Lễ hội đua thuyền Tứ Linh tại huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi: Nhìn từ quan điểm “trình diễn văn hóa” của Victor Turner

Tóm tắt: Bài viết sử dụng quan điểm trình diễn văn hóa của Victor Turner để phân tích lễ hội như một quá trình biến đổi xã hội, trong đó giai đoạn ngưỡng đóng vai trò trung gian, tạo điều kiện cho sự hình thành sự cộng cảm và tái khẳng định bản sắc văn hóa cộng đồng. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, lễ hội đua thuyền Tứ Linh tại huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi có cấu trúc ba giai đoạn, phù hợp với mô hình mà Turner đề xuất: phân tách, ngưỡng và tái hòa nhập. Lễ hội không chỉ là một thực hành nghi lễ, mà còn là một biểu hiện của sự gắn kết xã hội và khẳng định bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng địa phương.

Từ khóa: lễ hội, đua thuyền Tứ Linh, trình diễn văn hóa, giai đoạn ngưỡng, sự cộng cảm, huyện đảo Lý Sơn.

Abstract: This study employs Victor Turner’s cultural performance framework to examine the Four-Spirit Boat Racing Festival as a ritualized process of social transformation, wherein the liminal phase serves as an intermediary stage that facilitates the emergence of communitas and the reaffirmation of cultural identity. The findings indicate that the festival, held on Ly Son Island, Quang Ngai, conforms to a tripartite structure aligned with Turner’s model: separation, liminality, and reintegration. Beyond its ceremonial function, the festival operates as a sociocultural mechanism that reinforces collective solidarity and preserves the distinctive cultural identity of the local community. By situating the festival within the theoretical paradigm of performance and transition, this study contributes to a deeper understanding of the role of ritual in the negotiation, transmission, and reproduction of cultural identity in contemporary society.

Keywords: festival, Four-spirit boat racing, cultural performance, liminality, communitas, Ly Son island.

Lễ hội đua thuyền Tứ Linh ở Lý Sơn - Ảnh: quangngaitv.vn

Người dân huyện đảo Lý Sơn vẫn lưu truyền câu ca dao: Mồng Bốn có hội đua ghe/ Cho đến mồng Bảy có phe dồi bòng.

Câu ca dao trên phản ánh sự hiện diện lâu đời của lễ hội đua thuyền Tứ Linh tại huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Lễ hội mang tên Tứ Linh vì các thuyền đua được đặt theo tên của bốn linh vật là Long, Lân, Quy, Phụng. Theo truyền thống, lễ hội diễn ra từ mồng Bốn đến mồng Bảy Tết Nguyên Đán, nhưng kể từ năm 1993, sau khi huyện đảo Lý Sơn được thành lập, lễ hội đua thuyền được tổ chức trên quy mô toàn huyện vào ngày mồng Tám tháng Giêng, theo nguyện vọng của người dân và sự thống nhất của chính quyền địa phương. Hội đua thuyền toàn huyện bao gồm 4 vòng thi với sự tham gia của 8 thuyền ở làng An Hải và An Vĩnh. 4 thuyền về đích đầu tiên sẽ nhận các giải Nhất, Nhì, Ba và tiếp tục vào vòng chung kết để xác định đội chiến thắng.

 Lễ hội đua thuyền Tứ Linh tại đình làng An Hải và An Vĩnh là dịp để cộng đồng cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và sự bình an cho người dân, đặc biệt là đối với ngư dân trong những chuyến ra khơi. Theo Nguyễn Đăng Vũ, hội đua thuyền ở Lý Sơn không chỉ là một hoạt động thể thao hay giải trí đơn thuần, mà từ thuở ban đầu, lễ hội đã mang tính chất trình diễn nghi lễ trước thần linh (1).

