Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Điểm tựa cho phát triển văn hóa

Thực tiễn quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển văn hóa đã cho thấy một số hạn chế bất cập của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa, đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa để điều chỉnh những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An (Ninh Bình) - Ảnh: Ninh Mạnh Thắng

Tài sản văn hóa mang bản sắc dân tộc

Là đất nước có bề dày lịch sử văn hóa, một trong những cái nôi của lịch sử loài người, Việt Nam sở hữu trữ lượng di sản văn hóa phong phú, đa dạng với những nét đặc sắc riêng làm nên giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa và thiên nhiên.

Sau hơn 20 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa (2001) và hơn 10 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) (2009), sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã và đang gặt hái kết quả đáng mừng, tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội của các đơn vị, địa phương góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Hiện nay, cả nước có khoảng 40.000 di tích và khoảng gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, trong đó có: 34 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh (gồm 9 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và 10 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ghi danh), 130 di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng, 3.630 di tích quốc gia, 11.232 di tích cấp tỉnh được xếp hạng, 562 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; có 294 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia, trong đó có 161 hiện vật, nhóm hiện vật được bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị tại các bảo tàng. Toàn quốc có 200 bảo tàng gồm 127 bảo tàng công lập và 73 bảo tàng ngoài công lập, lưu giữ và trưng bày trên 4 triệu tài liệu, hiện vật đặc biệt quý hiếm. Nhà nước đã tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nắm giữ và có công bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, qua các đợt xét tặng đã có 131 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và 1.619 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Các di sản văn hóa đã và đang được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị, thực sự trở thành nguồn lực và động lực cho phát triển.

Đối với tỉnh Ninh Bình, một tỉnh nằm phía Nam đồng bằng sông Hồng, với diện tích 1.412 km2, dân số trên 1 triệu người, được biết đến là vùng đất cố đô, từng là kinh đô của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên của Việt Nam, gắn liền với 3 triều đại: nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý (trong 42 năm, từ năm 968 đến năm 1010). Ninh Bình là nơi duy nhất trong khu vực Đông Nam Á sở hữu Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An, được Tổng Giám đốc UNESCO đánh giá là mô hình quản lý di sản mẫu mực, điển hình trên thế giới về phát huy các giá trị toàn cầu của di sản thế giới, kết hợp hài hòa giữa việc gìn giữ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển kinh tế du lịch, đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Những năm gần đây, tỉnh đã và đang thực hiện nhất quán, hiệu quả định hướng phát triển kinh tế “xanh và bền vững, hài hòa”, lấy bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử cùng truyền thống tốt đẹp của con người vùng đất cố đô làm nguồn lực và động lực phát triển; xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản, một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của quốc gia và khu vực. Không chỉ Ninh Bình, các tỉnh, thành phố có nguồn tài nguyên di sản văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc đã và đang không ngừng nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị di sản trong xây dựng và phát triển kinh tế xã hội. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết hài hòa, hiệu quả những mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển.

Thực tiễn sinh động và những khiếm khuyết được khắc phục

Sau 20 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Luật Di sản văn hóa còn bộc lộ một số hạn chế, nhất là trong xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Mặc dù là luật về lĩnh vực chuyên ngành, song có những điều khoản, quy định của luật còn mang tính nguyên tắc chung, chưa thuận lợi cho việc triển khai trong thực tiễn về quản lý di sản. Một số quy định có tính khả thi chưa cao hoặc không còn phù hợp với thực tiễn cần sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, bảo tàng, di sản văn hóa phi vật thể... Một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung như: Việc phân cấp, phân quyền trong quản lý, bảo tồn, phục dựng/ phục chế di sản; nội dung các hoạt động, cơ chế để thu hút các nguồn lực của xã hội trong công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tại một vài địa phương, việc thành lập và tổ chức hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản văn hóa cho thấy hiệu quả tích cực trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích, di vật, cổ vật. Tuy nhiên, Luật Di sản văn hóa hiện hành còn thiếu quy định về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa dẫn đến việc thành lập và vận hành Quỹ gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, còn khoảng trống các quy định về việc hỗ trợ cộng đồng địa phương tại nơi có di tích, di sản dẫn đến khó khăn trong khuyến khích, thu hút cộng đồng địa phương tự nguyện, tự giác tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Luật Di sản văn hóa hiện hành cũng thiếu các quy định về một số lĩnh vực của bảo tàng, như quy định về chức năng, nhiệm vụ giáo dục và ứng dụng công nghệ của bảo tàng, về chuyển quyền sở hữu đối với bảo tàng ngoài công lập đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài hồi hương; về thẩm quyền, thẩm định các dự án cải tạo, xây dựng, nâng cấp bảo tàng hay dự án trưng bày, chỉnh lý nội dung và hình thức trưng bày bảo tàng, việc đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đi trưng bày, nghiên cứu, bảo quản ở địa điểm khác trong nước… Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã quy định cụ thể những nội dung trên, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động bảo tàng trong giai đoạn hiện nay.

