Tham dự Hội thảo “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học” trong khuôn khổ LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII), PGS, TS Bùi Hoài Sơn- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã trao đổi với báo chí về nhiều vấn đề của điện ảnh và văn hóa, nghệ thuật bên lề cuộc Hội thảo.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn trả lời phỏng vấn báo chí
Thưa PGS, TS Bùi Hoài Sơn, LHP Quốc tế Hà Nội đang diễn ra cùng lúc với Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, theo ông những sự kiện văn hóa này có tác động ra sao đến sự phát triển của điện ảnh nói riêng cũng như văn hóa nghệ thuật nói chung?
LHP Quốc tế Hà Nội cũng như Lễ hội Thiết kế sáng tạo đã góp phần định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của Hà Nội. Kể từ năm 2019, khi Hà Nội vinh dự trở thành thành viên “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO” cho đến nay, các hoạt động giao lưu văn hóa lớn này là cơ hội để Thủ đô quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, thúc đẩy sáng tạo và công nghiệp văn hóa. 5 năm qua, thành phố Hà Nội đã có những bước đi cụ thể để hiện thực hóa các cam kết khi gia nhập Mạng lưới và tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp để củng cố vị thế, định vị thương hiệu.
LHP quốc tế Hà Nội và Lễ hội thiết kế sáng tạo còn tạo ra một không gian, một hệ sinh thái, kích thích sự quan tâm của công chúng tới văn hóa nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng. Tôi tin rằng từ sự kích thích đó chúng ta sẽ có thêm nguồn lực cho các lĩnh vực này.
Ông đánh giá thế nào về những nguồn lực để phát triển điện ảnh trong bối cảnh hiện nay?
Nguồn lực không chỉ đến từ kinh phí để sáng tạo nghệ thuật, điện ảnh mà nguồn lực còn là tổng hòa của các yếu tố: cơ sở vật chất, địa điểm, nguồn nhân lực… Hà Nội đang có sẵn cơ sở vật chất với nhiều hãng phim, trường quay Cổ Loa, Trung tâm kỹ thuật điện ảnh… Phải có chính sách kích thích sự hợp tác giữa các hãng phim trong nước kết hợp làm phim với hãng phim nước ngoài, các hãng phim nhà nước bắt tay với hãng phim tư nhân, tạo điều kiện cho việc sử dụng các cơ sở hạ tầng đó. Phải làm thế nào để huy động, khai thác được các nguồn lực này, tránh các nguồn lực bị lãng phí, không được sử dụng đúng cách. Theo tôi, các cơ chế hợp tác, xã hội hóa chính là cách chúng ta thay đổi trong tư duy quản lý để phù hợp với nền kinh tế thị trường. Chỉ khi hợp tác giữa nhà nước và tư nhân mới có thêm nguồn lực để xây dựng thương hiệu, giúp cho Hà Nội trở thành một trung tâm sáng tạo.
Hà Nội cũng có nhiều địa điểm đẹp nổi tiếng, có thể trở thành trường quay cho nhiều bộ phim. Vấn đề đặt ra là cần phải có nguồn nhân lực đáp ứng được những yêu cầu mới trong việc sản xuất phim. Hiện đã có nhiều chính sách tác động đến nguồn nhân lực, giúp chúng ta có được điều kiện tốt hơn để phát triển điện ảnh, phát triển văn học nghệ thuật từ nguồn lực con người, từ cơ sở vật chất... Các cơ sở đào tạo và các cơ sở điện ảnh liên quan cần tăng cường chú ý nhiều hơn đến công việc đào tạo nguồn lực này. Nói về nguồn nhân lực cho điện ảnh không chỉ là các nhà làm phim, các nhà sản xuất mà còn cả các nghệ sĩ, nhà chuyên môn, nhà phát hành… tạo ra một hệ sinh thái. Bên cạnh đó, phải tính đến việc hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho trao đổi quốc tế liên quan đến nguồn lực. Những sự kiện như LHP quốc tế Hà Nội cũng chính là cơ hội để điện ảnh Việt Nam giao lưu, học tập kinh nghiệm quốc tế để từ đó phát triển điện ảnh. Điều này rất hữu ích, rất phù hợp trong bối cảnh ngày nay.