Bài viết sử dụng dữ liệu thu thập từ quá trình điền dã tại huyện đảo Lý Sơn vào năm 2023, kết hợp với nghiên cứu các nguồn tài liệu thư tịch. Tiếp cận quan điểm của Victor Turner về trình diễn văn hóa, lễ hội đua thuyền Tứ Linh có thể được hiểu là một quá trình chuyển đổi xã hội, trong đó giai đoạn ngưỡng (liminality) đóng vai trò quan trọng, tạo điều kiện hình thành sự cộng cảm (communitas) và tái khẳng định bản sắc văn hóa cộng đồng. Lễ hội không chỉ duy trì và tái hiện các yếu tố truyền thống, mà còn góp phần củng cố trật tự xã hội và duy trì những giá trị văn hóa của cư dân huyện đảo Lý Sơn.

1. Quan điểm về “trình diễn văn hóa” của Victor Turner

Trình diễn văn hóa là một cách tiếp cận trong nghiên cứu văn hóa, nhấn mạnh tính năng động, tính sáng tạo và khả năng kiến tạo bản sắc của các thực hành văn hóa. Theo Victor Turner, trình diễn văn hóa không chỉ đơn thuần là sự tái hiện, mà là một quá trình tạo nghĩa, trong đó cá nhân và cộng đồng liên tục đàm phán và tái cấu trúc giá trị xã hội (2).

Trong tác phẩm The Ritual Process: Structure and Anti-Structure (Quá trình nghi lễ: cấu trúc và phản cấu trúc), Victor Turner đã phát triển quan điểm về trình diễn văn hóa dựa trên nghiên cứu nghi lễ. Ông nhấn mạnh giai đoạn ngưỡng là trạng thái trung gian khi cá nhân tạm thời rời bỏ vị thế xã hội cũ nhưng chưa hoàn toàn đạt được vị thế mới (3). Trong giai đoạn này, các quy phạm xã hội bị xáo trộn hoặc tạm đình chỉ, tạo điều kiện cho sự thử nghiệm, sáng tạo và tái cấu trúc trật tự xã hội. Ông xác định 3 giai đoạn chính trong một nghi lễ chuyển đổi như sau (4):

 Giai đoạn phân tách là thời điểm cá nhân hoặc nhóm xã hội rời bỏ trạng thái xã hội trước đó. Trong nghi lễ truyền thống, điều này thường thể hiện qua sự thay đổi trang phục, nghi thức thanh tẩy hoặc chuyển vào không gian linh thiêng.

Giai đoạn ngưỡng là giai đoạn trung gian khi cá nhân tạm thời mất đi vị thế xã hội cũ nhưng chưa đạt được vị thế mới. Trong giai đoạn này, sự cộng cảm, sự gắn kết và bình đẳng giữa các cá nhân có thể hình thành.

Giai đoạn tái hòa nhập diễn ra khi cá nhân hoặc cộng đồng trở lại xã hội với vị thế hoặc ý nghĩa mới. Quá trình này thường đi kèm với nghi thức khẳng định lại vai trò xã hội, giúp củng cố trật tự và sự ổn định trong cộng đồng.

Victor Turner cũng nhấn mạnh tính sáng tạo của trình diễn văn hóa. Ông cho rằng, trình diễn là một không gian thử nghiệm, nơi các giá trị và cấu trúc xã hội có thể được điều chỉnh hoặc tái định nghĩa (5). Trong các nghi lễ dân gian hoặc lễ hội, sự đảo lộn tạm thời của các vai trò xã hội không chỉ giúp cá nhân trải nghiệm những mô thức tổ chức khác biệt mà còn tạo điều kiện để cộng đồng xem xét và đánh giá lại các chuẩn mực hiện hành (6). Điều này cho thấy trình diễn không chỉ đơn thuần là một hình thức biểu đạt mà còn đóng vai trò trong việc kiến tạo thế giới quan và cấu trúc xã hội.

