Giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa các tộc người Việt - Khmer - Hoa ở tỉnh Sóc Trăng: Một số vấn đề lịch sử - văn hóa

Tóm tắt: Sóc Trăng là tỉnh thành có vị trí quan trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là nơi giao lưu giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, giữa lục địa và hải đảo nên đây là nơi gặp gỡ giữa các cộng đồng người với những đặc trưng riêng biệt về văn hóa vật chất và tinh thần. Sự cộng cư của các tộc người Việt - Khmer - Hoa đã tạo nên một vùng văn hóa vừa đa dạng, vừa thống nhất, vừa mang những nét chung, vừa thể hiện những nét riêng về bản sắc văn hóa tộc người. Bài viết vận dụng phương pháp quan sát tham dự, phỏng vấn sâu, tập trung phân tích một số vấn đề lịch sử - văn hóa trong giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa các tộc người Việt - Khmer - Hoa, góp phần nhận diện mối quan hệ giữa các tộc người cộng cư ở tỉnh Sóc Trăng qua giao lưu và tiếp biến văn hóa.

Từ khóa: giao lưu văn hóa, tiếp biến văn hóa, giao lưu và tiếp biến văn hóa, tỉnh Sóc Trăng.

Abstract: Soc Trang is an important province in the Mekong Delta, where the Pacific Ocean and the ndian Ocean meet, and the mainland and the islands meet, so it is a meeting place for communities with distinct characteristics of material and spiritual culture. The coexistence of the Vietnamese - Khmer - Chinese ethnic groups here has created a cultural region that is both diverse and unified, both bearing common features and expressing unique features of ethnic cultural identity. The article applies the methods of participant observation and in-depth interviews, focused on analyzing a number of historical and cultural issues in the cultural exchange and acculturation between the Vietnamese - Khmer - Chinese ethnic groups, contributing to identifying the relationship between ethnic groups living together in Soc Trang province through cultural exchange and acculturation.

Keywords: cultural exchange, acculturation, cultural exchange and acculturation, Soc Trang province.

1. Bối cảnh giao lưu và tiếp biến văn hóa Việt - Khmer - Hoa ở tỉnh Sóc Trăng

Sóc Trăng là địa phương mang đặc trưng của vùng cư dân hỗn hợp và đa dạng, trong đó người Việt là tộc người chiếm tỷ lệ cao nhất (64,55%), tiếp đến là người Khmer (30,2%) và người Hoa (5,2%), các tộc người khác chiếm tỷ lệ không đáng kể (1). Đây là ba tộc người di cư đến ĐBSCL, có những nét đặc trưng riêng biệt về đời sống văn hóa vật chất và tinh thần, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng… Trong quá trình tiếp xúc lâu dài ở Sóc Trăng, các tộc người đã giao lưu với nhau, tạo nên bức tranh văn hóa đa tộc người với những giá trị văn hóa đan xen lẫn nhau, thể hiện mối quan hệ tương tác hữu cơ giữa các tộc người Việt - Khmer - Hoa trong quá trình cộng cư.

 Bối cảnh giao lưu và tiếp biến văn hóa ở Sóc Trăng nói riêng và ĐBSCL nói chung trước hết chịu tác động, ảnh hưởng của bối cảnh thể chế chính trị qua các thời kỳ khác nhau. Từ thời các chúa Nguyễn và triều Nguyễn, các chính sách khuyến khích cư dân người Việt nhập cư vào vùng đất Nam Bộ, ĐBSCL để khai hoang lập ấp cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các tộc người thiểu số, các tộc người di cư cùng chung sống hòa hợp đã mang đến một sự khởi đầu thuận lợi trong quan hệ hòa cư giữa các tộc người ở vùng đất này. Trải qua các thời kỳ với những biến động khác nhau về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, các chính sách về dân tộc, tộc người luôn được các chính quyền quan tâm ban hành và thực thi. Cũng có những giai đoạn quan hệ tộc người ở ĐBSCL cũng như Sóc Trăng bị ảnh hưởng, tác động bởi chính sách “chia để trị” của thực dân Pháp. “Đặc biệt, thực dân Pháp luôn tìm cách gây chia rẽ quan hệ đoàn kết giữa người Khmer với người Việt” (2); Hay Chỉ dụ Việt hóa người Hoa, cấm người Hoa hoạt động kinh doanh trong 11 ngành nghề của chính quyền Sài Gòn (3), gây tâm lý kích động thù hằn dân tộc. Nhưng nhìn chung, dù có những thăng trầm qua các thời kỳ lịch sử, các tộc người nơi đây ít nhiều luôn ý thức về tinh thần đoàn kết, gắn bó, cùng nhau xây dựng và bảo vệ thành quả kinh tế, văn hóa, xã hội qua những chặng đường lịch sử dân tộc.

