Lợi ích của giáo dục đa văn hóa đối với sinh viên hiện nay

   Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa đang diễn ra ngày càng nhanh và đa dạng, giáo dục đa văn hóa nhằm tạo một xã hội dân chủ trên cơ sở kế thừa tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác, phát huy những giá trị mới của nền văn hóa dân tộc. Trong các trường đại học hiện nay, giáo dục đa văn hóa tìm cách bảo đảm công bằng về giáo dục cho mọi sinh viên, môi trường học tập thân thiện, tôn trọng lẫn nhau về ngôn ngữ và văn hóa của người học.

 

   1. Giáo dục đa văn hóa

   Đến nay, có không ít quan niệm về giáo dục đa văn hóa tùy vào góc độ tiếp cận vấn đề. Từ góc nhìn về sự ảnh hưởng cũng như lợi ích của việc giáo dục sinh viên, chúng tôi tán đồng với quan niệm của tác giả Nguyễn Duy Mộng Hà: “Giáo dục đa văn hóa là một lĩnh vực nghiên cứu, một nguyên tắc mới xuất hiện nhằm mục tiêu chủ yếu là tạo ra những cơ hội giáo dục bình đẳng cho người học từ những nhóm chủng tộc, giai cấp, văn hóa khác nhau. Một trong những mục tiêu quan trọng của giáo dục đa văn hóa là giúp người học đạt được kiến thức, thái độ, kỹ năng cần thiết để hoạt động hiệu quả trong một xã hội dân chủ và tương tác, thỏa thuận giao tiếp với những người từ những nhóm khác để tạo ra một cộng đồng dân sự đạo đức, làm việc cho lợi ích chung” (1).

   Như vậy, giáo dục đa văn hóa nhằm mục đích giáo dục sự tôn trọng đa dạng bản sắc văn hóa, tạo không khí cởi mở, dân chủ, hợp tác, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, học hỏi, hiểu biết về văn hóa các dân tộc, từ đó gìn giữ và phát huy những truyền thống, giá trị văn hóa của các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

   Ngày nay, khi sự giao lưu văn hóa và sự hội nhập giữa các cộng đồng dân tộc diễn ra vô cùng sống động, giáo dục đa văn hóa còn thể hiện ở sự tôn trọng sự đa dạng bản sắc văn hóa, có tư tưởng bình đẳng, thân thiện giữa các dân tộc, nó là một động lực thúc đẩy sự phát triển văn hóa và rộng hơn nữa là sự phát triển xã hội.

   2. Lợi ích của giáo dục đa văn hóa đối với sinh viên hiện nay

   Giáo dục đa văn hóa tính đến đặc điểm phát triển riêng của sinh viên ở nhiều dân tộc khác nhau với những truyền thống văn hóa, những tổ chức làng, bản, dòng họ, những tập tục riêng... có những ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của sinh viên. Theo đó, để tạo môi trường giáo dục đa văn hóa thuận lợi cho sinh viên ở các dân tộc khác nhau, bên cạnh các vấn đề về chính sách, chương trình, phương pháp tiếp cận, ngôn ngữ, nguồn lực... thì việc cụ thể, trước mắt là xây dựng chương trình giáo dục đa văn hóa trong trường đại học để sinh viên được phát triển một cách phù hợp. Một môi trường giáo dục đa văn hóa được xây dựng trong nhà trường sẽ hướng sinh viên đến những giá trị tốt đẹp, bình đẳng và tạo nên những công dân có khả năng đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của đất nước.

   Để có thể sử dụng môi trường giáo dục đa văn hóa một cách hiệu quả, giảng viên cần phải hiểu sinh viên, nắm được đặc điểm phát triển của sinh viên cũng như nhu cầu, sở thích của sinh viên ở mỗi dân tộc, từ đó biết cách sắp xếp môi trường nhằm tác động đến sinh viên một cách phù hợp. Môi trường giáo dục đa văn hóa góp phần giúp sinh viên phát triển các kỹ năng giao tiếp liên văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và giao tiếp thông thường trong cuộc sống hằng ngày, biết tôn trọng người khác, không tuyệt đối hóa quan điểm của mình và tránh được những xung khắc, bất hòa với nhau. Đó là một trong những kỹ năng sống cần thiết cho sinh viên ngày nay, giúp thích ứng với môi trường đa văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa.

