Lên Mèo Vạc xem múa khèn, múa trống...

Sáng 23-4, nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai năm 2025, tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã diễn ra chương trình giao lưu văn nghệ dân gian giữa các xã, thị trấn. Chương trình đã thu hút đông đảo người dân trong xã cũng như du khách trong nước và quốc tế.

Múa hát dân gian, là một hình thái phổ biến trong nhân dân được cách điệu từ cuộc sống lao động, sinh hoạt... của người dân. Các điệu múa, làn điệu dân ca mang dấu ấn một cách sinh động trong cuộc sống lao động, chiến đấu, tình cảm, cách nghĩ và những quan điểm thẩm mĩ của các cộng đồng, các tộc người, xuất phát từ những điều kiện địa lý, xã hội, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc khác nhau. Chương trình giao lưu có sự hội tụ của các đồng bào dân tộc đang sinh sống tại huyện Mèo Vạc như dân tộc Mông, Lô Lô, Giáy… làm cho Lễ hội chọ Phong Lưu Khâu Vai 2025 trở nên phong phú, đa dạng.

Đến với chương trình, người dân và du khách đã được thưởng thức sự độc đáo của tiết mục thổi khèn Mông do nghệ nhân, diễn viên quần chúng đến từ các xã Pả Vi, Pải Lủng, Tả Lủng, Sủng Trà, Cán Chu Phìn biểu diễn. Tiết mục biểu diễn múa khèn của các xã có nội dung vui nhộn, mang ý nghĩa chúc tụng và mời bạn bè cùng tụ họp, vui chơi. Tiếng khèn làm quên đi những khó khăn, vất vả sau một năm chăm chỉ lao động mệt nhọc, góp phần gắn kết tình bạn, tình yêu, tình làng xóm với nhau.

Tiết mục múa khèn Mông do nghệ nhân, diễn viên quần chúng đến từ các xã Pả Vi, Pải Lủng, Tả Lủng, Sủng Trà, Cán Chu Phìn biểu diễn - Ảnh: An Ngọc

Đối với đồng bào dân tộc Mông, trong những dịp Lễ hội, Tết đến Xuân về không thể thiếu tiếng khèn, cùng với những trò chơi dân gian. Đây được coi như là linh hồn của người Mông gửi gắm và thể hiện tiếng lòng của mình với bạn bè, với cộng đồng, với thiên nhiên, núi rừng và thể hiện giá trị văn hóa, làm nên bản sắc độc đáo riêng của người Mông.

Tham gia trong tiết mục múa khèn Mông, chị Hờ Thị Sò cho biết: “Đây là điệu múa của dân gian, truyền thống có từ lâu đời, chính vì thế chúng tôi, những người con của đồng bào dân tộc Mông ai ai cũng biết. Tôi đã được tham gia nhiều lễ hội Khâu Vai và cảm thấy rất thích thú. Được trình diễn điệu múa dân gian của dân tộc mình thì ai cũng cảm thấy vui và tự hào. Chính vì thế, tôi không chỉ biểu diễn mà còn dạy cho các em của mình cũng như trong bản điệu múa đặc sắc này. Điều này không chỉ lưu giữ, bảo tồn điệu múa dân gian của dân tộc Mông, mà còn quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc đến với đông đảo người dân và du khách”.

Cũng trong chương trình giao lưu du khách được thưởng thức tiết mục múa nhảy lửa của dân tộc Lô Lô xã Xín Cái. Theo người Lô Lô thì lửa sẽ mang lại sự ấm áp, xua đuổi tà ma, bệnh tật. Những người nhảy qua lửa là được thanh tẩy cơ thể, gột rửa đi những xui xẻo, mang lại nhiều may mắn cho bản thân và gia đình. Với phong tục nhảy lừa này sẽ được người Lô Lô tổ chức vào những dịp lễ trọng đại như ngày Tết, hay đám cưới...

