Tiết mục văn nghệ của học sinh Trường Tiểu học Mỹ Đình 2 - Ảnh: dangcongsan.vn
Mở đầu
Sứ mệnh giáo dục và đào tạo trong thời kỳ đổi mới đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.” Dù ở bất kỳ thời đại nào, nhân tài luôn giữ vai trò then chốt, được coi là “nguyên khí của quốc gia”. Do đó, công tác phát hiện và đào tạo nhân tài luôn là ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước cùng các Bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hiệu quả những cá nhân xuất sắc. Những thành công của nền giáo dục Việt Nam đã minh chứng qua nhiều tài năng nổi bật như nhà toán học Ngô Bảo Châu, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn...
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều quan điểm và phương pháp về đào tạo, bồi dưỡng nhân tài đã không còn phù hợp hoặc phát huy hiệu quả như trước. Thay vào đó, việc không chỉ tập trung vào phát hiện cá nhân có năng khiếu mà còn chú trọng đến việc giáo dục và phát triển năng lực sáng tạo đang được xem là yếu tố then chốt trong công tác bồi dưỡng nhân tài. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh giáo dục 4.0, nơi mà sự sáng tạo và đổi mới trở thành yêu cầu thiết yếu để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai.
1. Năng lực sáng tạo trong đào tạo, bồi dưỡng tài năng
Trong bối cảnh hiện nay, Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó, giáo dục đào tạo là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động lớn nhất. Giáo dục 4.0 lấy trọng tâm của giáo dục là sáng tạo và đổi mới giá trị… Tư duy sáng tạo đã làm thay đổi nhiều quan điểm và phương pháp giáo dục đào tạo, trong đó có đào tạo, bồi dưỡng tài năng.
Trước đây, đào tạo tài năng được xét dựa trên đặc thù đào tạo về năng khiếu. Các em học sinh được tuyển chọn từ bé dựa trên năng khiếu đối với một lĩnh vực nhất định, sau đó được các cơ sở đào tạo đào tạo, bồi dưỡng theo các chương trình, giáo án chuyên nghiệp, chuyên sâu. Có thể thấy, năng khiếu được xem là nền tảng cơ bản để hình thành tài năng trong tương lai. Tuy nhiên, quá trình từ khi phát hiện năng khiếu, đến đào tạo, bồi dưỡng tài năng, nếu không có chú trọng đến giáo dục và phát triển tư duy sáng tạo, thì kết quả đào tạo sẽ không đem đến những tài năng có thể khẳng định năng lực lâu dài. Yếu tố sáng tạo luôn được xem là yếu tố quyết định để khẳng định sự nổi bật, riêng có, vượt trội của mỗi tài năng so với những người làm việc trong cùng lĩnh vực, đặc biệt là ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Có thể thấy, tư duy sáng tạo của con người được hình thành từ rất sớm. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em đã có sự tìm hiểu, khám phá cá nhân về thế giới xung quanh và tự hình thành thế giới tư duy của cá nhân mình. “Bernadette Duffy, tác giả cuốn sách Supporting Creativity and Imagination in the Early Years xuất bản bởi Đại học Oxford, đã nhấn mạnh về sự phát triển tư duy sáng tạo của trẻ như là nền tảng cho trí thông minh, đồng thời giúp trẻ có khả năng thích nghi dễ dàng với những thay đổi trong cuộc sống” (1). Tuy nhiên, tư duy sáng tạo của trẻ lúc này đến một cách tự phát, theo cảm xúc. Vì vậy, cần sự khuyến khích, dẫn dắt, định hướng của cha mẹ, nhà trường và toàn xã hội. Việc đào tạo, bồi dưỡng tài năng không chỉ là trau dồi, rèn luyện kiến thức, kỹ năng chuyên môn mà còn cần nuôi dưỡng, bồi đắp, phát huy sự sáng tạo của mỗi cá nhân trong mọi môi trường, hoàn cảnh.
