Tóm tắt: Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch cuối cùng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Chiến dịch diễn ra trong khoảng thời gian không dài (từ ngày 26 đến ngày 30-4-1975), nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn: Nhân dân Việt Nam đã thực hiện trọn vẹn tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”; kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thống nhất Tổ quốc và đưa cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Nửa thế kỷ đã trôi qua, Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn là đỉnh cao thắng lợi của chiến tranh cách mạng, đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam như những trang vàng chói lọi nhất. Quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tầm nhìn chiến lược và nghệ thuật kết thúc cuộc chiến tranh của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh; đồng thời, là sự kết tinh và tỏa sáng những giá trị văn hóa quân sự đặc sắc của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử. Bài viết phân tích những giá trị văn hóa quân sự Việt Nam đã kết tinh, tỏa sáng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.
Từ khóa: Chiến dịch Hồ Chí Minh, đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, văn hóa quân sự Việt Nam.
Abstract: The Ho Chi Minh Campaign was the final campaign of the South Vietnam Liberation Army during the 1975 Spring General Offensive and Uprising. The campaign took place over a short period (from April 26 to April 30, 1975), but had immense significance: The Vietnamese people fully realized President Ho Chi Minh’s guiding ideology; successfully concluding the resistance war against the Americans, saving the country, unifying the Fatherland, and leading the entire nation firmly towards socialism. Half a century has passed, and the Ho Chi Minh Campaign remains the pinnacle of victory in revolutionary warfare, etched into the history of Vietnam’s resistance against foreign invasion as its most glorious pages. The decision to launch the Ho Chi Minh Campaign demonstrated the strategic vision and art of ending the war by the Party, the Central Military Commission, and the General Headquarters; at the same time, it was the crystallization and shining of the unique military cultural values of the Vietnamese people throughout thousands of years of history. This article analyzes the Vietnamese military cultural values that crystallized and shone in the historic Ho Chi Minh Campaign of 1975.
Keywords: Ho Chi Minh Campaign, 1975 Spring victory, liberation of the South, Vietnamese military culture.
Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập ngày 30/4/1975 - Ảnh tư liệu (nguồn: VGP)
Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh là thắng lợi của khát vọng hòa bình, của chính nghĩa và tình yêu thương con người, đồng loại. Những giá trị văn hóa quân sự Việt Nam đã kết tinh, tỏa sáng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 và được thể hiện sinh động trên một số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, Chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi đã thỏa khát vọng được sống trong hòa bình, thống nhất và độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam
Trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn phải đấu tranh để giành và giữ nền độc lập trước họa xâm lăng của ngoại bang, nhưng luôn thể hiện là một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám (2-9-1945), thành lập nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Để có thể kiến tạo nền hòa bình và tránh cho hai dân tộc phải đối đầu bằng quân sự, Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi giải pháp, kể cả việc phải nhượng bộ, ký với thực dân Pháp Hiệp định sơ bộ (6-3-1946) và Tạm ước (14-9-1946); tuy nhiên, thực dân Pháp vẫn nổ súng, tái xâm lược nước ta. Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, với thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đã buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ và cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Thực hiện Hiệp định Giơnevơ, nhân dân hai miền Nam - Bắc tràn đầy hy vọng chờ đợi để sau hai năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước, nhưng đế quốc Mỹ tiếp tục nhảy vào, phá hoại Hiệp định, âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Với khát vọng được sống trong hòa bình, độc lập và thống nhất, nhân dân ta đã không ngại hy sinh đứng lên đấu tranh, làm thất bại từng âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Trước những biến chuyển của cuộc kháng chiến, năm 1967, Đảng đã quyết định mở mặt trận đấu tranh ngoại giao nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình, kết thúc chiến tranh. Trên thực tế, phải đến sau sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968, phía Mỹ mới chịu ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đến ngày 13-5-1968, Hội nghị Paris chính thức bắt đầu. Trải qua 4 năm, 8 tháng, 14 ngày với hàng trăm phiên họp cả kín và công khai, đến ngày 27-1-1973, Hội nghị Paris kết thúc. Theo Hiệp định, đế quốc Mỹ phải rút quân, chấm dứt dính líu về quân sự ở miền Nam Việt Nam... Đến đây, nhân dân Việt Nam đã thực hiện được lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi đi xa là “đánh cho Mỹ cút”.
