Nam Sách xây dựng đời sống văn hóa

Là huyện có phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở khá sớm trong tỉnh Hải Dương, sau hơn 20 năm triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH), toàn huyện có 92% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 89/93 làng, khu dân cư (KDC) đạt danh hiệu làng, KDC văn hoá (96%)… tạo nền tảng vững chắc, góp phần tạo nên những thành quả trong sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn huyện Nam Sách.

Liên hoan “Ca múa nhạc không chuyên huyện Nam Sách” năm 2024

 

Trong những năm qua, phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn huyện Nam Sách phát triển rộng khắp, có sức lan tỏa và thu hút toàn xã hội tham gia, góp phần làm lành mạnh môi trường văn hóa ở các khu dân cư. Về thị trấn Nam Sách hôm nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước diện mạo sầm uất, xứng tầm của một đô thị đang trên đà phát triển. Trên các tuyến đường chính, các cửa ngõ, ngã ba, ngã tư trung tâm… huyện đã đầu tư xây dựng cổng chào, cổng vòm, hệ thống vườn hoa, cây xanh, trụ đèn trang trí… Mỗi công trình, diện mạo của các tuyến phố được tạo dựng đều xuất phát từ tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận vào cuộc trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Không chỉ ở thị trấn, tất cả các thôn, KDC trên địa bàn huyện cũng đạt nhiều thành tích nổi bật trong phong trào, tập hợp được sức dân thi đua lao động, sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Chánh văn phòng UBND huyện Nam Sách cho biết: Để triển khai thực hiện tốt phong trào, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: trên Đài Phát thanh huyện; Cổng thông tin điện tử huyện; Đài Truyền thanh, trang thông tin điện tử của các xã, thị trấn; đăng các phóng sự, chuyên đề về hoạt động của phong trào; thực hiện tuyên truyền trực quan trên pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu. Phổ biến nội dung cơ bản của chương trình trong các cuộc họp giao ban, họp tổng kết ngành và các cuộc họp chi bộ; lồng ghép tuyên truyền tới các câu lạc bộ. Biểu dương các điển hình tiêu biểu trong thực hiện phong trào; phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hạn chế thiếu sót còn tồn tại… Đặc biệt, coi trọng công tác kiểm tra, đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm; gắn xây dựng đời sống văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; nâng cao vai trò, vị trí của cán bộ thôn, KDC trong việc lãnh đạo và vận động nhân dân hưởng ứng phong trào. Đồng thời biết khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của từng cơ sở, tổ chức thực hiện tốt quy chế dân chủ...

Ở Nam Sách, việc thực hiện tốt phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh”, từ đó phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, làng, KDC văn hoá đạt nhiều kết quả khích lệ. Phong trào có tác động tích cực đến việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, khơi dậy truyền thống yêu quê hương, đất nước, tự cường dân tộc. Việc xây dựng danh hiệu làng, KDC văn hóa đã góp phần tích cực vào việc xây dựng các cộng đồng dân cư ổn định về chính trị, từng bước phát triển về kinh tế xã hội. Số làng, KDC đạt danh hiệu làng, khu dân cư văn hóa năm 2023, đạt tỷ lệ 96% (trong đó có 15% số làng, KDC được Chủ tịch UBND huyện quyết định khen thưởng). Nhiều gia đình cùng nhau phát triển kinh tế hộ gia đình và nhân rộng các mô hình làm hay, điển hình nên Nam Sách hiện không còn hộ đói, chỉ còn khoảng 3% số hộ nghèo; tình trạng bạo lực gia đình đang giảm dần. Công tác bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa được thực hiện công khai, dân chủ, đảm bảo theo quy định. Năm 2023, có 92% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Các Gia đình văn hóa luôn là những tấm gương sáng ở cộng đồng dân cư về phấn đấu thực hiện các tiêu chí: gia đình ấm no, bình đẳng, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc; đồng thời đây cũng là những nhân tố tích cực, quan trọng trong việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là cơ sở, nền tảng cho việc thực hiện tốt phong trào xây dựng làng, KDC văn hóa. Các cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”... đạt kết quả tốt, nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của trung ương và địa phương.