Màn trình diễn múa kiếm của người Giáy xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc - Ảnh: An Ngọc

Đặc biệt, màn trình diễn múa kiếm của người Giáy xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc để lại cho người xem nhiều ấn tượng và sự thú vị. Đây là điệu múa được thực hiện sau khi kết thức một chu kỳ sản xuất, hoặc bước vào kỳ thu hoạch, hay thời điểm kết thúc năm cũ, đầu năm mới hoặc dịp Tết nguyên đán, Người Giáy thường tổ chức Lễ hội múa kiếm. Lễ hội được thực hiện để cảm ơn trời đất và các thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, cầu cho con cháu thảo hiền, gia đình ấm lo hạnh phúc.

Chia sẻ về điệu múa của người Giáy, ông Lục Thanh Minh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian xã Nậm Ban cho biết: “Điệu múa kiếm đã có từ xa xưa, được truyền lại qua nhiều thế hệ. Điệu múa không chỉ thực hiện trong nghi thức tạ ơn các thần linh cho mùa màng bội thu, mà còn được biểu diễn khi các gia đình trong xã sau khi đã hoàn thành xây dựng nhà mới để xua đuổi tà ma. Bên cạnh đó, đối với những đôi bạn trẻ Lô Lô khi tổ chức lễ cưới, được thực hiện để cầu cho các đôi trẻ có sức khỏe dồi dào, hạnh phúc và sinh được con cái ngoan ngoãn. Hay trong đám tang, điệu múa kiếm nhằm xua đuổi ma tà, làm sạch nhà cửa cho gia đình có đam tang.

Theo ông Minh, hiện nay điệu múa kiếm của người Giáy xã Nậm Ban vẫn đang được truyền dạy lại cho các con, cháu trong làng, xã. Với việc làm này sẽ giúp các bạn trẻ hiểu hơn về văn hóa của dân tộc mình, đồng thời bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc, không bị mai một.

Người Giáy thôn Nà Trào, xã Tát Ngà biểu diễn điệu múa trống độc đáo - Ảnh: Tuấn Minh

Cũng tại chương trình, người Giáy thôn Nà Trào, xã Tát Ngà đã biểu diễn điệu múa trống độc đáo đến với người xem và du khách. Đây là hoạt động văn hóa được người Giáy xã Tát Ngà lưu giữ, truyền thụ qua các thế hệ và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân. Bao đời nay, múa trống không chỉ được coi là một nét văn hóa truyền thống độc đáo mà còn là niềm tự hào của mỗi người dân địa phương. Nét đặc biệt của múa trống là sự kết hợp hài hòa giữa các động tác của nam và nữ. Những chàng trai, cô gái người Giáy xúng xính trong bộ trang phục truyền thống múa vòng tròn quanh chiếc trống, sau đó lại múa từng đôi một. Những điệu múa lúc dịu dàng, nhẹ nhàng, lúc lại rộn rã gấp gấp theo từng hồi trống.

Các chàng trai thường gõ vào mặt trống, các cô gái thì gõ vào tang trống. Điệu múa với những động tác đơn giản nhưng vui nhộn nhằm cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới, đến với mọi người. Những bài múa trống đều là những bài trống cổ do cha ông truyền lại, với ý nghĩa cầu mong những điều tốt đẹp đến cho dân làng. Các động tác múa khá đơn giản nhưng đặc biệt có sự kết hợp với đạo cụ như chiếc nón lá truyền thống của người Giáy, cũng vì đó mà trở nên duyên dáng hơn. Đặc biệt nhiều động tác như miêu tả đời sống sinh hoạt lao động của người dân trên đồng ruộng. Tiếng trống rộn ràng sẽ xua đuổi đi những điều không may mắn của năm cũ để hướng tới cuộc sống bình an cho mọi nhà. Cứ thế suốt hàng trăm năm qua, tiếng trống gắn với Miếu Ông và Miếu Bà gắn với những nguyện cầu của người Giáy về một năm mới đầy may mắn, bình an…

 AN NGỌC

;