Dưới góc độ tiếp cận nghi lễ chuyển đổi, lễ hội đua thuyền Tứ Linh có thể được xem như một hình thức trình diễn văn hóa phản ánh 3 giai đoạn mà Turner đề cập. Giai đoạn phân tách thể hiện qua các nghi thức mở đầu, đánh dấu sự chuyển vào không gian linh thiêng. Giai đoạn ngưỡng diễn ra trong quá trình đua thuyền, khi các ranh giới xã hội tạm thời bị đình chỉ và cộng đồng trải nghiệm sự cộng cảm một cách mạnh mẽ. Cuối cùng, giai đoạn tái hòa nhập diễn ra khi cuộc đua kết thúc, với các nghi thức tạ ơn và lễ mừng chiến thắng, tái khẳng định trật tự xã hội và bản sắc cộng đồng.

2. Lễ hội đua thuyền Tứ Linh dưới góc nhìn trình diễn văn hóa

Dưới góc độ trình diễn văn hóa, lễ hội được xem như một quá trình chuyển đổi với 3 giai đoạn, trong đó các nghi thức và hoạt động cộng đồng góp phần tái khẳng định sự gắn kết xã hội và bản sắc văn hóa địa phương.

Giai đoạn phân tách

Giai đoạn phân tách trong lễ hội đua thuyền Tứ Linh được thể hiện qua chuỗi nghi thức trước khi cuộc đua diễn ra, bao gồm các nghi lễ tế thần linh và chuẩn bị thuyền đua. Những nghi thức này không chỉ đánh dấu sự chuyển tiếp về mặt không gian và thời gian mà còn thể hiện sự tách biệt giữa đời sống thường nhật và thế giới lễ hội, nơi các giá trị văn hóa truyền thống được tái khẳng định.

Về mặt không gian, lễ hội được tổ chức tại các địa điểm tôn nghiêm, nơi đã được chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm sự trang trọng và linh thiêng. Không gian thiêng trong lễ hội được xác lập qua các cơ sở thờ tự như đình làng An Hải, An Vĩnh, cùng các dinh, miếu tại làng, xóm. Các địa điểm này không chỉ đóng vai trò là không gian diễn ra các nghi lễ mà còn là nơi kết nối giữa thế giới trần tục và thế giới siêu nhiên. Tại đây, những nghi thức như lễ Phạt Mộc, lễ Tịnh Quế và lễ tế thần linh được thực hiện nhằm xua đuổi tà khí, cầu mong may mắn và bình an, tạo điều kiện cho cuộc đua diễn ra trong sự phù trợ của thần linh.

Trước khi bắt đầu tham dự đua thuyền, ông Cả làng cùng các chức sắc phải đến đình làng để tế cáo với Thành hoàng và các vị tiền hiền khai sinh ra đảo để khai hội (7). Dữ liệu điền dã cho thấy, các nghi thức tế lễ này diễn ra tại các đình làng An Hải, An Vĩnh và các cơ sở thờ tự có thuyền đua, phản ánh niềm tin sâu sắc của cộng đồng vào sự bảo vệ của thế giới siêu nhiên.

Về mặt thời gian, lễ hội diễn ra vào dịp Tết Nguyên Đán cũng là thời điểm đánh dấu sự khởi đầu của một chu kỳ mới, khi cộng đồng đã hoàn tất các nghi lễ gia đình và chuyển sang các hoạt động mang tính cộng đồng. Chu kỳ thời gian này phản ánh quan niệm về sự tái sinh và đổi mới của cộng đồng cư dân biển đảo, khi họ tạm gác lại công việc mưu sinh để hòa mình vào không khí thiêng liêng của lễ hội. Như vậy, sự lựa chọn thời điểm tổ chức lễ hội không chỉ có ý nghĩa về mặt tổ chức mà còn mang giá trị biểu tượng, gắn liền với quan niệm về sự khởi đầu và tái tạo trật tự xã hội.