Theo Hiệp định, chính quyền hai miền Bắc - Nam sẽ tiến hành tổng tuyển cử để thực hiện thống nhất nước nhà. Khắp nơi, nhân dân vui mừng, phấn khởi vì sắp được sống trong hòa bình, hòa hợp dân tộc, đoàn tụ gia đình sau bao năm phải chịu cảnh ly tán do chiến tranh. Ở Nam Bộ, khi phổ biến các điều khoản của Hiệp định, Đoàn cán bộ công tác chính trị, binh vận miền Nam còn ra chỉ thị “5 cấm chỉ” (1) và “Ngay ở Tổng hành dinh cũng có ý kiến không muốn đánh trả, e vi phạm Hiệp định Paris” (2). Cũng giống như Hiệp định Giơnevơ (1954), một lần nữa Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn tiếp tục phá hoại Hiệp định Paris bằng các biện pháp quân sự, chúng xua quân lấn chiếm vào vùng giải phóng, bắn phá, giết hại nhân dân… Đáng chú ý, tại Khu 6, Khu 7 địch đã chiếm được 309 ấp với 290.000 dân. Tại Khu 8, chỉ trong 2 tháng, riêng 4 tỉnh Mỹ Tho, Bến Tre, Gò Công, Kiến Tường địch đã đóng thêm 287 đồn bốt, lấn chiếm 129 ấp thuộc 24 xã (3). Nhận thức rõ tình hình, Đảng đã họp Hội nghị Trung ương 21 (7-1973), khẳng định con đường đấu tranh của cách mạng Việt Nam là con đường bạo lực cách mạng; tiếp tục đấu tranh quân sự buộc địch phải thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định, nhanh chóng kết thúc chiến tranh, thống nhất Tổ quốc.
Như vậy, trong mọi giai đoạn, Đảng ta luôn tìm giải pháp đấu tranh ngoại giao, nhanh chóng kết thúc chiến tranh để kiến tạo nền hòa bình. Nhưng kẻ thù luôn tìm mọi cách để giành thắng lợi trên ưu thế về quân sự, đúng như Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân lương thiện trên thế giới ai cũng muốn hòa bình. Nhưng phải đoàn kết đấu tranh chống đế quốc thực dân thì mới giành được hòa bình thật sự. Còn bọn trùm đế quốc như tổng Ken đều là: khẩu Phật tâm xà; miệng là Bồ Tát, bụng là Xa Tăng” (4). Chiến dịch Hồ Chí Minh rõ ràng là giải pháp cuối cùng (tình thế bắt buộc) của ta nhưng đã làm cho đối phương tan rã; chính quyền các cấp sụp đổ, binh lính, sĩ quan buông súng đầu hàng vô điều kiện. Như vậy, chỉ có đánh vào tận hang ổ của địch thì chúng mới chấp nhận kết thúc chiến tranh. Hiệp định Giơnevơ hay Hiệp định Paris có mang tính pháp lý quốc tế thì chúng vẫn xé bỏ. Do vậy, thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh chính là chiến thắng vì hòa bình, vì hòa hợp dân tộc và thống nhất Tổ quốc.
Thứ hai, mục tiêu của Chiến dịch Hồ Chí Minh là “đánh cho ngụy nhào”, buộc chính quyền Sài Gòn phải đầu hàng chứ không đánh tiêu diệt
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã đem hận thù và bom đạn gây ra bao đau khổ cho nhân dân ta; sự căm phẫn của nhân dân ta đối với kẻ thù có khi lên đến tột cùng, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn căn dặn: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” (5). Đây chính là tư tưởng nhân văn trong cách cư xử với kẻ thù, không phải vì tội ác của chúng mà ta thực hiện đánh tiêu diệt, truy quét đến tên lính cuối cùng, chỉ đánh để cho quân Mỹ phải rút về nước, đánh cho chính quyền tay sai ngã nhào, không còn khả năng gượng dậy.
Lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đã ghi đậm dấu ấn về cách hành xử nhân văn của các bậc tiền nhân trước kẻ thù. Lý Thường Kiệt đã chủ động tìm cách giảng hòa với quân Tống sau trận đánh trên phòng tuyến Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay) vào năm 1077; ông còn cấp cho tướng Quách Quỳ tàu bè và lương thực để có thể về nước. Vào đầu TK XV, sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, các lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa đã cấp đủ ngựa, thuyền, lương thực cho hơn 10 vạn quân Minh rút về nước... Văn hóa đó lại tiếp tục lan tỏa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Trên thực tế, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Việt Nam đã tiến hành trao trả tù binh và tạo điều kiện cho những người lính Mỹ lên máy bay về nước.
