GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRONG XÂY DỰNG LỐI SỐNG CHO SINH VIÊN VIỆT NAM HIỆN NAY

Giáo dục các giá trị đạo đức dân tộc nhằm xây dựng lối sống (XDLS) cho sinh viên được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của sự nghiệp trồng người ở nước ta hiện nay. Trong đó, sinh viên vừa là đối tượng vừa là chủ thể của quá trình này. Không thể xây dựng được một lối sống tiến bộ nếu phủ nhận những giá trị đạo đức của cha ông đã dựng nên. Việc xây dựng nền văn hóa, lối sống mà không lấy những giá trị đạo đức dân tộc làm cơ sở là sự tự đánh mất mình “trở thành bóng mờ, bản sao chép của người khác” như nhà thơ Nga Gamdanốp từng nói.

Giá trị đạo đức và lối sống có quan hệ với nhau là điều không ai nghi ngờ, giữa chúng có sự quy định lẫn nhau, tác động qua lại nhau. Ngày nay, XDLS cho sinh viên không chỉ chịu sự tác động của đời sống kinh tế, chính trị mà còn bởi hệ giá trị văn hóa tinh thần trong đó có đạo đức. Các giá trị đạo đức là yếu tố tinh thần cơ bản giúp lối sống duy trì, thực hiện theo các chuẩn mực giá trị đã được cộng đồng dân tộc, nhân loại khẳng định trong lịch sử và ngày càng phát triển. Mặt khác, lối sống của sinh viên là một phương thức cơ bản để bảo tồn, chuyển tải và tiếp nối các giá trị đạo đức, làm cho các giá trị đạo đức tiếp tục được duy trì, khẳng định và phát triển.

Trong sự vận động, phát triển, lối sống sinh viên thường xuyên hấp thụ, chuyển hóa các giá trị đạo đức thông qua các lĩnh vực học tập, nghiên cứu, lao động, hoạt động chính trị, xã hội, giao tiếp, trong ứng xử của các thế hệ sinh viên. Và giá trị của đạo đức chỉ được nhận biết khi được biểu hiện thông qua các phương thức tồn tại, trong đó có lối sống của sinh viên.

Giáo dục đạo đức (GDĐĐ) là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục đại học, là một trong những phương diện hợp thành nội dung của giáo dục, cũng là cái xuyên suốt và bao trùm nội dung giáo dục. Mục đích của GDĐĐ là nhằm hình thành, phát triển và hoàn thiện ý thức đạo đức, thực tiễn đạo đức của mỗi sinh viên, qua đó giúp họ hình thành và củng cố nhu cầu đạo đức, lý tưởng và niềm tin, tình cảm đạo đức. Đây là động lực thúc đẩy sinh viên thực hiện hành vi đạo đức và chuyển hóa các giá trị đạo đức trong việc XDLS cho họ.

Bản chất của GDĐĐ là một quá trình tổ chức, hướng dẫn, kích thích hoạt động tích cực của người được giáo dục để họ lĩnh hội được nội dung của các giá trị đạo đức, hình thành nên hệ thống thái độ và hành vi của cá nhân, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và sự mong đợi của xã hội. Nội dung GDĐĐ cho sinh viên có vai trò quan trọng, đảm bảo tiêu chí cơ bản đồng thời phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của sinh viên, cũng như đáp ứng được đòi hỏi của công cuộc đổi mới đất nước và xu thế chung của nhân loại. Cho đến nay, có rất nhiều ý kiến, sự lựa chọn được đưa ra, nhưng đa số các nhà giáo dục đều đồng thuận với các phẩm chất đạo đức như: yêu nước, nhân ái, khoan dung, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng dân tộc, lòng dũng cảm, tinh thần kiên cường bất khuất và sự khao khát hòa bình...