Lễ hội đua thuyền Tứ Linh còn tạo ra sự phân tách rõ ràng giữa trạng thái xã hội bình thường và không gian nghi lễ, thể hiện một quá trình chuyển đổi trạng thái xã hội mang tính biểu tượng. Cụ thể, sự thay đổi trang phục và vai trò xã hội trong lễ hội phản ánh sự chuyển tiếp này. Những người tham gia nghi lễ, bao gồm chủ tế, bồi tế, hành nghi, tư văn, đều mặc lễ phục truyền thống như áo thụng xanh hoặc áo lương đen, đội khăn đóng, nhằm đảm bảo tính trang trọng và nghiêm túc trong lễ hội. Đồng thời, trong thời gian diễn ra sự kiện, các hoạt động lao động đánh bắt tạm thời nhường chỗ cho các nghi thức và cuộc đua, tạo nên sự chuyển đổi rõ rệt về trạng thái xã hội. Lễ hội không chỉ thiết lập một hệ thống quy tắc riêng khác với đời sống thường nhật như phân công lao động, quan hệ xã hội được thay thế bằng một trật tự mang tính thiêng liêng, nơi tinh thần thi đấu, sự đoàn kết và lòng thành kính với thần linh đóng vai trò trung tâm. Lễ hội là một chuỗi các thực hành nghi lễ, phản ánh sự chuyển hóa trạng thái xã hội và tâm thức cộng đồng từ thực tại thường ngày sang một không gian thiêng liêng. Trong không gian này, các giá trị truyền thống được tái khẳng định và duy trì. Những hành động mang tính nghi thức như rước thuyền, cầu nguyện và khai hội tạo nên một chuỗi trình diễn văn hóa, biến không gian lễ hội thành một “sân khấu” tái hiện lịch sử, niềm tin và bản sắc cộng đồng.

Giai đoạn ngưỡng

Lễ hội đua thuyền ở Lý Sơn mang tính biểu tượng, trong đó giai đoạn ngưỡng đóng vai trò sự chuyển hóa và tái khẳng định các giá trị văn hóa truyền thống. Trước khi cuộc đua diễn ra, các thành viên trong đội đua không còn là những cá nhân bình thường trong cộng đồng mà trở thành những chủ thể, đại diện cho toàn thể dân làng trong mối quan hệ với thần linh. Quá trình chuyển đổi này diễn ra qua 3 giai đoạn chính, phản ánh sự thay đổi vị thế xã hội của thành viên trong đội. Trước khi lễ hội diễn ra, họ giữ vị thế xã hội bình thường, có thể là ngư dân, nông dân hay thành viên trong bộ máy quản lý cộng đồng, thực hiện các trách nhiệm cá nhân và gia đình trong khuôn khổ của trật tự xã hội thông thường. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn chuẩn bị, họ phải tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt của nghi thức thanh tẩy và cúng tế. Tác giả Nguyễn Đăng Vũ chia sẻ: “Vì đua thuyền là một hình thức diễn xướng trước thần linh, vì thần linh, cho thần linh nên trước và trong khi diễn ra lễ hội đua thuyền Tổng lái, Tổng mũi, Tổng khoang cùng các tay chèo đều phải đứng hầu thần trong lúc tế lễ. Các quy định kiêng kỵ như kiêng rượu, kiêng quan hệ vợ chồng, hay quy định các thành viên trong đội thuyền phải ngủ ở dinh, miếu hoặc đình làng” (8). Những quy tắc này tạo ra một khoảng cách rõ rệt giữa “thế giới trần tục” và “không gian thiêng” của lễ hội, nơi cá nhân tạm thời rời bỏ các trách nhiệm xã hội và gia đình để bước vào giai đoạn ngưỡng. Họ trở thành những “thực thể chuyển tiếp” (transitional subjects), được giao trọng trách thực hiện các nghi thức và tham gia vào quá trình chuyển đổi xã hội.

Trạng thái ngưỡng không chỉ phản ánh sự thay đổi tạm thời trong vị thế xã hội của các cá nhân, mà còn thể hiện sự điều chỉnh trong cấu trúc xã hội của cộng đồng. Đây là một quá trình nghi thức, trong đó các thành viên tham gia không chỉ thực hiện các nghi lễ truyền thống mà còn trải qua một sự biến đổi về nhận thức và vai trò xã hội. Quá trình này được đánh dấu bằng những điểm chuyển tiếp, xác lập ranh giới giữa các giai đoạn khác nhau của lễ hội.