Đối với ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, cách mạng coi đây là những người “lầm đường lạc lối”, vì nhiều lý do khác nhau mà theo chân kẻ thù gây ra tội ác với đồng bao ta; nhưng xét cho cùng họ cũng đều là người Việt Nam “máu đỏ, da vàng”, nên mục tiêu của cách mạng là đánh cho nhào, cho ngã để cải tạo, giáo dục họ thành “những người có ích”, cùng hòa hợp và kiến tạo cuộc sống mới. Do vậy, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, để thực hiện mục tiêu “đánh cho ngụy nhào” và thực hiện chỉ thị: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam” của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, cả 5 cánh quân từ 5 hướng tổ chức các mũi thọc sâu, vượt qua các mục tiêu vòng ngoài để chọc thẳng vào mục tiêu chủ yếu trong nội đô nhằm đẩy nhanh tốc độ tiến công, sớm buộc chính quyền Dương Văn Minh đầu hàng, bớt đổ máu cho cả hai bên.
Sáng 30-4-1975, cùng với sức tiến công như vũ bão của Quân giải phóng thì các lực lượng bí mật, công khai chiến lược của ta có mặt tại dinh Độc Lập đã tiếp cận, khống chế và gây áp lực với Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh. Riêng ở Bộ Tổng tham mưu, cơ sở nội tuyến chiến lược của Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Phụ tá Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Sài Gòn đã tác động tới Tư lệnh Biệt khu thủ đô Lâm Văn Phát ra lệnh cho các đơn vị quân đội “án binh bất động” và thúc đẩy Tổng thống Dương Văn Minh ra tuyên bố đầu hàng. Như vậy, ý định chiến lược của Quân giải phóng không chỉ tiến công bằng sức mạnh quân sự để đè bẹp sự phản kháng của đối phương mà đã dự tính phương án gây sức ép với lãnh đạo cấp cao trong chính quyền Sài Gòn để đầu hàng. Thực tế, khi mũi thọc sâu của xe tăng Quân giải phóng húc đổ cánh cổng thép tiến vào dinh Độc Lập, đồng chí Phạm Xuân Thệ và đồng chí Bùi Văn Tùng chỉ huy một lực lượng tiến vào phòng họp nội các của chính quyền Sài Gòn thì toàn bộ “giới chóp bu” chính quyền Sài Gòn đã ngồi sẵn ở đó, tinh thần suy sụp, sẵn sàng đầu hàng Quân giải phóng vô điều kiện.
Khi lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh được đưa lên sóng phát thanh, toàn bộ sĩ quan, binh lính quân đội Sài Gòn buông súng đầu hàng. Quân giải phóng vào tiếp quản Sài Gòn trong trật tự mà tuyệt nhiên không có cuộc “tắm máu” nào như lời đồn thổi của kẻ thù. Việc đối xử nhân văn với tù, hàng binh của Quân giải phóng không có bạo lực, không cưỡng bức mà tất cả binh lính, cảnh sát, sĩ quan quân đội Sài Gòn được Quân giải phóng đối xử tử tế theo nguyên tắc của tù, hàng binh. Ngay sau ngày giải phóng, ta chủ trương vận động công nhân, viên chức, binh lính làm việc trong chính quyền, quân đội Sài Gòn ra trình diện. Kết quả đã có 374.742 quân nhân ngụy và 36.686 cảnh sát đã tự nguyện ra trình diện chính quyền cách mạng. Số người đăng ký đi dự học tập cải tạo tại chỗ toàn miền là 876.023 người (6). Công tác trình diện và đăng ký học tập tại chỗ đã góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình chính trị và an ninh trật tự ở các địa phương trên toàn miền Nam. Đây là nét văn hóa sau khi kết thúc chiến tranh để phía đối phương trước đây dần xóa bỏ mặc cảm của “bên thua cuộc”, cùng xây dựng, kiến thiết nước nhà.
