Hướng đến xây dựng văn hóa xanh ở Việt Nam

Trong giai đoạn hiện nay, khi mà các vấn đề về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, việc xây dựng và phát triển văn hóa xanh không chỉ là một ước mơ mà còn là một sự cần thiết. Văn hóa xanh không chỉ đề cập đến việc bảo vệ môi trường, mà còn là một cách tiếp cận toàn diện đối với cuộc sống bền vững và hạnh phúc. Bài viết đưa ra những kiến giải làm rõ hơn khái niệm về văn hóa xanh và chia sẻ kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang chuyển đổi theo hướng xây dựng văn hóa xanh với những thói quen, lối sống và giá trị ưu tiên tính bền vững của môi trường và sự phát triển hài hòa của thế giới tự nhiên. Từ đó, tác giả đề xuất các giải pháp để xây dựng văn hóa xanh ở Việt Nam, giúp chúng ta đi đúng xu hướng chung của thế giới và góp phần vào việc xây dựng một Việt Nam xanh - hình thành nên một môi trường sống xanh, bền vững và thịnh vượng cho tương lai của đất nước.

1. Hướng tới khái niệm về văn hóa xanh

Thời gian gần đây, chúng ta đã nghe nhiều về việc phát triển kinh tế xanh như là một giải pháp của tương lai. Tuy nhiên, một nền kinh tế xanh chỉ có thể bền vững nếu nó được kết hợp với văn hóa xanh (green culture).

Văn hóa xanh đề cập đến một thói quen, lối sống và giá trị ưu tiên tính bền vững của môi trường và sự phát triển hài hòa của thế giới tự nhiên. Nó đòi hỏi các lựa chọn hành vi của con người để giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường, như tiết kiệm tài nguyên, giảm chất thải và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Văn hóa xanh cũng bao gồm việc ủng hộ và thúc đẩy các phương pháp và doanh nghiệp thân thiện với môi trường, chẳng hạn như nông nghiệp hữu cơ, tái chế và các sản phẩm thân thiện với môi trường. Nó có thể được nhìn thấy trong các lựa chọn mọi người đưa ra về phương tiện di chuyển, tiêu thụ năng lượng, lựa chọn thực phẩm và quần áo, cũng như các sản phẩm họ sử dụng trong cuộc sống hằng ngày.

Văn hóa xanh là một khía cạnh quan trọng của việc đối phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tương lai bền vững hơn cho hành tinh. Thông qua việc thúc đẩy nhận thức về tác động của con người đối với môi trường và khí hậu, văn hóa xanh giúp tạo ra một tinh thần và giá trị cộng đồng trong việc bảo vệ và tôn trọng tự nhiên, đồng thời thúc đẩy hành động bảo vệ môi trường từ cấp độ cá nhân đến cấp độ tổ chức và xã hội.

Văn hóa xanh khuyến khích sự thay đổi từ các lối sống tiêu thụ tài nguyên không bền vững sang các lối sống bền vững hơn, bao gồm tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguồn tài nguyên tái tạo và tái chế. Trên cơ sở đó, văn hóa xanh tạo điều kiện cho sự sáng tạo và cải tiến trong việc phát triển các giải pháp xanh hơn cho các thách thức môi trường bằng cách khuyến khích việc áp dụng công nghệ và phương pháp mới để giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường.

Bên cạnh đó, văn hóa xanh không chỉ nhấn mạnh vào việc bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế xanh, tạo ra cơ hội việc làm trong các ngành công nghiệp và dịch vụ bền vững như năng lượng mặt trời, gió, điện thủy triều và công nghệ xử lý nước...; đồng thời thúc đẩy việc xây dựng hạ tầng xanh như hệ thống vận chuyển công cộng, đường sắt, xe buýt điện và các công trình xây dựng tiết kiệm năng lượng.

