Tóm tắt: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của thông tin, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành nhiệm vụ mang tính chiến lược và cấp bách. Đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng trong công cuộc này, không chỉ là những người phản ánh hiện thực xã hội mà còn là lực lượng tiên phong trong việc tuyên truyền, lan tỏa tư tưởng của Đảng thông qua các sáng tác nghệ thuật. Bài viết phân tích những đóng góp của văn nghệ sĩ trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời đưa ra giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này. Các giải pháp chính bao gồm: hoàn thiện chính sách quản lý, tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo nghệ thuật và xây dựng hệ thống văn hóa tư tưởng vững chắc nhằm đối phó với các ảnh hưởng tiêu cực trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Từ khóa: bảo vệ, tư tưởng, Đảng Cộng sản Việt Nam, văn nghệ sĩ, vai trò.
Abstract: In the context of globalization and the rapid dissemination of information, protecting the ideological foundation of the Communist Party of Vietnam has become a strategic and urgent task. Writers and artists, as cultural figures, play a pivotal role in this mission. They are not only observers and reflectors of society but also pioneers in shaping and promoting the Party’s ideology through their artistic creations. This article analyzes the contributions of writers and artists to safeguarding the ideological foundation of the Party and proposes solutions to enhance their effectiveness in this role. Key measures include improving management policies, fostering a supportive environment for creative work, and building a robust cultural and ideological framework to counteract harmful influences in the age of global integration.
Keywords: protect, ideology, Communist Party of Vietnam, artist, role.
Tiết mục: Vượt sóng - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà
1. Văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận
“Văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận.
Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Câu nói đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa, đã được đăng trên Báo Cứu quốc ngày 5-1-1952 trong bối cảnh quân và dân ta đang thực hiện đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, với thời cơ, thuận lợi và thách thức, câu nói của Bác vẫn luôn sâu đậm trong tâm khảm của các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam.
Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển văn hóa, nghệ thuật theo hướng vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vừa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Văn hóa, nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tư tưởng, hình thành nhân cách, ý chí của con người. Văn nghệ sĩ đóng vai trò then chốt, sáng tạo, gìn giữ và phát triển văn hóa, nghệ thuật. Đây là bộ phận tri thức không thể thiếu trong sự nghiệp cách mạng đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta đã nhận định: “Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt nhạy cảm và tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, có tác dụng đặc biệt trong việc vun trồng, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm nhân cách, đạo đức, trí tuệ bản lĩnh cho các thế hệ con người” (1).
Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 đã chỉ rõ mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa), đề ra chủ trương phát triển văn hóa theo hướng: dân tộc - khoa học - đại chúng. Qua các kỳ Đại hội, Hội nghị của Đảng, các văn bản đã ra đời, được chỉnh sửa, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tiễn, với bối cảnh của xã hội, của thế giới. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, phát triển văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam là sự nghiệp của toàn dân, văn nghệ sĩ là lực lượng sáng tạo những công trình, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy” (2). Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ra đời trong bối cảnh Đảng ta chủ động đổi mới tư duy, lãnh đạo toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Nghị quyết khẳng định: “Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện. Văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỷ cương… biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển” (3).
Có thể nói, Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển, hoàn thiện lý luận về văn hóa của Đảng. Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đề ra mục tiêu: “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (4). Một trong những trọng tâm của Đại hội Đảng khóa XIII đã chỉ rõ: “Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế” (5).
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn” (6). Đồng thời, cố Tổng Bí thư đã nêu: “Con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới”... (7). Để phát huy hiệu quả giá trị các Văn kiện của Đảng trong giai đoạn hiện nay, cần xác định xây dựng môi trường văn hóa và xây dựng con người là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy sự sáng tạo, kết nối, lan toả những giá trị tốt đẹp của văn hóa, nghệ thuật, con người Việt Nam.