Thứ ba, kết hợp đấu tranh chính trị, binh vận là nét đặc sắc về văn hóa trong Chiến dịch Hồ Chí Minh
Việc kết hợp một cách nhuần nhuyễn, có kết quả cao giữa đấu tranh chính trị, binh vận, trở thành một mũi tiến công chiến lược có sức mạnh không kém mũi đấu tranh quân sự và là nét đặc sắc về nghệ thuật tiến hành chiến tranh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đây là sự vận dụng sáng tạo cách thức mà ông cha đã để lại; tiêu biểu như việc danh tướng Lý Thường Kiệt, đã cho người đọc bài thơ thần Nam quốc sơn hà vào các đêm khuya ở nhiều điếm canh và đền thờ anh em Trương Hống, Trương Hát (tướng của Triệu Việt Vương), dọc phòng tuyến sông Như Nguyệt. Trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh TK XV, Nguyễn Trãi, Lê Lợi vừa tiến công quân sự, vừa đấu tranh chính trị, binh vận buộc binh lính trong các thành trì của giặc Minh bị chuyển hóa, lần lượt đầu hàng và cuối cùng hai bên đã tham gia “Hội thề” ở Đông Quan, một hình thức ký kết để kết thúc chiến tranh. Như vậy, kết hợp đấu tranh quân sự với chính trị, binh vận đã được ông cha ta thực hiện từ rất sớm và có hiệu quả cao. Kế thừa, phát huy nghệ thuật quân sự đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã chủ trương kết hợp đấu tranh bằng “ba mũi giáp công”, gồm quân sự, chính trị, binh vận, nên cách mạng giành được nhiều thắng lợi.
Ngay từ ngày 12-4-1975, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã ra Chỉ thị về “Những việc cần làm ngay trong các giai đoạn trước, trong và sau khi thành phố được giải phóng”; đồng thời, phát hành các tài liệu như Lời kêu gọi của Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn - Gia Định, chỉ rõ “Bảy điều về chính sách binh vận của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam”… Công tác chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa trong nội đô được tiến hành khẩn trương, chu đáo, nên tới trước ngày tổng công kích, tổng khởi nghĩa, ở nội thành đã có hơn 700 cán bộ và ngoại thành có trên 1.000 cán bộ, vùng ven có 1.300 cán bộ… với hơn 10.000 quần chúng nòng cốt (7). Bên cạnh đó, các tổ chức quần chúng như: Thành đoàn, Ban Hoa vận, Ban Phụ vận, Ban Binh vận, Ban Trí vận… đã bố trí cán bộ sẵn sàng cho cuộc tổng khởi nghĩa. Tới trước giờ Chiến dịch nổ súng, vòng vây xung quanh thành phố đã khép kín và thắt chặt, đến nỗi Trần Văn Đôn - Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền Sài Gòn sau khi đi kiểm tra đã thốt lên: tình trạng nguy ngập thật sự. Sự sống còn chỉ có thể tính từng ngày, từng tuần, không thể tính từng tháng.
Cho đến sáng 30-4-1975, ở ngoại thành, quần chúng kết hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ giành chính quyền ở 90% ấp, 2/3 số xã trước khi bộ đội tiến vào. Các xã còn lại, địch bỏ chạy, quần chúng tiến vào cướp chính quyền. Trong nội thành, nhân dân nổi dậy phá thế kìm kẹp, gỡ đồn bốt, chiếm giữ tòa hành chính ở các quận, công sở, các cơ sở kinh tế… Quần chúng nhân dân đồng loạt nổi dậy chiếm và treo cờ giải phóng tại trụ sở hành chính, các xí nghiệp dệt lớn, các nhà đèn, nhà máy nước… được giữ nguyên vẹn. Công nhân, học sinh, sinh viên, trí thức xuống đường vận động nhân dân treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và hỗ trợ truy quét vây bắt bọn ác ôn, ổn định thành phố… Hầu hết các quận, huyện lỵ được giải phóng bằng lực lượng khởi nghĩa của quần chúng nhân dân. Hành động yêu nước của nhân dân đã tạo ra khí thế cách mạng tràn ngập trên các đường phố. Khi các đoàn xe Quân giải phóng tiến vào thành phố, nhân dân xuống đường giương cao cờ giải phóng, vẫy cờ hoa trong không khí vui mừng, phấn khởi. Rõ ràng, mũi đấu tranh chính trị, binh vận của quần chúng đã “có sức mạnh bằng mười vạn quân” như Nguyễn Trãi từng nói, tạo ra sức ép từ cơ sở, làm cho chính quyền, binh lính quân đội Sài Gòn hoang mang, dao động và tan rã nhanh chóng; thực tế này còn xảy ra với cả các mục tiêu mà Quân giải phóng chưa tiến công. Đấu tranh giữa quân sự, chính trị, binh vận chính là nét văn hóa đặc sắc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Thứ tư, Chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi đặt nền móng cho thiết lập chính quyền quân quản, thực hiện nhiệm vụ trong thời gian thích hợp
Ngay sau ngày 30-4-1975, cách mạng giành thắng lợi, chính quyền tay sai đã sụp đổ, nhưng vẫn còn không ít những phần tử ngoan cố, chống phá cách mạng bằng nhiều thủ đoạn công khai hoặc ngấm ngầm. Nhiều đảng phái, tổ chức phản động vẫn đang lén lút hoạt động đe dọa an ninh, trật tự thành phố; các thế lực bên ngoài tìm mọi cách để chống phá, nhằm thực hiện cái gọi là “phục quốc”. Nền kinh tế sau hậu chiến bị đình đốn, một bộ phận nhân dân thiếu đói trầm trọng… Hàng loạt vấn đề đang đặt ra cấp thiết đối với chính quyền cách mạng phải giải quyết, để vừa bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, vừa khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân và kiên quyết trừng trị những đối tượng chống đối cách mạng.