Ngoài ra, văn hóa xanh luôn cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế để xây dựng các chính sách và quy định hỗ trợ cho các hoạt động và sáng kiến ​​xanh, hình thành nên giá trị xanh toàn cầu. Các cơ quan chính phủ cần thiết lập và thúc đẩy việc thực hiện các chính sách môi trường và pháp luật hỗ trợ cho các hoạt động và sáng kiến xanh như các tiêu chuẩn môi trường, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp xanh và quản lý nguồn lực tự nhiên; cung cấp tài trợ và khuyến khích cho các dự án và sáng kiến xanh thông qua các chương trình tài trợ, học bổng và quỹ hỗ trợ; hỗ trợ kỹ thuật, khoa học cho việc phát triển, triển khai các công nghệ và phương pháp xanh; tạo điều kiện cho hợp tác đa phương và đối thoại giữa các quốc gia và các bên liên quan để thúc đẩy văn hóa xanh; hỗ trợ việc giáo dục và nâng cao nhận thức về văn hóa xanh thông qua các chiến dịch thông tin, chương trình giáo dục, và hoạt động giao lưu văn hóa.

Như vậy, văn hóa xanh là một khái niệm mới, phù hợp với sự phát triển của chuyển đổi xanh, không chỉ là một phương tiện để bảo vệ môi trường, mà còn là một cách tiếp cận toàn diện đối với việc đối phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tương lai bền vững cho hành tinh.

Hoàng hôn đồi chè Long Cốc (Phú Thọ) - Ảnh: Thanh Danh

2. Kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng văn hóa xanh

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã có nhiều nỗ lực để phát triển văn hóa xanh và đảm bảo sự bền vững cho môi trường và xã hội. Theo đó, nhiều quốc gia đã thúc đẩy thói quen sử dụng phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, gió và nước để giảm lượng khí thải carbon và phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch. Ví dụ như Đan Mạch đạt được mục tiêu ngắn hạn của mình để giảm lượng khí thải carbon và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và năng lượng mặt trời. Đồng thời, Đan Mạch cũng đã thúc đẩy sử dụng phương tiện giao thông công cộng và đạt được sự cân nhắc giữa sự phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Họ cũng đã áp dụng các biện pháp quản lý tài nguyên như bảo vệ rừng, bảo vệ biển và đại dương, tái chế, xử lý chất thải và giảm ô nhiễm không khí và nước. Nhiều thành phố trên thế giới đã xây dựng các khu đô thị xanh và bền vững, bao gồm các công trình xanh, hệ thống giao thông công cộng, công viên và không gian mở.

Nhật Bản cũng là một ví dụ điển hình về thực hành văn hóa xanh (1). Nhật Bản nổi tiếng với việc quản lý rác thải và tái chế một cách hiệu quả. Họ sử dụng các hệ thống phân loại rác thải tại nguồn và đã đặt ra mục tiêu chất lượng cho việc tái chế. Ngoài ra, việc sử dụng các sản phẩm không đóng gói và tái sử dụng đã trở thành một phần của văn hóa tiêu dùng tại Nhật Bản. Đất nước Mặt trời mọc còn có nhiều thành phố với các công viên đô thị và không gian xanh công cộng. Các kỹ thuật xây dựng kiến ​​trúc xanh như mái xanh và hệ thống thoát nước tái sử dụng đã được áp dụng rộng rãi. Những khu vườn và công viên cũng được coi trọng như là một phần quan trọng của không gian sống, là nơi giải trí cho cư dân địa phương. Nhật Bản đã đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng. Họ đã phát triển các công nghệ tiên tiến như pin mặt trời và điện gió, đặt mục tiêu phát triển nguồn năng lượng tái tạo để thay thế năng lượng hóa thạch. Các biện pháp tiết kiệm năng lượng như cải thiện cách cách nhiệt và sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng cũng được khuyến khích. Bên cạnh đó, Nhật Bản đang thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ bền vững thông qua việc phát triển các tiêu chuẩn môi trường cho sản phẩm và dịch vụ, cũng như khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm tái chế và tái sử dụng. Những nỗ lực này đã giúp Nhật Bản tiến bộ trong việc xây dựng một lối sống xanh và bền vững, đồng thời góp phần vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường.

