Trích đoạn Lễ đón dâu của dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang đã được tái hiện trên sân khấu của Ngày hội Văn hóa, thể thao và lu lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI tại tỉnh Lạng Sơn năm 2024. Tuy chỉ là trích đoạn, nhưng các nghệ nhân, diễn viên của tỉnh đã đem đến cho Ngày hội một tiết mục mang ý nghĩa sâu sắc, chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống riêng có của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang.
Phong tục hôn nhân vốn là một nét văn hóa cổ truyền đặc sắc của dân tộc Tày. Để tổ chức lễ kết hôn, người Tày phải thực hiện các nghi lễ quan trọng như: lễ so tuổi, dạm hỏi, dẫn cưới, lễ đón dâu, lễ lại mặt và một số tục lệ khác. Trong đó, “lễ đón dâu” là một nghi lễ đặc biệt, mang đậm màu sắc văn hóa bản địa đã được lưu truyền trong đời sống người Tày qua nhiều thế hệ. Tại Lễ đón dâu thì mỗi gia đình sẽ cử người đại diện khéo ăn khéo nói hát Quan Làng, có giọng hát mượt mà, có đời sống gia đình hạnh phúc, êm ấm. Hát Quan Làng không có đạo cụ đi kèm mà chủ yếu là những lời đối đáp mộc mạc nhưng đầy tình ý.
Cũng như bao dân tộc khác, khi làm Lễ đón dâu đều không thể thiếu đồ lễ, gồm: Bánh chưng, bánh dày nhỏ (số lượng phụ thuộc vào gia đình nhà gái yêu cầu), hai chiếc bánh dày to, một con lợn, một đôi gà, rượu, trầu cau, đôi cá nhỏ, một ống tiết, một đoạn lòng lợn, một túi hạt giống (đỗ, thóc, vừng), một ít đường phên, một túi “coóc mỏ” khâu bằng vải đỏ, một miếng vải đỏ (tiếng Tày gọi là “rằm khẩu”) báo hiếu công nuôi dưỡng của cha mẹ. Tất cả các lễ vật được đựng trong cái dậu để thành từng gánh.
Sau màn chào hỏi nhà gái mời nhà trai vào nhà, trải chiếu và mời nhà trai uống nước, xơi trầu
Lễ đón dâu của dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang gồm bốn phần: chào hỏi; nghi lễ trải chiếu; nộp lễ và xin dâu:
Chào hỏi
Theo phong tục của truyền thống, khi gia đình nhà trai đến trước ngõ, nhà gái sẽ treo trước cổng nhà 1 mảnh vải đỏ, trước khi vào nhà gái, 2 bên gia đình sẽ cất tiếng hát để chào hỏi...
Nhà gái: Người đi đâu về đâu mới đến, không thấy giới thiệu bản làng biết tên, có lễ vật gồng gánh đầy đủ cùng lụa là gấm vóc cao xa.
Nhà trai: Bước chân đến đường rộng thênh thang, bước chân đến nhà quan tới cửa có dải lụa vắt ngang trước cổng, xin nhà quan mở cổng cho vào. Nhà trai xin có lễ đến nhà.
Nghi lễ trải chiếu
Sau khi chào hỏi xong, nhà gái sẽ mời nhà trai vào phía trong nhà và trải chiếu mời nhà trai uống nước, xơi trầu.
Nhà gái hát: Mấy khi khách quý đến chơi nhà, có lời chào cùng tiếng nói ngọt ngào, chiếu nhà tôi vẫn còn ngổn ngang, mời các chàng mang sang trải lại.
Nhà trai hát mời nước: Người đi đâu về qua mới đến, biết người chẳng biết tiếng chào đâu, nhà tôi cứ lâu lâu vẫn thấy, nhìn mọi người niềm nở sinh tân, mời mọi người cùng ngồi chơi xơi nước. Để chúng tôi thưa chuyện cháu con.
Nhà gái hát mời trầu: Ăn trầu thì mở chiếu ra, một là mặn vỏ hai là mặn môi, vôi trầu này mới têm tối qua, hôm nay có khách mang ra mời trầu. Ăn vào cho đỏ môi người, cho tình thắm thiết thông gia hai nhà.
Quan làng hướng dẫn chú rể vái lạy tổ tiên, bố mẹ, quan viên hai bên gia đình
Nộp lễ
Sau phần mời nước nhà trai sẽ xin phép nhà gái để nộp lễ vật, thể hiện tấm lòng chân thành của mình.
Nhà trai hát nộp lễ: Có 10 giờ tốt nhưng chọn được một giờ đẹp, giờ Phúc hậu lâm môn, nhà trai chúng tôi xin phép mang sang nhà gái những lễ vậy để kính dâng lên tổ tiên bên nhà gái. Để tổ tiên chứng giám lễ nghi.
