Tạo hình truyền thống và hiện đại, phong cách hiện thực và trừu tượng cùng được thể hiện trong các tác phẩm sơn mài của Hùng Khuynh. Nhưng giữa chúng dường như không tồn tại sự tương phản, đối nghịch nhau, mà lại hài hòa đến lạ. Họa sĩ Hùng Khuynh tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam khóa 1979-1984. Hiện là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Trong sự nghiệp sáng tác, ông đã gặt hái được nhiều giải thưởng danh giá: Giải thưởng Mỹ thuật Thủ đô (1982), Huy chương Bạc giải thưởng Mỹ thuật toàn quốc (1995), Giải thưởng Mỹ thuật ASEAN (2000),…
Họa sĩ Hùng Khuynh bên bức Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội (2008-2009)
Từ truyền thống đến hiện đại, từ hiện thực đến trừu tượng là “kim chỉ nam” trên hành trình sống trọn với hội họa của Hùng Khuynh. Đồng thời, cũng là tên của triển lãm bộ sưu tập sơn mài do họa sĩ tổ chức nhân dịp kỷ niệm 40 năm hoạt động nghệ thuật. Triển lãm diễn ra từ ngày 22/9 đến 5/10, tại Phòng triển lãm Art Space 42 Yết Kiêu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tại đây, 50 tác phẩm sơn mài được họa sĩ giới thiệu đã gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng Thủ đô.
Sáng tạo hội họa hiện đại từ chất liệu dân gian
Bén mối lương duyên sâu sắc với sơn mài từ rất lâu, họa sĩ khẳng định: “Sơn mài là nền tảng trong sáng tác của tôi”. Nghe đến đây thôi, người ta mới chỉ hình dung được rằng, nghệ thuật sơn mài là thứ ông được học khi ngồi trên giảng đường, và sau đó được ông sử dụng trong thực hành nghệ thuật. Nhưng dưới con mắt hoài cổ của Hùng Khuynh, sơn mài có đời sống vĩ đại hơn thế. Nghề sơn thếp vốn là một nghề thủ công truyền thống có lịch sử lâu đời ở Việt Nam. Nghệ nhân xưa đã biết dùng mủ cây sơn ta để phết lên thuyền. Dần dần, kỹ nghệ phát triển hơn, người xưa đã biết chế xuất nhựa cây sơn ta thành loại sơn phủ lên bề mặt các cấu kiện gỗ, những vật phẩm cúng tế, pho tượng gỗ trong không gian thờ tự dân gian và trong cả cung đình... Tiếp nối dòng lịch sử ấy, sơn mài đã trở thành nơi để tư duy hội họa của Hùng Khuynh gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa sự mộc mạc của nghệ thuật truyền thống và sự tinh tế của nghệ thuật hiện đại. Mỗi lớp sơn, mỗi đường nét, mỗi sắc vàng, son, then đều mang trong đó câu chuyện của dân tộc, nhưng cũng phản chiếu sự phức tạp đa chiều của đời sống đương đại. Qua sơn mài, ông không chỉ bảo tồn tinh hoa nghệ thuật dân gian, mà còn đưa nó vào cuộc đối thoại với ngôn ngữ hội họa hiện đại.
Vinh quy (2015), 112x112cm
Song, ông không những sử dụng chất liệu dân gian - sơn mài, mà tranh ông còn phảng phất những hình tượng mang căn tính dân tộc. Hùng Khuynh yêu những gì thuộc về văn hóa truyền thống là vậy, nhưng ông không phải người nệ cổ. Bởi vậy, ông luôn tâm niệm, tiếp thu nghệ thuật dân gian không nhất thiết là đưa vào trong sáng tác một cách cứng nhắc, thiếu sáng tạo những hình tượng quen thuộc trên tranh dân gian hay trong điêu khắc đình, đền, chùa. Chất liệu trên nền tảng văn hóa dân gian được Hùng Khuynh kế thừa và xử lý trong các tác phẩm của mình đầy khéo léo, tinh tế. Khi thì chúng hiện lên với nguyên mẫu trong tạo hình, nhưng có sự biến chuyển về màu sắc, như những công trình mang tính biểu tượng: Khuê Văn Các, Cột cờ Hà Nội, rồi nhỏ bé hơn là hoa văn chữ Thọ trong trang trí truyền thống. Cũng có khi lại được chuyển hóa trở thành những hình khối, bố cục đương đại.
Nói chất liệu dân gian được Hùng Khuynh tiếp thu là những sự vật tượng hình, hẳn là chưa đầy đủ. Với tư duy nghệ thuật đa chiều, hình ảnh tượng thanh cũng hiện lên trong những bức sơn mài của ông. Thưởng tranh của Hùng Khuynh, người xem như được sống lại tuổi thơ qua những câu ca, lời ru của bà, của mẹ, những bài hò, vè, đồng dao thường cất lên khi chơi cùng đám bạn, những câu ca dao, tục ngữ được thầy cô dạy khi ngồi trên ghế nhà trường,… Rồi lại lắng đọng với những giá trị nhân văn sâu sắc qua những câu hát chèo, ca trù. Và bất chất bừng tỉnh cảm xúc trước âm thanh cất lên từ dàn nhạc ngũ cung.
