Tóm tắt: Bài viết nhận diện tài năng trẻ nói chung và tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật nói riêng, từ đó định vị tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Tác giả đã đưa ra giải pháp phát huy nguồn lực tài năng trẻ trong sáng tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật. Đây là bài tham luận tại Hội thảo “Tài năng trẻ - Nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức tháng 11-2024.
Từ khóa: tài năng trẻ, văn hóa nghệ thuật, nhận diện, định vị.
Abstract: The article aims to identify young talents in general and young talents in culture and art in particular, thereby positioning young talents in the field of culture and art. The author has proposed solutions to exploit the potential of young talents in creating and developing culture and art. The article was presented at the Conference “Young talent - A creative resource for cultural and artistic development” organized by the Culture and Arts Magazine in November 2024.
Keywords: young talent, art and culture, identify, position.
1. Mở đầu
Việc đặc định chủ đề tài năng trẻ như là nguồn lực sáng tạo và phát triển các lĩnh vực quan trọng của đất nước, mà ở Hội thảo này, đó là lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, là vấn đề không mới, đồng thời cũng là vấn đề không dễ. Nói là không mới, bởi trước, nay, đã có không ít sách, báo, công trình nghiên cứu, tài liệu, hội thảo, tọa đàm ở nhiều lĩnh vực, trong đó, tất nhiên, có lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đề cập khi nông, khi sâu, khi bao quát, khi cụ thể, về chủ đề rất gây chú ý này. Nói là không dễ, bởi, dù được chú ý nhiều như đã đề cập, song, đến giờ phút này, và chắc chắn, còn kéo dài hơn nữa, việc tìm hiểu, nhìn nhận, đánh giá về chủ đề này vẫn chưa thể có được những đồng nhất cơ bản, vẫn luôn xuất hiện những khía cạnh mới, những phương diện mới cần được bàn thảo cho thấu đáo hơn, cả về phương diện lý thuyết lẫn phương diện thực tế. Càng không dễ, bởi chúng ta đang bàn tới một chủ đề mà những yếu tố tạo nên nó hàm chứa khả năng định tính cao hơn định lượng, đúng hơn, hết sức khó định lượng, như chủ đề Hội thảo này.
Trong nhiều giai đoạn phát triển đất nước, vấn đề nguồn nhân lực trẻ, và tinh túy của nó, tài năng trẻ, trong sáng tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật là một chủ đề trường cửu, hấp dẫn. Tôi rất tán đồng mục tiêu của hoạt động khoa học này khi Ban Tổ chức khẳng định: “Hội thảo sẽ đánh giá, phân tích vai trò, thực trạng của tài năng trẻ hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống, sáng tạo văn hóa, nghệ thuật đương đại, giúp các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, cũng như chính quyền địa phương, những người thực hành văn hóa, nghệ thuật nhận diện rõ hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa của nguồn nhân lực trẻ trong sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, từ đó đề xuất các giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả nguồn lực tài năng trẻ trong việc hoàn thành các mục tiêu Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”.
Và để góp chung vào việc nhìn nhận, đánh giá chủ đề này, chúng tôi xin nêu ra, và hơi thiên về dẫn liệu, một vài ý kiến mang tính khái quát quanh chủ đề tài năng trẻ với tư cách là nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật. Đó là: Nhận diện tài năng trẻ nói chung và tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật; Định vị tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; Giải pháp phát huy nguồn lực tài năng trẻ trong sáng tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật.
2. Nhận diện tài năng trẻ
Việc nhận diện tài năng trẻ trong phát triển đất nước nói chung, trong phát triển lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói riêng, là vấn đề mấu chốt trong việc nhìn nhận và đánh giá nguồn nhân lực này như một động lực phát triển. Việc nhận diện tài năng trẻ, thực chất, là nhìn nhận, tìm hiểu để nhận ra đối tượng mà chúng ta cần tìm, ở đây là tài năng trẻ nói chung cũng như tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói riêng. Ngắn gọn lại, việc nhận diện tài năng trẻ, một cách khái quát nhất, trả lời câu hỏi: thế nào là tài năng trẻ; và cụ thể hơn, ở chủ đề của Hội thảo, thế nào là tài năng trẻ trong sáng tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật. Muốn vậy, cần lý giải sơ quát mấy yếu tố: tài năng, trẻ, tiêu chí nhận diện tài năng trẻ nói chung, tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật nói riêng.