Tuy nhiên, để phát triển điện ảnh cũng cần những chính sách khuyến khích. Bên cạnh chính sách ưu đãi về thuế còn phải nhắc tới ưu đãi về thủ tục hành chính. Một ví dụ, để được phép làm phim, tối thiểu một nhà sản xuất phải có 5 giấy phép. Đây cũng là một cản trở vô cùng lớn nếu chúng ta không tạo điều kiện, không có những chính sách khuyến khích khác để tạo điều kiện cho các nhà làm phim - những người mong muốn đến, mơ ước được đến và thực sự đến làm phim, để qua đó góp phần quảng bá hình ảnh Hà Nội.
Nhà hát Hồ Gươm như là biểu tượng văn hóa mới của Hà Nội, đã được chọn là địa điểm diễn ra lễ Khai mạc và Bế mạc LHP quốc tế Hà Nội VII
Ông đánh giá thế nào về vai trò của những sự kiện giao lưu văn hóa như LHP quốc tế Hà Nội trong việc góp phần tạo dựng thương hiệu “Thành phố sáng tạo” cho Hà Nội?
Hà Nội có một định hướng rất đúng đắn khi quan tâm đến giao lưu văn hóa quốc tế trong việc phát triển văn hóa nghệ thuật nói chung, vì Hà Nội là trung tâm văn hóa của các nước, nơi hội tụ tỏa sáng của các giá trị văn hóa, của các nhân tài trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Và chính nhờ điều kiện này, năm 2019, Hà Nội vinh dự trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đây là cơ hội lớn để Thủ đô định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, thúc đẩy sáng tạo và công nghiệp văn hóa. 5 năm qua, thành phố đã có những bước đi cụ thể để hiện thực hóa các cam kết khi gia nhập Mạng lưới và tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp để củng cố vị thế, định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.
Chính quyền Hà Nội đã có rất nhiều quyết tâm để tạo điều kiện cho các nguồn lực về văn hóa nghệ thuật, điện ảnh được giao lưu quốc tế để hội nhập và phát triển. Bên cạnh việc tổ chức một LHP quốc tế mang thương hiệu riêng của Hà Nội còn có nhiều sự kiện giao lưu văn hóa, chứng kiến ngày một nhiều ngôi sao quốc tế đến Hà Nội. Ví như việc nhóm BlackPink sang biểu diễn hay sắp tới là Anh trai “say hi” - Concert 3 sắp diễn ra vào ngày 7-12-2024 tại SVĐ Quốc gia Mỹ Đình đang trở thành một sự kiện âm nhạc để lại dấu ấn khó quên trong lòng người hâm mộ và khán giả yêu âm nhạc. Những sự kiện này không chỉ truyền cảm hứng sáng tạo cho các nghệ sĩ, kích thích sự quan tâm đến văn hóa nghệ thuật của công chúng mà còn kích thích chính quyền Hà Nội tổ chức nhiều hơn những sự kiện giao lưu văn hóa. Nó cũng cho thấy đây là xu hướng đúng đắn của thành phố trong việc nâng cao thương hiệu “Thành phố sáng tạo” cho Hà nội.
Việc thành phố Hà Nội xây mới Nhà hát Hồ Gươm hay sắp tới sẽ có thêm một số cơ sở vật chất cũng là hoạch định rất đúng đắn, là cách đón đầu, tạo điều kiện về cơ sở vật chất bên cạnh các điều kiện khác giúp cho Hà Nội thực sự trở thành một điểm đến lý tưởng cho các buổi biểu diễn ca nhạc, nghệ thuật trong nước và quốc tế. Tất cả sẽ góp phần củng cố hơn nữa vị trí “ngọn hải đăng” mà Hà Nội đang dẫn dắt đối với sự phát triển văn hóa nghệ thuật của cả nước. Đây cũng là những ví dụ tuyệt vời để các thành phố khác cùng phát triển văn hóa từ trường hợp của Hà Nội.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
NGÔ HỒNG VÂN (ghi)