộng đồng, bắt đầu có các hoạt động đón tiếp khách du lịch, trong đó có khách quốc tế đến tham quan, lưu trú.

Về kiến trúc đình, chùa: các xã Định Biên, Thanh Định, Sơn Phú, Bình Thành, thị trấn Chợ Chu… trước đây có 14 đình, chùa lớn nhỏ trên địa bàn toàn huyện, là nơi thờ thần phật và sinh hoạt cộng đồng. Trong đình, chùa ở một số nơi trước đây còn sắc phong, bia đá như ở làng Quặng, xã Định Biên; bản Cái, xã Thanh Định; Khang Hạ, xã Bình Yên. Do những điều kiện khác nhau nên trong thời gian qua các ngành chức năng mới chỉ đầu tư khôi phục được đình làng Quặng, xã Định Biên.

Có sự thay đổi trên là do ngày nay, rừng nguyên sinh trên địa bàn huyện Định Hóa không còn, rừng chủ yếu là rừng tái sinh và cây trồng chủ yếu là keo. Vì vậy, những cây gỗ to đủ độ dài để làm cột nhà không còn, những đồi cọ ngày dần bị thu hẹp, chi phí mua lá cọ lớn hơn mua những chất liệu khác. Đồng thời, lợp nhà bằng lá cọ cần nhiều tre, mai, vầu để làm khung mái, mất nhiều thời gian.Trong khi đó, lợp bằng các chất liệu khác không tốn nhiều nguyên liệu làm khung mái và công sức.

Trang phục

Thực hiện chủ trương bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của cấp ủy huyện, các cơ quan chức năng và địa phương đã cụ thể hóa bằng những cơ chế, quy định để bảo tồn trang phục dân tộc như: UBND huyện ra quy chế quy định các đơn vị, xã, thị trấn tham gia lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa phải có 60% số người trong đoàn mặc trang phục dân tộc; tổ chức thi Hội thi “Người đẹp trong trang phục dân tộc” ở lễ hội Lồng Tồng; khuyến khích người dân mặc trang phục dân tộc trong Đại hội thể dục thể thao cấp huyện… UBND các xã, thị trấn tự bỏ kinh phí may 5-10 bộ trang phục dân tộc để phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ, Tết của địa phương. Những quy định đó đã góp phần đáng kể vào việc bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc… (5).

Do điều kiện kinh tế, xã hội thay đổi, trang phục của các dân tộc trên địa bàn huyện Định Hóa có sự thay đổi để phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trước đây, những bộ trang phục truyền thống được làm bằng chất liệu vải bông, thêu bằng tay, cúc được làm bằng bạc, đồng, xương thú… Y phục của dân tộc Tày thay đổi về chất liệu và cách trang trí. Chất liệu y phục của phụ nữ Tày ngày nay được may bằng chất liệu vải nhung, sa tanh, vải công nghiệp; màu đen hoặc màu xanh da trời đen đậm; ngực và vùng thắt lưng có trang trí các hạt nhựa nhiều màu được sắp xếp thành hình quả trám, hình vuông, hình tròn… theo ý thích từng người; thắt lưng được thay thế bằng chất liệu vải mềm, bóng có màu sắc sặc sỡ, một số thắt lưng dính đá hoặc tạo hoa văn, đính hai đầu bằng miếng dính để tiện lợi khi thay đồ. Chất liệu trang phục của phụ nữ dân tộc Dao được thay thế bằng loại vải thô có màu đen, một số họa tiết hoa văn được dính các hạt công nghiệp thay thế cho chất liệu hạt và thêu tự nhiên. Trang phục của phụ nữ dân tộc Sán Chay ít được làm mới, phần lớn trang phục truyền thống còn lại do lưu truyền từ thế hệ trước để lại.

Nhìn chung, trang phục của một số dân tộc được khôi phục, chủ yếu may bằng chất liệu mới nhưng vẫn giữ được cơ bản về đường nét, kiểu dáng và được người dân sử dụng nhiều hơn so với những năm trước trong những ngày lễ, Tết, trong các sự kiện chính trị của địa phương, sinh hoạt cộng đồng, các buổi liên hoan, giao lưu văn hóa, văn nghệ.

