Triển lãm ảnh nghệ thuật “Mưa đỏ” - Tri ân từ khuôn hình

Nhân kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2025), Quốc khánh 2-9 và hướng tới 78 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947–27/7/2025), Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức Triển lãm ảnh nghệ thuật “Mưa đỏ” với chủ đề “Tri ân từ khuôn hình”. Triển lãm diễn ra trong hai ngày 17 và 18-7-2025 tại Điện ảnh Quân đội nhân dân (số 17 Lý Nam Đế, phường Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Các đại biểu, khách mời tham quan Triển lãm

Triển lãm là một hoạt động nghệ thuật ý nghĩa bên lề dự án phim truyện điện ảnh Mưa đỏ, do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất, dự kiến sẽ khởi chiếu vào dịp lễ 2-9-2025. Mưa đỏ tái hiện hào hùng 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị – nơi máu, nước mắt và lòng quả cảm của những người lính đã hòa vào dòng Thạch Hãn đỏ lửa. Phim đồng thời khắc họa mặt trận ngoại giao căng thẳng tại Hội nghị Paris, tố cáo tội ác chiến tranh và tôn vinh khát vọng hòa bình, hòa hợp dân tộc.

Triển lãm ảnh “Tri ân từ khuôn hình” là sự tiếp nối của tinh thần ấy. Những bức ảnh được trưng bày không chỉ là tư liệu hậu trường quý giá, mà còn là lát cắt nghệ thuật giàu tính biểu cảm. Qua từng khuôn hình - ánh mắt, tư thế, khung cảnh - hiện lên khí phách, vẻ đẹp và chiều sâu tâm hồn người lính Việt Nam.

Phát biểu khai mạc triển lãm, Đại tá Nguyễn Thu Dung – Giám đốc Điện ảnh Quân đội khẳng định, với những người làm nghệ thuật trong quân đội, mỗi tác phẩm điện ảnh là một nhiệm vụ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Bộ phim Mưa đỏ không đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật, mà là một sứ mệnh thiêng liêng, tái hiện lại giai đoạn lịch sử oanh liệt, tôn vinh sự hy sinh anh dũng của hàng ngàn chiến sĩ tại Thành cổ Quảng Trị - nơi tuổi đôi mươi đã hóa thành bất tử. Bà cho biết, trong quá trình sản xuất phim, từ những ngày dựng bối cảnh, tuyển chọn diễn viên, đến khi bấm máy trên những địa hình khắc nghiệt, từng thành viên trong đoàn đều thấm thía một điều: họ đang đi theo dấu chân của cha anh mình năm xưa, làm sống lại những câu chuyện có thật. Đó là một hành trình sáng tạo gian khổ nhưng đầy tự hào.

Đại tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân phát biểu khai mạc Triển lãm

Với những người làm phim, Mưa đỏ là biểu tượng của lòng dũng cảm và sự hy sinh cao cả. Suốt 81 ngày đêm trên mảnh đất Thành cổ Quảng Trị, lớp lớp chiến sĩ tuổi đôi mươi đã ngã xuống, hòa mình vào dòng sông Thạch Hãn đỏ lửa để giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Là sự kết hợp giữa tư liệu lịch sử chân thực và ngôn ngữ nghệ thuật điện ảnh hiện đại, với góc nhìn nhân văn, bộ phim đã tái hiện sinh động một trong những trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử dân tộc hiện đại - không chỉ bằng hình ảnh, mà bằng cả chiều sâu tâm hồn, bằng tiếng gọi của ký ức và bằng khát vọng tri ân.

Những bức ảnh hậu trường đã ghi lại được rất nhiều khoảnh khắc xúc động, chân thực trong suốt quá trình thực hiện. Trong mỗi khuôn hình, người lính hiện lên trong nhiều cung bậc cảm xúc, tất cả mang đậm màu sắc chiến trường, nỗi đau và cả hy vọng. Mỗi bức ảnh phim đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc lập, chứa đựng thông điệp rõ ràng: Chúng ta sẽ không bao giờ cho phép mình lãng quên lịch sử. Chính vì vậy, việc tổ chức Triển lãm ảnh phim truyện “Mưa đỏ - Tri ân từ khuôn hình” đúng dịp kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh liệt sĩ không chỉ là hoạt động đồng hành cùng bộ phim, mà còn là một nén tâm nhang nghệ thuật, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các Anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh - những người đã hy sinh hoặc để lại một phần thân thể nơi chiến trường để đất nước được độc lập, nhân dân được bình yên. Những hy sinh của cha anh phải được khắc ghi bằng hành động, bằng sự tri ân thiết thực, bằng việc lan tỏa giá trị lịch sử tới thế hệ hôm nay và mai sau.

Đại tá Nguyễn Thu Dung cho rằng, việc tổ chức triển lãm ảnh “Mưa đỏ - Tri ân từ khuôn hình” không chỉ là hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, mà còn là một cách làm sáng tạo, hiệu quả để điện ảnh cách mạng Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Bà cũng bày tỏ tin tưởng, triển lãm ảnh sẽ để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, góp phần lan tỏa mạnh mẽ giá trị lịch sử, nghệ thuật và tinh thần yêu nước, củng cố niềm tin, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam. 

Diễn viên phim "Mưa đỏ" giao lưu cùng khán giả

Phát biểu tại buổi khai mạc Triển lãm, nhà văn Chu Lai - tác giả kịch bản phim Mưa đỏ bày tỏ sự xúc động: “Từ khi tôi hình thành cuốn Mưa đỏ đến giờ, khi bộ phim sắp ra mắt đã hơn 10 năm, xem trailer, trong lòng tôi đã rưng rưng như gặp lại đứa con của mình. Năm tháng sẽ qua đi những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần nhưng những năm tháng hào hùng, khổ đau và vinh quang của dân tộc ta còn mãi mãi. Lòng yêu nước không của riêng ai, lòng yêu nước là của bất cứ thế hệ nào, thế hệ chúng tôi thể hiện lòng yêu nước bằng những binh đoàn vượt Trường Sơn, còn thế hệ hôm nay triển khai lòng yêu nước bằng cách ra sức làm giàu cho mình và làm giàu cho Tổ quốc nhưng tất cả đều có một cái chung, đó là lòng tự tôn dân tộc”.

Đại tá, NSND Tự Long - Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội cho rằng: “Chỉ có điện ảnh mới lột tả được hết khúc tráng ca mà nhà văn Chu Lai gửi gắm trong tác phẩm Mưa đỏ của mình. 81 ngày đêm ở Quảng Trị là trang sử vừa bi hùng, vừa đau thương nhưng cũng cực kỳ vẻ vang của đất nước mà thế hệ hậu sinh không được phép quên. Với tư cách là một người lính, một nghệ sĩ, tôi hy vọng sẽ có cơ hội được làm Mưa đỏ dưới hình thức một vở chèo”.

Triển lãm thu hút đông đảo các khách mời trong và ngoài Quân đội

Đến với buổi Triển lãm, khán giả còn được giao lưu cùng Thiếu úy Nguyễn Châu Anh, trợ giảng viên, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Á hậu 1 Hoa hậu Việt Nam năm 2024 và các diễn viên phim Mưa đỏ: Đỗ Nhật Hoàng, Steven Nguyễn, Phương Nam, Hoàng Long, Đình Khang, Gia Huy, Ngọc Hải...

NGÔ HỒNG VÂN

;