Vì Tổ quốc - khơi gợi tinh thần tự hào dân tộc

Cảnh quân và dân hừng hực khí thế chiến đấu

Vì Tổ quốc do Nhà hát Kịch Quân đội dàn dựng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) vừa được công diễn trên sân khấu rạp Kim Mã (Hà Nội). Ðây là tác phẩm viết chung của hai cố tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật là Ðào Hồng Cẩm và Xuân Ðức. Ðọc, hiểu, yêu mến và thấu cảm, đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng nhận nhiệm vụ dàn dựng, đưa lên sàn diễn đúng dịp đặc biệt này để nêu bật, làm sáng rõ chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta ở giai đoạn kháng chiến chống Mỹ quyết liệt nhất. 

Kịch bản này từng được Ðoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị (tiền thân của Nhà hát Kịch Quân đội) dàn dựng, biểu diễn phục vụ Ðại hội Ðảng lần thứ IV năm 1976 với tên gọi Tổ quốc và sau đó được biểu diễn khắp cả nước, trong sự chào đón trân trọng của đông đảo khán giả. Lựa chọn dựng lại kịch bản này, theo chia sẻ của NSƯT, Giám đốc Nhà hát, đại tá Lê Thị Mai Phương là do kịch bản có chủ đề tư tưởng cũng như ý nghĩa, các vấn đề được đặt ra vẫn rất phù hợp trong xã hội ngày nay và có giá trị sâu sắc. Ðó là vai trò của cán bộ nữ, nguyện vọng phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Ðảng, tính nêu gương của người Ðảng viên... Thêm nữa, cố tác giả Ðào Hồng Cẩm nguyên là Ðoàn trưởng, có nhiều đóng góp to lớn trong xây dựng Ðoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị. Các tác phẩm của ông ghi đậm dấu ấn trong lịch sử sân khấu kịch nói quân đội. NSƯT Mai Phương mong muốn, tác phẩm sân khấu sẽ lan tỏa được tình yêu nước cho thế hệ trẻ ngày hôm nay, giúp họ hiểu rõ hơn về một giai đoạn lịch sử của dân tộc, giai đoạn thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương trong chiến tranh để có hoà bình hôm nay. Các bạn trẻ xem, nhất định sẽ yêu Tổ quốc, yêu quê hương nhiều hơn.

Cảnh nhân dân Vĩnh Linh may cờ Tổ quốc dưới làn bom đạn

Bối cảnh kịch là mảnh đất Vĩnh Linh vào những năm kháng chiến ở giai đoạn gian khổ, khốc liệt khi cả ta và địch đều cố gắng giành quyền kiểm soát tại nơi ranh giới giữa miền Bắc XHCN và miền Nam đang bị quân Mỹ cùng tay sai chiếm đóng. Quân đội và nhân dân Vĩnh Linh đã gắng gỏi chống chọi với bom đạn, với vũ khí mạnh hơn hẳn của quân đội Mỹ và tay sai. Ở đây, hình ảnh lá cờ được coi là biểu tượng của Tổ quốc, như lời các nhân vật nhấn mạnh: cờ còn, Tổ quốc còn. Vì thế, ngay từ màn mở đầu khán giả đã thấy cảnh các mẹ, các chị đang ngồi may, vá lá cờ Tổ quốc. Và cuộc chiến: giặc oanh kích, đánh bom, bắn phá để làm gãy đổ cột cờ còn quân dân ta kiên cường dựng lại để lá cờ tiếp tục tung bay trên bầu trời Vĩnh Linh cứ thế tiếp diễn. Cảnh mà tác giả Ðào Hồng Cẩm chứng kiến trong dịp ông đi thực tế sáng tác khiến ông rưng rưng chính là hình ảnh lá cờ nơi đầu cầu giới tuyến bị bom đạn giặc Mỹ làm cho rách nát, đổ xuống rất nhiều lần. Nhưng cứ mỗi lần như vậy, chỉ ít phút sau, dưới làn bom đạn dữ dội của kẻ thù, lá cờ Tổ quốc lại được các chiến sĩ ta kéo lên bay cao, làm ấm lòng đồng bào và chiến sĩ, khiến kẻ thù tức tối lồng lộn. Ðó cũng là cảnh đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng lấy làm biểu tượng xuyên suốt tác phẩm, là hình tượng Tổ quốc trong lòng quân dân ta. Bom đạn của Mỹ đánh sập cột cờ, quân và dân Vĩnh Linh dựng lại bất chấp mưa bom bão đạn. Lá cờ đại được kéo lên, bừng bừng khí thế tung bay trên chiến tuyến. Lá cờ được kéo ngang toàn bộ sân khấu; trên đỉnh cột cờ, bộ đội pháo binh lập đài quan sát, được lá cờ chở che để tiến hành tác chiến một cách thuận lợi nhất. Lá cờ là tiền cảnh để người chiến sĩ giỏi trên đài quan sát nhào lộn, giữ vững vị trí, ẩn thân và đưa ra những nhận định chính xác nhất, có tính quyết định mũi tấn công của pháo binh, của tên lửa để rồi làm nên chiến thắng nổi bật: bắn hạ thành công hai chiếc B52 được mệnh danh là Pháo đài bay trên không, bất khả chiến bại lúc đó. Kết vở quân và dân hừng hực khí thế của người chiến thắng dưới ánh sáng của lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ. 