Hiện nay, bên cạnh các giá trị truyền thống, “sáng tạo” được xem là giá trị mới trong nhà trường. Cuốn Văn hóa công nghiệp, lý luận và thực tiễn cũng nhận định “Đa số người trẻ tuổi hiện nay có ý thức về bản ngã và cá tính, về quyền năng và quyền lợi của bản thân, từ đó có khát vọng được thể hiện, tự khẳng định mình” (2). Hay theo nghiên cứu trong đề tài khoa học cấp Bộ Nghiên cứu xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ sở đào tạo giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, có 61,5% các bạn sinh viên các trường đại học và cao đẳng ngành văn hóa nghệ thuật, khi được hỏi, đã chọn “sáng tạo” là giá trị mới trong nhà trường (3). Một nghiên cứu khảo sát của nhóm tác giả với 50 bạn học sinh Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam và chuyên Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho thấy: 100% các bạn chọn giá trị văn hóa mới của nhà trường, đều lựa chọn giá trị “sáng tạo” (4). Có thể thấy, với các bạn học sinh trường chuyên - đối tượng đang được đào tạo trở thành những tài năng tương lai của đất nước, “sự sáng tạo” có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Có nhiều ý kiến cho rằng, để phát huy năng lực sáng tạo cần gạt bỏ những giá trị truyền thống lâu nay trong nhà trường như: tôn sư trọng đạo, hiếu học…. Tuy nhiên, qua kết quả nghiên cứu từ nhiều đề tài cũng như qua khảo sát trực tiếp của nhóm tác giả từ các bạn học sinh Trường Hà Nội - Amsterdam và chuyên Ngoại ngữ, có thể thấy, các giá trị truyền thống vấn được các bạn đề cao (70% lựa chọn) (5).
2. Vai trò của gia đình, nhà trường trong việc giáo dục và phát huy năng lực sáng tạo
Gia đình
Gia đình là môi trường đầu tiên, gần gũi nhất mà trẻ em được tiếp xúc. Vì vậy, đây cũng là môi trường đầu tiên hình thành và phát triển tư duy sáng tạo của trẻ em. Yếu tố năng khiếu thường được di truyền trong gia đình, đặc biệt là năng khiếu về nghệ thuật. Cha mẹ và các anh chị em trong gia đình là tấm gương cho con cái bằng cách thể hiện sự đam mê và sáng tạo thông qua các hoạt động của chính mình. Đây là môi trường tốt, để từ nền tảng là năng khiếu, trẻ được bồi đắp thêm năng lực và tư duy sáng tạo. Môi trường gia đình tạo điều kiện cho trẻ cùng tham gia trải nghiệm các hoạt động sáng tạo, khuyến khích trẻ tự thể hiện tư duy, năng lực sáng tạo. Môi trường gia đình là môi trường thân thiện và gần gũi nhất để thanh thiếu niên có thể tự do, mạnh dạn trình bày ý tưởng sáng tạo của bản thân. Vì thế gia đình có thể tạo điều kiện cho sự sáng tạo bằng cách khuyến khích con cái thử nghiệm và tìm kiếm các cách tiếp cận mới, không giới hạn bởi những quy tắc cứng nhắc.
Nhà trường
Theo John Dewey, “Nhà trường không có bất kì mục đích hoặc mục tiêu nào ngoài sự suy tưởng về sự tham gia vào đời sống xã hội” (6). Giáo dục nhà trường cũng được coi là quan trọng nhất trong việc định hướng, hình thành nhân cách của mỗi cá nhân.
Mục tiêu của nhà trường không chỉ giáo dục - đào tạo con người có năng lực tuân thủ mà chủ yếu là những con người có năng lực thích ứng và sáng tạo (7).