Bối cảnh giao lưu và tiếp biến văn hóa ở Sóc Trăng ngoài sự tác động của thể chế chính trị còn ảnh hưởng từ hình thức cư trú xen kẽ lẫn nhau giữa các tộc người. “Hầu như không có xóm ấp nào chỉ có một dân tộc mà bên cạnh bà con Việt, còn có người Khmer, Hoa cùng sống chung” (4) trên tinh thần hòa cư gần gũi trong các sinh hoạt đời sống vật chất và tinh thần. Người Việt, người Khmer thường chọn cư trú ở các vùng đất giồng, nhà cửa trải dài ven sông rạch, các trục đường giao thông; người Hoa tập trung ở các thị trấn, thị tứ. Sự xen kẽ của các hình thức cư trú này đã tạo nên các làng xã (Việt); phum sóc (Khmer); bang, hội (Hoa) có cả người Việt, người Khmer, người Hoa cùng sinh sống. Chính điều này đã góp phần tạo nên mối quan hệ tộc người gắn bó, tương tác lẫn nhau giữa các tộc người ở Sóc Trăng, từ đó dẫn đến mối quan hệ đa chiều trong giao lưu và tiếp biến văn hóa. “Đây là một quá trình vừa nâng lên đa dạng, vừa xích gần hòa hợp với các dân tộc anh em khác là Việt, Hoa… cùng cộng cư trên vùng đồng bằng. Đây cũng là quá trình gặp gỡ, giao lưu, tiếp thu, gạn lọc, loại trừ, đổi mới những yếu tố văn hóa chung và riêng của từng dân tộc để hòa hợp và phát triển” (5). Quá trình cư trú xen kẽ lâu dài cũng dần tạo nên khả năng thích ứng và tiếp biến văn hóa linh hoạt giữa các tộc người khiến cho sự ảnh hưởng văn hóa lẫn nhau diễn ra trên nhiều bình diện, cả ở chiều kích không gian và thời gian.

Bối cảnh giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa các tộc người Việt - Khmer - Hoa ở Sóc Trăng còn bắt nguồn từ lợi ích kinh tế, phương thức sinh kế. Người Việt khi đến ĐBSCL thường tập trung phát triển cả nông, lâm, ngư, nghiệp cũng như giao thương buôn bán. Người Khmer chủ yếu sản xuất nông nghiệp, chú trọng vào cây lúa hơn là hoa màu và cây ăn trái. Người Hoa với sinh kế chủ yếu là buôn bán, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, số ít trồng hoa màu và phát triển sản phẩm từ nông nghiệp. Sự ngầm ẩn “phân chia” tương đối rõ về phương thức sinh kế bước đầu như vậy đã góp phần tạo nên mối quan hệ giữa các tộc người trên cơ sở vừa phân định, vừa liên kết về lợi ích kinh tế, góp phần hạn chế sự xung đột về sắc tộc ở vùng đất này.

Ngoài ra, giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa các tộc người Việt - Khmer - Hoa ở vùng đất Sóc Trăng còn thể hiện qua hôn nhân liên tộc người. Một nghiên cứu của tác giả Võ Công Nguyện đã khẳng định: “Quan hệ hôn nhân khác tộc đã được tuyệt đại đa số hộ gia đình các cộng đồng tộc người ở Nam Bộ đồng thuận” (6). Điều này có sự khác biệt với một số tộc người ở các vùng miền khác, chẳng hạn như luật tục về hôn nhân của người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận “cấm kết hôn với người khác dân tộc, khác tôn giáo vì không cùng tục thờ thần, khác phong tục tập quán, tiếng nói khác nhau” (7), cũng có sự khác biệt với truyền thống trước đây ở một số tỉnh, khu vực phía Bắc khi “hôn nhân giữa những người khác dân tộc rất hiếm khi xảy ra” (8).

