NGHĨ VỀ ÂM NHẠC MƯỜNG TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP

        Về văn hóa nói chung và nghệ thuật âm nhạc truyền thống nói riêng, mỗi một tộc người có một nét đặc trưng riêng của mình. Mỗi một mảng màu riêng biệt và đặc sắc trong dân ca, dân nhạc của từng dân tộc chính là những giá trị đã được hình thành từ rất lâu đời. Nếu chúng ta để mất đi những đặc sắc đó, tức là để mất đi những cái cơ bản nhất, quan trọng nhất và tinh túy nhất trong cốt lõi của nền văn hóa dân tộc. Việc bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong thời kinh tế hội nhập hiện nay, khi nền âm nhạc dân gian đang biến đổi một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó các giá trị văn hóa, nghệ thuật âm nhạc không phải nhất thành bất biến. Chính vì thế mà việc bảo tồn và phát huy âm nhạc dân gian của tộc Mường nói riêng và các tộc người khác trên đất nước Việt Nam nói chung, là một việc làm hết sức cấp thiết. Trong các nền văn hóa tộc người có sự giao thoa với tộc người đa số (người Kinh) nổi trội nhất phải kể đến tộc người Mường. Đây là tộc người có cùng một nhóm ngôn ngữ và gần gũi với người Kinh. Tuy nhiên âm nhạc của dân tộc Kinh có những nét khác biệt khá xa với âm nhạc của tộc Mường.

        Trong những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, văn hóa truyền thống của tộc Mường có rất nhiều nét độc đáo. Người Mường không có văn tự nên phải truyền dạy cho thế hệ sau bằng phương pháp truyền miệng và truyền nghề từ đời này qua đời khác... Vì thế mà việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy âm nhạc Mường là một việc làm trở nên khẩn thiết. Tình trạng bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể của tộc Mường đang ở mức báo động, các thế hệ nghệ nhân đều đã nhiều tuổi, khiến cho nền âm nhạc của tộc Mường đã dần dần bị mai một. Và điều đáng nói nữa là, thế hệ trẻ ngày nay ít người quan tâm và muốn học cũng như tìm hiểu về âm nhạc dân gian của dân tộc. Với những dẫn chứng nói trên, chúng ta có thể thấy rõ là nền âm nhạc dân gian nói chung và âm nhạc Mường nói riêng đang có nguy cơ bị mai một và thất truyền.

 

 

        Ngày nay âm nhạc dân gian của tộc người Mường đã có nhiều biến đổi, cả tích cực và tiêu cực. Việc giao thoa với nền nghệ thuật âm nhạc của các dân tộc anh em khác trên đất nước Việt Nam, đã bổ sung cho kho tàng nghệ thuật âm nhạc dân gian của tộc người Mường thêm phong phú và đa dạng hơn. Nhưng mặt khác, sự tiếp thu các nền văn hóa, nghệ thuật âm nhạc ngoại lai cùng với sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường hiện nay đã phần nào làm ảnh hưởng tiêu cực tới việc bảo tồn và phát huy vốn cổ âm nhạc Mường. Công tác tìm hiểu, nghiên cứu về âm nhạc của tộc người Mường là một vấn đề mang tính cấp thiết nhằm góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị của nó. Chính vì thế, cần có nhiều các công trình sưu tầm, nghiên cứu về âm nhạc dân gian Mường, nhằm mục đích đưa những di sản văn hóa quý báu của tộc người Mường quay trở về vị trí ban đầu của nó. Công việc đó chính là góp phần vào việc bảo tồn và phát triển nền âm nhạc dân gian Mường nhằm phục vụ cho mục tiêu xây dựng một nền văn hóa âm nhạc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

        Người Mường chưa có chữ viết, nhưng họ có một nền văn hóa nghệ thuật phong phú và mang bản sắc riêng. Bao gồm các thể loại như trường ca, truyện cổ tích, ca dao, tục ngữ, dân ca, thơ nhạc, mỹ thuật. Nổi bật trong đó có trường ca Đẻ đất đẻ nước, nghệ thuật sắc bùa, mo (hát trong tang ma), mợi (hát bói toán)… và các điệu hát đối đáp thường đang, bộ meẹng, ví đúm... Nhạc cụ dân gian Mường cũng rất phong phú như cò ke, ống sáo,...