Singapore là một trong những quốc gia tiên tiến hàng đầu trong việc xây dựng các chính sách và quy định hỗ trợ cho các hoạt động và sáng kiến xanh (2). Quốc gia này đã đặt ra các mục tiêu và tiêu chuẩn nghiêm ngặt về năng lượng và môi trường. Các chính sách này bao gồm quy định về tiêu chuẩn xả thải, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo, giúp khuyến khích sự đầu tư, phát triển các dự án, công nghệ xanh trong lĩnh vực năng lượng và môi trường. Singapore cũng cung cấp các biện pháp hỗ trợ tài chính như các khoản vay ưu đãi và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, dự án xanh. Ngoài ra, chính phủ cũng khuyến khích đầu tư vào các nguồn tài nguyên tái tạo và các công nghệ xanh thông qua việc cung cấp cơ hội kinh doanh và ưu đãi thuế. Singapore còn tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa các tổ chức công cộng và tư nhân để phát triển, triển khai các sáng kiến xanh thông qua việc thiết lập các đối tác công tư trong các dự án hạ tầng xanh và công nghệ xanh, cũng như khuyến khích sự hợp tác trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh. Bên cạnh đó, Singapore đầu tư vào giáo dục và tạo ý thức về vấn đề môi trường và phát triển bền vững. Các chương trình giáo dục và thông tin công cộng được phát triển để tăng cường nhận thức và cam kết của cộng đồng đối với lối sống xanh. Singapore cũng có một kế hoạch quy hoạch đô thị chi tiết và hiệu quả, tập trung vào việc phát triển các khu vực xanh và bền vững. Các công viên, vườn và không gian xanh công cộng được tích hợp vào quy hoạch đô thị để tạo ra một môi trường sống xanh và thoải mái cho cư dân. Những kinh nghiệm này cho thấy sự cam kết của Singapore đối với việc xây dựng một văn hóa và một kinh tế xanh, cũng như vai trò lãnh đạo của họ trong việc phát triển và thúc đẩy các hoạt động và sáng kiến xanh.

Trung Quốc lại có nhiều kinh nghiệm phù hợp với Việt Nam trong việc truyền thông về văn hóa xanh bằng cách sử dụng một loạt các kênh truyền thông để tuyên truyền về văn hóa xanh, từ truyền hình, phát thanh, đến mạng xã hội. Các chương trình truyền hình, bài viết, video và bản tin trên mạng đã giúp đưa ra các thông điệp về bảo vệ môi trường và thúc đẩy thái độ và hành vi xanh. Chính phủ Trung Quốc đã triển khai các chiến dịch tuyên truyền quốc gia về văn hóa xanh như: Green China, Beautiful China nhằm tạo ra nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc đã hợp tác chặt chẽ với các công ty và tổ chức xã hội để thúc đẩy văn hóa xanh thông qua các chương trình và sự kiện tuyên truyền. Việc kêu gọi doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và xã hội cũng là một phần của chiến lược này. Ngoài ra, Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và nâng cao nhận thức về văn hóa xanh thông qua các chương trình giáo dục cơ bản, giáo dục môi trường và các chương trình giáo dục thường xuyên trong cộng đồng. Những hành động này đã giúp Trung Quốc tăng cường nhận thức và thúc đẩy hành động xanh trong xã hội, đồng thời góp phần vào việc xây dựng một môi trường sống bền vững cho thế hệ hiện tại và tương lai (3).

3. Xây dựng văn hóa xanh ở Việt Nam

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương phát triển nhanh và bền vững và phát triển kinh tế xanh: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Trong những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động và văn bản chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường (4).