Có sự thay đổi trên là do ngày nay, tập tục trồng bông dệt vải không còn tồn tại trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Nếu tự trồng bông, dệt vải để may trang phục truyền thống thì mất nhiều thời gian, hiệu quả kinh tế không cao. Trong khi đó, vải công nghiệp hiện nay rẻ, bền nên rất thuận lợi cho việc lựa chọn chất liệu may mặc.

Nghề truyền thống

Một số vật dụng được đan lát (nón Tày, dậu, rổ, mành cọ) vẫn được duy trì và sử dụng trong cuộc sống thường nhật của người dân và đưa ra thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, các sản phẩm thủ công không còn nhiều như trước đây. Chỉ còn một số người già đan nón Tày để bán, người dân ít tự tay đan lát các vật dụng trong gia đình, thanh niên và trẻ em phần lớn không biết kỹ thuật đan lát.

Hiện nay, các sản phẩm nhựa vừa đẹp, vừa rẻ được bày bán nhiều, trong khi các sản phẩm đan lát vừa đắt, vừa tốn công; nguyên liệu đan lát ngày nay còn rất ít vì rừng bị tàn phá nhiều. Các loại cây dùng để làm lạt như giang, vầu, nứa… còn ít và độ dài, chất lượng không đạt tiêu chuẩn đan lát.

Bên cạnh nghề đan lát, nghề làm mì gạo Bao Thai có truyền thống hơn trăm năm cũng đã được phát huy. Thông qua đề án “Phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Định Hóa” từ 2006 đến nay đã có nhiều hộ gia đình được hỗ trợ kinh phí để mua máy làm mì, phát triển nghề truyền thống, tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động. Mì gạo Bao Thai đã có mặt ở các cửa hàng, siêu thị trong, ngoài tỉnh.

Ẩm thực

Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện Định Hóa” giai đoạn 2006-2010 đã đề ra mục tiêu: “Tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ dân tộc, văn hóa ẩm thực để nâng cao tinh thần tự tôn tinh hoa văn hóa dân tộc đồng thời để phục vụ, đáp ứng lĩnh vực du lịch”. Đề án “Tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020” đã đưa ra định hướng phát triển du lịch trong đó dịch vụ ẩm thực là “Chế biến các sản phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống. Có chính sách hỗ trợ để phát huy những món ăn truyền thống có thế mạnh của địa phương như khâu nhục, gà, dê, cơm lam, nem chua đựng trong ống nứa, bánh chưng… Đồ uống như rượu nếp, rượu ngô sản xuất theo phương pháp và phụ liệu truyền thống địa phương” đã góp phần làm cho những nét văn hóa ẩm thực tiêu biểu được bảo tồn và phát huy có hiệu quả.

Các món ăn trước đây được duy trì trong cộng đồng người dân tộc thiểu số. Ngày nay, những món ăn mang đậm nét dân tộc được phát huy và trở thành hàng hóa, được đưa thực đơn của các nhà hàng trên địa bàn huyện để phục vụ khách du lịch và trở thành các món ăn hằng ngày. Một số món ăn dân tộc tiêu biểu như xôi trám đen, xôi ngũ sắc, bánh nẳng, cơm lam, khẩu thi, bánh khảo, thịt trâu khô… được bảo tồn khôi phục và phục vụ trực tiếp cho cuộc sống. Trong những năm gần đây trong các dịp lễ, Tết, các sản phẩm này đã trở thành hàng hóa trên thị trường, tạo nên nét văn hóa ẩm thực riêng của huyện Định Hóa được du khách ưa chuộng.