Thông qua GDĐĐ, các phạm trù, các nguyên tắc, quy tắc đạo đức sẽ được sinh viên nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn hơn, góp phần điều chỉnh hành vi, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức của xã hội. Cùng với việc nâng cao nhận thức cho sinh viên, các giá trị đạo đức đó, còn góp phần tạo ra những giá trị đạo đức mới; xây dựng những quan điểm, phẩm chất đạo đức mới, quan niệm sống tích cực cho mỗi sinh viên. Đồng thời, việc lựa chọn và làm mới các nội dung GDĐĐ cũng góp phần khắc phục những quan điểm đạo đức lạc hậu, sự lệch chuẩn các giá trị nhân cách, chống lại các hiện tượng phi đạo đức, phản giá trị đạo đức, phản giá trị văn hóa trong mỗi sinh viên.

Bước đầu tiên trong việc GDĐĐ nhằm XDLS cho sinh viên là phải xác định các giá trị đạo đức cần được giảng dạy. Danh sách được lựa chọn phải bao gồm các giá trị đạo đức mà sinh viên muốn học hỏi nhiều nhất, ưu tiên các giá trị cơ bản mà sinh viên đang bị thiếu nhiều nhất.

Xuất phát từ quan điểm của Đảng, cũng như từ nghiên cứu của các nhà khoa học về tiêu chí xác định các giá trị đạo đức, tác giả xin đưa ra một số giá trị đạo đức cơ bản của dân tộc, cần giáo dục sâu rộng cho thanh niên, sinh viên nhằm XDLS cho họ trong điều kiện mới, cụ thể như sau:

Một , tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc gắn liền với yên nhân dân, phục vụ nhân dân. Trong hệ thống giá trị đạo đức của dân tộc ta, chủ nghĩa yêu nước là “tiêu điểm của các tiêu điểm, giá trị của các giá trị” (1), nó là “động lực tình cảm lớn nhất của đời sống dân tộc, đồng thời là bậc thang cao nhất trong hệ thống giá trị đạo đức của dân tộc ta” (2). Chủ nghĩa yêu nước trở thành mạch tư tưởng chủ đạo, là “sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại” (3); là “dòng chủ lưu của đời sống Việt Nam, trở thành một dạng triết lý xã hội và nhân sinh trong tâm hồn Việt Nam” (4) chi phối đời sống đạo đức, tinh thần; là chuẩn mực đạo đức, triết lý nhân sinh, kim chỉ nam định hướng hoạt động cho con người Việt Nam.

Khi chủ nghĩa yêu nước được sinh viên tiếp nhận, thẩm thấu và chuyển hóa, nó sẽ phát triển thành một tình cảm thiêng liêng, thành khát vọng, lẽ sống ăn sâu trong huyết quản của họ, trở thành động lực thôi thúc họ hăng say học tập, nghiên cứu, sẵn sàng cống hiến những năng lực của bản thân vì sự phát triển của đất nước, thậm chí còn nguyện hy sinh cả bản thân vì lý tưởng chung của dân tộc.

Hai là, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, tinh thần tập thể. Tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, tinh thần tập thể là động lực quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển của lịch sử dân tộc. Giáo dục tinh thần tập thể cho sinh viên, đầu tiên phải làm cho mỗi sinh viên biết kết hợp hài hoà lợi ích giữa cá nhân mình với tập thể, để mỗi sinh viên có cơ hội phát huy được tính năng động, sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của tập thể. Tiếp đến, cần giáo dục ý thức tôn trọng tập thể cho sinh viên để họ tôn trọng nhu cầu chung, ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ đối với tập thể, đồng thời tôn trọng các quyết định đúng đắn của tập thể. Mỗi sinh viên cần biết sống mình vì mọi người và trong những trường hợp cần thiết, phải biết hy sinh quyền lợi của bản thân vì tập thể. Đó là nét đẹp trong lối sống mà sinh viên cần hướng tới.

