“Tiếp biến của văn hóa Cải lương trong đời sống đương đại”

Tối ngày 13-11-2024, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ, 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra buổi talk show với chủ đề “Tiếp biến của văn hóa Cải lương trong đời sống đương đại”. Cuộc trò chuyện được dẫn dắt trực tiếp bởi Giám đốc Nhà hát Cải Lương Việt Nam NSND Triệu Trung Kiên và nhà nghiên cứu Trương Uyên Ly. Đây là một chương trình đặc biệt nằm trong chuỗi các hoạt động cộng hưởng của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024.

Giám đốc của Nhà hát Cải Lương Việt Nam NSND Triệu Trung Kiên và nhà nghiên cứu Trương Uyên Ly đã mang đến nhiều trải nghiệm bất ngờ cho khán giả yêu thích nghệ thuật cải lương

Buổi talk show cung cấp cho khán giả cái nhìn tổng thể về quá trình phát triển của nghệ thuật cải lương tại Việt Nam từ thời điểm ra đời cho đến nay. Bên cạnh đó, NSND Triệu Trung Kiên cũng sẽ chia sẻ những khó khăn mà bộ môn nghệ thuật truyền thống này đang gặp phải và cách mà cải lương đang cải biên và ứng biến để đáp ứng với sự thay đổi của đời sống đương đại. Đến với buổi trò chuyện, khán giả có cơ hội thưởng thức những trích đoạn cải lương truyền thống nổi tiếng như Dạ cổ hoài lang, cùng với một số tiểu phẩm cải lương hiện đại (Kêu cứu, Chuyện tình làng Vũ Đại...), đặc biệt trích đoạn của vở diễn mới nhất Cánh cửa khép hờ mang đến những thử nghiệm táo bạo với đề tài về công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo, từ đó khán giả có thể thấy được khả năng biến thiên và thích ứng của cải lương khi kết hợp với rất nhiều đề tài đa dạng.

Trích đoạn “Kêu cứu” với đề tài hiện đại về mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu

Nghệ sĩ Minh Phương và nghệ sĩ Bích Nhật thể hiện trích đoạn "Chuyện tình làng Vũ Đại"

Tại buổi nói chuyện, NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi rất muốn thu hút nhiều bạn trẻ và khán thính giả đến với nghệ thuật cải lương, bởi cải lương thực ra rất “đương đại” ở khả năng dễ dàng biến hóa cùng với các thể loại âm nhạc và sân khấu khác. Mặc dù hiện nay có rất nhiều khó khăn nhưng các nghệ sĩ vẫn rất yêu nghề và quyết tâm bảo tồn, phát huy nghệ thuật cải lương”.

Đặc biệt, buổi talk show này được lựa chọn tổ chức tại địa chỉ 50 Đào Duy Từ với một ý nghĩa đặc biệt, bởi nơi đây từ đầu TK XX đã từng là rạp hát lớn nhất nhì Hà Nội, được gọi là Sán Nhiên Đài. Đây là một địa chỉ quan trọng đối với sự phát triển của nghệ thuật biểu diễn Việt Nam. Nhiều vở tuồng, chèo, cải lương, kịch nói… đã ra mắt tại đây. Không chỉ có vậy, Đào Duy Từ (1572-1634) là một nhân vật lịch sử TK XVII, ông là người xuất sắc trên nhiều lĩnh vực như: kinh tế, chính trị, quân sự và văn hóa. Ông được cho là ông tổ của Tuồng, đã sáng tác và đưa âm nhạc, điệu múa, hát bội (tuồng)… vào trong cung đình triều Nguyễn và sau gọi là “Nhã nhạc cung đình Huế”. Ông viết các vở tuồng Sơn Hậu và một số điệu múa Hoa Đăng, Nữ tướng xuất quân

Vở cải lương mới nhất của Nhà hát Cải lương Việt Nam "Cánh cửa khép hờ"

Cải lương được “tiếp biến” từ hát bội mà ra. Trình tự tiếp biến được NSND Triệu Trung Kiên và các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam như: nghệ sĩ Văn Đắng, Minh Lý, Minh Phương, Lệ Hằng, Minh Hải, Như Quỳnh, Bích Nhật, Thiên Kiều, Ngân Hà, Tuấn Thịnh... diễn giải cho khán giả thông qua một phương thức sinh động, đó là vừa đưa ra các dẫn chứng cụ thể vừa minh họa bằng các trích đoạn cải lương sinh động. Chính điều này đã khiến buổi trò chuyện trở nên dễ hiểu, độc đáo và hấp dẫn đối với các khản giả từ nhỏ tuổi đến lớn tuổi, thậm chỉ cả khán giả là người nước ngoài.

Buổi trò chuyện với không gian ấm cúng đưa khán giả tìm hiểu nguồn gốc lịch sử cải lương, tên gọi của nghệ thuật cải lương, thời điểm ra đời nghệ thuật sân khấu cải lương, nhạc sư của cải lương đã đặt nền móng cho cải lương ra sao, sự ra đời của nghệ thuật cải lương miền Bắc, làm sáng rõ sự khác nhau giữa cải lương miền Bắc và cải lương miền Nam, nguồn gốc, các thành tố cấu tạo nên cải lương, giới thiệu 20 bản tổ cải lương... 

Vị khách David - người nước ngoài chia sẻ cảm nhận tại buổi talk show

Khán giả trẻ N.V.A (Hà Nội) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được xem trực tiếp cải lương. Em thực sự bất ngờ với kỹ thuật hát của các nghệ sĩ. Qua buổi nói chuyện hôm nay em đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích, hiểu hơn về lịch sử của nghệ thuật cải lương, biết được ý nghĩa, nguồn gốc của địa điểm 50 Đào Duy Từ, được xem rất nhiều trích đoạn hay và thấy được cải lương có thể được thể hiện qua rất nhiều đề tài đa dạng từ cổ điển đến hiện đại. Em mong rằng Nhà hát Cải lương Việt Nam sẽ tổ chức nhiều chương trình hay để khán giả trẻ chúng em có cơ hội được thưởng thực nghệ thuật đặc biệt này”. Còn khán giả David người nước ngoài chia sẻ, buổi talk show thực sự thú vị, đã giúp anh hiểu hơn về nghệ thuật cải lương Việt Nam. Đây là một loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo cần giữ gìn, bảo tồn và phát huy.

Khán giả được tham gia đóng vai nhân vật theo trích đoạn dưới sự hướng dẫn của các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam

Talk show Tiếp biến của văn hóa Cải lương trong đời sống đương đại đã có những sự sáng tạo độc đáo trong cách thức thể hiện, khiến nghệ thuật cải lương đến gần hơn tới công chúng yêu nghệ thuật. Qua cách dẫn chuyện cuốn hút và cởi mở của NSND Triệu Trung Kiên và nhà nghiên cứu Trương Uyên Ly, đồng thời các nghệ sĩ cải lương biểu diễn minh họa cho buổi trò chuyện qua từng câu hát, từng bản nhạc và trích đoạn/ tiểu phẩm cải lương đã thu hút nhiều khán giả, đặc biệt khán giả trẻ dành tình cảm đặc biệt cho loại hình nghệ thuật cải lương.

Các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam đã mang đến nhiều trích đoạn độc đáo, làm cuốn hút buổi talk show

Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG

;