Khảo sát tại xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên), Phường 1 (thị xã Vĩnh Châu) và Phường 6 (TP Sóc Trăng), chúng tôi thu thập được số liệu về hôn nhân liên tộc người trong khoảng thời gian 5 năm (2018-2022) ở tỉnh Sóc Trăng như sau:

Biểu đồ: Hôn nhân liên tộc ở tỉnh Sóc Trăng - Nguồn: Số liệu UBND các đơn vị cung cấp

Ở xã Đại Tâm, tỷ lệ hôn nhân liên tộc trong tổng số các cặp kết hôn (tính trung bình từ năm 2018-2022) chiếm 26,99%; ở Phường 1, thị xã Vĩnh Châu, tỷ lệ này là 40,95% và ở Phường 6, TP Sóc Trăng là 29,93%. Số liệu này cho thấy, hiện tượng hôn nhân liên tộc tại các địa phương ở Sóc Trăng diễn ra rất phổ biến. Khi được hỏi: “Anh chị có gặp rào cản nào khi kết hôn với vợ/ chồng khác tộc người không?”, câu trả lời chiếm đa số mà chúng tôi nhận được là “Gần như không gặp phải rào cản nào”, “Trai gái quen nhau, mến nhau thì lấy nhau, quan trọng là có hợp nhau không chứ không nằm ở chỗ người Kinh, người Khmer hay người Hoa”... Như vậy, quan niệm về hôn nhân liên tộc người ở Sóc Trăng ngày nay khá cởi mở, gần như không có sự phân biệt, kỳ thị lẫn nhau. Hiện tượng này đã góp phần hình thành nên loại hình gia đình đa văn hóa, đa tộc người ở Sóc Trăng. “Tôi là người lai cả 3 dòng máu Kinh, Hoa và Khmer nhưng gốc Khmer nhiều hơn, nên trên giấy tờ là người Khmer”; “Gia đình em lai cả Kinh, Hoa, Khmer. Tụi em thường nói vui là các thế hệ trong gia đình giống như Nắng, Mưa, Gió, Bão vậy á”… Vì vậy, khi được hỏi “Anh/ chị là người dân tộc nào?”, chúng tôi nhận được rất nhiều câu trả lời “Trên giấy tờ là…”. Thực chất, đây là những người được sinh ra từ sự liên hôn giữa 2 tộc người khác”. Chính sự phức tạp trong quan hệ hôn nhân khác tộc người đã khiến cho bối cảnh giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa các tộc người Việt - Khmer - Hoa cũng trở nên đa chiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi, chất xúc tác cho môi trường giao lưu và tiếp biến văn hóa qua các chặng đường lịch sử ở tỉnh Sóc Trăng.

Từ bối cảnh của sự đan xen về kinh tế, nơi cư trú cũng như hôn nhân liên tộc người, các cộng đồng Việt - Khmer - Hoa dần xích lại gần nhau, giao lưu và tiếp biến văn hóa lẫn nhau trong hầu hết các khía cạnh của đời sống văn hóa vật chất và tinh thần, từ nhà ở, trang phục, ẩm thực, phương tiện sản xuất, đi lại đến ngôn ngữ, phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng... Minh chứng tiêu biểu là hiện tượng song ngữ, đa ngữ rất phổ biến tại các địa phương ở Sóc Trăng, đặc biệt là ở các khu chợ, những nơi giao thương, giao lưu văn hóa rõ nhất giữa các tộc người. Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí cũng từng viết: “Người ở đây nói chuyện thường hay pha tiếng Hoa, tiếng Cao Miên, người nghe tập quen dần rồi biết” (9), cho thấy bối cảnh, quá trình giao lưu văn hóa sâu rộng, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa vừa mang dấu ấn tộc người, vừa thể hiện đậm nét yếu tố giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa các cộng đồng trong quá trình cộng cư. Trong đó, văn hóa Việt đóng vai trò là sợi dây gắn kết các tộc người khác trong quá trình chung sống. Trong Văn học dân gian Sóc Trăng, các tác giả đã sưu tầm từ trong dân gian nhiều câu chuyện nói về tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc Việt - Khmer - Hoa rằng những con người ở vùng đất này vốn “bản chất họ rất hiền lành, lương thiện, mặc dù không cùng một thứ dân, họ là những người tha phương cầu thực với ba dân tộc nhưng sống với nhau rất hòa thuận đoàn kết, thương yêu nhau” (10). “Nhiều người đề cập đến vấn đề mâu thuẫn dân tộc ở vùng ĐBSCL. Điều này không phải không có. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cũng như quá trình sinh sống nơi đây, tôi thấy ở các địa phương Sóc Trăng, vấn đề dân tộc khá hài hòa. Người Việt đông nhất nhưng không kỳ thị các tộc người khác” (11). Trong bối cảnh đó, văn hóa Việt trở thành nền tảng liên kết đời sống vật chất và tinh thần những tộc người khác trong quá trình cộng cư.