Tài năng là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong đời sống xã hội, trong chính sách, pháp luật cũng như trong thực tiễn phát triển văn hóa nghệ thuật từ xưa đế nay. Bên cạnh thuật ngữ này, cũng tồn tại không ít thuật ngữ khác gần cùng nội hàm, như khả năng, năng lực, năng khiếu, hiền tài, thiên tài, thần đồng... mà sự khả dụng tùy vào từng lĩnh vực và từng ngữ cảnh. Trong bối cảnh phát triển nhanh, mạnh và mang tính nhảy vọt của các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực khoa học công nghệ và văn hóa nghệ thuật, hiện nay, khái niệm tài năng, và tài năng trẻ, được sử dụng với tần suất cao, ít nhiều thể hiện sự kỳ vọng nào đó về sự đột biến của nguồn nhân lực chất lượng cao trong xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, cho đến nay, cả trong lý thuyết lẫn trong thực tiễn, nội hàm của khái niệm tài năng chưa được quan niệm thống nhất. Có tác giả cho rằng: “Tài năng hoặc thiên tài là đặc tính trội có lợi của một cá thể trong cộng đồng, có mầm mống từ một chương trình di truyền xác định, đòi hỏi những điều kiện sinh học - xã hội thuận lợi để xác lập từng bước và chỉ được thể hiện một cách đầy đủ hoàn toàn trong một vị thế xã hội tối ưu nào đó” (1). Một tác giả khác khẳng định: “Kết quả nghiên cứu cho thấy tiếp cận phổ biến hiện nay là theo đối tượng của tài năng, theo đó tài năng là đặc điểm nổi trội về năng lực của cá nhân gắn với khả năng bẩm sinh, kết hợp với sự rèn luyện để phát huy khả năng bẩm sinh đó trong một hoặc một số lĩnh vực, hoạt động nhất định” (2)... Bên cạnh đó, tất nhiên, còn có nhiều cách hiểu và định nghĩa khác nhau về tài năng, tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều lĩnh vực, nhiều góc độ nhìn nhận khác nhau. Tuy nhiên, khi nhắc đến thuật ngữ tài năng, dù là trong nghiên cứu hay trong thực tiễn, đa số ý kiến đều thống nhất với cách hiểu: tài năng là khái niệm dùng để chỉ năng lực xuất sắc, trình độ, phẩm chất, trình độ sáng tạo vượt trội, đôi khi là đặc biệt, của một cá nhân trong một công việc, một lĩnh vực, một ngành nghề... cụ thể nào đó.
Vậy, thế nào là trẻ, và thế nào là tài năng trẻ? Câu hỏi tưởng chừng dễ mà khó trả lời. Để định lượng, có người cho rằng trẻ là ít tuổi đời; có người nói trẻ là ít tuổi nghề... Ngược lại, để định tính, có người mạnh dạn cho rằng trẻ không hẳn là ít tuổi đời hay tuổi nghề mà là ít hay nhiều mơ ước, sự khát vọng, sự cống hiến... Tuy nhiên, trong hiện trạng khó thống nhất về định nghĩa, chúng tôi cho rằng, vẫn cần thiết định lượng thuật ngữ này một cách phù hợp. “Thuật ngữ trẻ được dùng với những ý nghĩa khác nhau, trong đó có ý nghĩa nói trẻ về tuổi đời và trẻ về tuổi nghề. Tuổi nghề xác định thời gian tích lũy kinh nghiệm làm việc; tuổi đời, theo Điều 1 Luật Thanh niên năm 2020 quy định “thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi”, như vậy trẻ được hiểu là thanh niên, với tuổi đời giới hạn phổ biến từ 16 đến 30 tuổi (trừ một số trường hợp đặc biệt)” (3). Nếu chúng ta thống nhất với định nghĩa tài năng và giới hạn định lượng thuật ngữ trẻ đã nêu ở trên, thì có thể đồng thuận rằng, nội hàm khái niệm tài năng trẻ, về cơ bản, cũng được hiểu tương tự như tài năng. Chỉ khác, đó là những tài năng ở độ tuổi nghề, tuổi đời... còn trẻ. Như thế, có thể định nghĩa: tài năng trẻ là khái niệm dùng để chỉ năng lực xuất sắc, trình độ, phẩm chất, trình độ sáng tạo vượt trội, đôi khi là đặc biệt, của một cá nhân trẻ trong một công việc, một lĩnh vực, một ngành nghề... cụ thể nào đó. Trên thực tiễn, chúng ta có thể hình dung, tài năng trẻ là những tài năng với tuổi đời giới hạn phổ biến từ 16 đến 30 tuổi. Và, tất nhiên, trong bất cứ hoàn cảnh xã hội nào, xưa cũng như nay, có một số trường hợp đặc biệt mà độ tuổi giới hạn của tài năng trẻ lùi dưới 16 tuổi và vượt trên 30 tuổi.
