NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM HƯỚNG ĐẾN CỘNG ĐỒNG?

 

LTS: Ngày 10-11-2011, trường Đại học Sài Gòn phối hợp cùng Đại học Mỹ thuật TP.HCM và Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc, tiêu đề Nghệ thuật đương đại Việt Nam hướng tới cộng đồng. Đây là lần thứ hai giới mỹ thuật có cuộc hội thảo về nghệ thuật đương đại. hội thảo đầu tiên do Viện Mỹ thuật (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) tổ chức tại Hà Nội với chủ đề Hình thức và chất liệu trong nghệ thuật đương đại, năm 2005. Tuy nhiên, thực tế hội thảo lần thứ hai này cho thấy, nghệ thuật đương đại Việt Nam đã và đang được nhìn nhận, ứng xử một cách tùy tiện bởi chính các định chế nhà nước như Hội Mỹ thuật, trường đại học. Tình trạng này còn có thể bị kéo dài chưa biết đến bao giờ.

Các đại biểu tham dự khá đông, gồm đại diện Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL), Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo TW, các báo đài cả hai miền, Viện Mỹ thuật, ĐHMT Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Trường ĐHMT TP.HCM… nhưng hầu như các nghệ sĩ đang thực hành làm nghệ thuật đương đại ở ngay tại TP. HCM không có mặt hoặc chính họ không được mời và không biết thông tin. Thuộc nhóm này có lẽ chỉ có nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh và chị Zoe Butt, đại diện của Sàn Art - một địa chỉ nghệ thuật đương đại năng động của TP.HCM hiện nay. Điều này quả thực là khó hiểu khi hội thảo đang bàn về một số vấn đề trong công việc của chính họ.

Báo cáo đề dẫn của ông Đỗ Xuân Tịnh, Trưởng khoa Mỹ thuật, ĐH Sài Gòn cho thấy nội dung hội thảo phong phú, tập trung vào các lĩnh vực: sự hình thành và phát triển của nghệ thuật đương đại Việt Nam, những thành tựu của nghệ thuật đương đại Việt Nam trong quá trình hội nhập với khu vực và quốc tế, nghệ thuật đương đại Việt Nam tiếp cận với công chúng, những bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ.

Tuy nhiên, nội dung hội thảo lại dường như quá rộng so với tiêu đề của chính nó khiến cho chỉ có 6 tham luận được đăng đàn trực tiếp trong cả một ngày và những ý kiến đóng góp của người tham dự không ăn nhập với nhau. Tham luận trước chồng chéo lên tham luận sau, người nghe không thể hiểu hội thảo đề cập chính yếu đến vấn đề gì. Không đưa ra khái niệm chính yếu nhất về nghệ thuật đương đại nên vấn đề cơ bản nhất theo tiêu đề hội thảo hầu như không bàn tới.

Đầu tiên, ông Huỳnh Văn Mười (Uyên Huy) - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM đọc tham luận Để nghệ thuật đương đại tích cực thâm nhập vào không gian cộng đồng Việt Nam. Vì không có khái niệm cơ bản trong hội thảo về nghệ thuật đương đại nên diễn giả và khán giả nhiều khi nhầm lẫn các loại hình nghệ thuật khác như hội họa, điêu khắc, graffity… vào chung là nghệ thuật đương đại (?). Ông Uyên Huy phát biểu: “Tuổi thọ tác phẩm không cần phải vĩnh cửu. Ngày xưa, tranh tượng được bảo vệ, tồn tại hàng trăm năm ở trạng thái tĩnh. Ngày nay, trong nghệ thuật sắp đặt, điêu khắc sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật thân thể, nghệ thuật địa hình, nghệ thuật video có thể được tái hiện hay chiếu lại vào thời gian, địa điểm bất kỳ. Như vậy tính chất nguyên bản và bản gốc có sự linh động hơn theo từng thời điểm khi tái hiện. Đây cũng là sự khó khăn mới đối với tác giả (xưa kia tác phẩm tĩnh, chỉ thể hiện một lần là xong)”. Tác phẩm xưa thì tĩnh, vậy tác phẩm hiện nay phải chăng động hơn?

Ông Uyên Huy còn nói: “Ở Việt Nam, Huế đã đi đầu trong tổ chức không gian điêu khắc ngoài trời”. Nếu nói đến sự đầu tiên này thì phải là trại sáng tác điêu khắc ngoài trời (năm 1997) ở vườn Bách Thảo, Hà Nội. Và vấn đề là, điêu khắc không nằm trong danh mục nghệ thuật đương đại thì làm sao lấy ví dụ gắn liền với môi trường công cộng như chủ đề của hội thảo?