So sánh các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL có 3 cộng đồng Việt - Khmer - Hoa cùng sinh sống, có thể thấy, Sóc Trăng là địa phương có số lượng người Khmer đông nhất trong các tỉnh ĐBSCL, cũng là tỉnh có số lượng người Hoa nhiều nhất ở ĐBSCL (12); do đó, tỷ lệ người Việt thấp nhất; tỷ lệ dân cư giữa 3 tộc người Việt - Khmer - Hoa ở Sóc Trăng cũng cân bằng nhất. Trà Vinh có tỷ lệ người Khmer cao hơn Sóc Trăng nhưng tỷ lệ người Hoa không đáng kể. Đây chính là một trong những lý do khiến cho sắc thái văn hóa tộc người có sự khác nhau giữa các tỉnh thành ở ĐBSCL. Trong đó, do có tỷ lệ tộc người cân bằng hơn nên giao lưu và tiếp biến văn hóa ở Sóc Trăng cũng diễn ra có phần mạnh mẽ hơn; các sắc thái văn hóa tộc người Việt - Khmer - Hoa vì vậy cũng đan cài, pha trộn vào nhau rõ nét hơn các tỉnh thành khác ở khu vực ĐBSCL, đặt ra bài toán giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người qua giao lưu và tiếp biến văn hóa.

Như vậy, về cơ bản, quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa Việt - Khmer - Hoa ở Sóc Trăng mang những nét chung của quá trình giao lưu và tiếp biến ở ĐBSCL, chủ yếu diễn ra dưới hình thức tự nguyện, bằng con đường hòa bình, hữu nghị, do đó, sự thẩm thấu, tiếp biến văn hóa cũng mang đến những kết quả đặc thù so với các vùng miền khác ở nước ta. Mặt khác, xét trong bối cảnh, điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa của tỉnh Sóc Trăng, giao lưu và tiếp biến văn hóa ở địa phương này cũng mang những sắc thái riêng biệt so với các tỉnh thành khác ở ĐBSCL.

2. Mối quan hệ cộng cư giữa các tộc người Việt - Khmer - Hoa ở Sóc Trăng qua giao lưu và tiếp biến văn hóa

Giao lưu và tiếp biến văn hóa là quá trình tương tác của ít nhất hai nền văn hóa, qua đó các cộng đồng học hỏi, chấp nhận, vay mượn các chuẩn mực và giá trị lẫn nhau để cùng tồn tại và phát triển. Sự lựa chọn các giá trị chủ đạo trong mối tương quan với các cộng đồng khác được xem là một “chỉ báo” văn hóa, một sự lựa chọn có chủ đích của các cộng đồng người trong môi trường tiếp xúc đa văn hóa. Các thói quen, phong tục tập quán được hình thành, củng cố bởi sự pha trộn của ảnh hưởng từ gia đình và xã hội trong bối cảnh chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa của các cộng đồng người, thể hiện cơ chế gắn kết giữa gia đình và cộng đồng qua giao lưu và tiếp biến văn hóa.