2. Vai trò văn nghệ sĩ trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn hiện nay
Văn học nghệ thuật có chức năng nhận thức - giáo dục - thẩm mỹ. Bên cạnh đó, văn học nghệ thuật còn có chức năng tư tưởng, được văn nghệ sĩ gửi gắm thông điệp của mình thông qua lăng kính chủ quan về thế giới quan, nhân sinh quan trong từng tác phẩm. Văn nghệ sĩ luôn là những người quan tâm đến thời cuộc, bằng những kiến thức về cuộc sống, về chuyên môn đặc thù của mỗi loại hình nghệ thuật, tác phẩm nghệ thuật đã được các thành phần sáng tạo phản ánh những vấn đề của đời sống xã hội, mang giá trị tư tưởng, nghệ thuật, tác động trực tiếp đến cách nghĩ, lối sống, tình cảm, thẩm mỹ của tầng lớp nhân dân. Trong những năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ đã phấn đấu xây dựng nền văn học nghệ thuật phong phú, đa dạng, với nhiều tác phẩm nghệ thuật phong phú, phản ánh hiện thực xã hội, với nhiều chủ đề, góc khuất. Đã có một số tác phẩm mạnh dạn lên án, vạch trần những tư tưởng, quan điểm sai trái, lệch lạc, những thói hư, tật xấu, tham nhũng, cửa quyền trong xã hội. Những tác phẩm ấy đã có sự tiếp thu đặc trưng của tinh hoa thế giới và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, mang đến sự lan tỏa mạnh mẽ, từng bước thấm sâu trong đời sống xã hội, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế với nhiều thách thức, tác động tiêu cực của xã hội, đội ngũ văn nghệ sĩ ấy đã không bị cám dỗ, vẫn ghi được dấu ấn, thành tích, thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy vai trò của mình trong định hướng những giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị chân - thiện - mỹ tới tầng lớp nhân dân, đấu tranh gián tiếp với các luận điệu sai trái, thù địch góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Giá trị tư tưởng và thẩm mỹ luôn song hành cùng nhau như một cặp phạm trù trong mỗi tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, “Vai trò của văn học, nghệ thuật trong công tác tư tưởng chưa được phát huy đầy đủ”(8). Không nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, thậm chí, có những tác phẩm có tư tưởng đối lập với quan điểm, đường lối của Đảng. Những tác phẩm ấy đã tác động xấu đến giới trẻ - tương lai của đất nước và kích động sự bất mãn một bộ phận trong nhân dân. Ngoài ra, chưa có những tác phẩm mang tính tầm cỡ của thời kỳ hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thiếu những tác phẩm sắc sảo đấu tranh những quan điểm sai trái, thù địch; chưa có nhiều những tác phẩm có sức lan tỏa, thấm sâu vào đời sống của nhân dân. Văn học nghệ thuật luôn là mục tiêu mà thế lực thù địch nhằm vào để lợi dụng, tác động, chuyển hóa tư tưởng, nhận thức của đội ngũ văn nghệ sĩ. Vì thế, không phải tất cả các văn nghệ sĩ đều có nhận thức đúng đắn, có đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ. Có một số tác phẩm, bài viết, nhận định của văn nghệ sĩ chia sẻ công khai trên các trang mạng, các diễn đàn xem nhẹ chức năng nhận thức, giáo dục, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, niềm tin vào đội ngũ văn nghệ sĩ, đến giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Do đó, vẫn còn một bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ chưa ý thức rõ vai trò, vị thế, bổn phận của mình đối với xây dựng, phát triển đất nước, chưa xác định, đầu tư thời gian để trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ.
Một bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ còn e dè trong việc bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình, thậm chí có những trường hợp đưa ra các ý kiến, quan điểm sai trái, tìm cách quảng bá những tác phẩm đi ngược lại với đường lối của Đảng, chống chế độ, hạ thấp uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phủ nhận thành quả cách mạng, chia rẽ nội bộ văn nghệ sĩ, có tư tưởng phản động, phản văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục, với lịch sử của dân tộc. Bằng nhiều cách thức, một số văn nghệ sĩ đã đánh bóng tên tuổi của mình, dùng những hành xử thiếu văn hóa, thiếu chuẩn mực, gây bức xúc trong công chúng. Nguy hại hơn, những nghệ sĩ ấy ít quan tâm đến phát triển bản thân về mặt tư tưởng, vì thế, thiếu hụt nền tảng, nhận thức, vai trò của mình đối với đời sống xã hội, dẫn đến sai lệch trong định hướng giá trị chân - thiện - mỹ.
Mặt khác, chúng ta cũng thẳng thắn nhận thấy chính sách, chế độ đãi ngộ cho văn nghệ sĩ dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn những bất cập, chưa thực sự động viên, khuyến khích văn nghệ sĩ lao động, sáng tạo. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Vai trò xây dựng văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ảnh được tầm vóc, của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực...” (9). Công trình khoa học xứng tầm thời đại còn thiếu, công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật còn hạn chế, vì vậy, chưa có khả năng dẫn dắt công chúng, dẫn dắt sự phát triển văn hóa đất nước.
“Sức mạnh mềm” càng ngày càng được các quốc gia chú trọng, đem lại hiệu quả và tránh gây ra các cuộc xung đột trong các quan hệ ngoại giao. “Sức mạnh mềm” là sức hội tụ quốc gia, mức chấp nhận văn hóa, là sức mạnh để người khác làm theo ý muốn của mình một cách tự nguyện, nó bắt nguồn từ sức thu hút của văn hóa và hình thái ý thức. Hiện nay, Việt Nam đang huy động, phát huy những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của dân tộc, lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam đến các quốc gia trên thế giới và tăng cường uy tín, vị thế của mình trong các quan hệ quốc tế. Văn hóa là tài nguyên quan trọng hàng đầu và sức cạnh tranh văn hóa là nội dung cốt lõi của “sức mạnh mềm”. Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế có khuynh hướng dẫn đến “đồng nhất” về văn hóa. Vì vậy, văn nghệ sĩ là bộ phận không nhỏ để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và làm nên sự phát triển của “sức mạnh mềm” văn hóa.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, chống sự xâm lăng văn hóa. Khi “sức mạnh mềm” của một quốc gia mất đi hoặc bị suy yếu nghiêm trọng, thì dù thực lực kinh tế lớn mạnh bao nhiêu cũng không thể cứu vãn được số phận suy vong của quốc gia ấy. Do đó, cần tận dụng, sử dụng sức mạnh của văn nghệ sĩ, của văn học nghệ thuật. Để phát huy tốt nguồn lực “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, nhân tố con người đóng vai trò quan trọng, quyết định đến sự thành bại của dân tộc, của đất nước. Nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật hiện nay vẫn chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng, năng lực ngoại ngữ còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc giao lưu, hội nhập quốc tế, năng lực sáng tạo chưa theo kịp sự đổi mới sáng tạo của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Do đó, phải coi trọng công tác giáo dục đào tạo và khẳng định phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu... Nếu được phát huy và sử dụng vai trò của văn nghệ sĩ có hiệu quả sẽ là động lực, nguồn sức mạnh để phục vụ cho chính sách con người, xã hội, cho sự phát triển bền vững của đất nước.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả vai trò của văn nghệ sĩ trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn hiện nay
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả vai trò của văn nghệ sĩ trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Từ phía các nhà quản lý
Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của các cấp về vai trò của văn hóa, nghệ thuật và về đội ngũ văn nghệ sĩ. Nâng cao trình độ, cập nhật cái mới để có thể đáp ứng với vị trí việc làm, hợp lý, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ở tất cả các cấp quản lý.
Cần xác định rõ tư duy văn hóa nghệ thuật hiện nay đang trong giai đoạn phát triển mới, toàn cầu hóa văn hóa, nghệ thuật, đẩy mạnh giao lưu văn hóa, chính sự nhạy cảm và yếu tố thời đại nên các nhà quản lý cần đổi mới phương thức lãnh đạo quản lý, “nói đi đôi với làm”, biến nhận thức thành hành động, chuyên nghiệp hóa văn hóa nghệ thuật nói chung, từng lĩnh vực nói riêng.
Đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật phải được xứng tầm, tương xứng với yêu cầu mới. Cần có chiến lược đầu tư cho nguồn nhân lực, tài năng, cơ sở vật chất… đảm bảo có kết quả, lợi nhuận của việc đầu tư. Bên cạnh đó, có chính sách động viên, khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào văn hóa, nghệ thuật đảm bảo lợi ích của họ khi đầu tư như giảm thuế, ưu đãi thuế, hỗ trợ, sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp… Vì vậy, cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và tăng cường nguồn lực cho văn hóa để văn hóa thực sự ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về văn hóa, nghệ thuật, bao gồm đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng chuyên nghiệp. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, các lĩnh vực then chốt, đặc thù. Quan tâm giáo dục văn hóa, nghệ thuật, nâng cao năng lực thẩm mỹ cho nhân dân, chú trọng đến người dân tộc thiểu số và thế hệ trẻ.