Văn hóa xanh rất quan trọng với Việt Nam vì nước ta đang đối mặt với nhiều vấn đề môi trường và tài nguyên, biến đổi khí hậu, bao gồm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, phá rừng và thiếu nước, hay lũ lụt và nước biển dâng. Văn hóa xanh có thể hỗ trợ cho kinh tế xanh, giúp giảm bớt các vấn đề này và đảm bảo sự bền vững cho quốc gia. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang trải qua một quá trình đô thị hóa nhanh chóng, đi kèm với đó là áp lực lớn lên tài nguyên và môi trường. Văn hóa xanh có thể giúp quản lý tốt hơn các nguồn tài nguyên và giảm bớt tác động của quá trình đô thị hóa.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu. Theo Báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia lần thứ nhất: Phân tích những tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam ở hiện tại và trong tương lai, ở nước ta lượng mưa ngày cực đại tăng ở hầu hết các vùng khí hậu, số ngày mưa lớn có xu thế tăng, đặc biệt ở khu vực miền Trung. Mưa lớn, mưa kỷ lục gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất với thiệt hại ngày càng lớn. Cường độ của một số thiên tai gia tăng đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Quy luật xuất hiện của thiên tai có nhiều thay đổi khiến cho công tác dự báo và cảnh báo khó khăn hơn. Cụ thể số lượng các cơn bão mạnh và rất mạnh (trên cấp 12) có xu thế tăng nhẹ; mùa bão kết thúc muộn hơn và đường đi của bão có xu thế dịch chuyển về phía Nam. Lũ quét xảy ra thường xuyên ở các khu vực miền núi, lũ đặc biệt lớn ở các lưu vực sông miền Trung gây thiệt hại nặng nề hơn. Hạn hán và thiếu nước sinh hoạt gia tăng cả về tần suất và cường độ. Hiện tượng nắng nóng có dấu hiệu gia tăng rõ rệt ở nhiều vùng trong cả nước, đặc biệt là ở đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Trong các năm 2015- 2016 và 2019-2020, hiện tượng El Nino đã gây ra hạn hán kỷ lục trong hơn 100 năm qua, gây thiệt hại nặng nề tới nền kinh tế. Chính vì thế, văn hóa xanh có thể giúp giảm khai thác thái quá tài nguyên và tăng cường khả năng chống chịu của tổ chức và xã hội đối với biến đổi khí hậu.

Văn hóa xanh có thể tạo ra các lợi ích kinh tế, như tạo ra việc làm, thúc đẩy sự sáng tạo và tăng cường sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Văn hóa xanh cũng có thể tăng cường hình ảnh của Việt Nam trên thế giới và thu hút du khách. Vì vậy, xây dựng văn hóa xanh là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững và thúc đẩy sự thịnh vượng của Việt Nam.

Để xây dựng văn hóa xanh ở Việt Nam, chúng ta cần quan tâm thực hiện những giải pháp sau:

Một là tăng cường nhận thức về ý nghĩa và vai trò của văn hóa xanh trong xã hội, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Điều này được thực hiện bằng cách xây dựng các chương trình giáo dục và tuyên truyền rộng rãi về văn hóa xanh, ý nghĩa của nó và tầm quan trọng của việc thúc đẩy phát triển bền vững, thông qua các hoạt động như tổ chức buổi hội thảo, triển lãm, chiếu phim, trên các mạng xã hội như facebook, tiktok,...; qua các diễn đàn trực tuyến, nhóm thảo luận, và các sự kiện gặp gỡ cộng đồng để chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng về lối sống xanh, chia sẻ các dự án và sáng kiến ​​xanh thành công để truyền cảm hứng và khuyến khích người khác tham gia vào các hoạt động xanh.

Hai là xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật đề khuyến khích văn hóa xanh. Trong đó đặc biệt là các chính sách, pháp luật liên quan đến hỗ trợ giáo dục và nâng cao nhận thức về văn hóa xanh; xây dựng hạ tầng xanh như các hệ thống giao thông công cộng, không gian xanh đô thị, và các công trình xây dựng tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường; việc xác định các mục tiêu và tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng tái tạo, giảm lượng khí thải và thúc đẩy các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; quy định để khuyến khích việc tái chế và tái sử dụng, giảm thiểu sự lãng phí và ô nhiễm từ rác thải, và quản lý hiệu quả các loại chất thải; ưu đãi thuế đối với các chương trình, dự án bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ các khu vực sinh thái quan trọng, và quản lý tài nguyên tự nhiên một cách bền vững; khuyến khích, hỗ trợ tiêu thụ và sản xuất bền vững, bao gồm việc thúc đẩy sử dụng sản phẩm tái chế, giảm thiểu sự lãng phí và quản lý hiệu quả tài nguyên. Những chính sách và pháp luật này sẽ tạo ra một khung pháp lý và môi trường hỗ trợ cho việc phát triển và thúc đẩy văn hóa xanh, đồng thời giúp đẩy mạnh các hoạt động và sáng kiến ​​xanh trong xã hội.