Vì vậy, với xu thế của đời sống xã hội hiện nay, vai trò của giáo dục nhà trường trong việc hình thành và phát triển tư duy sáng tạo cho thế hệ trẻ là vô cùng quan trọng. Trong sứ mệnh của nhiều nhà trường, từ khóa “sáng tạo” đã trở thành từ khóa nổi bật. Để thực hiện sứ mệnh này, vai trò của nhà trường thể hiện ở việc xây dựng, thiết kế chương trình đào tạo nhằm hình thành và phát triển tư duy sáng tạo của người học. Ở đó, thầy cô đóng vai trò dẫn dắt, gợi mở để học sinh chủ động, sáng tạo tiếp nhận tri thức và sử dụng tri thức để sáng tạo nên những ý tưởng của bản thân.
Vai trò của nhà trường còn thể hiện ở việc xây dựng môi trường sáng tạo văn hóa cho học sinh, sinh viên thông qua các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Ngày nay, khi vai trò chủ thể của học sinh, sinh viên trong các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa ngày càng được đề cao, thì các hoạt động này cũng ngày càng trở nên phong phú, đa dạng. Quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường đã tạo môi trường thuận lợi kích thích tiềm năng sáng tạo, phát huy tính chủ động, tích cực của con người, đặc biệt là các bạn trẻ. Sự giao lưu, hội nhập về văn hóa cũng đem đến những cách nhìn, tư duy mới mẻ về các hoạt động sáng tạo văn hóa trong nhà trường. Đặc biệt, các trường chuyên (trường đào tạo tài năng), lại là các trường có hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa đa dạng, phong phú và sôi nổi hơn, so với các trường khác. (Ví dụ như: Ngày hội anh tài của Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam) Điều này cho thấy, năng lực sáng tạo của các tài năng luôn tiềm ẩn và có nhu cầu được phát huy mạnh mẽ, không chỉ trong học tập mà còn trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật, hoạt động xã hội. Việc tạo môi trường thuận lợi cho các em phát huy được năng lực sáng tạo trong hoạt động ngoại khóa, sẽ góp phần thúc đẩy đam mê sáng tạo trong học tập, cũng như phát hiện và bồi dưỡng các tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Xã hội
Giáo dục không chỉ là nhiệm vụ của riêng gia đình và nhà trường mà còn là nhiệm vụ của toàn xã hội. Càng ngày các thiết chế văn hóa, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp… càng tham gia tích cực vào hoạt động giáo dục đào tạo.
Các thiết chế văn hóa như bảo tàng, nhà hát, nhà văn hóa thanh thiếu niên… là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Đây là môi trường thuận lợi để thanh thiếu niên trải nghiệm và thể hiện năng lực cảm thụ, sáng tạo văn hóa nghệ thuật.
Những năm gần đây, sự phát triển của các không gian văn hóa sáng tạo càng cho thấy nhu cầu được thể hiện sự sáng tạo, giao lưu, trao đổi, thúc đẩy sự sáng tạo trong giới trẻ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Rosen Elisabeth, khi nghiên cứu không gian sáng tạo Zone 9 ở Việt Nam, đã có nhận định, con người đô thị, đặc biệt là giới trẻ dường như đang vô cùng hứng thú với một phong cách sống mới, nơi có thể được tự do sáng tạo (8).
Bên cạnh đó, còn phải kể đến sự tham gia, đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, xã hội, các doanh nghiệp, đơn vị tài trợ trong các hoạt động giáo dục, phát triển dư duy sáng tạo. Hoạt động của các đơn vị, tổ chức xã hội của Việt Nam và quốc tế tập trung vào việc tổ chức, hỗ trợ tổ chức các khóa học ngoại khóa về giáo dục sáng tạo, tổ chức các sự kiện giao lưu, trao đổi nhằm phát huy năng lực sáng tạo, cấp học bổng hỗ trợ các sáng kiến, sáng tạo của thanh thiếu niên.