   Giáo dục đa dạng văn hóa được cho là có nhiều tác động tích cực lên sinh viên, đó là khả năng tư duy độc lập, để có hiểu biết xã hội, có tầm nhìn và hiểu biết về bản sắc văn hóa của các dân tộc. Giáo dục đa văn hóa giúp sinh viên có cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin với nhau, với bạn bè quốc tế, tạo bầu không khí thân thiện, cởi mở và hợp tác, vì vậy có lợi trong quá trình học tập và tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, hoạt động lao động, thể dục thể thao… Giáo dục đa văn hóa có lợi ích nâng cao nhận thức về dân tộc mình, thấy được giá trị của bản sắc dân tộc, giá trị của bản thân để không ngừng nỗ lực học tập, khẳng định vị trí của mình trong xã hội.

   Trong môi trường giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh sinh viên trong nước đến từ các vùng văn hóa khác nhau trên mọi miền của Tổ quốc, thì còn một bộ phận không nhỏ sinh viên quốc tế. Họ vượt qua rào cản sự khác biệt về ngôn ngữ để tiếp xúc, giao lưu, hội nhập về văn hóa, vì vậy, trong môi trường giáo dục đại học, với sự tích cực của các nhà quản lý, sinh viên có cơ hội bình đẳng trong các trường học, thị trường việc làm và góp phần xây dựng môi trường giáo dục đại học thân thiện, cởi mở, tôn trọng văn hóa các dân tộc.

   Với triết lý giáo dục đa dạng, UNESCO đã xác định 4 trụ cột giáo dục, hay đơn giản hơn, sự trả lời câu hỏi học để làm gì, gồm “học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để khẳng định mình”. Đây được coi là triết lý giáo dục tương đối cô đọng, phù hợp với nền giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới. Qua quá trình nghiên cứu và từ thực tiễn hoạt động của mình, gần đây UNESCO bắt đầu đưa vào nội hàm giáo dục trụ cột thứ 5 là “học để thay đổi mình và thay đổi thế giới tốt đẹp hơn”. Bởi vậy, giáo dục đa văn hóa trong trường đại học ngày càng chiếm vị trí quan trọng. Sinh viên được giáo dục loại bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử, giáo dục cho sinh viên kỹ năng giao tiếp liên văn hóa và lắng nghe nhằm tránh những xung khắc, bất hòa, sinh viên cần có thái độ tôn trọng sự đa dạng văn hóa, đấu tranh chống cái nhìn phiến diện, các định kiến để phát huy thái độ và giá trị cần thiết cho một xã hội bình đẳng.

   Cần tích hợp nội dung giáo dục đa văn hóa trong chương trình dạy học, giảng viên sử dụng các ví dụ điển hình và nội dung từ nhiều nền văn hóa để trang bị cho sinh viên kiến thức hiểu biết đa dạng về thế giới và năng lực văn hóa xã hội được xây dựng với quan điểm hội nhập và phát triển bền vững. Chương trình dạy học linh hoạt như vậy, một mặt giúp sinh viên sống trong nền văn hóa đa dạng sẽ có sự tự tin trong mọi hoạt động của cuộc sống, mặt khác vượt qua mọi rào cản, định kiến để có khả năng hội nhập và thích nghi nhanh chóng, hợp tác và làm việc nhóm với các bạn bè quốc tế, nâng cao lòng tự trọng dân tộc, vận dụng những giá trị văn hóa của dân tộc để thích ứng linh hoạt khi thay đổi môi trường sống cũng như khi tham gia các hoạt động xã hội.

