Nhân dịp cuốn sách “Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba” được xuất bản và tiến tới kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27-7, sáng 18-7, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội), Nxb Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức buổi giao lưu - giới thiệu sách với tên gọi “Ký ức chưa từng khép lại”.
Các diễn giả tham dự buổi giao lưu: Nhà văn Thảo Trang, TS Hà Thanh Vân và tác giả Đặng Kim Trâm
Tròn hai thập kỷ sau khi Nhật ký Đặng Thùy Trâm ra mắt và trở thành một “hiện tượng” xuất bản, phần nhật ký thứ ba cùng với những bài viết, thư từ, hình ảnh từ phía gia đình vừa công bố đã hé lộ thêm nhiều góc khuất cảm động về một con người đã sống, đã viết và đã hy sinh vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba là cuốn sách tập hợp các di cảo của liệt sĩ, bác sĩ, Anh hùng LLVT Đặng Thùy Trâm, bao gồm những trang viết của Đặng Thùy Trâm trong hai năm cuối của thời sinh viên y khoa (1965-1966), khi chị chuẩn bị lên đường vào chiến trường miền Nam. Cuốn sách còn có những hồi ký của mẹ và các em gái Đặng Thùy Trâm, cùng những câu chuyện về mối tình của chị với một người lính đặc công.
Cuốn sách không chỉ là một lát cắt sâu sắc về cuộc đời, tâm hồn và lý tưởng sống của nữ bác sĩ anh hùng, mà còn như một biểu tượng sống động về lòng yêu nước, khát vọng hòa bình và tinh thần bất khuất của thế hệ thanh niên Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Không chỉ là một tác phẩm văn học, những hồi ức trong cuốn sách còn là di sản quý giá, giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về một con người, một thời đại và những hy sinh cao cả vì độc lập, tự do của dân tộc của cả một thế hệ.
Nhân dịp tháng tri ân các anh hùng liệt sĩ, Nxb Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức buổi giao lưu - giới thiệu sách với tên gọi “Ký ức chưa từng khép lại” để cùng ôn lại những năm tháng khói lửa đầy hào hùng và bi tráng.
Toàn cảnh buổi giao lưu
Phát biểu khai mạc, bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc Nxb Phụ nữ cho rằng, cùng với Mãi mãi tuổi 20, Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của độc giả trong và ngoài nước. Sau khi cuốn nhật ký ra đời đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, tại Quảng Ngãi không chỉ có thư viện Đặng Thùy Trâm ở rất nhiều điểm mà còn có cả một trường học, một xã mang tên chị... Đó chính là minh chứng cho thấy: truyền thống lịch sử luôn còn đó và cần chúng ta vun đắp.
Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba không chỉ giúp ta hình dung được con người của Đặng Thùy Trâm thời tuổi trẻ, mà còn cho thấy một bức tranh toàn cảnh và những lát cắt về cuộc chiến tranh. Chính lịch sử của những cá nhân tưởng như nhỏ bé nhưng lại góp phần tạo nên bức tranh lớn, chứng minh truyền thống yêu nước đáng tự hào của dân tộc. Cuốn nhật ký giúp độc giả nhìn được vào sâu trong đời sống tâm hồn, sự cô đơn, nỗi sợ, mất mát, ước mơ… tất cả làm nên phẩm chất của người anh hùng. Phần câu chuyện sau khi chị mất cũng rất xúc động, khi cuốn nhật ký góp phần kết nối những con người với nhau với tình nhân loại rộng lớn.
TS Hà Thanh Vân đánh giá, Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba không đơn thuần là sự tiếp nối hai tập nhật ký từng gây tiếng vang lớn (Nhật ký Đặng Thùy Trâm, 2005; bản tái bản có bổ sung năm 2010), mà còn là một tác phẩm hồi cố đầy cảm xúc, mang chiều sâu nhân văn và giá trị lịch sử rõ nét. Là kết quả của nhiều năm sưu tầm, gìn giữ công phu của người thân trong gia đình, những “người kể chuyện thầm lặng” đã viết tiếp cuộc đời chị Đặng Thùy Trâm bằng tình yêu và ký ức. Có thể xem cuốn sách này là một đóng góp cho dòng văn học hồi cố, ký ức. Bà cho rằng, cuốn sách này không phải là một khám phá gây chấn động, nhưng nó là phần hoàn thiện dịu dàng và cảm động cho bức chân dung một người con gái Việt Nam thời chiến, bổ sung những khoảng trống cần thiết để hoàn thiện bức chân dung tinh thần của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm.
Bìa cuốn sách
Bên cạnh những chia sẻ về “một sợi dây tâm linh vô hình liên kết liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và những độc giả như chúng ta” của nhà văn Thảo Trang, độc giả tham dự buổi giao lưu còn được nghe những tâm sự của tác giả - người biên soạn Đặng Kim Trâm (em gái của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm). Như nhận định của TS Đặng Thanh Vân, một trong những điều đáng quý nhất của cuốn sách chính là công trình sưu tầm lặng lẽ nhưng đầy cảm động của gia đình. Gia đình không chỉ là “người thân” mà còn là người gìn giữ ký ức, làm công việc của nhà lưu trữ, nhà biên tập và cả người kể chuyện cho hậu thế. Sự trân trọng ký ức này cũng là bài học lớn về đạo lý làm người, không để quá khứ bị xóa mờ, mà sống tiếp với nó bằng trách nhiệm và tình yêu thương. Những ký ức ấy không chỉ làm đầy thêm hình ảnh một con người, mà còn soi chiếu ngược lại nhật ký, khiến cho văn bản không còn đơn độc mà được bồi đắp bởi tình thân và dòng chảy ký ức liên thế hệ. Có những đoạn nhật ký đã ố vàng, chữ nhòe, phải phục dựng từng chữ; có bức thư chưa kịp gửi; có cả những trang chỉ còn dăm dòng, nhưng gia đình vẫn giữ lại vì với họ, từng con chữ đều là dấu tích của một đời sống.
Bởi vậy, Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba không chỉ là sự tiếp nối, mà còn là một tiếng vọng sâu lắng, mở thêm những cánh cửa mới dẫn vào tâm hồn người đã khuất nhưng thực ra vẫn còn sống mãi trong ký ức nhiều thế hệ.
Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN