Phát triển công nghiệp văn hóa thúc đẩy du lịch - Bài học từ Thành phố Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa tự nhiên và nhân văn đa dạng, giàu giá trị. Tuy nhiên, làm thế nào để biến những giá trị văn hóa đó thành sản phẩm thúc đẩy hoạt động du lịch là việc không đơn giản. Thực tiễn cho thấy, du lịch chính là phương thức, là con đường mà nhiều quốc gia đang đầu tư, khai thác yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa, để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa quốc gia, dân tộc. Đồng thời, giá trị từ công nghiệp văn hóa (CNVH) cũng chính là nguồn lực phát triển du lịch. Bài viết hy vọng cung cấp một góc nhìn về CNVH tạo thúc đẩy phát triển du lịch và xem đó là bài học từ TP.HCM.

Từ khóa: phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, nguồn lực.

Abstract: Ho Chi Minh City possesses a rich and diverse array of natural and cultural resources. However, transforming these cultural values into products that can boost tourism is a complex challenge. In practice, tourism has been a pathway for many countries to invest in and exploit the economic value of cultural assets, thereby promoting the soft power of national and cultural identity. Concurrently, the value derived from the cultural industries also serves as a driving force for tourism development. This article aims to provide a perspective on how cultural industries can stimulate tourism development, drawing on lessons from Ho Chi Minh City.

Keywords: tourism development, cultural industry, resources.

Người dân và du khách mãn nhãn với đêm khai mạc Lễ hội Sông nước TP.HCM năm 2024 - Ảnh: vietnam.vn

1. Công nghiệp văn hóa tại TP.HCM

TP.HCM được biết đến không chỉ là trung tâm kinh tế của cả nước mà còn là trung tâm văn hóa của khu vực. Trong những năm qua, ngành Văn hóa ở TP.HCM đã làm tốt các nhiệm vụ chính trị góp phần vào sự phát triển chung. Bên cạnh đó, phát triển các lĩnh vực mới như dịch vụ văn hóa, CNVH, thị trường văn hóa để lĩnh vực văn hóa đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế. Phát triển ngành CNVH đã huy động một lực lượng sản xuất to lớn, tạo ra sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn hóa đáp ứng nhu cầu xã hội.

Để văn hóa đóng góp vào sự phát triển kinh tế, phát huy các giá trị, quảng bá văn hóa, địa phương, văn hóa dân tộc, hình thành thị trường văn hóa, cần có những chính sách, cơ chế ưu đãi, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các ngành CNVH. Nhà nước cần có sự đầu tư thích đáng về thiết chế văn hóa, không gian sáng tạo, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực quản lý, quản trị về CNVH, khuyến khích các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển để tạo động lực, dẫn dắt cho các loại hình, dịch vụ văn hóa phát triển. Trong thời gian qua, các ngành CNVH ở TP.HCM đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Trong khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chưa có quy định về hợp tác trên lĩnh vực văn hóa, với cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 26-6-2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã mở ra nhiều cơ hội mới để thu hút các nguồn lực trong xã hội tham gia đầu tư, khai thác, phát triển lĩnh vực văn hóa nói chung và các ngành CNVH nói riêng.

2. Nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa tại TP.HCM

Nguồn nhân lực

TP.HCM được xem là địa phương có hoạt động văn hóa sôi động nhất cả nước, vì vậy, nguồn nhân lực hoạt động trực tiếp trên các lĩnh vực CNVH của thành phố có lượng lớn nhất toàn quốc. Ngoài nhân lực tại chỗ, thành phố còn thu hút rất nhiều lực lượng lao động hoạt động trên lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu, biểu diễn… đến làm việc và sinh sống, trong đó có cả Việt kiều và người nước ngoài. Hiện nay, nhân lực hoạt động trong một số lĩnh vực CNVH chủ lực của các doanh nghiệp có khoảng 90.000 người. Trong đó, số lao động trong các lĩnh vực quảng cáo, triển lãm, du lịch văn hóa chiếm tỷ lệ đông nhất.

TP.HCM có 30 nghệ sĩ nhân dân, 243 nghệ sĩ ưu tú, 18 nghệ nhân ưu tú, 7 nghệ nhân nhân dân; 15 hội hoạt động lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật với 6.723 hội viên (1). Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa có bề dày kinh nghiệm, am hiểu chuyên môn, tận tâm với nghề, quản lý và tác nghiệp văn hóa bảo đảm tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách phát luật của Nhà nước, góp phần phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời không ngừng nâng cao tính chủ động trong việc tiếp thu tinh hoa văn hóa khu vực và thế giới. Nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực văn hóa năng động, sẵn sàng tiếp hội nhập, ứng dụng công nghệ tiến tiến, hiện đại để tạo ra những sản phẩm sáng tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị thiếu của thị trường.

Nguồn lực tài chính

Hiện nay, số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa có khoảng 17.670 doanh nghiệp, chiếm 7,74% số doanh nghiệp trên toàn thành phố (2). Các doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực điện ảnh, phát thanh - truyền hình, truyền thông đa phương tiện, dịch vụ tư vấn, quảng cáo, nhiếp ảnh, thời trang, kiến trúc, du lịch văn hóa, triển lãm, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật; hoạt động bảo tàng, thư viện, lưu trữ và các hoạt động văn hóa khác.

Giá trị sản xuất hằng năm của các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực CNVH đều tăng. Năm 2010, giá trị sản xuất của các ngành CNVH đạt trên 36.094 tỷ đồng, đến năm 2019 đạt trên 84.123 tỷ đồng và năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên doanh thu đã giảm, chỉ đạt 77.135 tỷ đồng. Đóng góp trong sản xuất của ngành CNVH trong GRDP ngày càng tăng: năm 2010 chiếm tỷ lệ 3,77% GRDP; đến năm 2019 chiếm tỷ lệ 3,88% GRDP, trong đó lĩnh vực quảng cáo chiếm tỷ trọng cao nhất; năm 2020, có sự tăng trưởng thấp, chỉ đạt 3,54% trên tổng GRDP của toàn thành phố (3). Tuy nhiên, đóng góp của ngành CNVH đến năm 2020 vào GRDP của thành phố vẫn cao hơn mục tiêu của cả nước.

Nguồn lực cơ sở vật chất

Trên địa bàn TP.HCM có 7 đơn vị nghệ thuật công lập và 1 trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh, 1 trung tâm văn hóa và 7 nhà văn hóa. Tất cả các quận, huyện có trung tâm văn hóa, trung tâm thể thao hoặc trung tâm văn hóa - thể thao. Có 24/24 nhà văn hóa thiếu nhi; 17/24 quận, huyện và thành phố Thủ Đức có nhà văn hóa lao động; 68/262 phường có trung tâm văn hóa - thể thao; 20/56 xã có trung tâm văn hóa - thể thao; 615/1576 khu phố có điểm sinh hoạt văn hóa; 351/404 văn phòng ấp kết hợp với điểm sinh hoạt văn hóa; 9/16 khu công nghiệp, khu chế xuất đã xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao phục vụ người lao động; 13 bảo tàng (11 công lập, 2 ngoài công lập); 185 di tích có quyết định xếp hạng (2 di tích quốc gia đặc biệt). Ngoài ra, còn có 100 công trình, địa điểm được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử (4).

3. Một số vấn đề đặt ra đối với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại TP.HCM

Trên cơ sở đánh giá tiềm năng và tầm quan trọng của CNVH trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cho sự phát triển trong tình hình mới, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đã khẳng định: “Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; trọng tâm là thực hiện Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM giai đoạn 2020-2030”. Theo đó, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 4853/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030” với những vấn đề được đặt ra như:

Nghiên cứu đề xuất bổ sung vào quy hoạch của thành phố những vị trí, địa điểm để phát triển CNVH. Quy hoạch phát triển các khu CNVH, trong đó có các dịch vụ văn hóa gắn với phát triển du lịch như phim trường, trung tâm thời trang, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, trung tâm trưng bày triển lãm, cơ sở đào tạo chuyên ngành CNVH… Thành phố cần thực hiện công tác quy hoạch, tạo môi trường thuận lợi, kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển lĩnh vực CNVH, đặc biệt là các loại hình CNVH sáng tạo.

Gắn kết và đẩy mạnh liên kết vùng để tạo động lực cho CNVH phát triển. Trong thời gian qua, TP.HCM và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã có tổ điều phối hoạt động giữa các địa phương trong khu vực. Cần triển khai thực hiện liên kết, phối hợp với các tỉnh, thành trong vùng tạo động lực cho CNVH phát triển như xây dựng vùng nguyên liệu truyền thống cho ngành Thời trang, sản phẩm thủ công mỹ nghệ; xây dựng các tuyến, điểm du lịch văn hóa đặc trưng của khu vực; tạo vành đai du lịch, thị trường khác du lịch thông qua chiến lược du lịch chung trong khu vực Nam Bộ; liên kết trong việc tổ chức, thực hiện các sự kiện văn hóa lớn mang tính thường niên như: lễ hội đờn ca tài tử Nam Bộ, lễ hội ẩm thực Nam Bộ…; hình thành và phát triển thành chuỗi liên kết trong hệ sinh thái CNVH…

 Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại, tạo động lực cho ngành CNVH phát triển. Thành phố đầu tư xây dựng và kêu gọi đầu tư các thiết chế văn hóa hiện đại phù hợp và đạt quy chuẩn để đáp ứng nhu cầu trình diễn, thưởng thức của công chúng. Các thiết chế văn hóa cần tập trung đầu tư và thực hiện như Nhà hát Giao hưởng Nhạc, Vũ, Kịch; Trung tâm nghệ thuật truyền thống; phim trường, trung tâm chiếu phim hiện đại; Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ; Trung tâm Văn hóa thành phố, Trung tâm Văn hóa - Thể thao đa năng TP.HCM tại huyện Cần Giờ; nhà triển lãm quốc gia, trung tâm giám định và đấu giá các tác phẩm nghệ thuật, không gian công cộng và phố đi bộ…

Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, hợp tác và giao lưu về văn hóa. Thành phố cần có chính sách tiếp thị, xúc tiến thương mại nhằm quảng bá hình ảnh, văn hóa đối với cộng đồng quốc tế. Môi giới và tổ chức các hoạt động tạo thị trường trong các lĩnh vực khác nhau để gia tăng hình ảnh và quảng bá thị trường cho các ngành CNVH.

 Hình thành trung tâm mua sắm, thương mại, giải trí. Xây dựng thành phố thành một trung tâm mua sắm, thương mại, giải trí, trở thành trung tâm triển lãm, trưng bày uy tín của cả nước và khu vực. Thiết lập những không gian bán lẻ sản phẩm CNVH tại các khu du lịch, chợ truyền thống, trung tâm thương mại, phố đi bộ…

Kêu gọi đầu tư các mô hình kinh doanh về CNVH, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Khuyến khích các mô hình đầu tư và kinh doanh đa dạng cho các tổ chức văn hóa, ứng dụng cơ chế vận hành/ quản lý điện đại, sáng tạo dựa vào nền kinh tế số, thành phố thông minh, khu đô thị sáng tạo của thành phố được xây dựng trong tương lai. Tạo điều kiện cho những mô hình đầu tư mới, bao gồm cơ hội cho các tổ chức văn hóa đa dạng hóa nguồn thu, kinh doanh và tiếp cận các loại hình tài chính khác nhau, các hoạt động kinh doanh, dự án hợp tác. Có chính sách kêu gọi đầu tư trên lĩnh vực văn hóa và chính sách đãi ngộ về thuế…

 Nghiên cứu thành lập Trung tâm phát triển CNVH, trung tâm sáng tạo, nhằm kết nối, xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch và các hoạt động nhằm phát triển các ngành CNVH thành các ngành kinh tế quan trọng đóng góp tích cực vào phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TP.HCM. Trung tâm tập trung vào chiến lược phát triển hài hòa, đan xen các ngành CNVH là thế mạnh, tiềm năng của thành phố. Đây là đầu mối thực hiện chức năng hỗ trợ, kết nối, quy tụ nguồn lực, phát huy giá trị sáng tạo, mở rộng thị trường… Đồng thời, đây là trung tâm kết nối, phát triển hệ sinh thái sản phẩm CNVH hoặc nhằm phát triển các ngành CNVH thành ngành kinh tế quan trọng đóng góp tích cực vào phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TP.HCM.

 Củng cố nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị một số trường nghệ thuật tại TP.HCM; đổi mới phương pháp đào tạo nhằm tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành CNVH. Phổ biến rộng rãi cho các trường nghề của thành phố để bổ sung các ngành/ nghề đào tạo CNVH. Sau khi sắp xếp các trường dạy nghề của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, phát triển một số trường nghề đào tạo các ngành/ lĩnh vực CNVH.

 Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, hình thành các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử mang tính đặc trưng. Xây dựng các tuyến, điểm, sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, đặc thù của TP.HCM. Phát triển các con đường di sản, di tích lịch sử, sản phẩm ẩm thực… nhằm liên kết các điểm tham quan văn hóa, lịch sử thông qua các câu chuyện về di sản, bảo tồn, bảo tàng, văn hóa ẩm thực, tìm hiểu đời sống văn hóa cộng đồng cư dân thành phố. Phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin trong thời đại công nghệ 4.0 để xây dựng tích hợp các di sản, thông tin di sản, lịch sử của thành phố đến công chúng một cách rộng rãi nhất.

 Hình thành các sự kiện lớn mang tính chất thường niên và đặc trưng, đặc sắc của thành phố về các ngành CNVH. Trong đó, các hội nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai tổ chức các sự kiện như: lễ hội ẩm thực, lễ hội thời trang, liên hoan phim quốc tế… Tổ chức tuyên dương, khen thưởng cá nhân, tổ chức hoạt động trên lĩnh vực CNVH.

 Tạo ra một số sản phẩm, thương hiệu đặc sắc, đặc trưng mang tầm quốc gia trên lĩnh vực CNVH. Tạo ra các sản phẩm, xây dựng một hệ thống các thương hiệu mạnh, theo các phân ngành cụ thể như tổ chức sự kiện về thời trang, nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật đường phố…

 Thực hiện các quy định về quyền sở hữu trí tuệ. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tạo động lực cho cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động sáng tạo, tạo ra tài sản trí tuệ; khích lệ các doanh nghiệp và trung gian tài chính đầu tư, tài trợ cho việc nghiên cứu, phát triển, thương mại các sản phẩm và dịch vụ CNVH. Tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh và khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ; hình thành nhóm dự án về bảo vệ các quyền của người sáng tạo, hình thành hệ thống sàn giao dịch và thanh toán quốc tế sản phẩm sáng tạo nghệ thuật.

4. Một số khuyến nghị phát triển công nghiệp văn hóa đối với Việt Nam và TP.HCM

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách

Xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý về vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của từng bộ, ngành, địa phương trong việc phát triển các ngành CNVH. Rà soát, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy phát triển các ngành CNVH một cách đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong bối cảnh mới và hội nhập quốc tế. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi để thúc đẩy phát triển các ngành CNVH; hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến CNVH. Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính tạo môi trường pháp lý ổn định, thông thoáng và thuận lợi thu hút, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước đối với các lĩnh vực liên quan đến CNVH. Xây dựng và ban hành chính sách cụ thể đối với từng ngành CNVH, áp dụng các ưu đãi thuế suất thu nhập doanh nghiệp trong một thời hạn nhất định; ưu đãi về thời gian được miễn, giảm nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn. Giảm trừ thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trên cơ sở mức vốn đầu tư của dự án; giảm trừ trực tiếp nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất cho phép áp dụng mức thuế suất hợp lý, chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng cho một số ngành CNVH nhằm bảo đảm khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư trong các hoạt động kinh doanh. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về hợp tác công - tư trong phát triển các ngành CNVH; chuyển hóa tài nguyên văn hóa thành các sản phẩm, dịch vụ CNVH có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính, rà soát và tham mưu về việc bãi bỏ các quy định không phù hợp gây hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, nâng cao thu hút đầu tư cho các ngành CNVH. Các quy hoạch quốc gia, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, lĩnh vực liên quan đến các ngành CNVH có sử dụng đất đai, yêu cầu phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ để phát triển đồng bộ. Hoàn thiện quy định của pháp luật đối với các lĩnh vực, tăng cường hiệu quả quản lý nói chung, quản lý trên môi trường số nói riêng, bảo đảm bắt kịp xu thế chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp 4.0.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức

Xây dựng nội dung, kế hoạch truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, đài phát thanh - truyền hình ở Trung ương và địa phương. Xây dựng trang web và các nền tảng truyền thông số về CNVH nhằm kết nối và chia sẻ thông tin kịp thời về những nội dung mà xã hội quan tâm. Xây dựng các chương trình, đề án công bố sáng tạo, trao giải thưởng nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân sáng tạo, tạo cơ hội quảng bá các sản phẩm, dịch vụ CNVH. Triển khai các hoạt động khuyến khích, tôn vinh và quảng bá có hiệu quả các thành tựu của quá trình phát triển các ngành CNVH Việt Nam. Xuất bản các công trình giới thiệu về các ngành CNVH (trực tuyến và ấn phẩm in); công bố các công trình, kết quả nghiên cứu và lập bản đồ số về các ngành CNVH Việt Nam.

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực

Hoàn thiện và ban hành cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng để tăng cường đội ngũ nhân lực về quản lý CNVH tại Việt Nam. Xây dựng và thực hiện đề án, chương trình đào tạo thường xuyên trong nước và ở nước ngoài dành cho giảng viên, sinh viên các trường có lĩnh vực liên quan đến CNVH. Hình thành môi trường nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo, phát triển hệ sinh thái giáo dục sáng tạo trong cộng đồng, nhà trường gắn với thúc đẩy giáo dục mở, xây dựng nhà trường sáng tạo, hình thành thế hệ công dân sáng tạo. Hoàn thiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật thông qua các chương trình hỗ trợ tài chính học tập trong nước, cấp học bổng đi du học, đào tạo nâng cao chuyên môn tại nước ngoài.

Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ

Xây dựng trung tâm lưu trữ dữ liệu về các ngành CNVH trên nền tảng số để các cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu hoạch định chính sách, doanh nghiệp, nhà đầu tư và công chúng dễ dàng tiếp cận tra cứu thông tin. Xây dựng hệ thống phần mềm nhằm tìm kiếm, đối chiếu, so sánh với cơ sở dữ liệu được lưu trữ giúp phát hiện, chống vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng và trong môi trường kỹ thuật số, từ đó tạo dựng môi trường khuyến khích cho sáng tạo văn hóa, nghệ thuật.

Thu hút và hỗ trợ đầu tư

Phân bổ và sử dụng nguồn đầu tư công để xây dựng cơ sở hạ tầng về CNVH. Xây dựng các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo chủ lực cho từng lĩnh vực của CNVH. Xây dựng quỹ đầu tư sáng tạo để hỗ trợ đầu tư cho các nhà sáng tạo trẻ, tài năng phát triển các sản phẩm, dịch vụ CNVH có tiềm năng, thế mạnh cạnh tranh trên thị trường. Nghiên cứu, đề xuất địa phương bổ sung quỹ đất xây dựng các trung tâm hỗ trợ sáng tạo, trung tâm văn hóa sáng tạo. Huy động nguồn vốn xã hội hóa để hình thành các không gian văn hóa sáng tạo, hỗ trợ và đỡ đầu cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo về văn hóa, nghệ thuật. Huy động các nguồn vốn từ nước ngoài để triển khai các dự án do tổ chức quốc tế hỗ trợ cho hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật.