Có thể khẳng định tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, tinh thần tập thể của nhân dân ta là một điểm tựa tinh thần vững chắc, là động lực to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp cách mạng XHCN ở nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Bởi vậy, chúng ta cần giữ gìn và phát huy nó, cần truyền thụ cho sinh viên để họ thấy được tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết, ý thức dân tộc, cần chỉ cho họ làm thế nào để xây dựng, củng cố và phát huy giá trị này trong hiện thực cuộc sống. Giáo dục tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng và tinh thần tập thể cho sinh viên để XDLS cho sinh viên Việt Nam hiện nay sẽ làm cho họ nâng cao nhận thức, tự nguyện tự giác sống đẹp hơn, biết đặt lợi ích của tổ quốc, của tập thể lên trên và quan trọng hơn là sinh viên coi đây là lẽ sống của mình, góp phần XDLS cho họ đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Ba là, lòng nhân ái, khoan dung và chủ nghĩa nhân đạo XHCN. Trong hệ thống giá trị đạo đức của dân tộc ta, lòng nhân ái, khoan dung là một giá trị vô cùng độc đáo, bao trùm, thấm đượm trong tất thảy các mối quan hệ trong cộng đồng xã hội. Điều này được Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Thương nước - thương nhà, thương người, thương mình là truyền thống đậm đà của dân tộc ta” (5).

Ngày nay, lòng nhân ái, khoan dung đã được thanh niên, sinh viên kế thừa, bổ sung và nâng lên một tầm cao mới, gắn với chủ nghĩa nhân đạo cộng XHCN. Với tinh thần cũng như định hướng của Đảng ta trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, đó là Việt Nam mong muốn được làm bạn với tất cả các nước trên thế giới vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển, cùng nhau chung sống hòa bình trong độc lập tự do. Nhân dân Việt Nam luôn khát khao, yêu chuộng hòa bình. Truyền thống tốt đẹp đó cần được GDĐĐ để XDLS cho mỗi sinh viên Việt Nam hôm nay, làm cho họ nâng cao nhận thức, tự nguyện tự giác mang truyền thống nhân ái của dân vươn ra các nước trong khu vực và trên thế giới thông qua các nghĩa cử cao đẹp như ủng hộ tiền và hàng hóa cho các nước bị chiến tranh, thiên tai như: động đất, sóng thần, lũ lụt, lên tiếng trước những tội ác của nhân loại.

Như vậy, lòng nhân ái, khoan dung, chủ nghĩa nhân đạo XHCN là một trong những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta. Chúng ta cần giáo dục, truyền đạt tới sinh viên hôm nay giá trị cao đẹp này, để họ hiểu và tiếp nhận nó một các tự nguyện, dần biến lòng nhân ái, khoan dung thành nếp nghĩ, hành động của sinh viên, để mỗi sinh viên thấm nhuần tình yêu thương con người, sẵn sàng đùm bọc người khác trong mọi hoạt động xã hội cũng như luôn yêu chuộng hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc.

Bốn là, truyền thống cần cù, tiết kiệm, lạc quan, sáng tạo trong học tập và lao động. Cần cù, tiết kiệm, lạc quan, sáng tạo trong học tập và lao động là biểu hiện thái độ của con người trong hoạt động sáng tạo ra của cải vật chất và các giá trị tinh thần. Cần cù được hiểu là “chăm chỉ, chịu khó một cách thường xuyên” nhiệt tình, say mê lao động, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Đây là một đức tính quý báu của dân tộc ta được giữ gìn, bồi đắp và phát triển từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, thường xuyên gánh chịu những khắc nghiệt của tự nhiên đã đem đến vô số những tổn thất về tính mạng và tài sản, gây hậu quả nặng nề về mọi mặt kinh tế, xã hội. Hiện thực khắc nghiệt ấy, đã hun đúc nên phẩm chất cao đẹp trong mỗi người con Việt Nam để mỗi người luôn nỗ lực khắc phục khó khăn để tiến lên đối mặt với thử thách, tìm cách chinh phục, cải tạo hiện thực, từng bước thay đổi cuộc sống của bản thân, đồng thời đưa dân tộc tiến lên.