Ba là hình thành giá trị, thói quen thực hành văn hóa xanh trong xã hội để giúp tạo ra một môi trường mà việc thực hành xanh trở thành một phần tự nhiên và quan trọng của cuộc sống hàng ngày. Đó là các giá trị, nguyên tắc và thái độ được định hình bởi ý thức về bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững như sự quan tâm và tôn trọng đối với môi trường tự nhiên, sự đa dạng, sử dụng năng lượng một cách thông minh và hiệu quả,... Những giá trị này không chỉ là cơ sở cho hành động xanh mà còn là nền tảng của một xã hội và một nền kinh tế bền vững.

Để làm được điều đó, chúng ta rất cần có những tấm gương truyền cảm hứng cho toàn xã hội. Các cá nhân, tổ chức và cộng đồng đều có thể góp phần tạo ra một môi trường mà thực hành xanh được coi là một phần tất yếu và quan trọng của cuộc sống hàng ngày. Lãnh đạo các cấp, nghệ sĩ và những người nổi tiếng khác sẽ thúc đẩy các giá trị và hành vi xanh thông qua việc đặt ra mục tiêu và hành động làm gương. Nhà nước cũng cần tạo cơ hội cho mọi người tham gia vào các hoạt động xanh thông qua việc tổ chức các sự kiện, cuộc thi, và các hoạt động tình nguyện, cũng như khuyến khích sự sáng tạo trong việc tìm ra các phương pháp mới và sáng kiến ​​xanh. Cung cấp không gian cho mọi người để thử nghiệm và phát triển các giải pháp sáng tạo có thể giúp tăng cường sự đổi mới và tiến bộ trong thực hành xanh.

Kết luận

Như vậy, việc xây dựng văn hóa xanh ở nước ta là một mục tiêu quan trọng và cần thiết để bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và đảm bảo sự phát triển bền vững cho đất nước. Để đạt được điều này, chúng ta cần sự đóng góp và tham gia tích cực của tất cả các tầng lớp xã hội, từ Nhà nước đến doanh nghiệp cộng đồng và cá nhân. Việc tạo ra môi trường thuận lợi, thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường, thúc đẩy việc sử dụng tài nguyên bền vững và xây dựng một cuộc sống xanh hơn sẽ mang lại lợi ích lớn cho tất cả mọi người.

Hướng đến xây dựng văn hóa xanh ở Việt Nam không chỉ là một mục tiêu mà còn là một cam kết với tương lai bền vững của đất nước. Chúng ta cần hành động ngay bây giờ để bảo đảm rằng Việt Nam sẽ trở thành một ví dụ tốt về bảo vệ môi trường và phát triển xanh hơn trong tương lai.

PGS, TS BÙI HOÀI SƠN

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

____________________

1. appcycle.jp, Go Green Japan! Japan’s environmental Sustainability Efforts (Màu xanh cho Nhật Bản! Những nỗ lực phát triển bền vững môi trường của Nhật Bản), 1-12-2023.

2. greenplan.gov.sg.

3. Xem thêm: The State Council Information Office of the People’s Republic of China (Văn phòng thông tin Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), China’s Green Development in the New Era (Phát triển xanh của Trung Quốc trong thời đại mới), 1-2023.

4. Như các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 5-12-2011 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Quyết định số 1474/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020 nhằm hiện thực hóa các nhiệm vụ của Chiến lược; Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10-5-2017 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31-10-2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020.

;