NÂNG CAO BẢN LĨNH CHIẾN ĐẤU CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG VÙNG CHIẾN LƯỢC TÂY BẮC

Tây Bắc là địa bàn chiến lược, trọng yếu với nhiều vấn đề về an ninh quốc phòng có yếu tố dân tộc, tôn giáo. Nổi lên trong thời gian gần đây là các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia như bạo loạn, khủng bố, có tổ chức, có vũ trang. Để giải quyết các vấn đề trên, lực lượng cảnh sát cơ động ở vùng chiến lược Tây Bắc nhiều lần ra quân, sử dụng biện pháp vũ trang trấn áp có hiệu quả hoạt động chống phá của các loại đối tượng. Khi bị trấn áp, các đối tượng tội phạm, quần chúng quá khích chống trả quyết liệt, gây không ít thương vong cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát cơ động. Mặt khác, các thế lực phản động còn tiến hành nhiều hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, kích động gây ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát cơ động. Vì vậy, nghiên cứu nâng cao bản lĩnh chiến đấu cho lực lượng cảnh sát cơ động ở vùng chiến lược Tây Bắc là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn lớn, góp phần tích cực nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng này.

Vùng chiến lược Tây Bắc bao gồm 6 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái có diện tích trên 5 triệu ha (chiếm khoảng 15,34% tổng diện tích toàn quốc). Phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây giáp Lào, phía đông giáp vùng Đông Bắc, phía nam giáp các tỉnh Trung du Bắc Bộ. Đây là địa bàn tập trung sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, nhất là người Mông, do những đặc thù về văn hóa, kinh tế, xã hội, các thế lực thù địch và đối tượng phản động thường lợi dụng để tuyên truyền, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ly khai, tự trị trong các dân tộc thiểu số, tạo nhân lõi tư tưởng cho các hoạt động bạo loạn, lật đổ. Tình hình trên làm vùng chiến lược Tây Bắc luôn tiềm ẩn những nhân tố bất ổn về an ninh quốc gia.

Cảnh sát cơ động tại vùng chiến lược Tây Bắc là lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực hiện biện pháp vũ trang trong đấu tranh với các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Cuộc đấu tranh trấn áp tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia thời gian gần đây, nhất là qua giải quyết vụ bạo loạn ở Mường Nhé, Điện Biên năm 2011 cho thấy, lực lượng cảnh sát cơ động ở khu vực này đang và sẽ phải trực tiếp chiến đấu với các loại tội phạm rất nguy hiểm, có tổ chức, có vũ trang với tính chất và mức độ nguy hiểm ngày càng tăng. Để có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu này, lực lượng cảnh sát cơ động ở vùng Tây Bắc phải không ngừng được củng cố, nâng cao về bản lĩnh chiến đấu.

Do đặc thù nhiệm vụ, lực lượng cảnh sát cơ động ở vùng Tây Bắc thường phải chiến đấu ở địa hình rừng núi, trong điều kiện thời gian kéo dài, phức tạp, căng thẳng, điều này đặt ra yêu cầu bản lĩnh chiến đấu của họ phải thường xuyên duy trì ở mức độ cao, đòi hỏi đối với từng cán bộ, chiến sĩ là sự bền bỉ, dẻo dai về thể lực, về sự tỉnh táo tinh thần, ý chí chiến đấu. Mặt khác, thực tiễn chiến đấu trấn áp tội phạm của lực lượng cảnh sát cơ động cho thấy, đối tượng đấu tranh của lực lượng này rất đa dạng, phức tạp, chúng thường xuất hiện dưới “vỏ bọc” là dân thường hoặc trà trộn trong dân thường; chúng có thể là phụ nữ, trẻ em, người già, người tàn tật, thậm chí là người thân của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ, điều đó càng đòi hỏi độ bền bỉ, vững chắc về bản lĩnh chính trị, tâm lý để có để sức đề kháng trước áp lực của dư luận xã hội, sự xuyên tạc, chống phá của kẻ thù. Đặc biệt, quá trình chiến đấu của lực lượng cảnh sát cơ động ở vùng Tây Bắc cũng luôn đối mặt với thương vong, hy sinh mất mát. Trong hoàn cảnh chiến đấu căng thẳng như vậy, cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát cơ động ở khu vực này có vượt qua được áp lực tâm, sinh lý, vượt qua được tự diễn biến tâm lý, tư tưởng, giữ vững được ý chí chiến đấu, tinh thần chiến đấu đến cùng hay không phụ thuộc rất lớn vào bản lĩnh chiến đấu của họ.

Những phân tích trên cho thấy, chính thực tiễn chiến đấu của lực lượng cảnh sát cơ động ở vùng Tây Bắc đặt ra yêu cầu nâng cao bản lĩnh chiến đấu cho họ và để làm tốt vấn đề này, cần thực hiện tốt các nội dung giải pháp sau:

Thứ nhất, không ngừng bồi dưỡng nâng cao độ vững chắc tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát cơ động ở vùng Tây Bắc.

Tinh thần chiến đấu của lực lượng cảnh sát cơ động ở vùng Tây Bắc được cấu thành từ nhiều yếu tố như sự giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, tinh thần kỷ luật, tình cảm thương yêu đồng chí, đồng đội, niềm tin chiến thắng, lòng căm thù cái ác, ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ... của từng cán bộ, chiến sĩ và được hình thành, nuôi dưỡng, phát triển thông qua quá trình giáo dục, bồi dưỡng, huấn luyện thường xuyên và được tôi luyện, thử thách trong thực tiễn chiến đấu. Do vậy, nâng cao độ vững chắc tinh thần chiến đấu cho họ cần tập trung làm tốt các nội dung, biện pháp sau:

Một là, nâng cao giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, ý nghĩa của cuộc chiến đấu phòng ngừa, trấn áp tội phạm cho cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động ở vùng Tây Bắc.