Điều gì có thể giúp chúng ta tìm ra tài năng trẻ, hay tiêu chí nhận diện tài năng trẻ là những gì? Khi đề cập tới vấn đề tài năng, có tác giả cho rằng: “Tuy quan niệm còn khác nhau, nhưng khi bàn đến tài năng cần chú trọng một số nội dung như: năng lực nổi trội, đặc biệt của cá nhân (ngoài năng lực, yếu tố bẩm sinh còn có độ tuổi, giới tính…); khát vọng, sự rèn luyện để phát triển bản thân, năng lực nội trội, đặc biệt của mỗi cá nhân; giới hạn quan niệm tài năng với lĩnh vực, phạm vi hoạt động của tổ chức; vai trò bà đỡ của tổ chức đối với sự phát triển tài năng” (4). Chúng tôi cho rằng đây cũng là những nội dung quan trọng để hình thành các tiêu chí nhận diện tài năng trẻ. Tác giả nêu trên đã đưa ra một số tiêu chí nhận diện tài năng trẻ như sau: độ tuổi, giới tính, dân tộc; bản lĩnh cá nhân; năng lực cá nhân nổi trội, đặc biệt; niềm tin, khát vọng cống hiến cho sự phát triển cộng đồng, xã hội; kết quả thực hiện công việc; mức độ tích lũy kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để phát triển năng lực (5). Một tác giả khác lại chú ý vấn đề tài năng trẻ qua sự bộc lộ các năng khiếu: năng khiếu sáng tạo; năng khiếu lãnh đạo; năng khiếu vận động; năng khiếu nghệ thuật (6). Tác giả này cũng cho rằng tài năng và tài năng trẻ được phân ra theo khả năng đáp ứng công việc, khả năng nhận thức sự việc và cả khả năng xử lý mọi tình huống vấn đề được đặt ra bất chợt thông qua giao tiếp, xử lý về kỹ thuật số, biến đổi không gian, biến động thể chất, nhận diện cảm xúc (7)... Song, xét cho cùng, cần nhấn mạnh rằng: “Tài năng là khả năng lao động sáng tạo. Sức sáng tạo của tài năng được thể hiện ở những sản phẩm sáng tạo. Đây là tiêu chí trung tâm, hạt nhân để nhận diện tài năng. Xem xét tiêu chí xã hội, tài năng được đánh giá ở thành tích xuất sắc và cống hiến lớn lao cho sự phát triển xã hội. Bằng sức sáng tạo của mình, tài năng đem lại cho xã hội một chất lượng mới của sự phát triển. Vì vậy, tài năng là nhóm ưu tú, tinh hoa của một xã hội, một dân tộc, một thời đại. Tài năng được xã hội tôn vinh, thừa nhận. Tài năng trở thành niềm tự hào, vinh dự của mỗi quốc gia” (8). Tài năng trẻ cũng vậy, họ càng là lực lượng ưu tú, tinh hoa của một tổ chức, một cộng đồng, một xã hội, một dân tộc, một thời đại.
Nói đến vấn đề tài năng trẻ ở nước ta, không thể không đề cập đến tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, một lĩnh vực quan trọng, linh hoạt và nhạy cảm. Và, để có thể đề cập một cách tương đối chuẩn xác về nhóm đối tượng này, rất cần một thao tác nghiên cứu chuyên sâu, vừa định tính, vừa định lượng. Ở đây, chúng tôi chỉ khái quát vài nét cơ bản về đối tượng tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật trên bình diện chung thông qua việc định vị, tức xác định, vị thế, vai trò và thực trạng của nguồn nhân lực này.
3. Định vị tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật
Vị thế của tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật trong xây dựng nền văn hóa nghệ thuật, trong phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc là hết sức quan trọng và to lớn. Qua nhiều giai đoạn phát triển, có thể thấy, đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ, trong đó có những tài năng trẻ, là thế hệ kế cận, có khả năng phát huy vị thế xung kích, vai trò tiên phong, nêu gương và lan tỏa các giá trị văn hóa nghệ thuật tới các thế hệ trẻ ở các lĩnh vực khác trong xã hội. Từ vị thế này, một nhu cầu, một sứ mệnh, một trọng trách lịch sử đang đặt ra cho mỗi người trẻ nói chung và từng cá nhân tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật nói riêng, đó là: tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, năng động sáng tạo các giá trị cao của các loại hình văn hóa nghệ thuật, tạo nên chất lượng, chiều sâu và vị thế cao của nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam giàu bản sắc.