        Dân ca của dân tộc Mường cũng hết sức phong phú và đa dạng. Trong dân ca có rất nhiều làn điệu khác nhau như: thường đang (rang), bộ mẹeng, hát ví đúm, hát kể, hát phát rác, hát mời trầu, hát ru, đập bông bông... Riêng trong hát ru có 4 làn điệu khác nhau như: u hạy, dạ ơi dạ óm, ru ngày, ru đêm. Người Mường ru con ban ngày một làn điệu khác và ru đêm bằng một làn điệu khác, còn làn điệu u hạy và dạ ơi dạ óm, họ thường dùng cả ban ngày lẫn ban đêm.

        Các làn điệu hát ru của tộc người Mường cũng giống như bao tộc người khác là dùng âm nhạc để ru trẻ ngủ. Cả bốn làn điệu ru như: ru dạ ơi dạ óm, ru ngày, ru đêm, u hạy của tộc Mường đều mang tính chất nhẹ nhàng, trữ tình, khoan thai, trìu mến được thể hiện bằng những giai điệu mượt mà, uyển chuyển, du dương liền bậc, ít khi nhảy quãng xa. Câu nhạc ngắn, các môtip được lặp đi lặp lại nhiều lần, dễ thuộc, dễ nhớ. Lời ca trong hát ru mộc mạc, ngôn ngữ gần với đời thường, thể hiện ước mơ, mong muốn, hy vọng đứa con khi lớn lên sẽ có ích cho xã hội, cho cộng đồng.

        Ví dụ:

 

 

        Ngủ đi em hỡi ngủ đi em nhé

 

 

        Ngủ đi cho ông bà, bố mẹ thương

 

 

        Mai kia khôn lớn đi xây dựng quê hương...

        Bộ meẹng là hình thức hát tự sự, ngâm ngợi; bộ nghĩa là nói, meẹng nghĩa là mồm, bộ meẹng (nói mồm và nói có giai điệu) được dành cho tất cả mọi người, từ thanh niên cho đến người già. Họ có thể hát trong các cuộc vui, đám cưới, ngày hội... khi hai người gặp nhau, khi đến nhà ai đó chơi hay hát thi giữa làng này với làng khác. Bộ meẹng được nhiều người yêu thích. Hình thức hát này không hạn chế về thời gian, kể cả ban ngày lẫn ban đêm có thể hát thâu đêm suốt sáng cũng được, tùy vào khả năng ứng khẩu của mỗi người.

        Âm nhạc của hình thức bộ meẹng có thể chuyển tải được những tâm trạng vui, buồn, những khó khăn trong cuộc sống con người. Bên cạnh tính chất diễn xướng, lời ca của bộ meẹng rất gần với ngôn ngữ giao tiếp thường ngày của người Mường.

        Thường đang là hình thức hát rất tiêu biểu của tộc người Mường. Hình thức này được sử dụng nhiều trong các cuộc vui chơi, đám cưới, nhưng riêng ngày tết, thường đang được hát nhiều nhất. Người ta có thể hát thường đang một mình, hát tập thể, còn những đôi trai gái yêu nhau thông qua tiếng thường, tiếng đang để tỏ tình, ca ngợi quê hương, ca ngợi đất Mường.

 

 

        Những người biết hát ví đúm, thường đang, bộ meẹng đều tự học bằng phương pháp truyền khẩu và học từ khi còn rất trẻ để đi tán tỉnh nhau. Hát thường đang không có nhạc cụ đệm theo. Các bài hát thường không có tiêu đề, nội dung phong phú, có thể hát khen bạn bè khi gặp trên đường, hát kể về cội nguồn, kể về cuộc đời của mình, hát tả về cuộc vui uống rượu... Thường đang cũng được mọi người coi là cội nguồn của hát ví, hát đối. Do vậy mà trong khi hát thường đang, hay bộ meẹng, người ta còn thể hiện tài năng bằng cách ra những câu khó nhất, để đối phương không hát đáp lại được.