Chủ tịch xã và O Giang - hai nhân vật trong vở diễn Vì Tổ quốc

Vở diễn làm sống lại một thời hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ anh dũng của quân và dân ta nơi tuyến đầu Vĩnh Linh. Các nhân vật trong vở diễn như Thường, Chính ủy kiêm Tư lệnh Vĩnh Linh; Thạch, Chủ tịch xã; O Giang, Xã đội trưởng; Quang, trinh sát pháo binh… đều hiện lên lấp lánh phẩm chất cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong chiến sự ác liệt, mối tình quân dân đẹp giữa Quang, người chiến sĩ trinh sát pháo binh và O Giang- cô gái xã đội trưởng dân quân được tác giả và đạo diễn ưu ái dành cho sự lãng mạn rất thời đại mà vẫn rất đáng yêu. Những màn đối đáp giữa các nhân vật cũng phần nào đó làm mềm mại hơn bản tráng ca cách mạng đúng với bút pháp ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng ở thời điểm đó. Ðạo diễn, NSND Tiến Dũng đã rất cố gắng để truyền lửa cho các nghệ sĩ, diễn viên của đơn vị. Ngoài việc tìm hiểu qua sách báo, tư liệu phim ảnh, đạo diễn còn đề nghị và cùng tập thể nghệ sĩ về thăm lại Quảng Trị, thăm lại chiến trường, thắp hương tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã đổ xương máu ở mảnh đất lịch sử này. Sự chứng kiến tận mắt, cảm nhận được sự ác liệt của chiến trường xưa thực sự đã có tác động lớn, rất tích cực tới tập thể nghệ sĩ của đơn vị. Họ, những nghệ sĩ thế hệ 7x, 8x, thậm chí có diễn viên ở thế hệ 9x đã thấu cảm, bằng sự nhạy cảm của tuổi trẻ, của nghệ sĩ để từ đó có những sáng tạo, tìm tòi ra những cách thức biểu diễn không chỉ bằng trách nhiệm người diễn viên mà còn bằng cả sự xúc cảm và tình yêu được lan tỏa khi được hiểu, được cảm nhận thực tế về quá khứ đau thương mà không bi lụy, ác liệt mà anh dũng của một giai đoạn lịch sử oanh liệt của dân tộc.

Cảnh cuộc chiến đang vào giai đoạn ác liệt

Dù là một kịch bản được viết từ rất lâu trước đây, nhưng khi dựng lại, ê kíp sáng tạo và tập thể nghệ sĩ đã đem tới một sự tự hào rất lớn trong tâm hồn khán giả hôm nay. Khán giả của đêm diễn đầu tiên rất đặc biệt, có rất nhiều các chiến sĩ, sĩ quan quân đội. Ðại tá Nguyễn Văn Oanh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chính trị đã từng là người lính pháo binh trong trận chiến đấu lịch sử ở Vĩnh Linh chia sẻ: “Vở diễn được xây dựng trên câu chuyện có thật. Ðể ngăn chặn pháo binh địch càn quét dọc vỹ tuyến 17, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn pháo binh 164 và Khu đội Vĩnh Linh sử dụng pháo binh tập kích hỏa lực vào căn cứ Dốc Miếu - tiêu diệt quân địch, phá vỡ âm mưu đánh phá, càn quét của Mỹ với Vĩnh Linh và đó là đơn vị của tôi năm xưa. Các nghệ sĩ phải rất yêu nghề mới hóa thân vào nhân vật chân thật như vậy. Nhà hát Kịch Quân đội đã xây dựng một tác phẩm nghệ thuật vô cùng hoành tráng, xúc động, rất đáng khâm phục”.

Vở diễn vừa là sự tri ân với nhà viết kịch Ðào Hồng Cẩm, người tiên phong xây dựng đơn vị tiền thân của Nhà hát Kịch Quân đội, vừa phục vụ bộ đội và nhân dân để lan tỏa tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc.

NGỌC BẢO

Ảnh: VƯƠNG HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 589, tháng 11-2024

;