Vai trò của tài năng trẻ trong sáng tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật luôn là một vấn đề nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Trước, nay, tài năng trẻ đã đóng nhiều vai trò trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trong phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật và đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Điển hình là vai trò tiên phong của nguồn nhân lực trẻ trong việc tiếp thụ, đánh giá, sáng tạo các xu hướng, các giá trị văn hóa nghệ thuật mới. “Vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trẻ có thể được xem xét dưới một số góc độ sau. Một là, đây là lực lượng kế cận, nối tiếp truyền thống cách mạng của thế hệ văn nghệ sĩ trong giai đoạn trước đây; là lớp hạt nhân văn hóa mới giúp chuyển tải, lan tỏa sâu rộng mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới đông đảo quần chúng nhân dân... Chất lượng và chiều sâu của nền văn hóa nghệ thuật nước nhà trong tương lai sẽ đặt trên vai các thế hệ văn nghệ sĩ trẻ. Hai là, họ có khả năng sáng tạo tri thức và tiếp cận nhanh công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu văn hóa của thời đại mới, phục vụ nhu cầu thị hiếu của công chúng trong giai đoạn mới; giúp phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam lên tầm cao mới, hội nhập nhanh chóng với xu thế phát triển của khu vực và thế giới. Ba là, đây là lực lượng tiên phong, xung kích trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa” (9). Tuy nhiên, trong bối cảnh mới của sự phát triển đất nước, chúng tôi cho rằng, tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật rất cần tập trung thể hiện được vai trò dẫn đầu trong sự nghiệp phát triển nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam khoa học, hiện đại, nhân văn; trong việc phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật đa dạng và phong phú, trong việc thực thi các chương trình quốc gia, các dự án, đề án lớn về phát triển văn hóa nghệ thuật hiện tại và tương lai.
Thực trạng nguồn lực tài năng trẻ trong sáng tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật hiện nay là một bức tranh nhiều màu sắc, không dễ thẩm định và đánh giá. Ở bức tranh chung ấy, chúng ta có thể thấy được những yếu tố tích cực cũng như những yếu tố tiêu cực đang bộc lộ một cách tương đối rõ nét trên bình diện chung.
Việc thu hút và sử dụng nguồn tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật đã được chú trọng. Những năm qua, sự nghiệp xây dựng và phát tiển văn hóa nghệ thuật luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, thể hiện qua việc ban hành nhiều quyết sách quan trọng, huy động tối đa nguồn nhân lực, tài lực của toàn xã hội để đẩy nhanh sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đảng ta khẳng định: “Nâng cao chất lượng các trường đào tạo văn học, nghệ thuật; hoàn thiện chương trình, nội dung, giáo trình… rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ chính sách đối với công tác đào tạo… Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài các năng khiếu, tài năng văn học, nghệ thuật” (10). Luật Thanh niên (2020) dành riêng Điều 24 quy định chính sách đối với thanh niên có tài năng: “1. Nhà nước có chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đối với thanh niên có tài năng. 2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện chính sách đối với thanh niên có tài năng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình” (11). Như vậy, việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đối với những người trẻ có năng khiếu, có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực hoạt động đã thực sự trở thành một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, việc ban hành các chiến lược phát triển văn hóa, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cùng với các đề án đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đã thể hiện quyết tâm, nỗ lực lớn của Đảng và Nhà nước trong việc đẩy mạnh sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực trẻ, động lực cho sự phát triển nền văn hóa nghệ thuật dân tộc... “Phát hiện, đào tạo học sinh, sinh viên có năng khiếu vượt trội... phát triển tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật có trình độ chuyên môn sâu, có đức, có tài, có khả năng sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa nghệ thuật chất lượng cao mang tầm quốc gia và quốc tế; trở thành lực lượng văn nghệ sĩ nòng cốt, chủ đạo trong hoạt động văn hóa nghệ thuật của đất nước đã trở thành chủ trương, đường lối xuyên suốt” (12). Đó là những điều kiện thuận lợi để tăng cường công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là tài năng trẻ, tạo nên một nguồn nhân lực trẻ, làm nòng cốt và đi đầu trong việc sáng tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật ở nước ta hôm nay và tương lai.