        Hát ví (pí) cũng là một thể loại được hát nhiều trong sinh hoạt thường ngày. Hình thức hát là dùng những lời lẽ ví von, mượn cảnh, mượn lời để chuyển tải những ý tưởng của người hát. Nghệ thuật hát ví hay ở chỗ, người hát không nêu rõ sự việc cụ thể nhưng bằng cách ví von mà người khác vẫn hiểu được nội dung sâu xa bên trong câu hát. Hát ví đòi hỏi người hát có một vốn kiến thức nhất định về cuộc sống, có như vậy mới vận dụng lời một cách sáng tạo khéo léo và mới có những lời hát vừa hợp lý, vừa đúng, vừa hay và dễ đi vào lòng người.

        Sắc bùa (một làn điệu được thể hiện bằng cồng chiêng) là một tổ chức phường hội nghệ thuật, chỉ có trong tục chơi xuân, dùng để cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhân dịp năm mới. Trong sắc bùa, việc đánh cồng chiêng được diễn ra theo một trình tự nhất định. Một điều đặc biệt trong sắc bùa là tất cả các trình tự, từ đánh thức cồng trong lúc đi đường đến lúc mở cổng, chúc tụng gia chủ, giao lưu uống rượu, rồi chào chủ nhà để đi tất cả đều được thể hiện bằng câu hát mà không phải dừng lại để nói hay hướng dẫn. Hơn nữa, nếu gia chủ là người giỏi về hát thường đang, bộ meẹng thì có thể khéo léo hát để giao lưu, giữ chân phường bùa ở lại nhà uống rượu và tiếp tục thường đang, bộ mẹng.

        Trên đây là những diễn biến cơ bản một cuộc sắc bùa của dân tộc Mường. Tuy nhiên, ở mỗi một nơi còn có những trình tự được thêm vào, hoặc gắn với một số nghi thức truyền thống của địa phương, để sắc bùa mang nhiều ý nghĩa sâu xa hơn. Sắc bùa đã thực sự là ngày hội của người dân xứ Mường vào những dịp đầu xuân, đây là một phong tục đẹp của dân tộc Mường từ trước tới nay.

        Các loại nhạc cụ của dân tộc Mường khá là phong phú.

        Sáo ôi (ống ôi) là nhạc cụ hơi khi thổi người ta cầm dọc xuống, chiều dài khoảng 50 - 60 cm, gồm 4 lỗ bấm. Sáo ôi có âm sắc sáng nhưng không gắt, như tiếng gió vi vu, rất hợp với những giai điệu buồn man mác. Sáo ôi dùng để độc tấu và đệm cho hát thường đang, bộ meẹng, ví đúm vào các dịp lễ hội, tình yêu trai gái. Đặc biệt là trong những đêm khuya thanh vắng, các chàng thanh niên thường mang ra thổi, tiếng sáo ôi nghe du dương, đằm thắm thiết tha. Sáo ôi khi thổi lên nghe như những lời tự bạch trong tâm trạng, là tiếng lòng, là những lời than thở, lời tâm sự của người thổi sáo. Chuyện được lưu truyền về nguồn gốc của nhạc cụ này như sau: ngày xưa, có một người con bị câm, khi bố mẹ chết, các anh, các em biết khóc than bố mẹ, nhưng người con bị câm thì không thể nói và bày tỏ tình cảm với bố mẹ được, nên đã tự nghĩ ra cây sáo ôi và thông qua giai điệu của cây sáo thể hiện những tình cảm, lòng hiếu thảo của người con đối với cha mẹ đã sinh thành. Ống sáo có cấu tạo giống như sáo trúc của người Việt, có 6 lỗ. Họ thổi trong những ngày vui, ngày hội, ngày tết. Đây cũng là nhạc cụ dùng để độc tấu, đệm cho hát và tham gia hòa tấu cùng với dàn nhạc Mường.