Trong đời sống của người dân Việt, họ luôn có ý thức đề cao lao động và yêu lao động, đồng thời có thái độ phê phán thói lười biếng và những con người lười lao động luôn bị cộng đồng xem thường. Lười biếng được xem là nguồn gốc của tội lỗi. Ý thức đề cao lao động, chống thói lười biếng đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam qua nhiều thế hệ.

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người Việt vẫn luôn lạc quan, tin tưởng vào những điều tốt đẹp phía trước. Chính niềm tin và sự lạc quan đã giúp dân tộc ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách trong cuộc sống chiến đấu, lao động và học tập. Trong công việc hàng ngày lúc “cày sâu quốc bẫm”, khi đào sông, đắp đê, bạt núi, san đồi, lấp biển, khai khẩn đất hoang, nhân dân ta đều sáng tạo, chăm chỉ, chịu khó, chịu khổ, không quản ngại nắng mưa, mệt nhọc, không lùi bước trước thiên tai, địch họa mà coi mỗi tấc đất là tấc vàng.

Năm là, lòng dũng cảm, tinh thần kiên cường bất khuất, truyền thống khát khao, yêu hòa bình. Đây là những phẩm chất nổi bật trong hệ giá trị đạo đức truyền thống. Chính những phẩm chất này mà dân tộc ta luôn thắng lợi trước mọi thiên tai, địch họa tưởng chừng không vượt qua nổi.

Cho đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc được nhận thức một cách khoa học, được vận dụng sáng tạo, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc được phát huy mạnh mẽ và trở thành chủ nghĩa yêu nước mới mang nội dung XHCN và kết hợp chặt chẽ với chủ nghĩa quốc tế vô sản chân chính. Truyền thống nhân ái của dân tộc ta được đặt trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin; nó không chỉ dừng lại ở khát vọng giải phóng con người mà gắn với hành động cách mạng giải phóng toàn nhân loại. Đức tính cần kiệm được gắn với yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả vì lợi ích của xã hội, tập thể, lợi ích cá nhân người lao động. Tinh thần đoàn kết dân tộc, niềm lạc quan của người Việt Nam được cổ vũ bởi mục tiêu cao quý vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trở thành nguồn sức mạnh vô địch của nhân dân ta trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, đưa nước ta quá độ lên CNXH.

Trong quá trình giáo dục nội dung các giá trị đạo đức cho sinh viên, ngoài sự quy định của các yếu tố khách quan, chủ thể giáo dục có vai trò quan trọng đến hiệu quả của quá trình ấy. Trong những điều kiện khách quan như nhau, nếu chủ thể giáo dục tích cực, chủ động, sáng tạo, đưa ra những phương pháp giáo dục khoa học, phù hợp với đối tượng, tận dụng được những điều kiện vốn có sẽ làm tăng hiệu quả giáo dục và đem lại sự chuyển biến tích cực nơi đối tượng; ngược lại, hiệu quả giáo dục sẽ không cao, thậm chí gây phản tác dụng. Để hoạt động GDĐĐ có hiệu quả, chủ thể giáo dục cần xác định rõ mục đích, nội dung và phương pháp, phương tiện, cũng như thực hiện các hoạt động phù hợp để phát huy các giá trị đạo đức, để cái đúng, cái tốt đẹp trong đạo đức dân tộc được lan tỏa, nảy nở, tiếp tục tồn tại, thẩm thấu vào lối sống của thế hệ trẻ trong đó có sinh viên để góp phần xây dựng nên lối sống cho thanh niên, sinh viên, để lối sống của họ đáp ứng được đòi hỏi phát triển của dân tộc, cũng như yêu cầu của thời đại.

___________

1, 3. Trần Văn Giàu, Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1980, tr.94, 100.

2. Trần Hậu Kiêm, Các dạng đạo đức xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1993, tr.74.

4. Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang, Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay, chương trình KHCN cấp nhà nước KX.07, đề tài KX07-02, tập 1, Hà Nội, 1994, tr.63.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Công tác vận động thanh niên trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.99.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 - 2018

Tác giả : TẠ THỊ THANH HÀ

;