Tham luận thứ hai do Ông Phan Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường ĐHNT Huế chủ yếu nói về hoạt động mỹ thuật cộng đồng trong các festival Huế của nhà trường. Một bài tham luận lệch tâm hoàn toàn so với chủ đề hội thảo đưa ra, mặc dù ông Phan Thanh Bình cũng là một trong số những vị chủ tịch đoàn. Ông chủ yếu nói về mỹ thuật cộng đồng ở Huế chứ không bàn đến nghệ thuật đương đại. Ông cho rằng, đại ý: nhờ có festival Huế định kỳ hai năm một lần, nghệ thuật cộng đồng ở Huế được công chúng chấp nhận và hưởng ứng khá đông. Ông cũng lấy ví dụ: có nhiều nghệ sĩ nước ngoài tham dự festival, khi xem cảnh người ta vãi bỏng ngô, bỏng gạo được nhuộm phẩm màu trong một số lễ cúng vong ở một ngôi làng ngoại vi Huế, đã cho rằng nên đưa hoạt động này trở thành nghệ thuật cộng đồng (?) và ông tỏ ra hào hứng với gợi ý đó.

Hai tham luận mở màn hội thảo thực sự xa rời với chủ đề chính. Sau đó là khoảng thời gian thảo luận trực tiếp tại hội trường về những gợi mở từ hai tham luận nói trên. Một vài ý kiến được phát biểu và cũng có những câu hỏi nhưng chủ tịch đoàn không có câu trả lời nên câu hỏi của khán giả rơi vào hư không.

Tham luận thứ ba được báo cáo trực tiếp là của họa sĩ Trần Lương, curator nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại, tiêu đề Hướng tới cộng đồng là bản chất của nghệ thuật đương đại. Họa sĩ cho rằng trong giai đoạn nghệ thuật này có những hạn chế như: sự phản ánh thực tế đời thường mờ nhạt, nhất là cuộc sống từ bình dân đến trung lưu; chủ quan, biệt lập, tính đối thoại rất thấp; giao diện và tần suất tiếp xúc với xã hội thấp; nghệ sĩ và nghệ thuật không thực sự có tiếng nói trong xã hội và không đóng vai trò đối trọng với quyền lực chính trị, kinh tế trong việc dự báo, bảo trì giá trị đạo đức và nhân văn. Ông phân tích, đánh giá nghệ thuật đương đại hướng đến cộng đồng dưới các dạng sau: nghệ thuật phát triển cộng đồng gồm dự án nghệ thuật cộng đồng, dự án nghệ thuật cư trú và nghệ thuật tương tác; tại sao tác phẩm nghệ thuật giờ đây lại hay dưới hình thức những dự án; nghệ thuật đương đại Việt Nam đã trưởng thành và tiếp cận với thế giới; không gian nghệ thuật phi lợi nhuận làm bệ phóng cho nghệ thuật đương đại Việt Nam trưởng thành; môi trường nuôi dưỡng và ủng hộ nghệ thuật ở Việt Nam ra sao?

Ông cho rằng nhiều lỗ hổng về nghệ thuật làm cho nghệ thuật đương đại Việt Nam đi sai hướng. Những năm trước, trong các dự án phát triển nghệ thuật cộng đồng thì nghệ sĩ để ý đến con người nhưng 10 năm trở lại đây, họ chủ yếu quan tâm đến chính trị, xã hội…

Sau đó, còn trình bày sơ qua về những dự án nghệ thuật cộng đồng mà mình đã thực hiện như: Những giọt nước (2007), Đến với thế giới của chúng em (2009), Simakai (2008), Tôi hòa tan (2006), Ngôi nhà bình yên (2010), Dự án Mạo Khê (1999), Bên bờ sông Hồng (2001), Ông đi qua bà đi lại (2006). Vì không đủ thời gian nên chỉ một số dự án được trình chiếu và giải thích cho người xem, số còn lại được ông trình chiếu vào giờ nghỉ giải lao.

Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân có tham luận Nghệ thuật đương đại sống với cộng đồng với bốn phần chính. Thứ nhất, khái niệm nghệ thuật đương đại và tác động của nó vào cộng đồng như thế nào. Thứ hai, sự xuất hiện của nghệ thuật đương đại từ phương Tây đến các nước ASEAN rồi Việt Nam. Thứ ba, hiện trạng nghệ thuật đương đại Việt Nam hiện nay. Và cuối cùng, lý do tại sao nên ủng hộ nghệ thuật đương đại.

Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đưa ra vài ví dụ về nghệ thuật cộng đồng. Đầu tiên ông chiếu vài phim ngắn của những nghệ sĩ trẻ tham gia lớp học Doclab (Viện Goethe Hà Nội) cho khán giả xem. Sau đó ông chủ yếu nói về nghệ thuật cộng đồng chứ tuyệt nhiên không nhắc đến nghệ thuật đương đại trong bài viết của mình. Ông đặt câu hỏi nghệ thuật cộng đồng ở Việt Nam hoạt động bằng nguồn kinh phí nào? Đây thực sự là là vấn đề vô cùng khó khăn. Với nhóm nghệ sĩ tiền phong và cấp tiến, họ giàu có về ý tưởng nhưng nghèo về tiền bạc. Vai trò của giám tuyển ở Việt Nam hoạt động tự do không có tổ chức hay tài trợ mà nhiều khi họ tự bỏ công sức và tiền bạc ra để phục vụ công chúng. Sự kiểm duyệt chặt chẽ cũng ảnh hưởng không ít đến nghệ thuật cộng đồng. Nguồn kinh phí của nhà nước không tiếp cận với dạng nghệ thuật này... Và cuối cùng ông nói: nghệ thuật cộng đồng không đợi đến khi xã hội phát triển mới làm, mà bản thân nó chính là động lực của những xã hội chậm phát triển có khát vọng dân chủ, nó hướng khán giả bình dân tham gia vào nghệ thuật để nâng cao văn hóa.