Dự báo trước tình hình, Trung ương Cục đã ra Nghị quyết về việc tổ chức Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định và các thành phố, địa phương khác vừa giải phóng. Việc thành lập Ủy ban Quân quản thành phố đã đáp ứng được yêu cầu quản lý trật tự xã hội, giữ cho cuộc sống của người dân không bị thay đổi lớn. Trên thực tế, khi đi vào hoạt động, các Ủy ban Quân quản đã huy động các lực lượng cách mạng, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản xung kích vào phong trào truy quét địch, xây dựng chính quyền cách mạng, cứu tế, cứu đói, vệ sinh, dập dịch bệnh, lao động sản xuất; huy động và động viên đội ngũ trí thức ở lại làm việc và có chế độ đãi ngộ, trọng dụng, phát huy đúng vị trí, vai trò của họ trong việc xây dựng chính quyền mới... Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định đã quán triệt và thực hiện tốt các chính sách khoan hồng đối với những người hoàn lương, tránh trường hợp bắt bớ tràn lan; đồng thời, trừng trị thích đáng bọn ác ôn, gây tội ác với nhân dân trước đây. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong quá trình tiếp quản, các ủy ban đã chú trọng “phát huy số cán bộ, đảng viên hiện có và phải hết sức thu nạp số công nhân, cán bộ kỹ thuật và viên chức trong bộ máy ngụy quyền trở về với cách mạng” (8).
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn (5/1975 - 12/1975), việc tiếp quản và đảm nhiệm chức năng của chính quyền chuyển tiếp, các ủy ban đã phát huy vai trò, thực thi nhiệm vụ được giao, bảo đảm mọi sinh hoạt của nhân dân ở các địa phương trở lại bình thường cả về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, kết nối đoàn kết cộng đồng. Sự ra đời của Ủy ban Quân quản, mà phần lớn là các quân nhân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã góp phần củng cố và tăng cường hệ thống chính quyền các cấp sau ngày giải phóng, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo trong giai đoạn cách mạng mới. Đây là cơ sở, tiền đề vững chắc cho Hội nghị Hiệp thương (9) chính trị bàn về thống nhất Tổ quốc về mặt Nhà nước. Thành công của Hội nghị là một thắng lợi có ý nghĩa quan trọng, thể hiện ý chí quyết tâm và nguyện vọng tha thiết của toàn thể nhân dân ta ở cả hai miền Nam - Bắc được sum họp một nhà, cùng đoàn kết để xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập.
Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 vẫn mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Lịch sử càng lùi xa, càng tạo điều kiện cho chúng ta nhìn nhận rõ tầm vóc vĩ đại, nhất là những giá trị văn hóa quân sự đã kết tinh, tỏa sáng của Chiến dịch. Đặc biệt, những giá trị văn hóa quân sự này đã gợi mở nhiều vấn đề có giá trị sâu sắc đối với quá trình củng cố quốc phòng, an ninh và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay; đồng thời, là cơ sở đấu tranh với các thế lực thù địch xuyên tạc, phủ nhận lịch sử, phủ nhận những giá trị nhân văn của Chiến dịch Hồ Chí Minh.
___________________
1. Cấm tiến công; cấm pháo kích; cấm đánh càn; cấm xây dựng xã, ấp chiến đấu; cấm đánh đồn bốt.
2. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2010, tr.46.
3. Khuất Biên Hòa, Đại tướng Lê Đức Anh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.121.
4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.133.
5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.532.
6, 7, 8. Bộ Quốc phòng - Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Đại thắng mùa Xuân 1975, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thời đại Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.1073, 80, 856.
9. Hội nghị họp từ ngày 15 đến ngày 21-11-1975 tại thành phố Sài Gòn - Gia Định.
Ngày Tòa soạn nhận bài 1-3-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 17-3-2025; Ngày duyệt đăng: 24-3-2025.
TS NGUYỄN VĂN TRƯỜNG - TS VŨ BÌNH TUYỂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 602, tháng 4-2025