 Các di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh

Từ năm 1998, huyện Định Hóa đã phối hợp với Sở VHTTDL, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổng kiểm kê 108 di tích lịch sử văn hóa trên toàn huyện. Năm 2015, có 128 di tích đã được kiểm đếm, 20 di tích xếp hạng quốc gia (18 di tích lịch sử, 2 danh lam thắng cảnh), 13 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 30 di tích được đầu tư tôn tạo, phục dựng, xây nhà bia, xây bia ghi dấu, 23 di tích có biển chỉ dẫn. Trong giai đoạn 2016-2020, huyện Định Hóa đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị xếp hạng 20 di tích, trong đó có 14 di tích cấp tỉnh, 6 di tích quốc gia nâng tổng số di tích được xếp hạng trên địa bàn huyện (năm 2019) là 51 di tích trong đó 25 di tích quốc gia, 26 di tích cấp tỉnh (6).

Công tác đầu tư tôn tạo đã được Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Thái Nguyên quan tâm đầu tư, tôn tạo đối với các di tích cấp quốc gia quan trọng như: Lán Bác Hồ tại xóm Tỉn Keo - Phú Đình, nền lán của đồng chí Trường Chinh tại xóm Phụng Hiển - Điềm Mặc, nơi thành lập Việt Nam giải phóng quân tại xóm Làng Quặng - Định Biên, Nhà tù Chợ Chu tại xóm Vườn Rau - thị trấn Chợ Chu... Nhiều cơ quan, bộ, ngành T.Ư có di tích tại địa phương đã quan tâm đầu tư, tôn tạo, cắm bia, biển bảo vệ.

Ngoài nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, huyện Định Hóa cũng huy động nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, cơ quan Trung ương từng đóng trên địa bàn để bảo tồn, tôn tạo, tu bổ, chống xuống cấp các di tích: phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tôn tạo di tích Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại Làng Luông; phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng tôn tạo di tích Văn phòng Trung ương Đảng tại thôn Đồng Vượng (xã Bình Thành); Phối hợp với Bộ Quốc phòng tôn tạo di tích nơi ở và làm việc của đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Keo En, xã Thanh Định; phối hợp với Cục Tác chiến xây bia di tích tại xã Bảo Linh... Tổng kinh phí xã hội hóa tôn tạo di tích khoảng trên 40 tỷ đồng, chủ yếu tôn tạo trong các hạng mục xây dựng bia ghi dấu sự kiện, khuôn viên di tích, mở rộng, kiên cố đường vào di tích…(7).

Bên cạnh đó, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhiều cơ quan, đơn vị, ban, ngành Trung ương đã có những hoạt động cụ thể, thiết thực giúp huyện và các xã, thị trấn kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà văn hóa... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho huyện Định Hóa.

Từ những đường lối, chủ trương, chính sách về văn hóa của Đảng, Đảng bộ huyện Định Hóa dựa trên tình hình thực tiễn của địa phương đã ban hành những chủ trương đã chính sách cụ thể để thực hiện việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện nhằm nâng cao đời sống tinh thần của người dân, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy truyền thống trên quê hương cách mạng.

Bảo tồn và phát huy văn hóa, giá trị văn hóa vật thể, xây dựng huyện Định Hóa đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần quan trọng trong phát triển du lịch - dịch vụ, thương mại của huyện từng bước, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân các dân tộc trong huyện, hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế, xã hội mà Nghị quyết Đảng bộ huyện Định Hóa đã đề ra.

_______________

1. Huyện ủy Định Hóa, Nghị quyết số 15-NQ/HU ngày 24-11-2006 về việc thực hiện đề án “Tiếp tục khôi phục, bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa (giai đoạn 2006-2010)”, 2006.

2. UBND huyện Định Hóa, Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác văn hóa thông tin năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020, 2019.

3. Huyện ủy Định Hóa, Báo cáo số 84-BC/HU ngày 23-01-2012 về Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (1998-2013)”, 2012.

4. UBND huyện Định Hóa, Đề án “Tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020”, 2016.

5. Lý Thị Thanh Hương, Đảng bộ huyện Định Hóa (Thái Nguyên) lãnh đạo bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc từ năm 1998 đến năm 2010, Luận văn thạc sĩ Lịch sử, chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015.

6, 7. UBND huyện Định Hóa, Báo cáo tổng kết thực hiện Đề án “Tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020”, 2019.

 

Tác giả: Lý Thị Thu Huyền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 440, tháng 10-2020

;