Đóng vai trò quản lý, điều phối các hoạt động xã hội, không thể không nhắc đến vai trò của chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý trong lĩnh vực sáng tạo. Họ là cầu nối, là nơi tạo điều kiện để cho các hoạt động sáng tạo có cơ hội phát triển. Trong thời gian qua, kể từ khi được ra nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực đáng được ghi nhận khi làm tốt vai trò dẫn dắt, tổ chức, kết nối các hoạt động sáng tạo trong cộng đồng.
3. Giải pháp phát huy năng lực sáng tạo trong đào tạo, bồi dưỡng tài năng
Để phát huy năng lực sáng tạo trong đào tạo tài năng, cần chú trọng thực hiện đồng thời nhiều giải pháp.
Đổi mới tư duy giáo dục
Đổi mới trong giáo dục đào tạo bắt đầu bằng đổi mới tư duy, quan điểm giáo dục. Khi giá trị “sáng tạo” đã trở thành giá trị văn hóa nổi trội của giáo dục thì mọi mục tiêu, quan điểm và phương pháp giáo dục đều phải hướng đến việc phát huy giá trị đó. Hiện nay, các nhà trường đã có quan điểm cởi mở hơn trong việc phát huy năng lực sáng tạo của người học. Tuy nhiên, với cách sắp xếp chương trình đào tạo, thi cử, đánh giá năng lực vẫn còn nặng về kiến thức sách vở, nặng về điểm số thì tư duy sáng tạo còn chưa có cơ hội phát triển. Căn bệnh thành tích vốn là “căn bệnh trầm kha” của ngành Giáo dục cũng khiến cho cả giáo viên và học sinh đều không dám thoát ra khỏi lối mòn của các đáp án có sẵn. Tư duy sáng tạo, vì thế cũng dần bị thui chột. Điều này thể hiện rất rõ trong đào tạo tài năng ở các trường phổ thông chuyên, trường năng khiếu. Nhà trường tập trung vào việc truyền đạt kiến thức, rèn luyện các kỹ năng cần thiết để học sinh có thể tham gia các giải quốc tế, đạt được các thành tích nổi bật. Tuy nhiên, nhiều khi cách giảng dạy này lại tạo áp lực thành tích và đánh mất đi năng lực và cảm hứng sáng tạo của học sinh.
Mặc dù, từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến các cơ sở đào tạo từ cấp phổ thông đến cấp đại học đã nhìn nhận được vấn đề này, có mong muốn thay đổi từ trong tư duy, tuy nhiên, thực tế cần sự thay đổi tư duy không chỉ của các nhà giáo dục mà của cả mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.
Xây dựng chương trình giáo dục chính khóa và ngoại khóa hướng đến phát triển tư duy sáng tạo
Việc thay đổi tư duy trong giáo dục được thể hiện cụ thể thông qua việc triển khai các chương trình giáo dục. Đối với các nhà trường, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã là bước tiến mới nhằm phát huy hơn nữa năng lực sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên, nhiều môn học vẫn còn nặng về truyền đạt kiến thức chuyên sâu, thiếu tính ứng dụng, sáng tạo trong cuộc sống. Đặc biệt, với các chương trình đào tạo tài năng, cần chú trọng hơn nữa việc xây dựng chương trình, nhằm hướng đến phát huy tính sáng tạo nổi trội của người học, tạo cơ hội cho các tài năng được thể hiện cái tôi, thể hiện sự sáng tạo của bản thân, hướng đến vận dụng kiến thức vào cuộc sống.
Các môn học ngoại khoá đã được nhà trường chú trọng hơn. Tuy nhiên, khi mà áp lực từ các môn học chính khoá còn quá nhiều, áp lực của điểm số còn quá nặng nề, thì học sinh cũng không có nhiều thời gian để tham gia các môn học ngoại khóa.