Phát triển thị trường

Xây dựng cơ chế, chính sách định vị sản phẩm thương hiệu quốc gia và quảng bá các sản phẩm thương hiệu quốc gia, các chương trình, sự kiện hợp tác, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế. Tổ chức các hội chợ, triển lãm tầm quốc gia và quốc tế để quảng bá, giới thiệu sản phẩm CNVH của Việt Nam. Mở rộng thị trường cho các ngành CNVH thông qua các hoạt động thúc đẩy tính liên ngành, gắn kết giữa các ngành CNVH có liên quan chặt chẽ, lấy du lịch văn hóa làm trung tâm gắn kết. Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường của các tổ chức trung gian nhằm thương mại các sản phẩm, dịch vụ CNVH. Hỗ trợ phát triển thương mại quốc tế về hàng hóa, dịch vụ của các ngành CNVH Việt Nam thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ và các sự kiện thương mại quốc tế.

 Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế

Tăng cường hợp tác quốc tế để huy động nguồn tài chính đầu tư từ nước ngoài đối với các hoạt động sáng tạo, thiết kế không gian sáng tạo. Khuyến khích tham gia tích cực vào các hoạt động hợp tác quốc tế với tư cách là thành viên của các mạng lưới quốc tế về văn hóa, nghệ thuật, như mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, mạng lưới các không gian sáng tạo.

Bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan

Bảo hộ nội dung sáng tạo, thực thi có hiệu quả pháp luật về sở hữu trí tuệ, trong đó có nội dung về quyền tác giả và quyền liên quan, để làm cơ sở khuyến khích các sáng tạo, góp phần phát triển các ngành CNVH tại Việt Nam. Thành lập đơn vị tư vấn chuyên môn về pháp luật sở hữu trí tuệ để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình tham gia hoạt động sáng tạo liên quan đến CNVH.

Kết luận

Phát triển CNVH còn khá mới mẻ, nhưng sản phẩm từ các ngành CNVH cũng đã ít nhiều tạo nên hiệu ứng du lịch. Rõ ràng, phát triển CNVH là đòn bẩy để thúc đẩy du lịch. Ở chiều ngược lại, du lịch văn hóa không chỉ là bộ phận cấu thành các ngành CNVH mà còn là cơ sở tạo ra nguồn lực giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa một cách bền vững.

Để có được những sản phẩm CNVH, cần hội đủ những yếu tố như: con người sáng tạo, nhận thức, tri thức văn hóa của xã hội, các phương tiện công nghệ, kỹ thuật, khả năng kinh doanh, thương mại hóa sản phẩm... Song, ở Việt Nam, vẫn còn thiếu sự liên kết giữa các yếu tố này. Xuất phát từ thực tiễn, cần thiết phải có những chính sách phát triển văn hóa gắn với hoạt động du lịch để kích hoạt môi trường sáng tạo, thu hút đầu tư. Ngoài ra, cần xây dựng được hệ sinh thái sáng tạo với những chính sách, hướng dẫn cụ thể cho những nhà đầu tư, người hoạt động văn hóa du lịch, có hành lang pháp lý để thúc đẩy hợp tác công - tư, xây dựng cơ chế phân chia lợi ích rõ ràng và hợp lý để có thể gắn kết chặt chẽ nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp với người dân trong quá trình khai thác giá trị văn hóa tạo thành nguồn lực phát triển sản phẩm du lịch trong thực tế. Đây là cũng những gợi ý làm bài học cho sự phát triển CNVH đối với TP.HCM trong hiện tại và tương lai.

______________________

1, 2, 3, 4. Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển Việt Nam đến năm 2020, 2019.

Tài liệu tham khảo

1. Báo cáo số 5833/BC-VHTT ngày 15-11-2023 của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM về tham luận tại Hội thảo toàn quốc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

2. Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

3. Quyết định số 126/QĐ-BVHTTDL ngày 16-1-2017 của Bộ VHTTDL về việc ban hành Kế hoạch của Ngành VHTTDL thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

4. Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

5. Quyết định 1909/QĐ-TTg ngày 12-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

6. Quyết định số 4853/QĐ-UBND ngày 25-10-2023 của Ủy ban nhân dân TP.HCM về phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 31-10-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 11-11-2024; Ngày duyệt đăng: 2-1-2025.

TS ĐOÀN MẠNH CƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 593, tháng 1-2025

;