Bà Hoàng Thị Thu, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng VHTT huyện Nam Sách cho biết thêm: Thông qua phong trào TDĐKXDĐSVH, huyện thường xuyên chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, nâng cao chất lượng các quy ước, hương ước trên địa bàn toàn huyện; đẩy lùi và loại bỏ các hủ tục, tệ nạn xã hội, các hành vi tiêu cực, tư tưởng, lối sống trái với thuần phong mỹ tục. Năm 2022, có 19 quy ước được UBND huyện ra quyết định sửa đổi bổ sung. Cùng với đó là thực hiện tốt việc cưới, việc tang theo nếp sống mới trong nhân dân; đầu tư, vận động xã hội hóa xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa như: Nhà văn hóa, tủ sách, điểm sinh hoạt văn hóa công cộng... Giai đoạn 2022 – 2023, có 13 Nhà văn hóa được xây mới kiến trúc hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cho nhân dân, kinh phí từ 2,2 tỷ đến 2,5 tỷ đồng/ nhà: Nhà văn hóa thôn Cõi Hưng Sơn (xã An Sơn), Phù Liễn (xã Hồng Phong); Kim Khê, Lâm Xá (xã Phú Điền), Đông Thôn (xã Quốc Tuấn), Đào Xá, An Đoài (xã An Bình), Hoàng Dương, An Lương, Bạch Đa (xã An Lâm), khu Hoàng Hanh, Nhân Hưng, La Xuyên (thị trấn Nam Sách).

Đến nay, toàn huyện có 7 xã đạt Nông thôn mới nâng cao; 3 xã đạt Nông thôn mới kiểu mẫu (trong đó có 2 xã đạt tiêu chí văn hóa là tiêu chí nổi trội: xã An Lâm và Phú Điền). 19/19 xã, thị trấn có Nhà văn hóa (100%); 18/19 xã (94,7 %) có sân vận động đủ điều kiện phục vụ nhu cầu của các hoạt động văn hóa văn nghệ, luyện tập, giao lưu và thi đấu thể thao cho nhân dân. Có 93/93 thôn, KDC có Nhà văn hóa đạt tỉ lệ 100% đảm bảo tiêu chí về diện tích, quy mô, trang thiết bị theo quy định của Bộ VHTTDL; 88 thôn, KDC có sân thể thao (94,6%); 93/93 thôn, KDC có sân tập thể thao đơn giản như: sân bóng đá mini, sân bóng chuyền, sân cầu long, đáp ứng nhu cầu thể dục, thể thao, vui chơi giải trí của người dân trên địa bàn.

Một giải thi đấu bóng chuyền hơi tại huyện Nam Sách

 

Những năm qua, huyện luôn khuyến khích xây dựng các mô hình CLB văn hóa, văn nghệ, CLB thể thao cơ sở với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, thiết thực; quan tâm nâng cao chất lượng các cuộc liên hoan, hội diễn văn nghệ, các giải thi đấu thể thao cấp huyện; tổ chức giao lưu văn nghệ, giao lưu thi đấu thể thao nhân dịp ngày Tết, ngày lễ và sự kiện chính trị của địa phương, cơ sở. Hiện, Nam Sách có 168 CLB văn nghệ cấp xã, thôn, góp phần bảo tồn, phát huy một số loại hình nghệ thuật truyền thống như hát Chèo, Ca trù. 192 CLB thể dục thể thao (TDTD) hoạt động thường xuyên; tỷ lệ số người tập luyện TDTT thường xuyên hằng năm đạt 35% dân số; tỷ lệ gia đình thể thao là 25%. Hiện có 55/93 thôn, khu dân cư lắp đặt gần 400 món dụng cụ thể thao ngoài trời ở nơi công cộng và các khu sân chơi thôn, KDC thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập luyện. Bên cạnh đó, hằng năm các hoạt động lễ hội vẫn được duy trì và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của mỗi người dân. Ngoài phần lễ được tổ chức trang nghiêm thì phần hội cũng được tổ chức sôi nổi bằng nhiều trò chơi dân gian truyền thống. Huyện đã tăng cường giữ gìn an ninh trật tự, hướng dẫn nhân dân loại bỏ những trò chơi ăn tiền, mê tín dị đoan, bảo vệ các thuần phong mỹ tục, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và tâm linh tín ngưỡng cho mọi người dân.

Cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, thể thao... ở Nam Sách ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang hơn. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân luôn được chú trọng và nâng cao. Tình hình an ninh trật tự, xã hội được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đây là một trong những kết quả nổi bật mà Nam Sách duy trì những năm qua. Phong trào TDĐKXDĐSVH được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, đã góp phần làm thay đổi diện mạo của một miền quê đang trên đà phát triển.

 

PHƯƠNG THANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 591, tháng 12-2024

;