Các chương trình giáo dục ngoại khóa do các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, đơn vị văn hóa nghệ thuật công lập và tư nhân tổ chức bên ngoài nhà trường cũng cần được đẩy mạnh cả về số lượng và chất lượng. Các hoạt động này cần triển khai đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung và linh hoạt về phương thức tổ chức.
Nâng cao kỹ năng sư phạm, phương pháp giảng dạy
Dưới tác động của đời sống xã hội, của cách mạng 4.0, đội ngũ giáo viên cũng đã có nhiều thay đổi tích cực trong tư duy giảng dạy. Triết lý giáo dục nhà trường phổ thông lấy mối quan hệ thầy trò làm trung tâm. Giáo viên không chỉ giảng dạy một chiều mà ngày càng quan tâm đến học sinh, tìm kiếm sự tương tác của học sinh trong giờ học, từ đó đề cao cái tôi, tư duy sáng tạo của học sinh.
Tuy nhiên, trong thực tế, không phải giáo viên nào cũng vận dụng được đúng đắn quan điểm này. Điều này đến từ tư duy giảng dạy theo lối mòn của giáo viên, áp lực việc phải truyền đạt hết lượng kiến thức theo kế hoạch, tư duy thành tích, áp đặt… Bên cạnh đó, mặc dù số lượng học sinh của các lớp đào tạo tài năng đã ít so với các lớp đại trà, cũng khiến cho giáo viên không thể quan tâm hết tất cả các em, từ đó không phát huy được đồng đều khả năng tư duy, sáng tạo của từng học sinh.
Có thể nói, trong thời đại hiện nay, nghề giáo viên là công việc vô cùng khó khăn và phức tạp. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý giáo dục phải có chiến lược đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên giáo viên. Quá trình đào tạo, bồi dưỡng không chỉ trên kiến thức sách vở mà cần các chương trình thực hành, tương tác, trao đổi ở các quy mô khác nhau, từ cấp trường, đến cấp thành phố, và cả những giao lưu, trao đổi quốc tế.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, học liệu cho các môn học phát triển tư duy sáng tạo
Các chương trình đào tạo tài năng đòi hỏi nhiều phương tiện hỗ trợ học tập nhằm phát huy tối đa năng lực và tư duy sáng tạo của người học. Bộ Giáo dục và Đào tạo và các nhà trường cần có chiến lược dài hạn trong việc đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo tài năng.
Bên cạnh đó, các trường cũng cần tăng cường đầu tư tài chính cho các hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật trong nhà trường như các hội diễn văn nghệ, các cuộc thi tài năng, các câu lạc bộ… Đây là nơi các em học sinh được chủ động phát huy sự sáng tạo của bản thân, góp phần xây dựng môi trường học tập lành mạnh, tích cực và làm nên thương hiệu thu hút của nhà trường.
Chính quyền địa phương cũng cần tăng ngân sách đầu tư cơ sở vật chất cho các thiết chế văn hóa, các không gian sáng tạo cũng như tăng kinh phí cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra ở địa phương. Đây cũng là biện pháp hỗ trợ phát triển năng lực sáng tạo của học sinh, bên ngoài nhà trường. Đối với các tài năng trẻ, nhất là các tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, các em cần các môi trường bên ngoài nhà trường để thể hiện, phát huy khả năng sáng tạo của mình.
Tạo dựng nhiều sân chơi phát huy khả năng sáng tạo
Trong những năm gần đây, việc tổ chức các sân chơi nhằm phát huy năng lực sáng tạo của thanh thiếu niên đã trở nên ngày càng đa dạng và hấp dẫn, đáp ứng tốt nhu cầu của thế hệ trẻ. Các hoạt động này không chỉ tạo môi trường thực tiễn để học sinh, sinh viên thử thách bản thân mà còn là cơ hội để phát hiện những tiềm năng sáng tạo nổi bật. Hàng loạt cuộc thi như: “Sáng tạo cùng CodeKitten”, “Cuộc thi khoa học kỹ thuật” do Bộ GDĐT tổ chức, hay các cuộc thi quốc tế như “Hà Nội là…”, “Tuần lễ thiết kế sáng tạo” đã chứng minh sức hút mạnh mẽ với đông đảo các bạn trẻ tham gia, đóng góp nhiều sản phẩm chất lượng cao và ý tưởng đột phá.