Phiêu lưu từ thực tế cuộc sống tới hội họa
Mỗi chuyến đi, dù là đi công tác hay đi du lịch, cũng đều là nguồn cảm hứng nghệ thuật trong Hùng Khuynh. Ông không đơn giản là chụp lại các bức ảnh về khung cảnh sinh hoạt văn hóa ở những nơi mình đến, để làm tư liệu sáng tác hội họa. Hơn thế nữa, ông dành nhiều thời gian để sống, trải nghiệm và tìm hiểu về đời sống của bà con cư đân ở địa phương đó. Và thế là, bằng một cách thật tự nhiên, những nét văn hóa ở những nơi Hùng Khuynh đặt chân đến đã “nhiễm” vào trong tư duy nghệ thuật của ông. Hùng Khuynh kể thêm, khi cảm thấy thích, ông có thể ký họa lại khung cảnh tại những nơi mình ghé thăm. Nhưng nhiều khi trở về nhà, những bức ký họa ấy lại thường được yên vị ở một chỗ. Và để dành tâm trí cho sự sáng tạo tuôn trào ra. Vẽ bằng trí nhớ, bằng sự hồi tưởng, kết hợp với tư duy thẩm mỹ, tạo hình đặc sắc, đó mới là sáng tạo nghệ thuật.
Hội lễ (2023), 100x100cm
Hùng Khuynh chia sẻ phương pháp tiếp thu rất lạ, mà nhắc tới sẽ khiến nhiều người cảm thấy kỳ thực là vô lý - đó là “học để quên”. “Học để quên”, với ông không phải học trước quên sau. Mà ông không cố ghi nhớ một cách máy móc những nét văn hóa ông bắt gặp trong những chuyến phiêu lưu của mình. Thay vào đó, trong quá trình tiếp thu, có những thứ ông không còn nhớ rõ. Nhưng những mảnh ký ức còn sót lại về những thể nghiệm đã qua, dù lưu giữ được ít hay nhiều, cũng được ông đưa vào tranh, cộng hưởng với những sáng tạo của cá nhân.
Chuyến phiêu lưu của Hùng Khuynh được nối dài từ thực tế, khi đặt chân đến nhiều vùng miền trên khắp đất nước, cho đến nghệ thuật, đưa hồn mình và người xem đi qua nhiều cung bậc cảm xúc. Được phiêu du trong vùng đất nghệ thuật, Hùng Khuynh thấy mình như một đứa trẻ. Song, không phải đứa trẻ ngộc nghệch, tư duy non nớt. Đứa trẻ trong ông luôn khao khát khám phá thế giới sáng tạo màu nhiệm với tinh thần hồn nhiên, tự do. Ông chẳng cần để tâm tạo hình trong tranh mình khỏe khoắn hay mềm mại, hay giống với tinh thần được họa sĩ nào đã thể hiện trước đó rồi.
“Con đường sáng tạo của tôi không chỉ là sự quan sát thế giới, mà còn là hành trình đi sâu vào nội tâm của bản chất sự vật. Hiện thực là cái nhìn đầu tiên, là điểm khởi đầu, nhưng nghệ thuật không chỉ là việc mô tả mà là sự biến hóa. Qua chất liệu sơn mài tôi tìm cách chuyển hóa cái hữu hình thành vô hình. Cái cụ thể thành cái trừu tượng. Nơi cảm xúc tư tưởng và triết lý được gợi mở bộc lộ qua từng lớp màu và kết cấu độc đáo”, Hùng Khuynh tâm sự.
Quê hương - Hương quê (2024), 100x200cm
Hiện thực và trừu tượng là quan điểm sáng tác xuyên suốt của Hùng Khuynh trong suốt 40 năm thực hành nghệ thuật. Do vậy, ông cảm thấy, khi nào có điều kiện, có hứng thú để vẽ hiện thực thì sẽ vẽ hiện thực, và tương tự với vẽ trừu tượng cũng như vậy. Khi xem tranh trừu tượng của Hùng Khuynh, thoạt tiên, thật khó để cảm nhận được cảm hứng dân gian trong tranh ông được khơi gợi qua hình tượng nào. Theo chia sẻ từ chính họa sĩ, cảm hứng dân gian có thể thấy rõ nét nhất qua màu sắc thể hiện. Đó là màu đỏ qua những viên ngói xếp ngay ngắn trên những mái nhà cổ kính, rêu phong, rồi là ánh vàng của buổi chiều tà, khoảnh khắc những người nông dân trở về nhà sau một ngày lao động vất vả, cày sâu cuốc bẫm,…
Nhận xét về họa sĩ Hùng Khuynh, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng từng viết: “Có thể nói Hùng Khuynh là người hoài cổ, hay là người thích ngụ ngôn cũng được, từ hình thức trình bày đến bố cục, màu sắc đều toát lên cái không khí đình chùa. Họa sĩ, dầu sao cũng đã tạo được một không khí, một hơi thở hướng về làn hương khói truyền thống bay trên các bát nhang thờ tổ tiên và thần linh từ ban thờ gia đình hay hương án đình chùa. Đó là một không khí lung linh, nhiều màu sắc vàng son, ẩn chứa nhiều bất trắc bên trong tiếng cười có ít nhiều thái độ xã hội, đó là hơi thở của người lưu luyến quá khứ dù biết quá khứ ấy cũng chẳng thật hay cho lắm, nhưng đó là nơi đã sống, là thời đã qua của mỗi con người”.
MINH HÙNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 586, tháng 10-2024