Ở một góc nhìn khác, có thể thấy, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn hóa nghệ thuật trong những năm gần đây đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cũng như đang thể hiện sự bất cập, thiếu hụt về nhiều mặt:
Về mặt quản lý nhà nước: đang có sự thiếu hụt cơ chế, chính sách, thiếu hụt cán bộ quản lý trong việc trọng dụng tài năng trẻ phục vụ phát triển văn hóa nghệ thuật. Chúng ta còn bất cập trong cơ chế, chính sách phát hiện, phát triển và trọng dụng nhân tài. Khi tài năng chưa được quan tâm đặc biệt và có chính sách thích hợp thì rất khó phát triển.
Về mặt nguồn nhân lực: đang có sự thiếu hụt tài năng trẻ tham gia hoạt động, cống hiến trên các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. “Về tổng thể, nguồn nhân lực văn hóa vẫn còn tồn tại những điểm yếu, chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng về chuyên môn...; năng lực sáng tạo chưa theo kịp sự đổi mới sáng tạo của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới... Chúng ta vẫn thiếu các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực điện ảnh, quản lý sân khấu, lý luận phê bình, thiếu các tài năng xuất chúng, tài năng trẻ tầm cỡ thế giới trong tất cả các lĩnh vực của văn hóa nghệ thuật” (13).
Về nguồn nhân lực đào tạo: chúng ta đang bộc lộ sự thiếu hụt, thậm chí khan hiếm, nguồn tuyển sinh đầu vào tại các cơ sở đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật. “Theo thống kê của Bộ VHTTDL, hiện cả nước có 54 cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp, trong đó có 11 cơ sở đầu ngành, có uy tín, thương hiệu và đảm bảo các điều kiện để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật theo những tiêu chí, mục đích, yêu cầu mà Đề án Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đề ra. Phần lớn các cơ sở đào tạo còn lại, nhất là ở các tỉnh thành khó khăn, vùng sâu vùng xa, cơ sở hạ tầng... hệ thống các thiết chế văn hóa... còn thiếu, cũ kỹ, lạc hậu, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu dạy và học” (14).
Về sự thiếu hụt trong công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật ở nước ta hiện nay: tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật là một trong những lực lượng quan trọng góp phần làm nên diện mạo đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc. Trong những năm qua, công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng, cũng như tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật đạt được nhiều thành tựu với những nỗ lực, cố gắng của các cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, trước những tác động trái chiều từ nhân tố chủ quan lẫn khách quan, công tác đào tạo, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật đang đứng trước những cơ hội và cả những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua. “Những năm gần đây, Bộ VHTTDL đã có các đề án đào tạo, cùng với đó là những đề án liên kết cùng nước ngoài trong các chương trình đào tạo. Nhưng, năm nào cũng than thiếu chỉ tiêu. Sự thiếu hụt này bắt nguồn từ việc chúng ta chưa có chính sách đào tạo dài hơi từ trước đó. Bây giờ mới đào tạo thì muộn rồi, phải hơn 20 năm nữa chúng ta mới có thành quả” (15).
Còn khá nhiều những bất cập và thiếu hụt khác nữa trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ cũng như tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật ở nước ta hiện nay dẫn đến cản trở hoặc tạo khó khăn, thách thức lớn cho việc sáng tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật đại chúng và đỉnh cao, cần tháo gỡ bằng những giải pháp căn bản, triệt để.
4. Giải pháp phát huy nguồn lực tài năng trẻ trong sáng tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật
Trong chiến lược phát triển văn hóa nghệ thuật cũng như trong sự phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật, nguồn nhân lực cao và mạnh là một yếu tố then cốt. Vì thế, rất cần tìm giải pháp cũng như phương thức đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật từ lứa tuổi còn trẻ. Nếu không mạnh dạn đầu tư quyết liệt và đồng bộ, chỉ sau thời gian không lâu, chúng ta sẽ thiếu hụt, thậm chí mất đi nguồn nhân lực giữ gìn, phát triển văn hóa nghệ thuật cổ truyền cũng như văn hóa nghệ thuật đương đại. Về mặt giải pháp phát triển đội ngũ tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật - nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật, theo chúng tôi, có mấy khía cạnh cần chú ý sau.