Tham luận cuối cùng được trình bày là Mỹ thuật đương đại hướng tới công chúng, kinh nghiệm đào tạo mỹ thuật từ Thái Lan của họa sĩ Võ Xuân Huy (ĐHMT Huế) chủ yếu nói về đào tạo mỹ thuật ở Thái Lan do có một thời gian dài ông học tập và nghiên cứu nơi đất nước chùa Vàng này.

Ngoài 6 tham luận được trình bày còn có 6 tham luận của Đỗ Kỳ Huy: Nghệ thuật cộng đồng và sự tham gia của công chúng: rào cản từ hai phía; Lâm Vinh: Quy luật muôn đời; Lê Quang Đỉnh: Sàn art: Mỹ thuật và cộng đồng; Ly Hoàng Ly: Biển và nghệ thuật sắp đặt của thiên nhiên; Lim Khim Katy: Nghệ thuật đương đại với nữ họa sĩ; Huỳnh Bội Trân: Nghệ thuật cộng đồng: sự hiện hữu vô hình.

Gần 20 năm qua, nghệ thuật đương đại đã thâm nhập và từng bước phát triển tại Việt Nam, xuất hiện một cách thường xuyên và dần được xã hội, đặc biệt là giới trẻ chấp nhận, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các triển lãm, chương trình nghệ thuật ở các địa phương, tập trung chủ yếu và phong phú nhất tại Hà Nội, TP.HCM và Huế. Cùng với đó là sự xuất hiện của một số địa chỉ hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực này như: nhà sàn Đức, studio Đào Anh Khánh, Sàn Art, các trung tâm văn hóa nước ngoài như Viện Geothe (Đức), Trung tâm văn hóa Pháp. Một số quỹ tài trợ cho nghệ thuật đương đại của ĐQS Đan Mạch, Hội đồng Anh cũng hoạt động tích cực, tạo điều kiện thuận lợi về mặt tài chính cho nghệ sĩ… Nhưng, thực tế, đến nay, các môn nghệ thuật đương đại như video art, sắp đặt, trình diễn… chưa được chính thức đưa vào giảng dạy lý thuyết lẫn thực hành mà chỉ tồn tại trong nhà trường dưới dạng những buổi thảo luận nghệ thuật ngoại khóa. Do vậy, những cuộc thể nghiệm nghệ thuật mới thực sự bắt đầu sau khi sinh viên đã tốt nghiệp đại học dẫn đến kết quả đạt được hết sức mơ hồ, may rủi. Cũng từ nhận định của nhiều đại biểu, hoạt động đào tạo mỹ thuật nước ta đến nay cơ bản vẫn không thay đổi, hàng chục năm qua, khung chương trình, giáo trình các môn cơ sở chuyên ngành… được thiết kế gần như là mặc định. Bà Huỳnh Bội Trân cho rằng, hiện vẫn còn nhiều bức xúc liên quan đến hoạt động nghệ thuật đương đại tại Việt Nam dù là phi lợi nhuận, phải nhận tài trợ nhưng vẫn phải đóng thuế. Một số dự án cổ động cho các mục tiêu quốc gia nhưng chưa nhận được sự tài trợ hay ưu đãi về địa điểm tổ chức, giấy phép. Nhiều nghệ sĩ hoạt động tích cực trong lĩnh vực này nhưng vẫn chưa nắm được xu hướng phát triển của nó trên thế giới, do còn yếu kém về trình độ ngoại ngữ, thiếu sự năng động, hạn chế giao lưu với các nuớc… Do vậy, cần có những chính sách ưu đãi, những chương trình đào tạo chính quy về lĩnh vực nghệ thuật này. Các tổ chức xã hội cần quan tâm phát triển nghệ thuật đương đại. Về phía nghệ sĩ cũng cần phải học hỏi, xây dựng các dự án nghệ thuật đương đại phù hợp với truyền thống dân tộc, có ý nghĩa trong việc cổ động các mục tiêu quốc gia, các hoạt động nhân đạo của thế giới.

12 tham luận đều ít tập trung vào chủ đề chính, các ý kiến thảo luận thì cũng ở dạng ông nói gà bà nói vịt, hội thảo đã không thực sự mang tính khoa học, thậm chí còn góp phần làm rối thêm các khái niệm và bản chất của nghệ thuật đương đại và việc nghệ thuật đương đại hướng đến cộng đồng.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 331, tháng 1-2012

Tác giả : Xuyến Chi

;