   Lợi ích của giáo dục đa văn hóa rất quan trọng đối với sinh viên vì giáo dục để phát triển năng lực nhận thức và hiểu biết về sự đa dạng văn hóa, các hoạt động cụ thể sẽ giúp người học vừa phát triển kỹ năng giao tiếp liên văn hóa vừa phát triển kỹ năng giao tiếp, “tư duy độc lập, phản biện, sinh viên thận trọng, tránh tư duy phiến diện, tự tôn hoặc tự ti, có thái độ khoan dung, cởi mở đối với các khác biệt văn hóa để nhìn ra điểm chung, điểm tích cực” (2). Bên cạnh đó, giáo dục đa văn hóa trong trường đại học giúp người học có hiểu biết đa chiều và sâu rộng về các nền văn hóa trên thế giới, các kiến thức liên ngành giúp người học tự tin hòa nhập, tự tin sáng tạo để có những quyết định đúng đắn trong học tập.

   Mỗi trường đại học cần xây dựng môi trường học tập cởi mở, hợp tác, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau để người học có cơ hội bình đẳng, phát triển năng lực đa văn hóa của mình, giúp họ có năng lực hành động xã hội để chống lại sự bất công, kỳ thị văn hóa, giai cấp, chủng tộc, tích cực hướng về bình đẳng, hòa hợp trong môi trường giáo dục đa văn hóa.

   Trong quá trình hội nhập hiện nay, sinh viên cần nhận thấy sự khác biệt về về văn hóa, do vậy, trong môi trường giáo dục đại học, giảng viên cần trang bị cho sinh viên kiến thức để hiểu biết về văn hóa, từ đó có thái độ tôn trọng, chấp nhận sự khác biệt về văn hóa các dân tộc. Khi được trang bị kiến thức về sự khác biệt văn hóa, sinh viên bước chân vào xã hội hiện đại với sự đa dạng về văn hóa không cảm thấy bỡ ngỡ mà xây dựng được quan hệ bình đẳng, hợp tác giữa các nhóm. Mặt khác, sinh viên vừa tự hào về truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc mình mà còn trân trọng giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy những giá trị mới của văn hóa dân tộc.

   Giáo dục đa văn hóa đòi hỏi giảng viên phải trở thành phương tiện kết nối liên văn hóa, vì vậy, giảng viên cần chú ý đến xây dựng mối quan hệ ứng xử hòa nhã, tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau để trân trọng bản sắc văn hóa dân tộc, học hỏi lẫn nhau giữa giảng viên và sinh viên, giữa sinh viên và sinh viên. Trong bối cảnh kinh tế tri thức phát triển, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sinh viên phải có bản lĩnh, quyết tâm thể hiện bằng ý chí để đạt mục tiêu, thích ứng để thay đổi và phát huy năng lực của bản thân, trước các vấn đề của cuộc sống phải kiên định và mạnh mẽ vượt qua.

   Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giáo dục đa văn hóa giúp sinh viên thích nghi với môi trường đa văn hóa, tăng cường sự hiểu biết và tôn trọng các nền văn hóa, sinh viên xây dựng cho mình kỹ năng giao tiếp đa văn hóa, từ đó “xây dựng hệ thống các giá trị, chuẩn mực, niềm tin, tạo nên nếp suy nghĩ và cảm nhận, cách hành xử văn minh” (3). Vì vậy, để đạt hiệu quả giao tiếp đa văn hóa đòi hỏi sinh viên cần tìm hiểu tập quán, ngôn ngữ để tránh những xung đột, hiểu nhầm, cần kiên nhẫn, lắng nghe, tạo sự cởi mở và trân trọng trong giao tiếp qua chào hỏi, cám ơn theo ngôn ngữ của người đối thoại, điều này mang lại hiệu quả cao trong quá trình giao tiếp của sinh viên.

______________

   1, 2. Nguyễn Duy Mộng Hà, Chương trình giáo dục đa văn hóa ở trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG TP.HCM, Tạp chí Đại học Thủ Dầu Một, số 6 (13) -2013.

   3. Phạm Hương Thảo, Giao tiếp kinh doanh trong môi trường đa văn hóa, Tạp chí Quản lý kinh tế, số 44 (11+12) - 2011.

 

Tác giả: Trần Thùy Linh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 422, tháng 8-2019

 

;