Nâng tầm giá trị, bổ sung và phát triển những yếu tố mới đáp ứng với yêu cầu xây dựng văn hóa, con người Việt Nam hiện nay. Tiếp tục xây dựng, định hướng cho các văn nghệ sĩ một phong cách, lối sống, tư tưởng chuẩn mực, phù hợp.
Cần có những giải pháp cụ thể để triển khai, đưa vào thực hành trong thực tiễn. Do đó, phải biết tận dụng và sử dụng sức mạnh của văn nghệ sĩ, của văn học nghệ thuật, động viên khích lệ văn nghệ sĩ có đủ nhiệt huyết theo nghề, năng cao đời sống văn nghệ sĩ bằng những chính sách, đãi ngộ mới như chế độ lương, phụ cấp, bồi dưỡng, nhuận bút… Bên cạnh đó, cần có sự tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm qua các kênh thông tin đại chúng để dẫn dắt công chúng nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa, nghệ thuật.
Nhà quản lý các cấp cần đẩy nhanh quy trình xã hội hóa nghệ thuật để tăng tính chủ động, tự chủ và sự tự do sáng tạo của nghệ sĩ.
Về phía văn nghệ sĩ
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước; đấu tranh chống những biểu hiện sai trái; dấn thân, thực hiện vai trò cao cả của mình để tạo ra sức hút, sự lan tỏa văn hóa, nghệ thuật trong đời sống xã hội. Văn nghệ sĩ cần giữ vững bản lĩnh của người nghệ sĩ, không để lợi nhuận, đồng tiền chi phối, cảnh giác để không bị lừa, bị kích động, bị lôi kéo, bị lợi dụng trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Cần nhận thức sâu sắc vai trò của mình, trau dồi, bồi dưỡng kiến thức trên khía cạnh tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật, hoàn thiện bản thân để không tự đào thải trong thời kỳ hội nhập, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Xây dựng, sáng tạo nên những tác phẩm có nội dung, tư tưởng, chất lượng nghệ thuật cao với hình thức biểu đạt mới, thấm sâu vào cuộc sống, có giá trị lâu bền, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong công cuộc đổi mới, tạo thành “sức mạnh mềm” văn hóa giúp dân tộc trường tồn, đất nước phồn vinh.
4. Kết luận
Trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức, việc bảo vệ và phát huy nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ sống còn đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Văn nghệ sĩ với tài năng sáng tạo và sức ảnh hưởng mạnh mẽ, chính là những người có vai trò quan trọng trong việc lan tỏa, bảo vệ và củng cố những giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh, hệ tư tưởng Mác - Lênin. Thông qua những tác phẩm văn học, nghệ thuật, văn nghệ sĩ không chỉ làm đẹp cho đời mà còn góp phần định hướng tư tưởng, hình thành nhân cách, vun đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân. Hơn nữa, văn nghệ sĩ cần tiếp tục sáng tạo, đổi mới, phản ánh chân thực đời sống xã hội, kịp thời nêu bật những giá trị cao đẹp của Đảng, đấu tranh kịp thời chống lại những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Để làm được điều này, sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ các cơ quan, tổ chức, và đặc biệt là sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị là vô cùng cần thiết. Chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực cho văn nghệ sĩ phát huy hết khả năng của mình, đồng thời xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, nơi mà những giá trị tư tưởng của Đảng được thấm nhuần, phát triển bền vững. Phát huy vai trò của văn nghệ sĩ trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là nhiệm vụ của riêng họ mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Với tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước và nhiệt huyết sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam sẽ tiếp tục cống hiến, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng vững mạnh, phồn vinh.
_________________
1. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.289.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.55.
4. Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ IX Ban chấp hành Trung ương khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tulieuvankien.dangcongsan.vn.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.47.
6, 7, 9. Toàn văn bài phát biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, vietnamnet.vn, 25-11-2021.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.172.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 5-12-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 17-12-2024; Ngày duyệt đăng 7-2-2025.
TS LÊ HẢI MINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 596, tháng 2-2025