Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam: “Ngôi nhà chung” của cộng đồng các dân tộc anh em

Trong năm 2024, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (sau đây gọi là Ban Quản lý) luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ VHTTDL trong công tác quản lý, vận hành khai thác và tổ chức các sự kiện thường niên, hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Lãnh đạo Ban Quản lý đã luôn chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của từng đơn vị nói riêng và Ban Quản lý nói chung.

Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc - Ảnh: Tư liệu

 

Tổ chức thành công ba sự kiện thường niên

Năm 2024, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tiếp tục tổ chức thành công ba sự kiện thường niên: Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc; các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19-4); Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam. Các sự kiện thường niên đã khẳng định vai trò, vị trí của Ban Quản lý trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, nơi hội tụ và lan tỏa tinh thần đại đoàn kết dân tộc, là “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc, diễn ra từ ngày 24 đến 25-2-2024. Trong khuôn khổ Ngày hội đã diễn ra các hoạt động ý nghĩa như: Chương trình Bài ca mừng Đảng quang vinh - mừng Xuân đất nước; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt và chúc Tết đồng bào các dân tộc; tái hiện giới thiệu nghi thức, lễ hội truyền thống vùng miền, trình diễn di sản văn hóa… Thông qua những hoạt động có trong ngày hội, các dân tộc được trình diễn theo phương châm “để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình”.

Các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam diễn ra từ ngày 18 đến 21-4-2024 với nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Hội nghị tuyên dương già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; giới thiệu và trình diễn nghệ thuật truyền thống; tái hiện lễ hội đặc sắc của các dân tộc… Đây là dịp để đồng bào các dân tộc được gặp gỡ giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc góp phần bảo tồn, gìn giữ, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nhằm thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, xây dựng và phát triển đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ.

Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam diễn ra từ ngày 15 đến 24-11-2024. Đây là sự kiện quy tụ của 17 dân tộc đến từ 21 tỉnh, thành phố trên khắp cả nước. Điểm nhấn của sự kiện là Chương trình khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam và Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính của các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII. Bên cạnh đó, sự kiện cũng có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa giữa đồng bào dân tộc các tỉnh vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc - Ảnh: Trần Huấn

 

Tổ chức đa dạng hoạt động của đồng bào các dân tộc

Năm 2024, Ban Quản lý tiếp tục tăng cường liên kết, phối hợp với các địa phương có đồng bào các dân tộc về hoạt động thường xuyên theo hình thức luân phiên góp phần bảo tồn, gìn giữa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đón tiếp và phục vụ hơn 870 lượt nghệ nhân, đồng bào dân tộc với 70 lượt cộng đồng dân tộc, khoảng 200 tiểu thương là đồng bào các dân tộc vùng cao, 78 lượt địa phương; tái hiện 25 lễ hội, nghi lễ, phong tục độc đáo (trong đó có 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và nhân loại); 40 chương trình giao lưu biểu diễn; 8 hoạt động trưng bày; tổ chức 2 chương trình Ngày hội văn hóa địa phương và 1 Hội nghị tuyên dương già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều thành tích đóng góp trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc tại địa phương.

Sự tham gia của cộng đồng các dân tộc đã góp phần đa dạng hóa chủ đề, chương trình hoạt động… theo tháng, cuối tuần, hằng ngày và gắn với những ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước. Đây là dịp để cộng đồng các dân tộc giới thiệu, giao lưu, học hỏi và lan tỏa văn hóa truyền thống.

Nghệ nhân đồng bào các dân tộc cũng chính là các “hướng dẫn viên” giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc mình tới các dân tộc anh em cũng như du khách tham quan. Điều này đã góp phần thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan và hưởng thụ văn hóa; du khách có dịp được tiếp cận, tìm hiểu và mở rộng vốn kiến thức về văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Năm 2024, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đón khoảng 450.000 lượt khách tham quan.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá

Trong năm qua, công tác truyền thông, quảng bá các hoạt động, sự kiện diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được tổ chức sâu rộng, hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo điện tử, báo giấy, kênh truyền hình, phát thanh, mạng xã hội. Ban Quản lý đã tiếp đón hơn 500 lượt phóng viên, ê kíp truyền hình đến tác nghiệp và đưa tin với hàng trăm bài viết, bản tin, phóng sự. Ban Quản lý tăng cường phối hợp truyền thông quảng bá với các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá trên trang web, fanpage của Ban Quản lý cập nhật thường xuyên các hoạt động, chương trình, sự kiện, các tour trải nghiệm, dịch vụ du lịch tại Làng.

Từ những kết quả đã đạt được trong năm 2024, Ban Quản lý cũng đã rút ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng đó là:

Tăng cường sự phối hợp và đa dạng hóa nội dung của sự kiện: sự thành công của các sự kiện đã cho thấy việc phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương và các nghệ nhân là yếu tố vô cùng quan trọng. Ngoài ra, việc đan xen, lồng ghép các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các vùng miền với nhau cũng tăng thêm sự phong phú và tính hấp dẫn của sự kiện.

Đi đôi với việc khai thác di sản văn hóa cũng cần chú trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể. Các lễ hội như hát Then, đàn Tính hay những nghi thức truyền thống được tổ chức tại sự kiện đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cũng như quảng bá giá trị của di sản đến với du khách. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục nghiên cứu để vẫn giữ được nét nguyên bản của các nghi thức này trong thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa như hiện nay.

Đẩy mạnh lĩnh vực truyền thông và ứng dụng công nghệ số: tận dụng, phát huy tối đa hiệu quả của truyền thông và ứng dụng công nghệ số để tiếp cận và tăng được sức ảnh hưởng với nhiều đối tượng du khách hơn, đặc biệt là giới trẻ và du khách quốc tế.

Việc nâng cao trải nghiệm của du khách thông qua các hoạt động thực tế như: trình diễn nghề thủ công, giao lưu văn hóa của các dân tộc, các hoạt động tương tác… đã mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ và sâu sắc.

Lễ khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” và Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính của các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII năm 2024 - Ảnh: Tư liệu

Mục tiêu của năm 2025

Ban Quản lý tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chính sau đây: Tổ chức 3 sự kiện thường niên: Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc; Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam; tổ chức tốt các hoạt động tái hiện, giới thiệu, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa làng bản của cộng đồng các dân tộc, tăng cường phối hợp với các địa phương tổ chức hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực: tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp về kỹ năng quản lý, phục vụ, văn hóa ứng xử... Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin: đẩy mạnh nghiên cứu và số hóa các hoạt động quản lý, quảng bá và giới thiệu văn hóa của các dân tộc để tiếp cận rộng rãi với nhiều đối tượng khách tham quan hơn, phấn đấu trong năm 2025 đón từ 500.000-600.000 lượt khách.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả quy chế phối hợp giữa Bộ VHTTDL với UBND các tỉnh/ thành phố huy động đồng bào về tổ chức các hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Những định hướng này đều hướng tới mục tiêu xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành “ngôi nhà chung” của cộng đồng các dân tộc trên cả nước, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Du lịch.

Với phương châm: “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến xây dựng và phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam”, cùng với sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ VHTTDL, tập thể Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với tinh thần chủ động, sáng tạo, nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra trong năm 2025.

 

BAN QUẢN LÝ LÀNG VĂN HÓA - DU LỊCH CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM

Nguồn: Đặc san "Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024"

;