Sự có mặt của các cộng đồng Việt - Khmer - Hoa di cư đến Sóc Trăng từ những TK XVII, XVIII trở đi đã tạo nên một diện mạo mới cho vùng châu thổ sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Đồng ruộng được khai phá, xóm làng, chợ búa, trung tâm buôn bán được xây dựng sầm uất, các làng nghề thủ công dần được tạo dựng, sản xuất kinh doanh các mặt hàng khởi sắc; nhu cầu, đời sống vật chất và tinh thần các cộng đồng ngày càng được nâng cao. Trong bối cảnh địa - chính trị ở vùng ĐBSCL, bước chân của những lưu dân Việt - Khmer - Hoa dần trở thành dấu ấn tiêu biểu trong hành trình khai khẩn vùng đất mới. Nhờ sự tích cực khai hoang, xây dựng kinh tế của các tộc người mà ngay cả những thời điểm khó khăn tại ĐBSCL, Sóc Trăng vẫn là vùng đất phát triển (13). Dòng chảy của văn hóa các tộc người Việt - Khmer - Hoa qua hàng ngàn năm lịch sử đến mảnh đất này tiếp tục được lưu giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ. Với đặc thù của một vùng đất được khai hoang diễn ra từ từ, bằng nhiều con đường, nhiều phương thức, vùng đất trẻ Sóc Trăng hơn 300 năm đã có những bước chuyển mình cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, tạo nên những dấu ấn đặc trưng trong quá trình khai khẩn, thích nghi và hội tụ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần ở mảnh đất này.

Nhìn một cách tổng thể, nếu so sánh các xu hướng giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa các tộc người ở Sóc Trăng, có thể thấy, xu hướng sáng tạo chiếm ưu thế. Tức là có sự ảnh hưởng, cải biến trên cơ sở tâm thức tiếp nhận của mỗi cộng đồng, nhằm chọn lọc những yếu tố du nhập từ bên ngoài phù hợp với giá trị bản sắc của tộc người mình. “Một dân tộc không bao giờ tiếp nhận (adopt) ngay lập tức các cách hoặc mô thức tư duy của một nền văn hóa khác mà thông qua quá trình xem xét, lựa chọn và điều chỉnh trong quá trình tiếp nhận” (14). Đây được xem là một dạng thức quan trọng trong giao lưu và tiếp biến văn hóa, là điều kiện để các cộng đồng tiếp tục sản sinh ra những giá trị văn hóa mới trong quá trình cộng cư, tiếp xúc lâu dài với nhau. Văn hóa của các tộc người Việt - Khmer - Hoa di cư đến Sóc Trăng, vì vậy, vừa như một hành trình, diễn ngôn của những người xa xứ nhớ về nguồn cội, lưu giữ những nét đặc trưng trong phong tục tập quán của mình, vừa hướng đến những giá trị mới thông qua giao lưu và tiếp biến văn hóa.

Giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa các tộc người Việt - Khmer - Hoa thể hiện đa dạng các chiều kích khác nhau trong tương quan giữa tộc người đa số và thiểu số. Các nhóm cộng đồng chia sẻ lẫn nhau trong mối quan hệ đa tuyến chứ không đơn thuần là đơn tuyến giữa nhóm “đa số” và “thiểu số” trong giao lưu và tiếp biến, cho thấy “các xã hội là kết quả của chính lịch sử riêng biệt của nó. Không thể có một chuẩn mực chung nào để phán xét tất cả mọi xã hội” (15). Trong trường hợp giao lưu và tiếp biến văn hóa ở tỉnh Sóc Trăng, cho chúng ta nhận diện một bức tranh hài hòa các yếu tố tộc người Việt - Khmer - Hoa trong quá trình cộng cư qua các thời kỳ lịch sử. Thực tế cho thấy, các khuynh hướng giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa các cộng đồng cộng cư ở Sóc Trăng không tách bạch một cách rõ ràng mà luôn đan cài, tương tác lẫn nhau. Mức độ tiếp biến, biến đổi trong văn hóa các tộc người đậm hay nhạt, nhiều hay ít, nông hay sâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội… tạo nên bức tranh tương tác đa dạng giữa các tộc người. Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Sóc Trăng về cơ bản là sự hòa hợp về sắc tộc. Dù ít nhiều có sự khác nhau trong phương thức sinh kế, cư trú, phong tục tập quán truyền thống, các tộc người nơi đây vẫn luôn dành cho nhau sự tôn trọng đặc trưng và bản sắc của mỗi cộng đồng. Quả thật, lịch sử vùng đất Sóc Trăng không phải không ghi nhận những xung đột sắc tộc giữa người Việt và người Khmer vào những năm 1840, 1841 (16). Tuy nhiên, qua thời gian, những mâu thuẫn, xung đột này dần được hóa giải, tạo nên một vùng văn hóa “hỗn dung” nhưng “đồng quy”, thống nhất. Những giá trị văn hóa của các cộng đồng dần đan cài thẩm thấu vào nhau trong hành trình xích lại gần nhau giữa các tộc người ở một vùng đất đa văn hóa, đa dân tộc.