Cần có cơ chế, chính sách đồng bộ, liên tục trong phát triển tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật. Về phương diện nhà nước: tăng cường đầu tư toàn diện cho văn hóa nghệ thuật. Trên nhiều phương diện hoạt động, có thể đưa ra nhiều chỉ báo minh chứng cho sự đầu tư ngày càng lớn của Nhà nước cho hoạt động văn hóa nghệ thuật và cho đời sống văn hóa toàn dân. Những năm gần đây, có thể thấy rất rõ: sự gia tăng vị thế của văn hóa nghệ thuật trong phát triển kinh tế xã hội; sự đổi mới tư duy và hoạt động văn hóa nghệ thuật một cách toàn diện, từ thể chế tới thiết chế, từ văn bản pháp quy đến chính sách thực tiễn, từ phương thức hoạt động đến đội ngũ cán bộ…; sự tăng cường đầu tư kinh phí cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm đảm bảo điều kiện tốt cho sự phát triển sự nghiệp văn hóa, hoạt động nghệ thuật, đời sống văn hóa ở cơ sở và mở ra hướng phát triển thị trường văn hóa, dịch vụ văn hóa và doanh nghiệp văn hóa... Trong đó, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, phát huy tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật đã được gắn với những cơ chế, chính sách phát triển xã hội, đặc biệt là cơ chế, chính sách phát triển văn hóa nghệ thuật. “Phát hiện năng khiếu mà không có chính sách đầu tư để năng khiếu phát triển thành tài năng thì năng khiếu sẽ tự tàn lụi. Việc đào tạo, bồi dưỡng tài năng phải tuân theo một quy trình chặt chẽ, theo một cơ chế liên tục từ thấp lên cao, kết hợp giữa bồi dưỡng kiến thức ở các trường học với rèn luyện trong thực tiễn. Phát triển tài năng trẻ... trở thành những nhà lãnh đạo, quản lý, kinh doanh giỏi, những chuyên gia xuất sắc trên mọi mặt hoạt động của xã hội... là mục tiêu rất quan trọng của sự nghiệp giáo dục đào tạo ở nước ta” (16).
Về phương diện xã hội: cần đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật góp phần tăng cường đầu tư toàn diện cho văn hóa nghệ thuật. Thực tiễn phát triển văn hóa nghệ thuật ở nhiều nước cho thấy: cùng với phương thức nhận đầu tư, tài trợ từ Nhà nước, phải có được phương thức khác nữa để tăng cường nguồn lực nhằm hoàn thành có hiệu quả mục tiêu phát triển văn hóa... Xã hội hóa văn hóa nghệ thuật là một chủ trương, đồng thời là một giải pháp, hợp lý và có hiệu quả. Đúng hơn, xã hội hóa văn hóa nghệ thuật cần trở thành một trong những vấn đề chiến lược, trọng tâm của sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật hiện nay.
Cần xây dựng một môi trường văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là môi trường văn hóa nghệ thuật số, thuận lợi cho việc phát triển tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật. Trong những năm gần đây, môi trường văn hóa ở Việt Nam nổi lên như một vấn đề bức xúc, vừa có tính cấp thiết vừa có tính lâu dài về lý luận và thực tiễn. Thực tế, môi trường văn hóa là một bộ phận quan trọng, không thể thiếu trong môi trường sống của con người. Môi trường văn hóa nghệ thuật là tổng thể ổn định những yếu tố vật thể và nhân cách, các sản phẩm văn hóa, chương trình, hành vi, thiết chế, phương tiện và cảnh quan văn hóa, loại hình nghệ thuật... mà cá nhân tiếp xúc trong suốt đời và có ảnh hưởng qua lại với cá nhân đó... Có thể thấy, không phải bất cứ giá trị vật chất, tinh thần nào cũng tham gia vào cấu thành môi trường văn hóa nghệ thuật. Chúng chỉ thực sự thuộc về môi trường văn hóa nghệ thuật khi nằm trong mối quan hệ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp với con người, với cộng đồng và xã hội loài người. Với ý nghĩa đó, môi trường văn hóa nghệ thuật là một hệ thống tổng hợp những thành tố văn hóa nghệ thuật, tác động qua lại với đời sống cá nhân và cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tinh thần, trong đó có nhu cầu văn hóa nghệ thuật của con người và thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Trong việc xây dựng nguồn nhân lực trẻ văn hóa nghệ thuật bậc cao, một trong các nhiệm vụ và giải pháp cơ bản là xây dựng môi trường văn hóa nghệ thuật, tạo điều kiện thuận lợi để đào tạo, phát triển các tài năng trẻ, “tạo môi trường thuận lợi để các tài năng trẻ có cơ hội giao lưu học hỏi, nâng cao khả năng ngoại ngữ và kiến thức chuyên môn; tăng cường các hoạt động, cơ hội giao lưu giữa học sinh, sinh viên theo học các lớp tài năng với các nghệ sĩ, chuyên gia nước ngoài thông qua các hoạt động như tọa đàm, hội thảo chuyên ngành, biểu diễn nghệ thuật, tổ chức triển lãm, trại sáng tác” (17).