Hai là, nâng cao sự đồng thuận, sự nhất trí cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động ở vùng Tây Bắc với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời có thái độ yêu ghét rõ ràng, dứt khoát với các hành vi vi phạm pháp luật.

Ba là, củng cố, nâng cao mục tiêu chiến đấu, niềm tin vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động ở vùng Tây Bắc đối với tổ chức, đồng đội, vũ khí, trang bị; tin tưởng vững chắc sẽ vượt qua khó khăn và giành thắng lợi. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát huy nhân tố con người phát triển sức mạnh chiến đấu của mọi lực lượng vũ trang cách mạng.

Bốn là, củng cố, nâng cao tính vững chắc ý chí, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động ở vùng Tây Bắc trong cuộc chiến đấu phòng ngừa, trấn áp tội phạm.

Để đảm bảo tốt các nội dung trên, các đơn vị cảnh sát cơ động cần duy trì thường xuyên, nền nếp chế độ tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, đồng thời phải bảo đảm độ ổn định chất lượng, hiệu quả hoạt động này làm cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ luôn thấu triệt đường lối quan điểm của Đảng, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân. Song song với nó, cần làm tốt công tác tư tưởng, chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng trong đơn vị, kịp thời phát hiện, uốn nắn, xử lý những sai phạm, lệch lạc về tư tưởng, luôn đảm bảo sự đoàn kết thống nhất trong đơn vị.

Thứ hai, không ngừng củng cố nâng cao tính vững chắc của trình độ chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động ở vùng Tây Bắc

Trình độ chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động ở vùng Tây Bắc là kết quả tổng hợp của trình độ kỹ, chiến thuật chiến đấu; trình độ pháp luật, nghiệp vụ của từng cán bộ, chiến sĩ và trình độ chỉ huy, hiệp đồng tác chiến của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp của lực lượng cảnh sát cơ động khu vực này. Do vậy, nâng cao tính vững chắc của trình độ chiến đấu lực lượng cảnh sát cơ động cần làm tốt các nội dung sau:

Một là, không ngừng củng cố, nâng cao tính bền vững của trình độ, kỹ năng chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động ở vùng Tây Bắc. Để thực hiện tốt nội dung này, cần không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện chiến đấu; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng chiến đấu; xây dựng các phương án luyện tập, diễn tập sát thực tiễn chiến đấu; nâng cao cường độ và duy trì thường xuyên, nền nếp chế độ huấn luyện thường xuyên, diễn tập và thường trực sẵn sàng chiến đấu.

Hai là, nâng cao trình độ pháp luật, nghiệp vụ của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động ở vùng Tây Bắc. Để làm tốt nội dung này, cần kết hợp chặt chẽ đào tạo cơ bản tại hệ thống các trường công an nhân dân với bồi dưỡng, huấn luyện thường xuyên tại các đơn vị chiến đấu. Đào tạo tại hệ thống nhà trường phải cơ bản, hệ thống, bồi dưỡng thường xuyên tại đơn vị phải sát với nhiệm vụ, hoàn cảnh, yêu cầu chiến đấu của đơn vị, thông qua đó, làm cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát cơ động ở khu vực này luôn hiểu biết sâu sắc về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng đấu tranh; thường xuyên được bổ sung thông tin về âm mưu, phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, những hậu quả to lớn mà các hoạt động phạm tội gây ra cho xã hội… Có thái độ kiên quyết trong đấu tranh với các loại tội phạm.

Ba là, nâng cao trình độ chỉ huy, hiệp đồng tác chiến của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp của lực lượng cảnh sát cơ động ở vùng Tây Bắc. Để nâng cao bản lĩnh chỉ huy cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, trước hết cần có nội dung, chương trình đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chỉ huy cơ bản, hệ thống. Bên cạnh đó, cần đưa họ vào các hoạt động, công tác, chiến đấu của đơn vị, mà trọng tâm và trước hết là chiến đấu, xây dựng đơn vị, huấn luyện chiến đấu, duy trì thường trực sẵn sàng chiến đấu, lấy việc xử lý các tình huống lãnh đạo xây dựng đơn vị, huấn luyện, duy trì thường trực chiến đấu và chiến đấu để rèn luyện bản lĩnh chỉ huy chiến đấu cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy; đồng thời lấy chính kết quả hoàn thành nhiện vụ huấn luyện, duy trì thường trực sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu làm tiêu chí đánh giá bản lĩnh chiến đấu của từng cá nhân lãnh đạo, chỉ huy.

Nâng cao bản lĩnh chiến đấu cho lực lượng cảnh sát cơ động ở vùng Tây Bắc là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, góp phần tích cực nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng này, qua đó góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia ở địa bàn chiến lược Tây Bắc.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Văn Dần, Xây dựng lực lượng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đề tài cấp bộ, 2000.

2. Bùi Quảng Bạ, Nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh vùng chiến lược Tây Bắc trong tình hình mới, trong kỷ yếu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn bảo vệ an ninh quốc gia, 2009.

3. Tô Lâm, Nguyễn Cao Sơn, Nguyễn Việt Hùng, Tư tưởng Hồ Chí Minh về công an nhân dân - giá trị lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2015.

4. Trần Đại Quang, Văn hóa ứng xử công an nhân dân Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016.

5. Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp vũ trang của lực lượng cảnh sát cơ động trong phòng, chống hoạt động thành lập “Nhà nước Mông” tại vùng chiến lược Tây Bắc, đề tài cấp bộ, 2017 . 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 - 2018

Tác giả : BÙI BẢO KIẾM

;