Nhà gái hát nhận lễ: Hai bên Xuân họ vui vẻ đón nhau, từ nay kết thành thông gia khăng khít. Từ nay về sau các ngày lễ Tết tháng Giêng, tháng 7 âm lịch hằng năm hai con phải có lễ bảo phúc cha mẹ, tổ tiên hai bên, đây là trách nhiệm sau này. Hôm nay ngày đẹp nhà gái xin nhận vải lụa gấm hoa như làm chứng cho các con nên vợ thành chồng. Chúc các con xây dựng gia đình bình yên hạnh phúc.
Sau khi nộp lễ vật nhà trai xin phép nhà gái cho cô dâu và chú rể làm lễ bái tông đường, tổ tiên nhà gái.
Nhà trai: Đặt được giờ Phúc hậu lâm môn thiên ân bái tổ, xin họ hàng hai bên làm chứng cho con chúng tôi vào lễ bái gia tiên và hai bên Xuân họ kể từ đây là rễ nhà mình.
Quan làng hướng dẫn chú rể vái: Lạy tổ tiên, lạy bố mẹ, lạy quan viên 2 bên gia đình…
Nhà gái hát đồng ý trao dâu: Sách thày coi 10 canh mới có một giờ, ngày lành tháng tốt hôm nay ông trời cho mưa rơi xuống thành cá, cây lau rơi xuống cũng thành cây lúa. Bố mẹ đồng ý gả con gái sang nhà chồng ắt được may mắn. Mong con gái đi làm dâu chân cứng đá mềm, con đàn cháu đống.
Mẹ cô dâu sẽ đội nón mới cho con với mong muốn con gái khi về nhà chồng sẽ có cuộc sống mới vui vẻ, hạnh phúc
Xin dâu
Sau khi hoàn tất các thủ tục báo cáo tổ tiên, mời rượu anh em họ hàng, quan làng nhà trai lại cất lên câu hát xin phép đón cô dâu về nhà chồng.
Nhà trai hát xin dâu ra cửa: Giờ lành đã đến, giờ khoái lạc Bình An, giờ cung đối Thiên lôi, giờ đây tôi xin dâu ra cửa về họ hàng tôi xem, đón dâu về kế thế phụ thờ, nối dõi tông đường thờ phụng hương khói. Mời quan viên hai họ đứng dậy mời đưa kẻ đón. Cầu chúc cho hai con hạnh phúc đôi đường. Khó khăn cũng chẳng sợ, vất vả cũng kề cạnh nhau. Ông mặt trời xuống núi cũng đến giờ về, xin phép họ nhà gái chúng tôi về.
Cả 2 bên gia đình cùng hát: Con chim ăn quả nhiều cây được trái ngọt, như khi tìm quả ăn được đào tiên. Nay xuân họ hai nhà cũng đón được dâu hiền rể thảo. Đi thôi nào các bác đưa dâu. Đưa con về đến nơi hạnh phúc. Hai bên được kết nghĩa thông gia.
Khi giờ lành đến, cô dâu chuẩn bị ra cửa về nhà chồng. Lúc này, mẹ đẻ sẽ đội nón mới cho cô dâu với mong muốn con gái khi về nhà chồng sẽ có cuộc sống mới vui vẻ, hạnh phúc.
Theo phong tục truyền thống con gái Tày khi đi lấy chồng mang theo nhiều của hồi môn
Theo phong tục bản địa, người con gái Tày đi lấy chồng mang theo nhiều của hồi môn đựng trong chiếc hòm có chân bằng gỗ. Của hồi môn gồm một gánh lễ vật để dâng lên bàn thờ nhà chồng và phần còn lại là vải vóc, chăn màn, đồ trang sức... Một phần của hồi môn được chuẩn bị để sử dụng sau hôn lễ, còn các phần khác dùng để biếu bố mẹ chồng, anh em họ hàng nhà chồng.
Hát Quan làng của người Tày tỉnh Tuyên Quang đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, những phong tục, tập quán tốt đẹp góp phần làm cho đám cưới trở nên trọn vẹn, ý nghĩa hơn. Qua đó có thể thấy, đám cưới không chỉ đơn thuần là việc kết duyên của đôi lứa mà còn có ý nghĩa to lớn hơn, đó là truyền thống đạo lý của dân tộc; giáo dục về nghĩa vợ chồng trong các mối quan hệ gia đình, dòng tộc; góp phần gắn kết cộng đồng; lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Trong xu thế phát triển của xã hội hiện nay, những nét văn hóa đó càng cần được bảo tồn và lưu giữ cho tương lai.
Bài, ảnh: MẠNH QUẢNG