Đối với hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo cam kết với UNESCO, luật hiện hành chưa quy định cụ thể về thẩm quyền, phương thức tổ chức bảo tồn, phát huy giá trị, hạn chế việc ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh…

Đối với di sản tư liệu, một loại hình di sản đặc biệt được lưu trữ ở các cơ quan trung ương, các địa phương, gia đình và dòng họ… với nhiều loại hình, phương cách bảo quản, sử dụng, phát huy giá trị. Hiện tại, Việt Nam đã và đang tích cực xây dựng hồ sơ Di sản tư liệu đề nghị UNESCO xem xét, ghi danh cấp khu vực và thế giới, tuy nhiên, Luật Di sản văn hóa hiện hành còn thiếu các quy định về loại hình di sản đặc biệt này. Nhiều tài liệu, tư liệu có giá trị đặc biệt quan trọng, có nguy cơ bị mai một, biến mất… vì vậy, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã có những điều chỉnh về hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản tư liệu. Các khái niệm loại hình, thuật ngữ, tiêu chí nhận diện, hoạt động kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, quy trình ghi danh và hủy bỏ quyết định ghi danh, các biện pháp tiếp nhận, quản lý, trách nhiệm hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản tư liệu sau khi được ghi danh, thẩm quyền thẩm định các dự án, đề án bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di sản tư liệu, quy định về bản sao di sản tư liệu… đã được làm rõ tại chương IV, Dự thảo Luật (sửa đổi).

Đối với các di sản thiên nhiên, di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên được UNESCO ghi danh, Luật Di sản văn hóa còn để những khoảng trống trong quy định về quản lý bảo tồn, phát huy giá trị; có một số vênh lệch với các văn bản quy phạm pháp luật ở các lĩnh vực khác có liên quan dẫn đến chưa giải quyết ổn thỏa, hài hòa các mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Đơn cử như đối với di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình, di sản có phạm vi khoanh vùng bảo vệ bao chứa hoàn toàn hai di tích quốc gia đặc biệt Quần thể núi đá hang động Tràng An - Tam Cốc - Bích Động; Di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư và các vùng lân cận của hai di tích quốc gia đặc biệt này, trong một số văn bản quy phạm pháp luật của các chuyên ngành khác chỉ đề cập đến việc sử dụng đối với loại đất thuộc phạm vi bảo vệ của “di tích quốc gia đặc biệt thuộc danh mục di sản thế giới”, do vậy việc xác định phần diện tích nằm trong vùng bảo vệ của di sản thế giới và ngoài vùng bảo vệ của di tích quốc gia đặc biệt như trường hợp ở Tràng An gây không ít khó khăn cho việc phê duyệt, thẩm định, tổ chức thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), lần này đã khắc phục căn bản những hạn chế của Luật Di sản văn hóa hiện hành, đồng thời đảm bảo thống nhất và đồng bộ với các bộ luật khác trong hệ thống pháp luật quốc gia, quy định đầy đủ hơn nội dung quản lý/ phân cấp quản lý đối với lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của UNESCO, phù hợp với những cam kết trong các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Thích ứng với thời đại công nghệ số

Với yêu cầu thực hiện chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số có ý nghĩa quan trọng, phục vụ tốt hơn công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển kinh tế di sản, phát triển du lịch bền vững. Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và hệ tri thức Việt số hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi.

Yêu cầu bảo tồn di sản văn hóa được xác định theo hướng “bảo tồn tích cực” - đưa di sản vào phục vụ cuộc sống. Các di sản văn hóa phải được bảo vệ, phát huy và quảng bá, giới thiệu rộng rãi cho công chúng thông qua nhiều phương tiện, phương thức như: trực tuyến, số hóa, điện tử hóa hoạt động. Việc trưng bày, triển lãm ở bảo tàng thông qua ứng dụng công nghệ số nhằm thu hút khách tham quan (cả tham quan trực tuyến và trực tiếp) cũng như gây ấn tượng với công chúng là một xu hướng tất yếu của các bảo tàng hiện đại. Sự phát triển của cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến xã hội, đặt ra các nhiệm vụ liên quan đến quản lý, liên kết, chia sẻ thông tin số.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này đã cập nhật được những vấn đề mới về quản lý, hoạt động, bản quyền, quyền khai thác, sử dụng, lưu trữ… tạo hành lang pháp lý cho việc điều chỉnh hoạt động bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị của di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, đồng thời hỗ trợ việc áp dụng thành tựu công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến khác trong thực hiện quản lý, bảo tồn, lưu trữ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị của di sản văn hóa trong xã hội hiện đại.

Có thể khẳng định, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã cơ bản khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa. Dự luật sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 8, là điểm tựa quan trọng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng, phát triển văn hóa nói chung, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển hiện nay.

Ths VŨ THANH LỊCH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 584, tháng 9-2024

;