Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI tại tỉnh Lạng Sơn năm 2024, Đoàn các nghệ nhân đồng bào dân tộc Sán Dìu, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã mang đến Ngày hội tiết mục trích đoạn Nghi lễ Cấp sắc của dân tộc Sán Dìu.
Trong Lễ Cấp sắc truyền thống của dân tộc Sán Dìu không thể thiếu bộ tranh Cấp sắc
Vĩnh Phúc là một tỉnh nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng, miền Bắc Việt Nam, giáp ranh với các tỉnh Tuyên Quang và Phú Thọ ở phía Bắc và Tây Bắc, giáp tỉnh Thái Nguyên ở phía Đông, và giáp Thủ đô Hà Nội ở phía Đông Nam và phía Nam. Vị trí này giúp Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm kết nối giữa các tỉnh miền núi phía Bắc với Thủ đô và các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Vĩnh Phúc giàu truyền thống văn hóa, với nhiều lễ hội đặc sắc, tiêu biểu như lễ hội Tây Thiên, lễ hội đình Hương Canh, lễ hội Bàn Giản, Lễ hội nhảy lửa, lễ hội cơm mới, mừng nhà mới của dân tộc Dao; Lễ hội xuống đồng (Lồng Tồng) của dân tộc Cao Lan; Lễ hội Đại Phan, lễ cầu an, lễ cầu mùa, Tết Mười Tư, Lễ Cấp sắc của dân tộc Sán Dìu... Những lễ hội này thường gắn liền với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc, các bậc tiền nhân, tổ tiên có công với nhân dân, đất nước, là dịp để nhân dân bày tỏ lòng thành kính và cầu mong sự bình an, thịnh vượng. Những phong tục này không chỉ là cầu nối giữa hiện tại và quá khứ mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với thiên nhiên, tổ tiên và cộng đồng.
Bàn lễ gồm có bát gạo cắm hương, chén rượu, đĩa oản…
Một trong những lễ hội đặc sắc đó là Lễ Cấp sắc của đồng bào dân tộc Sán Dìu, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo. Đây là nghi lễ quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành và là yêu cầu bắt buộc để trở thành thày cúng, người được coi trọng trong cộng đồng người Sán Dìu, vừa là mong ước về cuộc sống ấm no, an bình cho gia đình và cộng đồng.
Để được cấp sắc, người thụ lễ, thường là nam giới, phải có quá trình học chữ Hán, biết đọc, viết thành thạo, có thời gian phụ giúp thày, hiểu và thực hành được một số nghi lễ truyền thống của dân tộc mình. Người được cấp sắc có thể là người nối nghiệp gia đình, dòng họ, người có “căn”, những người do mong muốn được hành nghề và tham gia vào công việc của cộng đồng. Khi đạt đến một trình độ nhất định, được cộng đồng tín nhiệm, thì xin thày, xin thần linh tổ chức nghi lễ “Cấp sắc” để chính thức hành nghề.
Trong Lễ Cấp sắc gồm có 5 phần: Phần 1- Mời 3 vị thánh về dự, chứng giám; Phần 2- Xuất cờ - bái sư; Phần 3- Tạo cầu - bắc cầu, mời các thầy âm, thầy dương; Phần 4- Hành quang, hành pháp; Phần 5- Hợp lệnh (Mời ngũ vị thiên lôi chứng giám).
Mở đầu Lễ cấp sắc là cúng nhảy múa lần hai cấp sắc cho đệ tử
Theo truyền thống, cổng đàn lễ phải được dựng trước cửa nhà, khung bằng tre, nứa bao bằng giấy đỏ, trên cổng đề dòng chữ Hán “Tống chân nha môn”, hai bên viết cặp câu đối bằng chữ Hán mừng đón thần thánh giáng đàn. Bên trái là: Tam thanh ngôi ngôi ngụ Bảo thiên/ Tam vãi phu nhân bộ Kim Liên. Bên phải là: Thiên binh tầng lớp phụ đệ tử/ Địa binh trùng điệp phụ địa lang.
