Không thời gian - Chân dung người lính

Hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng và là đề tài quan trọng cho nhiều nhà làm phim, trong cả điện ảnh và truyền hình. Trong những năm qua, đã có nhiều bộ phim xuất sắc, khắc họa rõ nét phẩm chất cao quý của người lính trong chiến tranh cũng như thời bình. Bộ phim truyền hình Không thời gian (đạo diễn NSƯT Nguyễn Danh Dũng, Nguyễn Đức Hiếu) là một trong số những phim như thế.

 “Một thời đạn bom, một thời hòa bình”

Bộ phim truyền hình dài 60 tập Không thời gian do Ðài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam sản xuất là dự án phim quan trọng và rất có ý nghĩa. Khắc họa bức chân dung người lính cả trong thời chiến và thời bình, bộ phim đặc biệt ý nghĩa khi ra mắt khán giả màn ảnh nhỏ trong những ngày cả nước đang hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QÐND Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Phó Tổng Giám đốc Ðài truyền hình Việt Nam Ðỗ Thanh Hải chia sẻ trong buổi họp báo ra mắt phim: “Chúng tôi rất tự hào khi được tham gia vào dự án phim quan trọng như Không thời gian, các diễn viên nghệ sĩ, đặc biệt là những người trẻ đầy hào hứng và cảm thấy mình đang có một trách nhiệm cao cả khi góp phần khắc họa hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ, đặc biệt là người lính trong thời bình”. 

Ông Ðỗ Thanh Hải cũng cho biết, đây là một trong những dự án phim quy mô nhất được Ðài truyền hình Việt Nam đầu tư cho Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC). Ê kíp làm phim đã có quãng thời gian rất dài để thâm nhập thực tế, chuẩn bị nội dung kịch bản, trao đổi, thảo luận để lựa chọn câu chuyện, cách tiếp cận.  

Diễn viên Mạnh Trường trong vai Trung tá Lê Nguyên Đại

 Không chỉ có sự nỗ lực của những người làm phim, trong dự án phim này, điều thú vị và rất đặc biệt là có sự tham gia của những người lính. Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam đã cử cố vấn đồng hành cũng đoàn làm phim. Phim cũng được sự tư vấn hỗ trợ của Quân khu II, Binh chủng Phòng không - Không quân, Binh chủng Công binh, Lữ đoàn 259, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La, Ðoàn Kinh tế quốc phòng 356… Những hỗ trợ về mặt chuyên môn nghiệp vụ, trang thiết bị, vũ khí, khí tài như máy bay trực thăng, xe chuyên dụng bắc cầu vượt lũ, súng ống, đạn dược... cùng sự tham gia của hàng trăm chiến sĩ trong những đại cảnh, đã góp phần giúp bộ phim đạt được hiệu quả chân thực cao.

Những người lính đã cùng ê kíp diễn viên thực hiện quay phim trên nhiều địa phương tỉnh thành phía Bắc. Ðó còn là những cựu chiến binh đã từng chiến đấu và nay tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm, những hiểu biết của mình giúp đoàn phim có những cảnh quay chân thực nhất. Những người lính cùng tham gia thực hiện những cảnh quay quy mô giá trị, hỗ trợ đoàn phim trong nhiều đại cảnh, cùng ăn, cùng làm việc, chia sẻ những khó khăn vất vả cùng những người làm phim. 

 NSND Như Quỳnh trong vai bà Hồi

Ðể chuẩn bị cho dự án phim lớn này, các thành phần đạo diễn, biên kịch, họa sĩ, sản xuất và các chuyên gia cố vấn quân đội đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát bối cảnh, tìm kiếm chất liệu diễn ra trong khoảng thời gian dài, trải qua nhiều tỉnh thành như Nghệ An, Phú Thọ, Thanh Hóa, Sơn La… Với mong muốn có được một bộ phim phác họa bức tranh toàn diện nhất về anh bộ đội, ê kíp sáng tạo đã quyết định nội dung phim sẽ bao gồm cả phần quá khứ và hiện tại, chiến tranh và hòa bình. Ở nội dung quá khứ, địa điểm được lựa chọn đã tính toán một cách kỹ lưỡng để có thể phục dựng một cách trung thực nhất bối cảnh thời chiến như rừng Trường Sơn, cảnh bom đạn, trạm quân y, hầm trú ẩn... tạo nên không khí cuộc chiến khốc liệt, hào hùng.

 Trong khi đó, ở nội dung hiện tại, phần khó lại nằm ở chỗ phải tìm ra những địa điểm phù hợp để thực hiện các đại cảnh lũ lụt, sạt lở đất, bắc cầu qua sống cứu hộ cứu nạn với sự tham gia của hàng trăm diễn viên và chiến sĩ. Song song với việc sáng tạo kịch bản, khảo sát lựa chọn bối cảnh, một cuộc tuyển chọn diễn viên quy mô lớn đã được tổ chức, chia làm nhiều đợt, ứng với nội dung kịch bản của từng thời kỳ. Diễn viên bất kể dày dạn kinh nghiệm cho đến những tân binh lần đầu chạm ngõ phim ảnh chỉ được lựa chọn khi đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí đa dạng được đạo diễn đặt ra. Sau khi được nhận vai, các diễn viên còn phải dành nhiều thời gian để nghe những cố vấn về nghiệp vụ chuyên môn đến từ các chuyên gia của quân đội và luyện tập.