Giao lưu và tiếp biến văn hóa cũng là một biểu hiện của quá trình sản xuất, tái tạo các giá trị văn hóa. Trên thực tế, sự thích nghi, lựa chọn của các cộng đồng người thể hiện qua nhiều khía cạnh khác nhau, tạo nên “niềm tin” mạnh mẽ về sự cố kết cộng đồng, đóng vai trò tăng cường sức mạnh, sự đoàn kết và gắn kết xã hội trong môi trường tiếp xúc đa văn hóa; thể hiện xu hướng “chọn lọc”, cải biến các yếu tố vay mượn hoặc “phản ứng” lại sự vay mượn. Xu hướng này tạo điều kiện cho quá trình sáng tạo nên các yếu tố, các giá trị văn hóa mới ở Sóc Trăng. Đặc biệt, thông qua chất xúc tác là các gia đình liên tộc, giao lưu và tiếp biến văn hóa ở Sóc Trăng càng diễn ra mạnh mẽ và thuận lợi hơn. Sự tiếp biến văn hóa giữa các tộc người cộng cư đã góp phần làm nên đặc trưng văn hóa ở địa phương này, cũng là minh chứng cho quá trình giao lưu, hội tụ với những “phức thể về văn hóa mới… trong sự tiếp xúc đan xen nhiều chiều, tạo nên những đường đồng quy” (17), vừa thể hiện khả năng tiếp nhận, vừa thể hiện khả năng lan tỏa của các tộc người qua giao lưu và tiếp biến, tạo nên sự “truyền dẫn” từ cộng đồng này sang cộng đồng khác bởi “trong bất cứ cộng đồng dân cư nào cũng có những yếu tố văn hóa làm lực liên kết tiềm tàng” (18).

Có thể thấy, giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa các cộng đồng Việt - Khmer - Hoa ở Sóc Trăng diễn ra sâu rộng cả trong quá khứ và hiện tại, trong sinh hoạt hằng ngày cũng như các dịp lễ, Tết, phong tục tập quán, cho thấy rõ sự đan cài các giá trị văn hóa lẫn nhau giữa các tộc người trong một hành trình giao lưu và tiếp xúc diễn ra lâu dài, liên tục trong bối cảnh của những yếu tố chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa đa tộc người, đa văn hóa ở vùng ĐBSCL. Trong dòng chảy ấy, văn hóa Việt với vai trò mang tính kết nối đã và đang lan tỏa, hội tụ, góp phần tạo nên tính đa dạng và thống nhất trong văn hóa ở tỉnh Sóc Trăng, góp phần chi phối các xu hướng tiếp biến văn hóa cũng như mối quan hệ tộc người giữa các cộng đồng cộng cư ở tỉnh Sóc Trăng.

Nhìn chung, giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa các tộc người ở Sóc Trăng được hình thành từ lịch sử khai khẩn vùng đất mới của các tộc người Việt - Khmer - Hoa, đã được thử thách qua các cuộc đấu tranh chống thiên tai địch họa, nguy cơ xâm lăng và những khó khăn buổi đầu khi xây dựng vùng đất mới. Sự đồng sức đồng lòng ấy đã tạo nên một vùng đất mở, các mối quan hệ cộng cư đa chiều giữa các tộc người cả trong quá khứ và hiện tại, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu ở tỉnh Sóc Trăng. Trong đó, các yếu tố văn hóa tộc người dường như vừa mâu thuẫn với nhau, vừa hòa lẫn vào nhau trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng nhau giữa các tộc người cộng cư.