        Kèn kâl (kèn gỗ) là nhạc cụ họ hơi, chi dăm kép. Kèn kâl là nhạc cụ nghi lễ, do nam giới sử dụng, dùng để độc tấu hoặc tham gia cùng với dàn nhạc có trống, chiêng, thanh la. Kèn kâl được làm bằng ống gỗ có độ dài khoảng 40 đến 50cm, trên thân kèn người ta khoét 8 lỗ bấm, với 7 lỗ phía trước, 1 lỗ còn lại nằm ở phía sau, gần với đầu thổi. Khoảng cách của các lỗ bấm được chia đều nhau. Do vậy mà hàng âm của cây kèn này khác với hàng âm của thang âm bình quân. Âm thanh của cây kèn kâl chói, vang xa, nhưng bẹt và hơi ngàn ngạt. Kèn kâl thường đi giai điệu trong hòa tấu dàn nhạc, thường sử dụng trong đám tang thay cho tiếng khóc. Đây là một loại nhạc cụ không thể thiếu trong đám tang của người Mường, bởi họ quan niệm tiếng kèn rất thiêng liêng, nó thể hiện rõ sự tiếc thương của người sống với người quá cố. Trong đám tang, họ thổi kèn lúc hồn ma mới chết, mới được khâm liệm, vào giữa trưa lúc cho ma ăn cơm, vào lúc đêm khuya và lúc tiễn đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng.

        Cò ke là một loại nhạc cụ gần giống đàn nhị của người Việt, họ dây, chi cung kéo. Âm thanh của cò ke gần với giọng nam trung, âm sắc có nhiều tiếng sạn, không trong. Cò ke là nhạc cụ của nam giới. Nó không có các bài bản dành riêng để độc tấu mà chỉ là chơi lại các bài dân ca, hoặc tòng theo giai điệu của các bài dân ca khi đệm cho hát.

 

 

        Đàn bầu, thường được người Mường sử dụng để độc tấu, hòa tấu. Đây là một loại nhạc cụ hết sức độc đáo. Cây đàn này chỉ có một dây và nó có xuất xứ từ người Việt cổ, là niềm tự hào của dân tộc Mường nói riêng và của con người Việt Nam nói chung, nó xứng đáng là một đại diện cho các loại nhạc cụ của Việt Nam. Tiếng đàn bầu khi gẩy lên nghe thật thiết tha, say đắm lòng người. Người xưa có câu làm thân con gái chớ nghe đàn bầu. Hay như một nhà thơ nữ người Pháp nhận xét về cây đàn bầu của Việt Nam: Cây đàn bầu thật giống với con người Việt Nam. Nghèo của cải mà giàu lòng thân ái, giản dị mà thanh cao, đơn sơ mà phong phú.

 

 

        Cồng chiêng là một loại nhạc cụ được làm bằng đồng và chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống sinh hoạt thường ngày cũng như tinh thần của tộc người Mường. Âm nhạc cồng chiêng của tộc Mường đã đi vào những áng thơ ca, văn học, gắn bó với mọi người từ lúc sinh ra cho đến khi qua đời. Cồng chiêng được đưa ra đánh trong các dịp lễ hội xuân, đám cưới, mừng nhà mới, lễ khai hạ, ăn cơm mới, đám ma, hay các cuộc đi săn... Có thể nói, tiếng cồng tiếng chiêng có mặt ở nhiều không gian khác nhau, mọi thời khắc đáng ghi nhớ trong cuộc đời một con người.

         Âm nhạc dân gian của tộc người Mường rất phong phú và đa dạng. Nó chứa đựng những yếu tố nghệ thuật đặc trưng ở thời điểm trình diễn của một vùng miền nhất định. Nó gắn liền với đời sống sinh hoạt thường ngày, trong lao động, trong tình yêu, trong tín ngưỡng... của người Mường và biểu trưng về thế giới quan của chính họ. Hiện nay, âm nhạc dân gian Mường đang bị mai một trước sự hội nhập của nền kinh tế thị trường. Do vậy, sưu tầm, bảo tồn, gìn giữ những giá trị đó là những việc cần phải làm ngay khi chưa muộn. Đồng thời, việc làm này cũng cho họ thấy được những giá trị văn hóa phi vật thể mà chính họ là những người đã tạo ra và đang có. Việc nêu cao ý thức giữ gìn, phát huy, học hỏi từ phía lớp trẻ là những vấn đề cấp thiết phải đặt ra trước sự mai một của âm nhạc dân gian Mường. Việc làm này cần được các tổ chức xã hội, và đặc biệt, những người làm công tác âm nhạc, hết sức quan tâm chú ý. Hy vọng với sự cố gắng đồng bộ đó, dân ca, dân nhạc truyền thống của tộc người Mường ngày càng được giữ gìn, bảo tồn và phát huy trong thời kỳ hội nhập hiện nay.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 325, tháng 7-2011

Tác giả : Bùi Văn Hộ

;