Trước khi cuộc đua bắt đầu, nghi thức thanh tẩy đóng vai trò như một bước chuyển giao, mở ra trạng thái ngưỡng. Qua việc tuân thủ các quy định kiêng cữ tại đình làng, các thành viên rời bỏ vai trò cá nhân trong xã hội để bước vào một không gian thiêng trở thành đại diện của cộng đồng trong mối quan hệ với thần linh.

Khi tiếng trống lệnh vang lên, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc đua, cộng đồng chứng kiến một sự chuyển biến xã hội. Đây là khoảnh khắc kết thúc trạng thái chuẩn bị, nhường chỗ cho hành động tập thể. Cấu trúc xã hội thông thường bị đình chỉ tạm thời, và các thành viên trong đội đua không còn được nhận diện theo vị thế cá nhân mà trở thành một thực thể thống nhất với mục tiêu chung. Trong khoảnh khắc này, tất cả các phân chia về địa vị xã hội bị xóa nhòa, thay vào đó là tinh thần cộng đồng.

Khoảnh khắc về đích đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình chuyển đổi trạng thái xã hội của các đội đua. Khi đội giành chiến thắng, điều này không chỉ mang lại vinh quang mà còn củng cố niềm tin của cộng đồng vào sự bảo vệ và che chở của thần linh. Chiến thắng trở thành một biểu tượng linh thiêng, phản ánh sự hòa hợp giữa thế giới con người và thế giới tâm linh. Cùng với đó, vị thế của đội chiến thắng được nâng cao trong cộng đồng, thể hiện sự thay đổi trong cấu trúc xã hội.

Bên cạnh chức năng tái khẳng định và điều chỉnh vị thế xã hội, trạng thái ngưỡng còn đóng vai trò trong việc hình thành sự cộng cảm trong xã hội. Theo Turner, sự cộng cảm là trạng thái của sự bình đẳng và đoàn kết giữa các cá nhân, xuất hiện khi họ cùng trải qua một quá trình chuyển tiếp. Trong lễ hội đua thuyền Tứ Linh, điều này được thể hiện qua sự gắn kết giữa các thành viên, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng và mối quan hệ với thần linh. Trong giai đoạn ngưỡng, các khác biệt về địa vị, xuất thân hay vai trò xã hội nhường chỗ cho sự hợp tác nhịp nhàng và tinh thần đồng đội. Đây là một không gian nơi các thành viên không chỉ chia sẻ trách nhiệm mà còn cùng trải qua những cung bậc cảm xúc mạnh mẽ, từ sự căng thẳng, quyết tâm đến niềm vui chiến thắng hoặc sự tiếc nuối khi thất bại.

Không chỉ giới hạn trong phạm vi đội đua, sự cộng cảm còn mở rộng ra cộng đồng thông qua sự đoàn kết trong cổ vũ và theo dõi cuộc đua. Trong khoảnh khắc diễn ra lễ hội, tất cả các thành viên trong làng đều hòa mình vào không khí chung, không phân biệt giai cấp hay địa vị. Chiến thắng hay thất bại của một đội không chỉ đơn thuần là kết quả cá nhân mà mang ý nghĩa chung cho cả cộng đồng. Điều này cho thấy, trạng thái ngưỡng không chỉ làm thay đổi cấu trúc xã hội tạm thời mà còn tạo ra một môi trường nơi mọi người cùng chia sẻ niềm tự hào, trách nhiệm và lòng trung thành với tập thể. Thông qua lễ hội không chỉ khẳng định bản sắc văn hóa mà còn củng cố niềm tin vào sự che chở của thần linh. Như vậy, sự cộng cảm không chỉ xuất hiện trong quan hệ giữa các cá nhân mà còn mở rộng đến cả thế giới tâm linh, giúp kết nối cộng đồng với hệ thống niềm tin mà họ tôn thờ.