Kết luận

Lịch sử Sóc Trăng nói riêng và ĐBSCL nói chung là lịch sử đoàn kết, gắn bó giữa các tộc người cộng cư, lịch sử của quá trình đồng cam cộng khổ chia sẻ lẫn nhau trong khai khẩn và xây dựng vùng đất mới. Các dân tộc chung sống cùng nhau, ảnh hưởng và vay mượn lẫn nhau, sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới. Tính mở của văn hóa Sóc Trăng vì vậy có từ lâu đời, được phát huy và gìn giữ qua nhiều thế hệ, mang đến những thành quả và dấu ấn trên nhiều phương diện. Trong quá trình ấy, các tộc người dần thích nghi, điều chỉnh những giá trị truyền thống, tạo nên một phức hệ đa nguyên nhằm phù hợp với môi trường tiếp xúc đa văn hóa. Qua hành trình giao lưu, các sắc thái văn hóa tộc người luôn có xu hướng đan cài lẫn nhau, bổ sung cho nhau để cùng tồn tại và phát triển. Quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa ở tỉnh Sóc Trăng cơ bản đáp ứng cả hai điều kiện về không gian và thời gian: cùng tồn tại trên một vùng văn hóa cụ thể thuộc ĐBSCL và thời gian tiếp xúc lâu dài, tạo nên sự thống nhất và đa dạng; truyền thống và biến đổi ở Sóc Trăng, địa phương điển hình cho giao lưu và tiếp biến văn hóa ở ĐBSCL.

______________________

1. Số liệu năm 2022, do Cục Thống kê tỉnh Sóc Trăng cung cấp.

2. Phan Huy Lê (chủ biên), Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr.321.

3. Chỉ dụ số 53, ngày 6-9-1959 của chính quyền Ngô Đình Diệm.

4. Trần Hồng Liên (chủ biên), Vấn đề dân tộc và tôn giáo ở Sóc Trăng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002, tr.23.

5, 17. Viện Văn hóa, Mấy đặc điểm văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Tổng hợp Hậu Giang, 1987, tr.57, tr.85.

6. Võ Công Nguyện, Quan hệ về hôn nhân khác tộc người và khác tôn giáo ở Nam Bộ, Tạp chí Khoa học xã hội, số 10, 2020, tr.79.

7. Phan Đăng Nhật, Luật tục Chăm và Raglai, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2003, tr.141.

8. Vũ Phương Nga, Tiếp biến văn hóa trong bối cảnh gia đình hỗn hợp dân tộc (Qua nghiên cứu về người Tày tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn), Luận án Tiến sĩ Nhân học, Học viện Khoa học xã hội, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, 2017, tr.48.

9. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb Tổng hợp TP. HCM, 2019, tr.497.

10. Xem thêm: Chu Xuân Diên (chủ biên), Văn học dân gian Sóc Trăng, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2013, tr.37-38.

11.Trích Biên bản phỏng vấn của tác giả.

12. Tác giả tổng hợp từ báo cáo điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

13. Tỉnh ủy - UBND tỉnh Sóc Trăng, Địa chí tỉnh Sóc Trăng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.329.

14. Nguyễn Văn Hiệu, Tiếp xúc và tiếp biến văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia TP. HCM, 2019, tr.57.

15, 18.R.Jon Mcgee, Richard L. Warms, Lý thuyết nhân loại học Giới thiệu lịch sử, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2010, tr.177, 335.

16. Hội Nghiên cứu Đông Dương, Chuyên khảo về tỉnh Sóc Trăng, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2019, tr.88.

Tài liệu tham khảo

1. Mạc Đường, Vấn đề dân tộc ở Đồng bằng sông Cửu Long vào những năm đầu của thế kỷ XX, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 4, 1983, tr.35-45.

2. Mạc Đường, Quá trình phát triển dân cư và dân tộc ở Đồng bằng sông Cửu Long từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003.

3. Nguyễn Văn Hiệu, Tiếp xúc và tiếp biến văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia TP. HCM, 2019.

4. Hà Văn Tấn, Giao lưu văn hóa ở người Việt cổ, trong Văn hóa học đại cương và cơ sở văn hóa Việt Nam Trần Quốc Vượng (chủ biên), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.

5. Trần Ngọc Thêm (chủ biên), Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, TP.HCM, 2018.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 26-2-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 21-3-2025; Ngày duyệt đăng: 28-3-2025.

Ths LÊ THỊ HỒNG QUYÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 602, tháng 4-2025

;