Những kết quả đạt được từ các cuộc thi này cho thấy tiềm năng sáng tạo của thế hệ trẻ Việt Nam rất lớn, chỉ cần có môi trường phù hợp để phát huy. Các sân chơi sáng tạo không chỉ dừng lại ở việc tạo cơ hội thể hiện năng lực cá nhân mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng những tài năng xuất sắc cho tương lai. Điều đó đặt ra yêu cầu phải tiếp tục mở rộng các sân chơi này không chỉ trong hệ thống giáo dục mà còn tại các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng, từ đó kích thích sự phát triển tư duy sáng tạo ở mọi lĩnh vực. Việc nghiên cứu và triển khai thêm nhiều sân chơi như vậy sẽ góp phần nâng cao năng lực sáng tạo của thế hệ trẻ, đồng thời tạo ra một nguồn lực tài năng mới, phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.
Kết luận
Việc phát huy năng lực sáng tạo trong đào tạo và bồi dưỡng tài năng ở Việt Nam hiện nay không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là chìa khóa để đất nước vươn mình trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. Chính vì thế, đào tạo tài năng luôn là nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Đã có nhiều đề án, chương trình được xây dựng, đưa vào thực hiện nhằm đẩy mạnh hơn nữa chất lượng đào tạo tài năng. Đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 1341/QĐ-Ttg ngày 8/7/2016 phê duyệt Đề án Đào tạo tài năng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016- 2025, tầm nhìn 2030. Tuy nhiên, để các chương trình, đề án đạt được hiệu quả, thiết nghĩ, cần sự đổi mới tư duy, đổi mới phương thức giáo dục của cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội; cần xây dựng một hệ thống giáo dục linh hoạt, khuyến khích tư duy đổi mới, đồng thời tạo điều kiện để những tài năng trẻ được phát triển toàn diện; cần kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, cùng với môi trường giáo dục mở, sáng tạo và đa dạng. Có như vậy, năng lực sáng tạo của các tài năng trẻ mới được phát hiện, nuôi dưỡng và phát triển, góp phần tạo nên những cá nhân xuất sắc, có đóng góp nổi bật trong các lĩnh vực kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội của đất nước.
1. Hạ Thiên, Giáo dục sáng tạo: chìa khóa tương lai, vietnamnet.vn, 3-1-2020.
2. Đào Thị Oanh (chủ biên), Văn hóa công nghiệp, Lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, 2015.
3. Nghiên cứu xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ sở đào tạo giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, Đề tài cấp Bộ, Bộ VHTTDL, 2023.
4, 5. Khảo sát thực hiện tháng 9-2024.
6. Chambault R., John Dewey về giáo dục, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2012, tr.459.
7. Vai trò của nhà trường trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người Việt Nam, Đề tài KX07-08, Hà Nội, 1995.
8. Rosen Elisabeth, Vietnam Comes of Age (Việt Nam đã đến lúc trưởng thành), The Diplomat, 2013.
Tài liệu tham khảo
1. Đặng Quốc Bảo, Phạm Minh Giản. Phạm Minh Xuân, Đặng Thị Thu Liễu, Một số góc nhìn về triết lý giáo dục, Nxb Thông tin và truyền thông, Hà Nội, 2019.
2. Phạm Viết Vượng, Giáo dục học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2017.
Tham luận tại Hội thảo “Tài năng trẻ - nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức ngày 12-11-2024.
TS. MAI THỊ THÙY HƯƠNG - NGÔ NGUYỄN THIÊN AN
Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - Trường PTTH Hà Nội - Amsterdam