Cần nâng cao vai trò của xã hội, của các tổ chức, đoàn thể trong phát triển tài năng trẻ Việt Nam. “Cùng với việc gắn tài năng với năng lực cá nhân, coi trọng sự rèn luyện của mỗi cá nhân để phát triển tài năng, khoa học quản trị nhân lực còn đề cao vai trò nâng đỡ của tổ chức đối với sự phát triển tài năng của cá nhân và đặt năng lực nổi trội của mỗi cá nhân trong phạm vi hoạt động của tổ chức thông qua đào tạo, bồi dưỡng, theo đó mỗi tổ chức đều có thể có những người tài năng” (18).
Cần đầu tư đặc biệt cho việc phát triển tài năng trẻ và tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật Việt Nam. “Phải xác định ngay từ đầu rằng, đầu tư cho tài năng văn hóa, nghệ thuật chưa bao giờ là rẻ! Tài năng phải được mạnh dạn đầu tư. Nhưng, chiến lược đầu tư đối với đội ngũ nhân lực này cần có mục tiêu, cơ chế rõ ràng trong chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng người có tài năng. Trước hết, ở khâu tuyển chọn nhân tài, phải được bắt đầu từ các trường cấp cơ sở, các nhà văn hóa cấp cơ sở. Khi lựa chọn đào tạo, phải có cơ chế chính sách đặc thù với những tài năng này” (19).
Cần xây dựng sự tự ý thức, tự bồi dưỡng, tự sáng tạo... của cá nhân các tài năng trẻ. “Mỗi tài năng trẻ phải thể hiện trách nhiệm của mình không chỉ trong phạm vi cơ quan, đơn vị, trong địa phương, lĩnh vực công tác mà còn phải thể hiện trách nhiệm với cộng đồng xã hội, với những vấn đề có tính toàn cầu trong quá trình hội nhập quốc tế” (20).
Tựu trung, để đẩy mạnh phát triển văn hóa nghệ thuật, xây dựng nguồn nhân lực cao, trong đó, tiên phong, hàng đầu là những tài năng trẻ trong thời kỳ mới, Đảng, Nhà nước, ngành VHTTDL và các đơn vị hữu quan cần hết sức chú trọng một số vấn đề sau, với ý nghĩa giải pháp:
Về chủ trương, đường lối: cần tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo phát triển văn hóa nghệ thuật, xây dựng con người trong thời kỳ mới theo hướng Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý vĩ mô, ngành Văn hóa chủ động quản lý lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong toàn xã hội và người dân thực sự làm chủ nền văn hóa nghệ thuật nước nhà. Tập trung tổng kết lý luận và thực tiễn, xây dựng và ban hành một Nghị quyết mới về phát triển văn hóa nghệ thuật, xây dựng con người trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trên cơ sở tiếp tục đổi mới quan điểm, nhận thức về văn hóa nghệ thuật và con người; coi văn hóa nghệ thuật là nền tảng, mục tiêu, động lực và hệ điều tiết; coi con người, mà tinh hoa là con người trí tuệ, con người tài năng, đặc biệt là tài năng trẻ, là chủ thể và mục tiêu của sự phát triển xã hội, phát triển văn hóa nghệ thuật.
Về thể chế, chính sách: đổi mới, bổ sung, hoàn thiện các vấn đề về thể chế, chính sách, thiết chế, tổ chức, đội ngũ, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, tạo điều kiện tốt hơn cho phát triển văn hóa nghệ thuật, xây dựng con người trong thời kỳ mới.
Về đầu tư kinh phí: tiếp tục nâng tỷ lệ ngân sách hằng năm dành cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật, xây dựng con người lên mức cao hơn hiện nay; tiếp tục đầu tư lớn để đẩy mạnh các chương trình quốc gia về phát triển văn hóa nghệ thuật, xây dựng con người, mà trung tâm là tài năng trẻ, trong thời kỳ mới; Bộ VHTTDL cần trực tiếp chủ trì những chương trình quốc gia mang đậm tính xã hội, nhân văn, liên quan rộng lớn tới văn hóa nghệ thuật, con người và xã hội.