Trong Lễ Cấp sắc truyền thống của dân tộc Sán Dìu không thể thiếu được bộ tranh Cấp sắc, gồm có 22 tranh. Chính ban giữa là 3 tranh: Tranh Tam thanh (ba vị thánh Thái Thanh, Ngọc Thanh và Thượng Thanh). Bên phải, bên trái của Tam thanh gồm có 4 tranh, mỗi bên 2 tranh (bên trái là Địa Công Tào và Lũy Sơn Điền; bên phải là Thiên Binh Công Tào và Vương Đồng Mẫu). Phía trước bàn lễ mỗi bên treo 7 tranh (bên phải là Hữu Đầu Đà, Thượng Nguyên Soái, Hạ Nguyên Soái, Địa Tiên Binh, 12 Bộ Sử, Tràng Sa Vương; bên trái là Tả Đầu Tà, Thượng Đồng Vương, Trung Đồng Vương, Hạ Đồng Vương, Thiên Tiên Binh, Tả Đô Đốc, Liễu Tướng Quân). Cuối cùng là một tờ tranh Ngũ Lôi để chứng giám thày cấp lệnh bài và truyền phép thăng chức cho đệ tử.
Bàn lễ gồm có các vật dụng và đồ lễ không thể thiếu như: Bát gạo cắm hương (nhang), 3 bát hương, oản, chén rượu, đĩa oản… Bàn đặt sớ điệp, 3 bát hương, 5 chén rượu, 2 chén nước, 2 đĩa oản, 2 bát thịt.
Sau Lễ Cấp sắc, những điều răn, thề nguyện trước thần linh được người thụ lễ tự nguyện thực hiện trong suốt cuộc đời
Mở đầu Lễ Cấp sắc là cúng nhảy múa lần hai cấp sắc cho đệ tử, gồm có 7 phần. Phần 1: Bái 3 hồi chiêng mời 3 vị thánh về đạo tràng để chứng giám nghi lễ cấp sắc cho đệ tử; phần 2: Xuất cờ chiêu binh ngũ phương, bái sư các vị binh thần để nhận lương thực và phù hộ cho đệ tử; phần 3: Tạo cầu (Sao kheo): Cầu Dương và cầu Âm (Cầu dương để thỉnh mời các vị thầy cấp cao vẫn còn sống, cầu âm: mời các thần thánh âm binh về dự lễ cấp sắc); phần 4: Hành quang (Hàng Cong - Hành quang là biểu tượng sáng suốt. Kết thúc biểu diễn cho các vị thần thánh, binh thần chứng giám công nhận nghi lễ cấp sắc); phần 5: Đệ tử Lễ bái sư thày (Đệ tử dâng khăn đỏ lên vai sư thày, để sư thày ban phúc lộc cho, sau này làm việc gặp nhiều may mắn); phần 6: Người được cấp sắc - được sư vai dưới dâng khăn đỏ (Đệ tử được sư vai dưới dâng khăn đỏ cho đệ tử, để chúc mừng cho vai dưới người được mạnh khỏe và mọi sự tốt lành; phần 7: Thỉnh mời triệu ngũ lôi về chứng giám lễ cấp sắc cho đệ tử (Sư thày cấp cho đệ tử hợp lệnh bài truyền phép và các đồ dùng đi cúng. Để sau này đi cúng gặp nhiều tài lộc).
Sau khi thực hiện Nghi lễ Cấp sắc, những điều răn, thề nguyện trước thần linh được người thụ lễ tự nguyện thực hiện trong suốt cuộc đời của họ. Hệ thống tranh thờ, đồ nghề hành lễ được cất giữ tại nơi trang trọng.
Có thể thấy, nghi Lễ Cấp sắc của người Sán Dìu có vai trò quan trọng đối với đời sống tâm linh của cộng đồng người Sán Dìu, góp phần bảo lưu giá trị nghệ thuật như: Nghệ thuật múa, cắt dán giấy, trang trí đàn lễ, hệ thống tranh thờ dân gian. Từ năm 2018, Lễ Cấp sắc của người Sán Dìu đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
HÙNG MẠNH - Ảnh: TUẤN MINH