Giai đoạn tái hòa nhập

Quá trình tái hòa nhập trong lễ hội đua thuyền Tứ Linh được thể hiện qua các nghi thức diễn ra sau cuộc đua. Khi cuộc đua kết thúc, các thuyền đua và đội đua quay trở lại đình làng và các cơ sở thờ tự để thực hiện lễ tạ thần. Đây là khoảnh khắc đánh dấu sự kết thúc của trạng thái ngưỡng và sự tái hòa nhập của các thành viên vào trật tự xã hội thông thường. Những thành viên trong đội từ chỗ là đại diện của cộng đồng trong suốt thời gian diễn ra cuộc đua, nay trở lại với danh tính cá nhân như những người dân bình thường. Quá trình này không chỉ khôi phục lại các quy tắc xã hội thông thường mà còn phản ánh sự thay đổi trong vai trò xã hội của các cá nhân, sau khi đã trải qua một giai đoạn tạm thời đình chỉ cấu trúc xã hội vốn có.

Niềm tin tín ngưỡng của cư dân Lý Sơn còn gắn kết quá trình tái hòa nhập này với vận mệnh của làng trong năm tới. Người dân tin rằng kết quả cuộc đua có thể tiên đoán tình hình kinh tế, nếu thuyền Quy hoặc thuyền Phụng giành chiến thắng, ngư nghiệp sẽ phát đạt, trong khi đó thuyền Rồng hoặc thuyền Long về nhất, nông nghiệp sẽ thịnh vượng (9). Điều này phản ánh sự tái xác lập trật tự và vai trò của các cộng đồng cư dân sau giai đoạn chuyển tiếp. Đồng thời, đội chiến thắng cũng được xem là những người mang lại điềm lành, được xã hội coi trọng, khẳng định vị thế của họ trong cộng đồng.

Từ góc độ xã hội, những người tham gia đã trải qua một sự thay đổi vị thế tạm thời, từ các cá nhân thuộc những dòng họ khác nhau trở thành một tập thể gắn kết, rồi sau đó trở lại vai trò đời thường, nhưng với một ý thức cộng đồng mạnh mẽ hơn. Sự tái hòa nhập này thể hiện rõ vai trò của lễ hội trong việc duy trì cấu trúc xã hội cũng như củng cố các giá trị văn hóa truyền thống.

 Trong bối cảnh lễ hội, bản sắc văn hóa được thể hiện thông qua hệ thống biểu tượng. Không gian thiêng và nghi lễ góp phần duy trì văn hóa truyền thống. Hệ thống biểu tượng trong lễ hội không chỉ truyền tải bản sắc văn hóa mà còn phản ánh niềm tin của cộng đồng vào sự bảo hộ của thần linh. Trong đó, thuyền đua mang hình tượng 4 linh vật Long, Lân, Quy, Phụng vừa là phương tiện thi đấu, vừa là vật linh thiêng đại diện cho trật tự vũ trụ và quyền năng siêu nhiên. Việc bảo quản và thờ cúng các thuyền đua tại các cơ sở tín ngưỡng khác nhau thể hiện sự phân bố quyền quản lý tín ngưỡng trong cộng đồng.

Tại làng An Hải, mỗi xóm sở hữu và quản lý một thuyền đua, gắn liền với thiết chế thờ tự địa phương. Cụ thể, tại xóm Đông, thuyền Long được bảo quản và thờ cúng tại dinh Bà Chúa Yàng; xóm Tây có thuyền Phụng, được phụng thờ tại dinh Tam Tòa; xóm Trung Yên sở hữu thuyền Quy, đặt tại dinh Thiên Y A Na; xóm Trung Hòa quản lý thuyền Lân, thờ phụng tại dinh Bà Thủy Long.