Trần Mạnh Cường và Huyền trang trong vai Cường và Hồi lúc trẻ

Ðây là một trong những dự án phim rất vất vả, phải vượt qua những trở ngại về thời tiết, đặc biệt những ngày quay cùng với thời điểm bão lũ ở miền Bắc. Không chỉ đầu tư quy mô về khí tài đạn dược cho những cảnh bom đạn chiến tranh, những cảnh thời bình như lũ lụt, lở đất cũng được dàn dựng công phu với sự tham gia hỗ trợ của quân đội. Những đại cảnh lũ lụt, sạt lở, cứu hộ cứu nạn bằng máy bay trực thăng, bắc cầu vượt sông, rà phá bom mìn… đã được đoàn làm phim dàn dựng vô cùng hoành tráng và chân thực.

  Trung tướng Nguyễn Văn Ðức - Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị cho biết, bộ phim đã phản ánh đầy đủ ba chức năng cơ bản của quân đội nhân dân Việt Nam: đội quân cách mạng, chiến đấu và lao động sản xuất, nêu bật những giá trị cao đẹp, phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Giá trị của bộ phim không chỉ là niềm cổ vũ, động viên cho toàn quân vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời kỳ mới mà còn giúp khán giả thêm hiểu về cuộc sống và chiến đấu của anh bộ đội trong thời bình.

Sự thôi thúc từ trái tim nghệ sĩ

Với kinh nghiệm làm phim về đề tài chính luận, nhất là sau thành công của bộ phim Cuộc chiến không giới tuyến - tác phẩm nằm trong số 10 phim truyền hình Việt có tỷ suất người xem trung bình cao nhất cả nước năm 2023 (đạt 4,1%), đạo diễn - NSƯT Nguyễn Danh Dũng tiếp tục được tín nhiệm giao trọng trách đạo diễn bộ phim Không thời gian, cùng với đồng đạo diễn Nguyễn Ðức Hiếu. Phim cũng đánh dấu sự trở lại của bộ đôi đạo diễn và biên kịch từng rất ăn ý trong phim Hương vị tình thân: Nguyễn Danh Dũng và Trịnh Khánh Hà.

Biên kịch Trịnh Khánh Hà chia sẻ, làm phim về người lính không chỉ là một trọng trách mà còn là sự thôi thúc của trái tim nghệ sĩ và cũng là niềm tự hào chung của đội ngũ làm phim khi được tham gia dự án này. Ở phần quá khứ, nội dung được xây dựng từ câu chuyện của hai nhà văn kỳ cựu là Phạm Ngọc Tiến và Ðại tá Khuất Quang Thụy. Dàn diễn viên trẻ  măng với những cái tên còn mới mẻ như Việt Hoàng, Huyền Trang, Thừa Tuấn Anh, Ðức Hiếu...  đã mang đến hình ảnh những người lính trẻ, những bác sĩ, y tá, thanh niên xung phong... với vẻ hồn nhiên, mộc mạc và đầy sức thuyết phục.

Bên cạnh đó còn là những khó khăn, gian khổ, những cống hiến thầm lặng của bộ đội Cụ Hồ trong thời bình. Hai câu chuyện quá khứ và hiện tại được kể đan xen, khắc họa rõ nét chân dung anh bộ đội Cụ Hồ ở mỗi thời kỳ tạo nên sự soi chiếu, cho thấy sự tiếp nối truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng-đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, gắn bó máu thịt với nhân dân. Bộ phim cũng là lời hồi đáp của nhân dân với Quân đội, với những người lính sẵn sàng hy sinh cuộc đời để giữ bình yên cho Tổ quốc.

Ðạo diễn Nguyễn Danh Dũng lý giải về tên phim Không thời gian: “Thời gian có thể trôi rất nhanh cũng có thể dừng lại, về hình ảnh, tôi muốn anh bộ đội Cụ Hồ mãi mãi trong tâm khảm những người dân, lưu lại mãi những hình ảnh đẹp, những ký ức đẹp”.

 Mạnh Trường là tâm điểm thu hút truyền thông khi vào vai chính - Trung tá Lê Nguyên Ðại. Anh lột xác với tạo hình rắn rỏi, nước da nâu sạm của một người lính thời bình trải qua sương gió. 10 năm sau bộ phim Ðường lên Ðiện Biên, anh mới lại vào vai người lính nhưng lần này là người tính thời bình. NSND Quốc Trị - từng là người lính thật ngoài đời, vào vai bố của Mạnh Trường - một cựu chiến binh. Ông xúc động khi được đảm nhiệm một vai diễn hội tụ rất nhiều hình ảnh mình và đồng đội trong đó. 

Trong phim, NSND Trung Anh và NSND Như Quỳnh vào vai hai người từng yêu nhau trong chiến tranh. Từng là người lính đóng quân trên biên giới nên NSND Trung Anh rất xúc động khi xem các trích đoạn đầu tiên của Không thời gian. Trong phim, ông vào vai Cường - một người lính quê miền biển dành tình yêu bộc trực, chân thành cho cô y tá Hồi khi bị thương nằm ở trạm quân y. Nhưng rồi chiến tranh chia cắt khiến 50 năm sau họ mới gặp lại nhau…

 LƯƠNG MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 589, tháng 11-2024

;