Về phương thức hoạt động: tổng kết, đánh giá, bổ sung, hoàn thiện chính sách, cơ chế đầu tư kinh phí, nguồn nhân lực... của Nhà nước đồng thời với chính sách, cơ chế đầu tư kinh phí, nguồn nhân lực... thông qua xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật theo hướng Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng chăm lo phát triển văn hóa nghệ thuật, xây dựng con người và cùng được hưởng lợi ích từ những hoạt động xã hội hóa văn hóa nghệ thuật này; tiếp tục chú trọng thực hiện những nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ mới như: xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam, xây dựng con người trong giai đoạn mới; xây dựng môi trường văn hóa; phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa, thông tin đại chúng,văn hóa các dân tộc thiểu số, chính sách tôn giáo, tín ngưỡng, hợp tác quốc tế về văn hóa… trên tinh thần đổi mới, hội nhập, hài hòa.
Về xây dựng nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật: hình thành, thực hiện chiến lược xây dựng nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật bậc cao cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật, xây dựng con người đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; đề ra chủ chương và chương trình quốc gia dài hạn về phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ Việt Nam ở vị thế tiên phong, hàng đầu trong phát triển các lĩnh vực của đất nước; cải cách, đổi mới phương thức đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, xây dựng đội ngũ những người quản lý và hoạt động văn hóa có chất lượng cao… nhằm nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước về phát triển văn hóa nghệ thuật, xây dựng con người, đào tạo tài năng trẻ trong thời kỳ mới.
5. Kết luận
Nhìn rộng ra một chút, chúng tôi cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm của việc phát triển văn hóa nghệ thuật ở nước ta hiện nay là góp phần xây dựng con người Việt Nam nói chung, tài năng trẻ nói riêng, có phẩm chất, trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, nhân cách tốt đẹp, có bản lĩnh vững vàng ngang tầm sự nghiệp đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, văn minh. Ngược lại, việc phát hiện, bồi dưỡng, phát huy tài năng văn hóa nghệ thuật nói chung, tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật nói riêng, chính là nhằm mục tiêu tạo nguồn nhân lực bậc cao mạnh mẽ cho việc sáng tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật hôm nay và tương lai. Mấy ý kiến nêu trên cũng là để góp phần vào việc nhận thức, thực hiện và hoàn thiện mục tiêu này; mà trong đó, điều quan trọng nhất, theo chúng tôi, đã đến lúc hoạch định một Chiến lược con người trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thật toàn diện, trọng tâm là đưa việc xây dựng, chăm chút tài năng trẻ, đặc biệt là tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật, như đột phá điểm, tạo nên sự thần kỳ cho sự phát triển đất nước, phát triển văn hóa nghệ thuật trong kỷ nguyên mới.
__________________
1, 8, 16. Nguyễn Văn Thanh, Phát triển tài năng trẻ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tapchicongsan.org.vn, 31-8-2008.
2, 3, 4, 5, 18. Tạ Ngọc Hả - Lục Việt Dũng, Một số tiêu chí nhận diện cán bộ trẻ tài năng, tcnn.vn, 28-4-2023.
6, 7. Nguyễn Ánh Tuyết, Tài năng là gì? Tài năng có thực sự quan trọng cần phải bồi dưỡng, timviec365.vn, 25-5-2024.
9. Đỗ Hồng Quân, Phát huy vai trò tiên phong của văn nghệ sĩ trẻ trong xây dựng, bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng, tuyengiao.vn, 12-9-2022.
10, 12, 14. Ngô Lê Thắng, Đào tạo, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật - thời cơ và thách thức, vhnt.org.vn, 1-1-2022.
11. Luật Thanh niên, danvan.vn, 22-4-2024.
13, 15, 19. Dung Nguyễn, Thiếu hụt nhân tài và chuyện đầu tư cho văn hóa nghệ thuật, baogiaothong.vn, 22-5-2023.
17. Mạnh Hùng, Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, dangcongsan.vn, 16-7-2016.
20. Hà Thanh, Tài năng trẻ Việt Nam: Nâng tầm vị thế quốc gia, tienphong.vn, 14-12-2015.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 2-10-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 2-1-2025; Ngày duyệt đăng: 7-1-2025.
PHẠM VŨ DŨNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 593, tháng 1-2025