Tại làng An Vĩnh, 4 đội thuyền đua không thuộc quyền quản lý của các xóm mà gắn liền với các Lân. Cụ thể, Lân An Hòa sở hữu thuyền Long, được thờ tại miếu Bạch Mã Thái Giám; Lân Tân Thành quản lý thuyền Phụng, tế tự tại miếu Thiên Y A Na và Bà Chúa Ngũ Hành; Lân Vĩnh Lợi sở hữu thuyền Quy, đặt tại Âm Linh Tự; Lân Vĩnh Hòa phụ trách thuyền Lân, thờ tại miếu Thiên Y A Na, nơi phối thờ Tứ vị Hồng Nương (10).

Theo cách tiếp cận của Victor Turner, Tứ Linh không chỉ là những biểu tượng gắn với tín ngưỡng dân gian mà còn vừa mang ý nghĩa linh thiêng. Các biểu tượng này tạo ra sự chuyển giao giữa đời sống thường ngày và không gian thiêng liêng, giúp cộng đồng tái xác lập trật tự xã hội, khẳng định căn tính văn hóa và duy trì mối liên kết giữa quá khứ, hiện tại.

Lễ hội là không gian duy trì và tái hiện các thực hành văn hóa tập thể, từ nghi thức cúng tế, lễ rước đến các quy tắc ứng xử trong cộng đồng. Trong lễ hội đua thuyền Tứ Linh, quá trình tái hiện các nghi lễ không chỉ trình diễn bản sắc văn hóa của cộng đồng mà còn duy trì mối quan hệ giữa các thế hệ. Các bậc cao niên, với vai trò chủ tế, không chỉ thực hiện nghi lễ mà còn hướng dẫn thế hệ trẻ về nghi thức thờ cúng, kỹ thuật đua thuyền tạo nên sự gắn kết xã hội, kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai trong một chỉnh thể văn hóa thống nhất.

3. Kết luận

Lễ hội đua thuyền Tứ Linh có thể được lý giải qua lăng kính trình diễn văn hóa theo quan điểm của Victor Turner, nơi các nghi thức và hoạt động lễ hội không chỉ là những hành động tôn vinh truyền thống, mà còn là một quá trình chuyển giao, chuyển tiếp và tái hiện các giá trị văn hóa của cộng đồng. Quá trình tham gia lễ hội phản ánh sự chuyển tiếp của các cá nhân từ trạng thái tách biệt sang tái hòa nhập cộng đồng, không chỉ qua nghi thức mà còn mối liên kết với thần linh và cộng đồng.

Hệ thống nghi thức trong lễ hội không chỉ bảo lưu và tái hiện di sản văn hóa mà còn là cơ chế gắn kết cộng đồng liên thế hệ. Sự tham gia của nhiều thế hệ, từ người cao tuổi đến giới trẻ, tạo nên một không gian sinh động để truyền tải giá trị văn hóa và khẳng định bản sắc trong bối cảnh hiện đại.

Lễ hội không chỉ tái hiện truyền thống mà còn là một thực hành văn hóa giúp cộng đồng kết nối với quá khứ, hiện tại. Trong trạng thái ngưỡng của lễ hội, các nghi lễ và hoạt động tập thể trở thành phương tiện duy trì, phát huy giá trị văn hóa, đồng thời kiến tạo không gian chuyển tiếp, nơi cộng đồng cùng trải nghiệm, chia sẻ và củng cố niềm tin vào hệ thống giá trị chung.

____________________

1, 7, 8, 10. Nguyễn Đăng Vũ, Văn hóa dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2016, tr.153,158,158,130.

2, 3, 4, 6. Victor Turner, The ritual process: Structure and anti-structure (Quá trình nghi lễ: cấu trúc và phản cấu trúc), Nxb Aldine, 1969, tr.94, 95, 98, 24.

5. Victor Turner, The anthropology of performance (Nhân học về sự trình diễn), Nxb PAJ, 1988, tr.2.

9. Võ Minh Tuấn, Đảo Lý Sơn những góc nhìn từ biển, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2018, tr.119.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 23-2-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 22-3-2025; Ngày duyệt đăng: 28-3-2025.

Ths CAO NGUYỄN NGỌC ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 602, tháng 4-2025

;