“Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ” và câu chuyện về chữ viết của tiếng Việt

Sáng 12-10, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Nxb Kim Đồng tổ chức buổi Tọa đàm "Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ - Câu chuyện về chữ viết của tiếng Việt".

Buổi Tọa đàm xoay quanh hành trình sáng tạo và phát triển, phổ biến của chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt. Chương trình có sự tham gia của các khách mời: TS Phạm Thị Kiều Ly - tác giả cuốn sách Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ; PGS, TS Trần Trọng Dương - nhà nghiên cứu Hán Nôm và TS Vũ Đức Liêm - nhà nghiên cứu lịch sử.

Các diễn giả tại buổi Tọa đàm

Buổi tọa đàm “Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ - Câu chuyện về chữ viết của tiếng Việt” xoay quanh hành trình sáng tạo và phát triển, phổ biến của chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt, kể từ khi giáo sĩ Alexandre de Rhodes lần đầu đặt chân tới Việt Nam vào 400 năm trước (1624-2024) và giá trị của các loại văn tự được ghi nhận trong sự thăng trầm của lịch sử Việt Nam. Tại buổi Tọa đàm, các diễn giả cũng bàn luận về những câu hỏi: Tại sao chúng ta hiện nay lại đang dùng văn tự Latinh, khác hẳn với các nước “đồng văn” xung quanh như Nhật Bản, Hàn Quốc? Chúng ta vẫn nói mình dùng chữ quốc ngữ. Vậy chữ quốc ngữ là gì? Ai đã tạo ra nó?  

Theo TS Phạm Thị Kiều Ly - tác giả cuốn sách “Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ”, lịch sử chữ quốc ngữ gắn với những câu chuyện ly kỳ và hành trình truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây. Ban đầu, đây chỉ là một công cụ để học tiếng Việt nhằm trao đổi với người Việt và thuận tiện trong việc truyền giáo. Sau đó nó được sử dụng như một thứ mật mã và chỉ được dạy trong các chủng viện. Dần dần, chữ quốc ngữ thay thế chữ Nho trong các văn bản hành chính của đất nước, nắm vai trò khai dân trí và trở thành chữ viết chính thức của nước ta. Những năm 1920-1930, phong trào “Bình dân học vụ” lan tỏa, chữ quốc ngữ được dạy cho nhân dân. Từ năm 1945, chữ quốc ngữ trở thành văn tự chính thức của quốc gia.

"Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ" là cuốn tranh truyện bán hư cấu kể lại câu chuyện cuộc đời nhiều thăng trầm của Giáo sĩ  Alexandre de Rhodes, một vị linh mục, người của Tòa thánh Vatican, đã tới Việt Nam từ thế kỷ XVII và có công rất lớn trong việc in cuốn từ điển đầu tiên của tiếng Việt (Từ điển Việt - Bồ - La) vào năm 1651. Cuốn sách giải đáp thắc mắc về sự ra đời của chữ viết tiếng Việt; việc hiện nay chúng ta dùng văn tự Latinh, khác các nước “đồng văn”; người đã tạo ra chữ quốc ngữ…

Bìa cuốn sách "Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ"

Được biết, nội dung cuốn sách Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ dựa vào luận án tiến sĩ của tác giả Phạm Thị Kiều Ly về Lịch sử ngữ pháp và chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt cũng như các tài liệu trong văn khố ở châu Âu cùng các cuốn sách viết về hành trình truyền giáo của các thừa sai. Với mong muốn các em học sinh dễ đọc, dễ tiếp cận khi tìm hiểu về chữ quốc ngữ, TS Phạm Thị Kiều Ly đã biên soạn cuốn sách Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ với phần minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long.

Tại buổi Tọa đàm, tác giả Phạm Thị Kiều Ly cho biết, việc ghi âm tiếng Việt bằng chữ Latinh bắt đầu khi các Thừa sai Dòng Tên tới Đàng Trong năm 1615. Vì nhu cầu giao tiếp với người dân bản xứ, các Thừa sai học tiếng Việt với người Việt đồng thời ghi âm tiếng Việt bằng chữ Latin cho dễ nhớ, dễ học. Lối viết này được coi như một công cụ học tiếng Việt của các Thừa sai người châu Âu. Sau khi Hội thừa sai Paris được thành lập năm 1658, sứ mệnh thiết lập hàng giáo sĩ bản xứ, lối viết tiếng Việt bằng chữ Latin còn là công cụ giao tiếp của các linh mục châu Âu và linh mục người Việt, nhờ đó lối viết này dần hoàn thiện. Tác giả chia sẻ: “Các học giả trước tôi thường nghiên cứu lịch sử chữ quốc ngữ và liên tưởng tới quá trình văn tự Latinh hóa tiếng Nhật, tiếng Trung. May mắn thay, nhờ được nhiều thầy dẫn dắt, tôi đã hiểu được rằng, quá trình các Thừa sai ghi các âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh nằm trong trào lưu chung của “ngữ học truyền giáo” từ thế kỷ XVI. Tuy nằm trong một trào lưu chung, nhưng việc chữ quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của Việt Nam dưới tác động của bối cảnh chính trị, xã hội lại là một trường hợp đặc biệt ở Đông Á”.

Thái độ tiếp nhận chữ quốc ngữ của người Việt cũng đóng vai trò quan trọng. Người Việt ai cũng vì lòng yêu nước, muốn dân tộc hưng thịnh phát triển, nhiều nhóm trí thức muốn khai mở dân trí đã chọn chữ quốc ngữ. PGS, TS Trần Trọng Dương nhận định: "Sinh mệnh của văn tự gắn liền với thể chế chính trị. Chữ quốc ngữ được chọn chính thức cũng vì sinh mệnh của đất nước”.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Buổi Tọa đàm đã giúp công chúng hiểu rõ hơn về tiếng Việt, truyền ngọn lửa tình yêu tiếng Việt – thứ ngôn ngữ rất đẹp của dân tộc Việt Nam cho các độc giả.

NGÔ HỒNG VÂN

;