Hội nghị Sơ kết 5 năm thi hành Luật Thư viện

Ngày 15-11, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thi hành Luật Thư viện nhằm đánh giá thực trạng triển khai Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thư viện, đồng thời đề xuất những nội dung mới chưa có trong quy định, những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật trong thời gian tới. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị 

Tham dự Hội nghị có: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S; Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) Kiều Thúy Nga; Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Trung Kiên; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, các đơn vị thuộc: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ VHTTDL, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cùng lãnh đạo các Sở VHTTDL, lãnh đạo các thư viện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thư viện chuyên ngành; thư viện các trường đại học.

Toàn cảnh Hội nghị

Luật Thư viện đã được Quốc hội thông qua vào ngày 21-11-2019 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, đánh dấu mốc quan trọng trong hoạt động thư viện thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy phong trào đọc sách, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng. Luật Thư viện có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý quan trọng điều chỉnh, thúc đẩy sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc phát triển, truyền bá tri thức, giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại, góp phần tạo môi trường học tập suốt đời cho nhân dân, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị

Sau 5 năm triển khai thi hành Luật Thư viện, mạng lưới thư viện tiếp tục được duy trì, củng cố và phối hợp với các thiết chế khác tạo thành môi trường văn hóa tại cơ sở phục vụ trực tiếp người dân. Hoạt động thư viện được chuẩn hóa, hiện đại hóa, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thư viện số và đẩy mạnh liên kết, chia sẻ giữa các thư viện; hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu sử dụng của mọi đối tượng trong thời kỳ chuyển đổi số. Phát triển văn hóa đọc đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả khích lệ… Tuy nhiên, việc thực thi triển khai Luật Thư viện còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế và bất cập cần tháo gỡ. Trong 5 năm qua, hoạt động thư viện tuy có đổi mới và khởi sắc, nhưng chưa thực sự có bứt phát để thực hiện đúng vai trò của mình. Do vậy, Hội nghị là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ thực trạng quá trình triển khai thi hành Luật Thư viện, đồng thời cũng đưa ra các đề xuất, kiến nghị để sửa đổi, bổ sung, để Luật Thư viện được hoàn thiện hơn.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã nhấn mạnh: Triển khai thi hành Luật Thư viện cần có sự phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật được xây dựng và ban hành đúng tiến độ đã bảo đảm cho Luật được thực thi đồng bộ, thống nhất ngay từ khi có hiệu lực thi hành. Sự vào cuộc tích cực, chỉ đạo quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng thuận và hưởng ứng của toàn xã hội trong 5 năm qua đã tạo nên nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động thư viện.

Thứ trưởng cũng chỉ rõ một số hạn chế khi triển khai thi hành Luật: Nhận thức tại một số bộ, ngành, địa phương về vai trò của thư viện đối với việc xây dựng môi trường văn hóa còn hạn chế, dẫn đến việc chưa quan tâm và đầu tư cho hoạt động thư viện, công tác phối hợp thực hiện chưa đồng bộ… Thứ trưởng đề nghị các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, người làm công tác thư viện quan tâm làm rõ một số nội dung về tình hình triển khai và kết quả thực thi Luật Thư viện; Các điều kiện bảo đảm và tuân thủ Luật Thư viện; thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ; bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai Luật Thư viện.

Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thúy Nga trình bày Báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Luật Thư viện tại Hội nghị

Thay mặt Đoàn Chủ tịch, Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thúy Nga đã trình bày Báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Luật Thư viện với kết quả công tác tổ chức thi hành Luật: Công tác quản lý hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước thể hiện qua các văn bản nghị quyết, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp của Quốc hội; của các bộ, ban, ngành thông qua các chương trình phối hợp công tác; của toàn thể xã hội thông qua các phong trào xây dựng thư viện, tủ sách, tổ chức các hoạt động khuyến đọc. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý thư viện tương đối đầy đủ và chặt chẽ; nhiều quy định và văn bản đã tiếp cận với xu hướng phát triển thư viện hiện đại tạo hành lang pháp lý về xử lý vi phạm trong lĩnh vực này cũng được quy định cụ thể, có tính răn đe cao. Các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động thư viện liên tục được hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính. Ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân về cơ bản đã được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Thông qua triển khai thực hiện Luật Thư viện và các văn bản có liên quan, việc đọc của người dân, trong đó nhóm đối tượng thanh, thiếu niên được đặc biệt quan tâm. Hoạt động thư viện có sự đổi mới, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ thông tin - thư viện tạo nên sự bứt phá trong phục vụ người sử dụng; hiện đại hóa thư viện, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các thư viện đã tạo điều kiện để người dân có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống tri thức mở, linh hoạt với nhiều mô hình, từ đó hình thành thói quen, phát triển năng lực tự học tập, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.

Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Nguyễn Xuân Dũng trình bày tham luận

Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số Nguyễn Huy Chương trình bày tham luận

Một số khó khăn, hạn chế trong quá trình thực thi Luật cũng được đề cập trong Báo cáo như: Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật còn chưa đồng bộ, thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể; Việc tổ chức các hoạt động thư viện chưa được ưu tiên và coi trọng, không được bố trí đủ kinh phí hoạt động; Về phát triển nguồn nhân lực và chính sách đãi ngộ với người làm công tác thư viện còn thấp…

Tại Hội nghị, các tham luận, ý kiến phát biểu đều tập trung vào các nội dung: Đánh giá sơ kết tình hình triển khai và kết quả 5 năm thực thi Luật Thư viện; Các điều kiện bảo đảm và tuân thủ Luật Thư viện; thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ, bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai Luật Thư viện; Đánh giá thực tiễn triển khai các quy định, một số nội dung chính của Luật Thư viện; Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, xã hội đối với việc phát triển thư viện, văn hóa đọc trong cộng đồng, xây dựng xã hội học tập; giải pháp xây dựng và duy trì thói quen đọc sách; Đề xuất, kiến nghị, giải pháp hoàn thiện thể chế, tăng cường hiệu lực và tổ chức thi hành có hiệu quả Luật Thư viện.

Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới trình bày tham luận

Ông Phạm Thế Cường - Chủ nhiệm Thư viện tư nhân phát biểu ý kiến tại Hội nghị

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Chiều cùng ngày, các đại biểu đã có phiên thảo luận tại các tổ, với những chủ đề như: Xác định các hoạt động thư viện cần bổ sung văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện; Thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai hoạt động mô hình thư viện cơ sở: Đề xuất giải pháp; Cần làm gì để người dân, cộng đồng biết đến các hoạt động, sản phẩm và dịch vụ của thư viện; Giải pháp xây dựng các chương trình khuyến đọc hiệu quả; Giải pháp xây dựng nền tảng số dùng chung/ liên kết chia sẻ dữ liệu trong hoạt động thư viện; Đề xuất các dịch vụ thư viện để triển khai phục vụ bạn đọc hiệu quả.

Các tổ thảo luận tại Hội nghị

Các đại biểu tham quan không gian trưng bày triển lãm ảnh về kết quả đạt được trong quá trình thực thi Luật Thư viện

Bài, ảnh: HỒNG VÂN

;